Dầu ăn của công ty BĐS Sao Mai khác gì với dầu ăn của Kinh Đô?
Tập đoàn Sao Mai mới đây đã lấn sân sang thị trường dầu ăn – thị trường vốn trong cảnh “dầu sôi, lửa bỏng” khi Kinh Đô tuyên bố tham chiến và liên tiếp có động thái nâng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex – đơn vị đang nắm thị phần dầu ăn lớn nhất Việt Nam.
Liệu tân binh có nguồn lợi nhuận chủ yếu từ bất động sản này có ‘làm nên chuyện’ với sản phẩm dầu cá Ranee? Gần đây, CTCP Kinh Đô công khai chi gần 530 tỷ đồng mua thêm 27% cổ phần của Vocarimex (sở hữu thương hiệu dầu ăn Tường An), nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 51%, đủ để Kinh Đô nắm quyền kiểm soát Vocarimex. Với ưu thế về hệ thống phân phối mạnh, Kinh Đô là đối thủ đáng gờm cho các doanh nghiệp trên thị trường dầu ăn.
Mới lấn sân sang lĩnh vực dầu ăn chừng 4 tháng trong khi mảng đem lại lợi nhuận chính là bất động sản, Tập đoàn Sao Mai (Sao Mai An Giang, Mã chứng khoán: ASM – HOSE) liệu có “đấu” nổi với Kinh Đô khi hiện tại, thị phần dầu ăn Việt Nam hơn nửa thuộc về Vocarimex? Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Trương Vĩnh Thành – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai - về bước đi mới của doanh nghiệp này.
Tân binh dầu ăn cạnh tranh bằng sự khác biệt
* Sao Mai mới chỉ bắt đầu đầu tư vào dầu ăn trong khi thị trường này đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp với tham vọng chi phối Vocarimex của Kinh Đô. Ông xác định đâu là thế mạnh để sản phẩm mới – Ranee – có thể cạnh tranh trên thị trường này?
Thực tế, thị trường dầu ăn đang rất khốc liệt. Chúng tôi biết các doanh nghiệp dầu thực vật đang phải cạnh tranh gay gắt với nhau để tồn tại. Tại sao Sao Mai dám bước chân vô thị trường khốc liệt khi mình chỉ là lính mới. Chúng tôi đã phải trả lời câu hỏi tại sao người ta phải xài sản phẩm của mình mà không xài sản phẩm của người khác? Khi chúng tôi trả lời câu đó tốt, thấy tự tin thì chúng tôi mới làm. Chúng tôi làm dầu cá cao cấp Ranee để bước chân vào thị trường dầu ăn vì có những khác biệt sau:
- Thứ nhất, chúng tôi có thị trường nguyên liệu sẵn có, giá rẻ (một trong những lĩnh vực kinh doanh của Sao Mai là xuất khẩu thủy sản – PV), chứ không phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
- Thứ hai, sản phẩm dầu cá tự thân nó có thương hiệu. Nói tới dầu cá, bất cứ ai đều có cảm tình rất tốt. Dầu thực vật cũng rất tốt, nhưng nói tới dầu cá, thì có thể xem xét lại.
- Thứ ba, đi sâu về thành phần dinh dưỡng, về công năng, dầu cá có những tính năng rất tốt. Về cảm quan, màu dầu đẹp. Khi chiên khó bị cháy. Có những loại dầu chiên 1 lần đã đen, nhưng dầu cá chiên 2-3 lần vẫn khó bị cháy.
- Thứ tư, ngon.
- Thứ năm, những tính năng rất tốt của dầu cá. Các bạn có thể vào Google để tìm kiếm hàng lô hàng lốc các tính năng tốt này.
Chúng tôi từ đầu cũng đã chọn được công nghệ tốt, sao cho sản phẩm vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa lưu giữ những tính năng tốt của nguyên liệu ban đầu. Kỵ nhất của dầu cá là mùi tanh, chúng tôi đã xử lý được.
* Thị trường của Ranee thì sao?
Thị trường dầu ăn Việt Nam vào khoảng 800.000 tấn/năm. Sản lượng của Sao Mai mới mấy chục ngàn tấn/năm chưa là gì. Nguồn mỡ cá của Đồng bằng Sông Cửu Long khoảng 140.000 – 150.000 tấn/năm, chúng tôi chưa xài hết, mà có xài hết thì cũng chỉ là một phần rất bé so với nhu cầu của thị trường.
* Phân khúc dầu ăn Sao Mai hướng tới?
Thuộc phân khúc cao cấp. Giá chai nhỏ cỡ 44.000 đồng/chai, ngang với giá dầu ăn Simply. Còn chất lượng cứ để khách hàng kiểm chứng.
* Ban lãnh đạo sẽ làm những gì để "đấu" với các doanh nghiệp khác trên lĩnh vực này?
Nói để "đấu" thì căng thẳng, nhưng chúng tôi sẽ làm những gì tốt nhất để khách hàng lựa chọn. Chúng tôi không có ý định làm gì các doanh nghiệp khác.
* Kế hoạch phân phối Ranee ra sao?
Hiện Sao Mai tự làm phân phối. Nói chung, sản phẩm rất tốt nhưng phân phối không như chúng tôi nghĩ. Nó cần thời gian và chúng tôi đang làm rất quyết liệt. Hiện Ranee đã vào một số siêu thị như Coop mart, Fivimart... Hàng của chúng tôi đã có ở các siêu thị từ miền Trung trở vào, còn ngoài miền Bắc qua Tết mới có.
* Tốc độ bán và tăng trưởng doanh thu ra sao?
Tốt. Nhưng sản lượng tổng thể chưa đạt như kỳ vọng vì mới có 4 tháng. Chúng tôi chưa có sẵn hệ thống phân phối.
* Sao Mai có kế hoạch liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài?
Sản phẩm dầu cá hiện có nhiều đối tác đang làm việc với chúng tôi, nhưng chưa xong. Ví dụ thị trường Singapore có người đặt vấn đề sẽ lấy dầu của mình đóng thương hiệu, mẫu mã của người ta.
TPP có lợi về các mặt
* Theo ông, đâu là cơ hội, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi Việt Nam tham gia các hiệp định quốc tế sắp tới như TPP?
Từ nỗ lực của Chính phủ, các biện pháp vĩ mô nhằm kiềm chế lạm phát, hạ lãi suất, giảm nợ xấu, ngân hàng tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn... đó là những tín hiệu rất rõ ràng cho thấy năm 2014 có khởi sắc hơn so với năm 2013. Đây là những tiền đề rất tốt cho những năm tiếp theo với các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, việc tham gia các hiệp định quốc tế như FTA hay TPP sẽ giúp cho cơ hội của chúng ta lớn hơn nhiều.
Tất nhiên, cơ hội đi cùng với thách thức. Ngoài việc chúng ta được mở rộng thị trường, có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp khác, đồng thời cũng phải có sự chuẩn bị rất tốt để cạnh tranh ngay trên sân nhà.
* Với riêng Sao Mai, thì TPP có cơ hội và thách thức gì?
Các sản phẩm chính của chúng tôi, lớn nhất là thủy sản, kế đến là bất động sản, thực phẩm, và du lịch.
Đối với thủy sản, hầu như chúng tôi xuất khẩu. Lâu nay, chúng tôi đang cạnh tranh trên sân nhà người ta, giờ người ta mới tới nhà mình, hổng sao. Trên lĩnh vực này, TPP rất có lợi. Ví như Tây Ban Nha đánh thuế cá tra giờ là 18%, sắp tới TPP có hiệu lực, cá tra phải giảm thuế, mình xâm nhập thị trường nước ngoài dễ hơn. Về thủy sản, TPP chỉ có lợi.
- Bất động sản: không sợ. Chúng tôi bán đất nền là chính. Lĩnh vực này nước ngoài vào đây đã lâu rồi, cũng vậy thôi.
- Du lịch: càng tốt. Nước ngoài vào thì du lịch càng có cơ hội để phát triển.
- Cuối cùng là thực phẩm: Dầu của chúng tôi có sự khác biệt. Lần đầu tiên trên thế giới có dầu cá tinh luyện. Trước giờ dầu cá chỉ làm thực phẩm chức năng, hoặc dầu ăn cho trẻ em. Nhưng dầu cho trẻ em từ cá thường có mùi tanh.
Với TPP, tác động cụ thể đến các sản phẩm của chúng tôi hầu như chỉ có cơ hội.
* Xin cảm ơn ông!
Nội dung nổi bật:
- Lãnh đạo Sao Mai khẳng định doanh nghiệp có 5 yếu tố khác biệt khi bước vào thị trường mà các doanh nghiệp dầu ăn đang phải cạnh tranh gay gắt để tồn tại, dù khâu phân phối – thế mạnh của đối thủ Kinh Đô – chưa được như kỳ vọng
- Một doanh nghiệp Singapore đã đặt vấn đề mua sản phẩm dầu cá Ranee nhưng đóng thương hiệu, mẫu mã của doanh nghiệp đó để bán trên thị trường quốc tế
- TPP sẽ đem lại cơ hội cho Sao Mai trên hầu hết các lĩnh vực, lãnh đạo Tập đoàn khẳng định
Thu Thủy
Nguồn Trí Thức Trẻ