Lotte: Cờ đã vào thế

"Pháo đầu" thị trường bán lẻ

Với mục tiêu dẫn đầu thị trường bán lẻ, Lotte đang tăng tốc đầu tư, mua lại các "khu đất vàng"

Dù thất bại nhưng Tập đoàn Lotte cũng gây xôn xao giới đầu tư lẫn báo chí trong cuộc chạy đua với Hanel mua lại 70% cổ phần tại khách sạn Daewoo (Hà Nội) hồi tháng 6 vừa rồi.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây, Công ty TNHH Trung tâm thương mại (TTTM) Lotte Việt Nam đã trình văn bản lên Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM xin chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài; thông qua việc mua lại 20% vốn điều lệ của Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Thương mại Minh Vân, đối tác trong liên doanh phát triển các dự án mang thương hiệu Lotte Mart tại thị trường Việt Nam.

Động thái này của nhà đầu tư Hàn Quốc đã được các chuyên gia trong ngành bán lẻ dự đoán trước khi thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa hoàn toàn (kể từ ngày 1/1/2009).

Theo Giấy chứng nhận đầu tư do Bộ Kế hoạch Đầu Tư cấp tháng 10/2006, vốn điều lệ của Công ty TNHH TTTM Lotte Việt Nam là 15 triệu USD. Khi đó, phía Việt Nam (là doanh nghiệp Minh Vân) góp 20%, tương đương 3 triệu USD, còn đối tác Hàn Quốc (Lotte Shopping Co.Ltd, công ty con của tập đoàn Lotte) góp 80%, ứng với 12 triệu USD. Tất cả vốn góp của hai bên đều là ở dạng tiền mặt.

Ngoài ra, tổng vốn đầu tư các dự án của Công ty TNHH TTTM Lotte Việt Nam (tính đến thời điểm tháng 6/2010) được ghi nhận là 175 triệu USD (bao gồm 75 triệu USD cho dự án Lotte Mart trên đường Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, quận 7 và 100 triệu USD cho dự án tại đường 3/2, P.15, quận 10, TP.HCM). Hầu hết, mặt bằng của hai dự án này đều do Lotte mua lại của các doanh nghiệp Việt Nam.

Lotte: Cờ đã vào thế

Tháng 3/2012, trả lời phỏng vấn Báo Doanh Nhân Sài Gòn về việc, tại sao trong năm 2011, Lotte không mở thêm bất kỳ TTTM nào, trong khi các đối thủ trong cùng ngành như BigC, Aeon... đều tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam, ông Pyong Gyu Hong, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lotte Việt Nam, cho biết, năm 2011 là năm bước ngoặt của Lotte tại thị trường Việt Nam khi kết thúc thành công tiến trình tăng vốn cho liên doanh đã được xúc tiến từ hai năm về trước.

Hơn nữa, giấy phép đầu tư điều chỉnh chỉ mới được chấp thuận vào cuối năm 2011 nên trong năm vừa qua, họ chưa thể triển khai thêm TTTM mới.

Thực tế, Lotte Việt Nam đã có hai lần (vào năm 2010 và 2011) gửi văn bản đến Sở Kế hoạch Đầu tư TP đề nghị được tăng vốn điều lệ của công ty liên doanh thành 65 triệu USD, tức tăng thêm 50 triệu USD.

Song, tại thời điểm này, Sở chưa chấp thuận vì chưa có sự đồng thuận của đối tác Việt Nam trong biên bản và quyết định của Hội đồng thành viên.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Lotte Việt Nam tính đến thời điểm đề nghị tăng vốn vẫn chưa có lợi nhuận. Với một nhà đầu tư có tiềm lực như Lotte Shopping, việc góp 40 triệu USD trong lộ trình tăng vốn này là chuyện không quá khó, nhưng với đối tác Việt Nam, thay vì phải góp thêm 10 triệu USD (trên 200 tỷ đồng) thì quyết định bán lại 20% cổ phần ngay trong thời điểm này xem ra là phương án khả thi nhất.

Tuy nhiên, lộ trình của thương vụ trên lại khiến không ít người trong giới bán lẻ liên tưởng đến câu chuyện liên doanh của Coca-Cola Việt Nam cách đây gần 14 năm.

Như vậy, nếu đề xuất thành lập 100% vốn nước ngoài của Lotte được TP phê duyệt thì họ sẽ chủ động hơn trong các chiến lược kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Và như thế, năm 2012 mới là thời điểm “bản lề” của họ.

Cùng với việc mua lại 20% cổ phần của Minh Vân, Lotte Việt Nam cũng đang từng bước tăng dần sự hiện diện. Theo ông Pyong Gyu Hong, chiến lược của Lotte là mở rộng hệ thống lên 60 TTTM đến năm 2020. Riêng trong năm nay, họ sẽ mở hai trung tâm, tại Hà Nội và TP. Đà Nẵng.

Tuy nhiên, nếu mang con số này so sánh với thị trường Trung Quốc hay Indonesia thì vẫn còn quá nhỏ. Vì chỉ riêng năm 2011, Lotte Shopping đã đã mở 12 trung tâm tại Trung Quốc và 6 trung tâm tại Indonesia. Song, nếu xét về mặt doanh thu, thị trường Việt Nam lại có nhiều tiềm năng, với mức tăng trưởng đạt 47,5%; trong khi ở Trung Quốc là 7,8% và Indonesia là 13,7%.

Báo cáo thường niên năm 2011 của Lotte Shopping cho thấy, mục tiêu là tiếp tục mở thêm các TTTM Lotte Mart trong năm 2012 và đây chính là một phần trong chiến lược dẫn đầu ngành công nghiệp bán lẻ của Lotte tại các thị trường trong khu vực.

Quay trở lại thị trường Việt Nam, để phục vụ cho mục tiêu 60 TTTM, nhà đầu tư này vẫn âm thầm tìm kiếm nhiều “khu đất vàng” tại các thành phố lớn.

Thông tin từ giới đầu tư bất động sản tại TP.HCM cho thấy, hiện Lotte đã gần như đặt chân vào dự án Metropolis Thảo Điền (quận 2, nằm dọc Xa lộ Hà Nội), một ví trí mà không ít nhà bán lẻ khác phải tiếc ngẩn ngơ vì vốn dĩ họ phải “đỏ mắt” tìm mặt bằng đẹp.

Lotte: Cờ đã vào thế

Ngoài ra, mới đây, theo thông tin mà Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) công bố thì họ đã thu về 96 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng dự án TTTM Hùng Vương I tại TP.Phan Thiết cho Lotte Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Quyết, Giám đốc Kinh doanh Công ty NBB cho biết, hai bên đã bắt đầu làm việc từ tháng 11/2011 và tháng 3/2012 đã ký biên bản ghi nhớ về dự án. Đến ngày 29/6 vừa rồi, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Lotte.

Theo cam kết với tỉnh, Lotte sẽ phát triển khu đất (diện tích trên 7.000 m2) này thành TTTM 7 tầng (quy mô 35.000 m2 sàn, bao gồm các hạng mục: siêu thị, khu giải trí và văn phòng điều hành), với tổng vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD. Như vậy, theo dự kiến, vào năm 2013, Lotte sẽ đưa trung tâm này đi vào hoạt động.

"Chiếu tướng" Bibica

Nôn nóng mua lại Bibica để chiếm miếng bánh lớn trong thị trường bánh kẹo

Không chỉ thể hiện chiến lược dấn sâu vào ngành công nghiệp bán lẻ tại thị trường Việt Nam, Tập đoàn Lotte cũng có mối quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực sản xuất bánh kẹo nhưng xem ra, ở “lối đi” này, Lotte đã vấp phải đá.

Theo đó, cuối năm 2007, Lotte Cofectionery - một công ty thuộc Tập đoàn Lotte đã ký kết văn bản mua lại 30% cổ phần của CTCP Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica).

Phát biểu trong lễ ký kết khi đó, ông Trương Phú Chiến, Chủ tịch HĐQT của Bibica nhận định, việc hợp tác với Lotte sẽ mở ra những cơ hội phát triển cho Bibica trong thời gian tới. Đối tác có kinh nghiệm trong các lĩnh vực Bibica đang họat động, có thể tư vấn định hướng chiến lược, tư vấn quản trị điều hành, quản trị tài chính, các cơ hội và các dự án đầu tư mới cho Công ty.

Cuộc hôn nhân này vào thời điểm đó đình đám đến mức kỳ vọng của giới đầu tư trong nước đẩy giá cổ phiếu BBC tăng lên mức 6 con số, gấp 4-5 với thời gian trước đó.

Dù vậy, vài năm sau khi Lotte trở thành cổ đông lớn nhất tại Bibica, hiệu quả kinh doanh của thương hiệu bánh kẹo lớn thứ hai ở thị trường nội địa không hẳn ấn tượng.

Đơn cử, trên bề nổi 4 năm hợp tác cả doanh thu và lợi nhuận của Bibica đều tăng gấp đôi so với năm 2008, tuy nhiên nếu như doanh thu mỗi năm đều tăng khá đều đặn từ 15-20%/năm thì lợi nhuận của Bibica hai năm gần đây đều thụt lùi so với năm 2009. Hy vọng trở thành nỗi thất vọng, cổ phiếu BBC có lúc đã rơi trở về mệnh giá.

Cuối quý I năm nay, một lần nữa, thông tin về “cuộc hôn nhân Bibica - Lotte” lại nóng trên mặt báo khi đối tác Hàn Quốc đề xuất đổi tên CTCP Bibica thành CTCP Lotte - Bibica. Tất nhiên, tham vọng vấp phải sự phản đối quyết liệt giữa các cổ đông nội địa.

Trước ĐHCĐ vài ngày, Ban lãnh đạo Bibica đã gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức, các cổ đông lớn nhằm tranh thủ lá phiếu ủng hộ trong đại hội để ngăn cản tham vọng của Lotte. Sau đó, một văn bản tố cáo một loạt những vấn đề Bibica bị thua thiệt khi bắt tay với Lotte Cofectionery còn được phát tán tới nhiều cổ đông nhỏ khác.

Không chỉ đề cập đến việc đổi tên nhằm từng bước xóa sổ thương hiệu Bibica, lãnh đạo Công ty còn tố cáo Lotte đã thực hiện việc chuyển giá với nhóm sản phẩm xuất khẩu và Bibica thua thiệt trong các dự án hợp tác. Lúc này, giới phân tích mới có dịp nhìn lại sự hợp tác giữa Lotte - Bibica và phát hiện mối quan hệ này không phải bao giờ cũng “cơm lành, canh ngọt”.

Đơn cử, cách đây hai năm, khi Bibica tính chuyện chia thưởng cổ phiếu, ở phiên bỏ phiếu duy nhất, Lotte bỏ phiếu phủ quyết. Lãnh đạo Bibica khi đó phân trần rằng, trong phiên họp trù bị trước đại hội, phía Lotte không bày tỏ thái độ nhưng bất ngờ phản đối công khai do việc chia thưởng ảnh hưởng đến một số quyền lợi của họ.

Sau khi trở thành cổ đông lớn nhất, Lotte đã mua thêm và nâng tỷ lệ sở hữu lên 38% và luôn bày tỏ quan điểm muốn tiếp tục muốn gia tăng tỷ lệ nắm giữ. Tạm thời tham vọng này chưa thực hiện được khi “room” dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại Bibica cạn kiệt.

Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, Tập đoàn Hàn Quốc với doanh số hàng năm đạt 14 tỷ USD hoàn toàn đủ khả năng nâng mức sở hữu lên 49% bằng cách trả giá cao cho các nhà đầu tư nước ngoài khác. Tham vọng thay đổi thương hiệu Bibica hiện bất thành từ sự đoàn kết của nhóm nhà đầu tư nội địa nhưng với tỷ lệ nắm giữ hiện tại, Lotte vẫn tiếp tục sử dụng quyền phủ quyết của cổ đông lớn gây khó dễ cho Ban điều hành Việt Nam.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn