Phát triển bền vững kiểu Manulife
Hơn nửa năm sau khi nhận nhiệm vụ mới tại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Manulife Việt Nam, Tổng Giám đốc Paul George Nguyễn đã đặt ra rất nhiều kế hoạch cho bản thân cũng như doanh nghiệp.
Bên cạnh những mục tiêu kinh doanh và phát triển bền vững, nhà điều hành này còn kỳ vọng sẽ xây dựng Manulife không chỉ trở thành công ty bảo hiểm được khách hàng tin cậy nhất mà còn là một trong những môi trường làm việc hấp dẫn nhất trong lĩnh vực tài chính. NCĐT đã trao đổi với ông Paul George Nguyễn về những định hướng sắp tới của Manulife tại thị trường Việt Nam.
* Lần đầu tiên giữ vai trò Tổng Giám đốc một công ty trong tốp 3 tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, ông phải trải qua những áp lực như thế nào?
Chắc chắn là có không ít áp lực. Manulife Việt Nam là công ty đứng thứ ba tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, nên áp lực đầu tiên là phải rút ngắn khoảng cách với các công ty bạn. Đó cũng là mục tiêu mà tôi đã đặt ra cho bản thân và toàn thể công ty. Phải nhìn nhận rằng chúng tôi vẫn có một khoảng cách khá xa so với vị trí đầu bảng, nhưng với sự hỗ trợ đắc lực từ cấp trên và các đồng sự, tôi tin Manulife sẽ không ngừng phát triển và đi xa hơn mục tiêu của mình.
Một áp lực khác mà tôi muốn chia sẻ chính là mục tiêu của cá nhân tôi. Hơn 25 năm làm việc trong ngành bảo hiểm tại những thị trường như Canada, Mỹ, Hồng Kông, Indonesia và Việt Nam, tôi luôn cố gắng để lại một điều gì đó mà bản thân tôi, gia đình và đồng nghiệp có thể trân trọng. Được giao phó vị trí Tổng Giám đốc tại Manulife Việt Nam, tôi tin rằng đây là một cơ hội quý báu để mình tiếp tục thực hiện mục tiêu đã đặt ra. Đó không chỉ là những thành công về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn là sự phát triển của những người cùng làm việc với tôi. Người Việt rất giỏi và giàu ý chí, nên tôi mong muốn tạo cơ hội để họ chứng minh khả năng của mình. Trong một tập thể có sự đồng lòng, không có gì là không thể đạt được.
* Cụ thể, Manulife Việt Nam sẽ phát triển với định hướng ra sao?
Tôi tiếp tục đặt trọng tâm phát triển của Công ty hướng về khách hàng. Ở Manulife, chúng tôi có hẳn chiến lược toàn cầu cho mục tiêu này, gọi là “Khách hàng là trung tâm”. Điều này được xem như “kim chỉ nam” cho hoạt động kinh doanh của Công ty và luôn được tôi chia sẻ với các cộng sự của mình. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của khách hàng, các bạn sẽ biết cần phải làm gì để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho họ. Quan trọng hơn, đừng vì cạnh tranh hay lợi nhuận mà làm những điều trái với lương tâm của mình. Trong thời gian tới, Manulife sẽ tiếp tục đầu tư vào nội lực, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp của đội ngũ đại lý.
Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của khách hàng, các bạn sẽ biết cần phải làm gì để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho họ.
Ngoài ra, Công ty sẽ tiếp tục phát triển danh mục sản phẩm nhằm mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn cũng như đa dạng hóa và phát triển kênh phân phối mới. Mới đây nhất, chúng tôi đã ký kết hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng với Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), cũng là một bước mở rộng kênh phân phối này. Tôi từng tham gia phát triển rất nhiều sản phẩm bảo hiểm, nên trong năm sau Manulife Việt Nam sẽ giới thiệu thêm nhiều sản phẩm mới phù hợp hơn với kế hoạch tài chính của khách hàng.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi muốn xây dựng Manulife Việt Nam trở thành môi trường làm việc lý tưởng dành cho người Việt. Tuy ngành bảo hiểm đã phát triển được một thời gian, nhưng tôi biết quan điểm của nhiều người vẫn chưa xem nghề đại lý bảo hiểm là công việc lâu dài. Đây là trăn trở không chỉ của riêng tôi mà còn của rất nhiều người gắn bó và có tâm đối với ngành bảo hiểm nhân thọ. Thay đổi suy nghĩ của người Việt đối với nghề bảo hiểm sẽ là điều tôi muốn thực hiện được với Manulife.
* Manulife Việt Nam hoạt động được 15 năm, với khoảng 500 nhân viên và hơn 14.000 đại lý, nghĩa là đã trở thành một doanh nghiệp khá lớn. Ông sẽ làm thế nào để đưa Công ty trở thành nhà tuyển dụng hấp dẫn trên thị trường?
Đúng là doanh nghiệp càng lớn thì càng khó xoay chuyển hoặc thay đổi. Tuy nhiên, Manulife lại có lợi thế là một tập đoàn đa quốc gia với hơn 100 năm kinh nghiệm từ rất nhiều thị trường khác nhau trên thế giới. Chúng tôi có cơ hội rút tỉa được những bài học thành công từ Manulife ở các quốc gia khác, rồi đem về ứng dụng cho Việt Nam một cách uyển chuyển. Trên thực tế, Manulife cũng đã được bầu chọn là nơi làm việc tốt, đứng thứ hai thị trường bảo hiểm Việt Nam và thứ 28 trong các ngành nghề được khảo sát trong cuộc bình chọn “100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” hồi năm ngoái. Tuy nhiên, tôi cho rằng thế là chưa đủ.
Để thay đổi quan điểm rằng nghề bảo hiểm không phải công việc lâu dài, Manulife Việt Nam phải trở thành một hình mẫu trong việc chăm sóc và phát triển nhân viên. Chúng tôi phải quan tâm cả vấn đề lương bổng lẫn môi trường và cơ hội thăng tiến. Bên cạnh những chương trình như People Leaders hay High Potential Employees nhằm tìm kiếm và đào tạo những cá nhân xuất sắc, Công ty cũng đang có kế hoạch triển khai các chương trình nâng cao khả năng thuyết trình và hùng biện bằng tiếng Anh. Kỹ năng này là không thể thiếu nếu muốn phát triển sự nghiệp bên ngoài lãnh thổ Việt Nam hay ngay ở các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Nhân viên người nước ngoài ở Manulife cũng sẽ được khuyến khích học tiếng Việt. Tôi đã sống ở nước ngoài lâu năm, mới về Việt Nam chừng 5 năm, nên giờ đang tích cực “thực hành” và hoàn thiện khả năng nói tiếng Việt mỗi ngày để có thể truyền tải những thông điệp của mình đến đội ngũ chính xác và chân thành nhất. Sau thời gian làm việc ở nhiều quốc gia khác, tôi nghiệm ra rằng nói được ngôn ngữ địa phương sẽ giúp ta kết nối tốt hơn với nhân viên bản xứ, qua đó nâng cao hiệu quả công việc.
Manulife mà tôi mong muốn phát triển phải là một doanh nghiệp nhân văn, cùng chia sẻ lại với cộng đồng những gì đã nhận được bằng cách này hay cách khác.
* Manulife Việt Nam có những sản phẩm “không đụng hàng”, ví dụ như sản phẩm bảo hiểm vi mô cho người nghèo vốn được cho là không đem đến nhiều lợi nhuận. Lý do của việc làm này là gì?
Chương trình bảo hiểm vi mô của Manulife Việt Nam ra đời từ năm 2009, phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm hỗ trợ và chia sẻ gánh nặng tài chính cho hàng trăm ngàn phụ nữ nghèo tại nông thôn. Sản phẩm này giúp họ có được sự bảo vệ về mặt tài chính trước rủi ro tai nạn bệnh tật với mức phí bảo hiểm rất thấp, chỉ 1.000 đồng/ngày. Vì nhiều lý do, trong đó cũng có lý do về doanh số nên hiện chỉ có mỗi Manulife là đang vận hành mô hình bảo hiểm vi mô này. Nói như vậy để hiểu rằng chúng tôi không đặt nặng lời lãi ở sản phẩm. Bản thân tôi khi còn bé từng ở vào hoàn cảnh khó khăn, nên tôi hiểu được tình cảnh của những người nghèo. Bây giờ, mỗi khi đưa ra một sản phẩm mới, tôi đều nghĩ đến những người có hoàn cảnh khó khăn và làm sao để hỗ trợ họ nhiều nhất có thể. Manulife mà tôi mong muốn phát triển phải là một doanh nghiệp nhân văn, cùng chia sẻ lại với cộng đồng những gì đã nhận được bằng cách này hay cách khác. Đó chính là đường lối phát triển bền vững nhất.
Phương Hà
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư