Quỹ đầu tư ngoại và chiến lược 2015
2014 là năm đầy lạc quan với các quỹ đầu tư ngoại tại Việt Nam. Chiến lược năm nay của họ sẽ ra sao?
Kết thúc năm 2014, hầu hết các quỹ đầu tư ngoại tại Việt Nam đều ăn nên làm ra. Ðầu năm mới, bức tranh tiếp tục tươi sáng khi Công ty quản lý Qu y đầu tư Saigon Asset Management (SAM) công bố thông tin tích cực. Theo đó, Quỹ đầu tư Chứng khoán Vietnam Equity Holding (VEH) và Quỹ đầu tư Bất động sản Vietnam Property Holding (VPH) thuộc SAM được LCF Rothschild (Anh) đánh giá là hai trong ba quỹ ngoại tại Việt Nam đạt hiệu quả đầu tư tốt nhất trong năm qua.
Tràn ngập niềm vui
Ðầy lạc quan là tín hiệu chung của các tên tuổi lớn trong làng quỹ đầu tư ngoại trong năm 2014 như VinaCapital, Dragon Capital, Mekong Capital hay SAM.
Báo cáo LCF Rothschild nêu rõ, năm qua, trong số 26 quỹ đầu tư ngoại hoạt động tại Việt Nam, VPH đã dẫn đầu bảng xếp hạng thông qua việc tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) trên mỗi cổ phiếu từ 0,89 EUR lên 1,38 EUR, lợi nhuận tăng 54,4% theo đồng EUR và 34,5% theo USD. Trong khi đó, VEH xếp thứ ba với tăng trưởng NAV từ 2,58 EUR lên 3,48 EUR, lợi nhuận tăng 34.7% theo đồng EUR, 18.7% theo USD. Ðây rõ ràng là kết quả khá tích cực so với cách đây hai năm, khi Tổng Giám đốc Louis Nguyễn của SAM từng nói với chúng tôi rằng “chẳng có gì thú vị để chia sẻ với nhà báo cả”.
Chia sẻ về thành tích của VEH và VPH trong năm 2014, ông Louis cho biết đây là năm đạt hiệu quả nhất của SAM trong bảy năm hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, đội ngũ đầu tư của SAM đã rót vốn vào các ngành có giá cổ phiếu bị giảm sâu trong đầu năm 2014; và bán ra các cổ phiếu bị định giá cao so với giá trị thực trong quý III. Sang quý IV/2014, khi thị trường chứng khoán giảm sâu, hai quỹ của SAM đã hoàn tất việc hiện thực hóa lợi nhuận trước đó, thậm chí còn mua lại được số cổ phiếu đó với giá rẻ.
Một tên tuổi đại diện cho các công ty quản lý quỹ đầu tư cổ phần tư nhân là Mekong Capital cũng đã có một năm khá thành công tại Việt Nam. “2014 là năm tốt nhất đối với các khoản đầu tư của chúng tôi”, ông Chris Freund, Tổng Giám đốc Mekong Capital, cho biết. Theo ông, cả 10 khoản đầu tư thuộc ba quỹ hiện được Công ty quản lý là Mekong Enterprise Fund (MEF), MEF II và Mekong Azalea Fund (MAF) đều đạt hiệu quả đầu tư tích cực.
Trong đó, khoản đầu tư nổi bật nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố kết quả hoạt động với qui mô chuỗi bán lẻ đạt mức 350 siêu thị, doanh thu 15.800 tỉ đồng (tăng 66%), lợi nhuận sau thuế 670 tỉ đồng (tăng 159%). Mới đây, Quỹ MEF II, cổ đông lớn nhất của MWG, đã đăng ký bán ra 2,24 triệu trên tổng số 15,27 triệu cổ phiếu đang nắm giữ để thoái vốn một phần nhằm tiếp tục hiện thực hóa lợi nhuận. Với mức giá đóng cửa ngày 3.2.2015 của cổ phiếu MWG là 120.000 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phiếu mà MEF II còn nắm giữ có giá trị lên tới hơn 1.563 tỉ đồng.
Tương tự, Dragon Capital, công ty quản lý quỹ đầu tư ngoại có hơn hai thập niên hoạt động tại Việt Nam, cũng đạt kết quả khả quan trong năm qua. Báo cáo từ bộ phận nghiên cứu của Dragon Capital hồi cuối năm 2014 nêu rõ, 5 quỹ tại Việt Nam do Công ty quản lý gồm Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), Vietnam Growth Fund Limited (VGF), Vietnam Equity Fund (DCVEUF), Vietnam Debt Fund SPC (VDeF) và Vietnam Property Fund (VPF) đều đạt kết quả tăng trưởng về NAV.
Trong danh mục đầu tư của Dragon Capital vào các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn như Masan (MSN), Hòa Phát (HPG), Vinamilk (VNM), Ngân hàng Á Châu (ACB), Cơ điện lạnh REE (REE) đều có tăng trưởng lợi nhuận. Ví dụ, MSN tăng 3,2%, REE tăng 2,6%. Nhóm cổ phiếu bất động sản trong danh mục của Dragon Capital thậm chí còn đạt kết quả khả quan hơn. Trong tháng 12.2014, cổ phiếu Hà Đô (HDG) tăng 13,6%, Xây dựng Bình Chánh (BCI) tăng 7,4%, Khang Điền (KDH) tăng 5,8%.
Một cây đa cây đề khác trong làng quỹ ngoại là VinaCapital, với tổng giá trị tài sản hiện quản lý lên tới hơn 1,5 tỉ USD, cũng có được tín hiệu tích cực trong năm tài chính kết thúc ngày 30.6.2014.
Theo báo cáo thường niên 2014 của VinaCapital, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) đã có sự thay đổi lớn theo hướng tích cực. Cụ thể, tỉ lệ chiết khấu giữa NAV so với giá chứng chỉ quỹ (CCQ) đã giảm, từ 26% (2013) xuống 23,5%, thấp hơn nhiều so với mức 38,8% của 2012. Năm qua, VOF tiếp tục gia tăng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết như HPG, PetroVietnam Drilling (PVD), Kinh Đô (KDC), lần lượt tăng 103%, 63% và 61%.
Chiến lược cho năm mới
Riêng quý IV.2014, nhà đầu tư ngoại đã rút ròng khoảng 100 triệu USD, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, xu hướng rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam của khối ngoại thời gian gần đây chỉ là tạm thời. Về dài hạn, Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn vốn ngoại.
Ông Chris, Mekong Capital, cho biết Công ty sẽ xúc tiến thoái vốn hoàn toàn khoảng ba khoản đầu tư thuộc Quỹ MEF II và VAF trong số 10 khoản đầu tư còn lại. Nhưng nội dung quan trọng hơn là hoàn tất thành công việc huy động quỹ mới với tên gọi Mekong Enterprise Fund III (MEF III) có quy mô lên tới 150 triệu USD. Đây là một sự kiện lớn đối với Mekong Capital và các quỹ ngoại nói chung tại Việt Nam, do hầu hết đều không thể huy động được vốn cho quỹ mới vì nhiều lý do khác nhau trong suốt ba năm qua. Quỹ mới này dự kiến sẽ chính thức hoạt động trong quý I/2015.
Về chiến lược đầu tư năm nay, lĩnh vực ưu tiên của MEF III vẫn là ngành hàng tiêu dùng với tỉ lệ sở hữu từ 15 - 40% cổ phần, nhưng cũng có thể mở rộng tới mức kiểm soát là 51%. Mỗi khoản đầu tư của MEF III sẽ từ 8 - 15 triệu USD. “Chúng tôi hy vọng sẽ chốt được khoảng ba thương vụ đầu tư mỗi năm cho MEF III”, ông Chris nói.
Xu hướng rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam của khối ngoại thời gian gần đây chỉ là tạm thời. Về dài hạn, Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn vốn ngoại.
Đối với SAM, Công ty sẽ tiếp tục chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu có giá trị vốn hóa vừa và nhỏ. Đầu tư vào những doanh nghiệp này cũng đồng nghĩa với nhiều thách thức và rủi ro trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, nhưng lại là cơ hội khi kinh tế phục hồi.
Cũng với chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu có giá trị vốn hóa vừa và nhỏ, năm qua, Dragon Capital đã đa dạng hóa danh mục đầu tư khi sở hữu một số cổ phiếu có qui mô vốn trung bình như JVC, KBC và SAM. Ðây là những cổ phiếu thuộc các ngành bất động sản và xây dựng, sản xuất công nghiệp, thiết bị và dịch vụ y tế. Xu hướng này dự kiến sẽ được Dragon Capital tiếp tục thực hiện trong năm nay.
Còn Quỹ VOF (VinaCapital) sẽ giảm thiểu việc đầu tư trực tiếp vào bất động sản, tập trung vào cổ phiếu niêm yết, đầu tư các công ty cổ phần tư nhân và tăng khối lượng nắm giữ cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) thông qua các chương trình cổ phần hóa trong năm 2015.
Ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc VOF cho biết, trong năm qua và đầu năm nay, VOF gần như không thoái vốn mạnh đối với các khoản đầu tư vào công ty niêm yết. Quỹ không bán hoàn toàn khoản đầu tư mà chỉ bán bớt một phần khi cổ phiếu lên giá, phần vốn rút về sẽ được đầu tư vào các khoản khác có tiềm năng hơn.
Vĩnh Bảo
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư