Thủ tục “trói” doanh nghiệp quảng cáo

Thủ tục càng phức tạp thì càng kéo theo nhiều loại phí không tên, thậm chí rất tốn kém thời gian, có khi mất cả cơ hội. Đó là câu chuyện chung đang thách thức hầu hết doanh nghiệp làm quảng cáo.

Luật Quảng cáo chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 nhằm thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trong khuôn khổ của pháp luật nhiều doanh nghiệp rất kỳ vọng về một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng như kỳ vọng.

Vướng đủ đường

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong khi tại Khoản 2, Điều 19 của Luật Quảng cáo chỉ yêu cầu “Chính phủ quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đăc biệt”, không quy định các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải xác nhận nội dung trước khi quảng cáo thì Điều 12, Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ lại quy định: “việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quy định từ Điều 3 đến Điều 11 Nghị định này chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo”; đồng thời giao cho “Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực được phân công quản lý hoặc theo phân cấp thẩm quyền xác nhận theo quy định”.

Thủ tục “trói” doanh nghiệp quảng cáo

“Như vậy, Nghị định số 181 thực chất làm phát sinh thêm một loại giấy phép quảng cáo làm giảm tinh thần thông thoáng của Luật Quảng cáo, khiến các DN, đặc biệt các nhà quảng cáo nước ngoài, nản lòng”, ông Nguyễn Thanh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Đà Nẵng cho biết.

Một bất cập khác cũng khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo bức xúc là những khó khăn trong việc xin phép xây dựng công trình quảng cáo. Cụ thể, theo các doanh nghiệp, do chưa có sự đồng bộ giữa các quy định theo Luật Quảng cáo, Luật Xây dựng, Luật Đất đai về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo nên các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo ngoài trời rất khó khăn khi làm thủ tục xin phép. Ông Nguyễn Quang Vinh – PGĐ Cty TNHH TM-DV Mỹ Thuật Khải Hoàn cho biết: Luật Quảng cáo quy định phải có một trong những loại giấy tờ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Luật Xây dựng lại quy định, khi xin phép xây dựng bảng quảng cáo phải có quyền sử dụng đất hợp pháp. Luật Đất đai 2013 quy định đất phải được sử dụng đúng mục đích; phải xin phép Nhà nước khi “chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ” (Điểm d, Điểm g, Khoản 1, Điều 57). “Trong khi đó, các công trình quảng cáo là công trình nhỏ, đơn lẻ; hầu hết đều dựng trên đất nông nghiệp, đất công cộng, chỉ mang tính chất tạm thời, mỗi bảng lớn cũng chỉ sử dụng vài chục m2 đất làm móng trên phần diện tích hàng trăm thậm chí hàng nghìn m2 đất của chủ hộ nên nếu mỗi bảng phải làm các thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định như các công trình lớn, dài hạn khác thì rất khó khăn và càng phức tạp hơn khi hết hạn thuê đất hoặc thay đổi quy hoạch lại phải chuyển đổi lại mục đích sử dụng về đất nông nghiệp, khó khả thi”.

Thủ tục càng phức tạp thì càng kéo theo nhiều loại phí không tên, thậm chí rất tốn kém thời gian, có khi mất cả cơ hội đối với DN quảng cáo.

Theo nhiều doanh nghiệp, hiện nay hồ sơ “thông báo sản phẩm quảng cáo” đối với phương tiện quảng cáo ngoài trời đã được quy định rõ trong Luật Quảng cáo cũng như trong Thông tư Hướng dẫn số 10/2013/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch nhưng nhiều địa phương vẫn đặt thêm những “lệ làng”: Có nơi vẫn yêu cầu nộp giấy chứng nhận logo, nhãn hiệu, yêu cầu bản sao các giấy tờ đều phải có chứng thực (trong khi Luật chỉ quy định đối với văn bản chứng minh quyền sử dụng đất). Có nơi vẫn yêu cầu phải có hợp đồng quảng cáo. Có nơi vẫn yêu cầu đi thẩm định từng địa điểm đặt bảng, treo hộp đèn, hoặc trong khi các cơ quan chức năng xây dựng, quy hoạch, giao thông, môi trường… chưa kịp có văn bản hướng dẫn đã ngừng cấp phép, yêu cầu người quảng cáo phải thực hiện ngay những quy định mới. “Đây là bài toán nan giải đối với doanh nghiệp quảng cáo nên đã có nhiều trường hợp doanh nghiệp phải chấp nhận vi phạm quảng cáo “không phép” hoặc tự tìm cách này hay cách khác để có vị trí treo, đặt bảng quảng cáo dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp”, đại diện một doanh nghiệp cho biết thêm.

DN cần... “mở đường”

Thủ tục càng phức tạp thì càng kéo theo nhiều loại phí không tên, thậm chí rất tốn kém thời gian, có khi mất cả cơ hội đối với DN quảng cáo.

Theo Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, hai năm qua, hoạt động quảng cáo ở VN có phần bị ngưng trệ và giảm sút. Cụ thể, theo đánh giá của Quỹ nghiên cứu Phát triển Quảng cáo (FAR) thuộc trường Đại học USC, Queensland, Australia, mấy năm gần đây, quảng cáo ở Việt Nam có xu hướng giảm do gặp phải những khó khăn vướng mắc, trong đó có phần do cơ chế quản lý còn hạn chế: Năm 2.000 quảng cáo chiếm 0,62% GDP; năm 2010 xuống 0,54%; năm 2014 xuống còn 0,51% và dự báo năm 2016 chỉ còn 0,48% GDP.

Thủ tục “trói” doanh nghiệp quảng cáo

Theo ông Đinh Quang Ngữ - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam thì Chính phủ và Quốc hội cần xem xét bãi bỏ quy định khống chế tỷ lệ diện tích quảng cáo, thời lượng quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình... đang được quy định tại Điều 21, 22 trong Luật Quảng cáo để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam được quảng bá thương hiệu nhiều hơn. “Quan trọng hơn, để có sự nhất quán giữa các văn bản pháp quy. Trong khi chưa được điều chỉnh, đề nghị các Bộ nghiên cứu, tinh giản tối đa thủ tục hành chính trong việc xác nhận nội dung quảng cáo”.

Ông Trương Đình Đức – Giám đốc Cty cổ phần TM-DV văn hóa sự kiện D.A.C (Vietgroup) thì cho rằng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, tránh hiện tượng thủ tục càng phức tạp thì càng kéo theo nhiều loại phí không tên, cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về hồ sơ, quy trình tiếp nhận và trả lời “thông báo sản phẩm quảng cáo” và yêu cầu các địa phương áp dụng thống nhất, không được tùy tiện đặt thêm những quy định khác. Theo ông Đức, khi cơ quan quản lý tiếp nhận hồ sơ “thông báo sản phẩm quảng cáo” thì trừ các giấy tờ quy định tại Điều 31 Khoản 3 Điểm c của Luật Quảng cáo, không được yêu cầu phải chứng thực bản sao đối với các loại giấy tờ khác; khi nhận hồ sơ nếu thấy chưa đầy đủ như quy định, bộ phận tiếp nhận cần hướng dẫn người nộp bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ một lần, tránh phải đi lại nhiều lần và kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính. “Cơ quan quản lý nhà nước không nên hạn chế số lượng sản phẩm một lần xin thông báo; không yêu cầu doanh nghiệp phải tổ chức đi thẩm định từng vị trí quảng cáo vì đã có cơ quan cấp phép xây dựng và tăng cường hậu kiểm. Đối với sản phẩm quảng cáo bằng hộp đèn nhỏ đặt tại các cửa hàng diện tích từ 4 m2 trở xuống không cần phải xin thông báo. Có thể tiến tới nhận hồ sơ (yêu cầu bổ sung hồ sơ) qua mạng để giảm bớt đi, lại cho doanh nghiệp”, ông Đức chia sẻ.

Với quy mô khoảng 1,5 tỷ USD, thị trường quảng cáo Việt Nam được xem là mảnh đất màu mỡ không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, để tạo điều kiện cho DN hoạt động, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo cũng cùng chung ý kiến khi cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cần “bắt tay” để Luật Quảng cáo được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ.

Nguyễn Phước
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp