Tại sao “kẻ độc hành” Aeon quyết định bắt tay Citimart, Fivimart?

Trong 30 năm bước chân ra thị trường nước ngoài, Aeon nổi tiếng với chiến lược tiếp cận một mình chứ không liên doanh, liên kết với hãng bán lẻ nội nào. Tuy nhiên, riêng tại Việt Nam, Aeon phải có một nước cờ khác.

Cái bắt tay đầu tiên trong lịch sử

Thông tin hãng bán lẻ khổng lồ Nhật Bản Aeon mua lại 49% cổ phần Citimart và 30% cổ phần Fivimart có thể không khiến nhiều người ngạc nhiên. Trước đó tới nửa năm, những thông tin về thương vụ này đã bắt đầu rõ rỉ. Tới thời điểm cách đây hơn 1 tháng, việc tất cả các siêu thị Citimart đổi tên thành Aeon-Citimart đã cho thấy “bước đệm” chuẩn bị cho một thương vụ lớn.

Tại sao “kẻ độc hành” Aeon quyết định bắt tay Citimart, Fivimart?Tuy nhiên, một điều có thể khiến nhiều người bất ngờ đó là đối với Aeon, chuyện liên doanh, liên kết với một đối tác bản địa là điều hiếm có trong lịch sử của tập đoàn này.

Trên thực tế, trong 30 năm bước chân ra thị trường nước ngoài, Aeon nổi tiếng với chiến lược tiếp cận một mình. Không liên doanh, liên kết với hãng bán lẻ nội nào, hướng đi của Aeon đó là tự mình phát triển chuỗi siêu thị riêng. Vậy mà khi bước chân vào thị trường Việt Nam, Aeon đã đưa ra một phương án mới chưa từng có. Đó là bắt tay với đối tác ngoại.

Chủ tịch Aeon, Motoya Okada lý giải, việc liên doanh với 2 chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam sẽ giúp Aeon có thể phát triển nhanh chóng tại đây, cũng như tạo bàn đạp tại Đông Nam Á.

“Việt Nam sẽ sớm trở thành một thị trường tiêu thụ khổng lồ, và bắt tay với các đối tác địa phương sẽ là một yếu tố quan trọng, bởi chúng tôi không thấy có khả năng chiến thắng nếu cứ cố gắng phát triển độc lập”, vị chủ tịch của Aeon cho biết.

Hai cái tên nội được xướng lên đó là Citimart và Fivimart. Fivimart hiện đang vận hành 20 siêu thị trên cả nước, chủ yếu tập trung ở Hà Nội còn Citimart thì có 27 siêu thị đang vận hành chủ yếu tập trung tại T.p Hồ Chí Minh. Doanh thu hàng năm của cả hai chuỗi siêu thị trên ước tính vào khoảng từ 950 đến hơn 1000 tỷ đồng.

Với việc bắt tay với cả 2 tên tuổi lớn ở hai thành phố quan trọng nhất Việt Nam, Aeon không giấu giếm tham vọng muốn thâu tóm thị trường bán lẻ Việt. Từ chối công bố số tiền bỏ ra để hoàn tất thương vụ, nhưng Aeon cho biết, thông qua sự hỗ trợ của liên doanh, tập đoàn Nhật Bản kỳ vọng sẽ gia tăng doanh số tại Việt Nam lên 100 tỉ yên (khoảng 18.000 tỉ đồng), đồng thời phát triển mạng lưới 200 cửa hàng nhanh nhất có thể.

Trước khi thương vụ với Fivimart và Citimart được chính thức công bố, Aeon hiện đang có 2 trung tâm thương mại lớn Aeon Mall ở phía Nam. Kế hoạch dự kiến của tập đoàn này là tới năm 2020, Aeon sẽ có 20 trung tâm Aeon Mall tại Việt Nam.

Tại sao “kẻ độc hành” Aeon quyết định bắt tay Citimart, Fivimart?

Việc liên doanh với 2 chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam sẽ giúp Aeon có thể phát triển nhanh chóng tại đây, cũng như tạo bàn đạp tại Đông Nam Á.

Thích nghi cơ chế hay sốt sắng đầu tư

Aeon đã tiến sang thị trường Đông Nam Á từ những năm 80. Tại Malaysia, nơi Aeon phát triển hùng mạnh nhất Đông Nam Á, tập đoàn này có những chuỗi trung tâm mua sắm, siêu thị và các cửa hàng độc lập.

Việt Nam hiện tại đang có nhiều điểm tương đồng với Malaysia, với 90 triệu dân và bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 20%, thị trường vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Tuy nhiên, tại sao Aeon từng chiến thắng vang dội tại Malaysia, nhưng lại nói mình “không có cơ hội chiến thắng khi phát triển độc lập tại Việt Nam”?

Quyết định liên doanh trái ngược so với tính cách của Aeon cho thấy 2 điểm đáng chú ý. Đầu tiên, có thể thấy gã khổng lồ Nhật Bản đang muốn né tránh sự can thiệp của cơ chế chính sách.

Khi ngành bán lẻ Việt Nam vẫn còn yếu, chính phủ nước ta vẫn có những động thái can thiệp để hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc mở mới một trung tậm độc lập đối với nhà đầu tư ngoại như Aeon sẽ đòi hỏi qua nhiều thủ tục pháp lý. Vì vậy, để tránh những bất lợi về chính sách, liên doanh với các đối tác nội sẽ là một đáp án phù hợp cho Aeon.

Tại sao “kẻ độc hành” Aeon quyết định bắt tay Citimart, Fivimart?

Hàng loạt sự kiện sôi động diễn ra của ngành bán lẻ chỉ trong vòng một năm qua

Có bắt tay, Aeon mới có thể đẩy nhanh tiến độ mở cửa hàng. Trong liên doanh, hàng hóa của Aeon sẽ được đưa vào Fivimart và Citimart, đồng thời Aeon cũng có thể kết hợp với hai nhà bán lẻ Việt để tạo ra dòng sản phẩm riêng, cung như tăng cường mạng lưới phân phối.

Điểm thứ hai mà ta có thể thấy đó là Aeon đang muốn đẩy nhanh hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam. Tiềm năng của ngành bán lẻ, siêu thị tại Việt Nam không phải chỉ có mình Aeon nhận ra. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, có thể kể ra hàng loạt các hãng bán lẻ thuộc hàng top thế giới vào Việt Nam. Đó là Lotte của Hàn Quốc, Takashimaya, Family Mart của Nhật Bản hay mới đây là Berli Jucker của Thái Lan. Ở trong nước, Vingroup cũng nhảy vào và đang tăng số lượng chuỗi siêu thị Vinmart lên rất nhanh. Đấy là chưa kể những “tay chơi” kỳ cựu như Big C của Pháp.

Tất cả những cái tên kể trên đều có tiềm lực không thua kém gì Aeon và cũng rất coi trọng vào thị trường Đông Nam Á. Nếu cứ chỉ trông chờ vào việc tự phát triển chuỗi Aeon Mall, Aeon có thể chậm chân so với các đối thủ khác.

Bản thân những nhà đầu tư ngoại khi đến Đông Nam Á cũng nhanh chóng tìm kiếm những đối tác nội địa giàu tiềm năng để thành lập liên doanh. Lotte, chẳng hạn, đã kịp thâu tóm chuỗi siêu thị lớn tại Indonesia trước khi Aeon kịp đặt chân tới quốc gia này. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi Aeon đã chỉ định Nagahisa Oyama, giám đốc điều hành bộ phận Đông Nam Á của Aeon, sẽ trực tiếp điều hành hệ thống tại Việt Nam kể từ tháng 2/2015.

Nếu cứ chỉ trông chờ vào việc tự phát triển chuỗi Aeon Mall, Aeon có thể chậm chân so với các đối thủ khác.

Đông Nam Á hiện chiếm khoảng 30% doanh thu của Aeon. Hãng bán lẻ Nhật hiểu rằng nếu không nhanh tay tại Việt Nam, họ sẽ sớm mất thị phần vào tay đối thủ.

Về phía các nhà bán lẻ nội địa, với dư địa thị trường còn quá lớn cộng hưởng với chiến lược “lách cơ chế” qua liên doanh, liên kết, các nhà bán lẻ nội có thể thấy rằng thương vụ của Aeon sẽ không phải là trường hợp cá biệt.

Các nhà đầu tư ngoại muốn bành trướng tại Việt Nam sẽ tìm kiếm và sẵn sàng bắt tay với đối tác nội, miễn là các doanh nghiệp này đủ tiêu chuẩn. Liên doanh cũng mang lại lợi thế cho các nhà bán lẻ ngoại đó là các đối tác nội sẽ hiểu tâm lý khách hàng và thị trường tốt hơn. Vì vậy, trong tương lai, thị trường sẽ còn chứng kiến thêm nhiều "cái bắt tay" khác giữa tên tuổi ngoại với đối tác nội.

Trang Lam
Nguồn Diễn Đàn Đầu Tư