Những thảm họa đáng xấu hổ của ngành quảng cáo
Dưới đây là những chiến dịch quảng cáo thất bại gây tốn kém và nguy hiểm, khiến danh tiếng của các thương hiệu bị hủy hoại. Danh sách do trang The Richest đưa ra.
1. Kẹo giảm cân Ayds
Ayds là loại kẹo giảm cân nổi tiếng được giới thiệu từ năm 1930. Tuy nhiên, sau khoảng 40 năm thành công, Ayds phải đối mặt với một vấn đề, khi hội chứng AIDS xuất hiện. Bất chấp mối bận tâm của dư luận, rằng Ayds và AIDS phát âm giống nhau, các nhà sản xuất kẹo vẫn không chịu chấp nhận sự đồng âm này. Hãng tiếp tục sử dụng những dòng quảng cáo như “Ayds giúp kiểm soát sự thèm ăn”, “Ayds giúp bạn eo thon dáng gọn”. Tệ hơn nữa là: “Tại sao phải uống thuốc giảm cân trong khi có phương án khác là Ayds?”
2. Hội thi Bucket List của hãng hàng không Malaysia
Thảm họa xảy đến với các chuyến bay mang số hiệu MH370, MH17 của hãng hàng không Malaysia và chuyến bay mang số hiệu QZ8501 của Air Asia trong năm 2014, đã cướp đi sinh mệnh của 986 hành khách và phi hành đoàn. Mới đây, hãng hàng không Malaysia đã tổ chức Bucket List - hội thi viết về những nguyện vọng trước khi chết, để người tham gia có cơ hội nhận được những tấm vé đi máy bay miễn phí. Đây là một chiến dịch không thể tồi tệ hơn. Sau khi hứng chịu gạch đá dư luận, hãng này đã phải lên tiếng xin lỗi, đồng thời đổi tên của cuộc thi.
3. Bóng bay của tổ chức từ thiện United Way phá hủy thành phố Cleveland
Tổ chức từ thiện United Way quyết định lập kỷ lục thế giới về màn trình diễn bóng bay lớn nhất từ trước đến giờ, với 1,5 triệu trái bóng được bơm khí Heli. Những chùm bóng nhẹ nhàng bay trên nền trời Cleveland, nhưng thật không may, một cơn bão ập đến làm cho chúng lao thẳng xuống đất.
Chẳng mấy chốc không gian thành phố Cleveland tràn ngập bóng bay, đội cứu nạn không thể thực hiện nhiệm vụ của mình, khiến 2 người phải bỏ mạng. Thậm chí tệ hơn nữa là các vùng nước bị bóng bay phủ kín, gây cản trở cho việc xác định vị trí nạn nhân.
Như vậy, thay vì tạo ra cơ hội để gây quỹ, United Way đã đem lại chết chóc. Tổ chức này đã phải bỏ ra nhiều triệu USD để giải quyết ổn thỏa vụ kiện, cũng như thảm họa môi trường mà mình gây ra.
4. Hong Kong sẽ khiến bạn phải nín thở
Năm 2003, cả thế giới tập trung sự chú ý vào hội chứng phổi hô hấp cấp tính đang lan rộng trên toàn cầu. Quay trở lại thời điểm đầu năm, khi đại dịch còn chưa được chú ý rộng rãi, Ủy ban du lịch Hong Kong đã phát triển chiến dịch quảng cáo, với dòng khẩu hiệu: “Vẻ đẹp của Hong Kong sẽ khiến bạn phải nín thở”.
Thật không may khi quảng cáo được tung ra thị trường cũng là lúc đại dịch SARS hoành hành trên diện rộng, khiến hơn 100 người tử vong và hơn 3.000 ca được chẩn đoán nhiễm SARS trên toàn thế giới. Ủy ban du lịch Hong Kong khi đó cố gắng gỡ bỏ tất cả biển quảng cáo, nhưng đã quá muộn.
5. Microsoft hiển thị màn hình màu xanh của sự chết chóc trên CNN
Trong suốt thập niên 90, Microsoft đã phát triển và trở thành hãng thống trị trong thế giới kinh doanh, cung cấp hệ điều hành Windows cho phần lớn các doanh nghiệp lớn của Mỹ. Vì vậy, dư luận đã cực kỳ phấn khích khi Microsoft dự định trực tiếp ra mắt hệ điều hành Windows 98 trên CNN, một hệ điều hành hứa hẹn mang lại nhiều tiến bộ trong năng suất, cũng như thiết kế thân thiện.
Tuy nhiên, khi cắm máy quét vào máy tính nhằm quảng bá tính năng plug-and-play, một màn hình màu xenh lét của sự chết chóc hiện lên trước mắt khán giả theo dõi truyền hình trực tiếp, khiến Bill Gates phải ngậm ngùi chữa cháy: “Đó có lẽ là lý do mà chúng tôi chưa đưa Windows 98 ra thị trường”.
6. Pepsi thất bại với chương trình trúng thưởng ở Philippines
Trong một chương trình khuyến mại được thiết kế nhằm thu hút sự chú ý cho thương hiệu, Pepsi đã tổ chức cuộc thi cho những tín đồ nước ngọt ở Philippines. Theo đó, người sở hữu nắp chai có mã số khớp với số mà công ty đưa ra sẽ nhận được 1 triệu peso (tương đương với khoảng 480 triệu đồng). Tuy nhiên, Pepsi vô tình công bố “349” là con số trúng thưởng - con số được in trên 800.000 nắp chai.
Sự kiện này đã khiến đất nước Philippines rơi vào tình trạng hỗn loạn, khi có hơn 480.000 người đứng xếp hàng tại nhà máy đóng chai để lĩnh giải thưởng. Đúng như dự đoán, Pepsi từ chối trao giải. Không những thế, công ty này còn dùng dây thép gai để bao quanh nhà máy, dẫn đến một loạt cuộc biểu tình của người dân Philippines. Nhiều nhóm người "anti-Pepsi" đã nổi dậy và tấn công vào các xe chở hàng của hãng. Thậm chí có một công dân còn thề: “Dù tôi có chết ở đây, hồn tôi cũng sẽ tìm đến Pepsi để tuyên chiến”. Đây rõ ràng là điều mà chẳng chiến dịch tiếp thị nào mong đợi.
7. New Coke thất bại với sản phẩm mới
Coca-Cola đã dành hơn 1 thế kỷ để chiến đấu, nhằm giữ vững uy thế của mình so với Pepsi, một cuộc chiến làm thay đổi cả tầng lớp xã hội, chính trị và thậm chí cả mối quan hệ chủng tộc ở Mỹ. Coca-Cola quyết định mở rộng thị phần bằng việc tung ra thị trường sản phẩm mới có tên “New Coke”, vượt trội hơn cả Pepsi và Coca-Cola thường.
Tuy nhiên, đưa ra một phiên bản mới của thức uống số một của hãng - từ bỏ công thức truyền thống, đồng nghĩa với việc Coca-Cola ngầm thừa nhận mình đã thua trong cuộc chiến cola. Sau khi bỏ ra nhiều triệu USD cho nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và tiếp thị New Coke, công ty quyết định quay về với công thức Coca-Cola truyền thống, giành lại được sự ủng hộ của những người nghiện Coke trên toàn thế giới.
8. J.P. Morgan và tính năng hashtag #AskJPM
J.P Morgan là một trong những công ty thất bại khi sử dụng Twitter cho chiến dịch của mình. Sau một loạt các báo cáo và tài liệu chỉ ra những hành vi mờ ám của các thể chế tài chính phố Wall, nhằm tận dụng triệt để khả năng tiếp thị của truyền thông xã hội, ngân hàng này quyết định sử dụng hashtag #AskJPM như một phương tiện. Thông qua đó, bất cứ ai cũng có thể đặt câu hỏi với đội ngũ lãnh đạo cấp cao của công ty.
Nhưng không lâu sau khi hashtag được mở, vô số câu hỏi được đặt ra nhắm thẳng đến những hoạt động tài chính vô đạo đức, dẫn đến thất bại trên các thị trường. J.P Morgan ngay lập tức thừa nhận sử dụng hashtag là ý tưởng tệ hại.
9. McDonald’s phát đồ ăn miễn phí trong suốt sự kiện Olympics 1984
Để củng cố và tăng cường sức mạnh thương hiệu, McDonald’s quyết định tổ chức hội thi trong suốt thời gian diễn ra Olympics 1984, tập trung vào việc tạo liên kết giữa những chiến thắng của Mỹ trong thế vận hội với đồ ăn thức uống của McDonalds. Theo đó, với mỗi huy chương vàng, bạc, đồng mà Mỹ giành được, khách hàng sẽ được tặng (theo thứ tự) một chiếc Big Mac, khoai tây chiên, đồ uống miễn phí. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh chiến dịch này là một thảm họa đối với McDonald’s.
Do Liên bang Xô Viết rút khỏi thế vận hội, đồng nghĩa với việc Mỹ mất đi đối thủ điền kinh mạnh nhất. Nhờ đó mà Mỹ đã giành được nhiều huy chương hơn dự tính: 147 huy chương, bao gồm 83 huy chương vàng. Điều này khiến hệ thống cửa hàng hết nhẵn Big Mac, đồng thời ngân sách chi cho chiến dịch cũng bị thổi phồng lên nhiều.
Hoài Thu
Nguồn Zing News