Chiến lược đa dạng hóa thị trường
Chắc hẳn người tiêu dùng VN không quá xa lạ với những cái tên như: Hoa quả sấy Vinamit, May Việt Tiến hay Gỗ Đức Thành... Để có được thành công như ngày hôm nay, các DN trên đã không ngừng nỗ lực tạo ra cho mình một con đường đi rất riêng, trong đó có việc chủ động đa dạng hóa thị trường.
Tại Cty cổ phần Vinamit, chiến lược đa dạng hóa thị trường được các nhà lãnh đạo của DN áp dụng khá sớm và nó ngày càng chứng tỏ được hiệu quả. Năm 2005, sau khi thành công trong lĩnh vực xuất khẩu Vinamit quay trở lại chinh phục thị trường nội địa. Để đảm bảo thành công, DN đã dành ra nhiều năm nghiên cứu, phân tích, tìm hiểu thị trường rồi mới bắt đầu đi vào sản xuất.
Trụ vững dù khó khăn
Nhờ vậy chỉ sau một thời gian ngắn người tiêu dùng đã biết đến sản phẩm của Cty và ngày càng yêu thích. Tương tự tại Cty CP May Việt Tiến chiến lược đa dạng hóa thị trường cũng được áp dụng rất linh hoạt. Hiện nay, các sản phẩm của Việt Tiến được xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau. Cụ thể thị trường Mỹ (25%), Châu Âu (35%), Nhật Bản (20%) và các thị trường khác chiếm 20% còn lại. Ở thị trường nội địa, Việt Tiến có trên 1.000 cửa hàng, đại lý được phân bố rộng khắp tại 64 tỉnh thành trên toàn quốc.
Nguy cơ từ “bỏ trứng vào một giỏ”
Tuy nhiên, trái ngược với hai DN trên, thực tế tại VN cũng có không ít DN xuất khẩu đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình khi thị trường truyền thống có nguy cơ “đứt gãy” do từ trước đến nay chỉ quen “bỏ trứng vào cùng một giỏ”. Câu chuyện của DN chuyên thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản trong chương trình Chìa khóa thành công - CEO phát sóng trên VTV1 vào 10h sáng Chủ nhật, ngày 11/01/2015 chính là một ví dụ điển hình cho vấn đề này.
Mặc dù nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản nhưng từ trước đến nay DN này chủ yếu tập trung vào thị trường một số nước lân cận. Thời gian gần đây do thị trường truyền thống có nhiều biến động tiêu cực nên DN mất dần khả năng cạnh tranh và hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để thoát khỏi tình trạng trên, CEO và hai cổ đông của DN đã có một cuộc họp bàn nhằm tìm ra hướng đi mới cho DN nhưng không thành công. Chương trình đã mời tới trường quay hai vị chuyên gia hết sức đặc biệt là TS Alan Phan – doanh nhân, chuyên gia kinh tế và TS Trần Quốc Việt – Phó TGĐ Tập đoàn Kinh Đô, TGĐ Cty Kinh Đô Miền Bắc.
Ông Trần Quốc Việt chia sẻ: “Nếu giả sử mất đi thị trường này, DN phải tìm kiếm khách hàng mới. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ chiến lược kinh doanh và nguồn lực của Cty cũng phải thay đổi theo. Tuy nhiên để thành công, DN buộc phải trả lời các câu hỏi sau: Khách hàng mới của DN là ai? Họ đang cần gì và DN phải làm những gì để có thể vượt qua được những đối tác hiện tại và tương lai của họ?”.
Sau khi có câu trả lời, CEO cần xây dựng một chiến lược kinh doanh cho DN mình dựa trên 2 yếu tố: Phân tích môi trường bên ngoài (yếu tố vĩ mô, yếu tố ngành và đối thủ cạnh tranh) và môi trường bên trong (rà soát lại toàn bộ nguồn lực của DN) để từ đó kết hợp lại thành một bản Master Swott. Căn cứ vào bản phân tích trên CEO có thể lựa chọn một hướng đi phù hợp, đánh trúng vào cơ hội thị trường mà DN của mình đang có.
“Điểm quan trọng cốt lõi trong quá trình này là việc lựa chọn thị trường, nếu CEO lựa chọn sai thì toàn bộ hoạt động của DN sẽ sụp đổ”. Theo ông Việt một mô hình DN xuất khẩu chuẩn là vững chắc ở thị trường nội địa và đột phá ở thị trường nước ngoài.
Quan điểm trên đã nhận được sự đồng tình tuyệt đối của TS Alan Phan. Ngoài ra ông còn lưu ý thêm với CEO: “Bất cứ DN nào muốn thành công trong kinh doanh cũng cần chuẩn bị thật kỹ trước khi triển khai các chiến lược của mình. Điều đó vô cùng quan trọng bởi nó quyết định đến kết quả của cả DN”.
Những ý kiến trên của hai chuyên gia đã được nhận được sự đồng thuận rất lớn từ cộng đồng và xã hội.
Để xem lại chương trình các bạn hãy truy cập kênh CEOtvnext trên Youtube. Ngày 18/01/2015, chương trình sẽ lên sóng với chủ đề “Chiến lược cạnh tranh – Mất nguồn nguyên liệu truyền thống” vào 10h chủ nhật trên VTV1. Ngay từ bây giờ các bạn đã có thể lên Fanpage của chương trình để bày tỏ quan điểm của mình chủ đề này.
Lương Chi
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp