Kinh doanh du lịch nội địa: Lợi thế trong sức ép

Trong khi thị trường du lịch nước ngoài (outbound) đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải có thương hiệu, uy tín, thì việc khai thác thị trường du lịch nội địa (inbound) đang là mảnh đất mà bất kỳ DN lữ hành nào cũng muốn nhảy vào.

Tín hiệu khả quan

Theo Tổng Cục Du lịch Việt Nam, ước tính năm 2014, khách du lịch nội địa đạt khoảng 35 triệu lượt, xấp xỉ với 2013. Do ảnh hưởng từ thắt chặt chi tiêu nên những năm gần đây, người Việt có xu hướng chọn tour du lịch trong nước, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.

Ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho biết, kinh doanh du lịch Tết năm nay có nhiều tín hiệu khả quan. Trong đó, do tác động từ giá xăng dầu giảm nên các phương tiện vận chuyển không tăng giá như Tết 2014.

Bên cạnh đó, hiệu ứng từ các hãng hàng không cũng giúp tăng lượng khách du lịch. Thông thường, trong thời điểm Tết, các hãng hàng không tăng giá gần gấp đôi so với ngày thường (kéo dài đến rằm tháng tháng Giêng) nhưng năm nay, đến mùng 7, mùng 8 Tết giá đã trở lại như các ngày thường.

Kinh doanh du lịch nội địa: Lợi thế trong sức ép

Một lý do nữa để các nhà kinh doanh du lịch tin vào sự khả quan của thị trường là mới đây, trong dịp Tết Dương lịch, khách chủ yếu chọn tour du lịch ngắn ngày nên vào dịp Tết Âm lịch sắp tới, các tour du lịch dài ngày sẽ thuận lợi.

Có nhiều lý do để ông Dũng nhận định khách du lịch đang hướng nội nhiều hơn. Trước hết là chương trình kích cầu của Tổng cục Du lịch hướng khách đến các tour du lịch nội địa, đặc biệt là các tour đến các vùng hải đảo, biên giới. Thứ hai là hiện nay, giá các tour nội địa không tăng nên có thể cạnh tranh với các tour du lịch nước ngoài.

Vì vậy, ngoài những tour quen thuộc như Đà Lạt, Nha Trang, những tour về vùng biên giới phía Bắc như Sapa, Cao Bằng, Hà Giang và những tour về hải đảo sẽ được du khách chọn lựa.

Đại diện Thế Hệ Trẻ tiết lộ, đến thời điểm này, khách đặt tour đã đạt hơn 50% kế hoạch. Một điều bất ngờ là các tour đi Kontum, Pleiku, Đăk Nông được khách đặt nhiều hơn năm trước. Trong khi đó, các tour đi các tỉnh miền Bắc liên tục tăng và hiện đã tăng 50% so với năm 2014.

Nhiều lợi thế nhưng du lịch trong nước đang chịu sức ép do cạnh tranh vì khách du lịch trẻ hiện nay chuộng hình thức "tự túc".

Theo đó, Công ty sẽ mở các tour mới ở các tỉnh phía Bắc vào dịp Tết này, như khám phá vòng cung Đông Bắc (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn...) và đi trên thủy lộ Sông Gâm, tour khám phá vòng cung Tây Bắc (Y Tý, Lai Châu, Sơn La...) đi trên thủy lộ Sông Đà.

Cũng đặt trọng tâm thị trường khách du lịch nội địa và không bỏ lỡ dịp lễ hội, TST tourist giới thiệu 3 dòng sản phẩm: đi tour kết hợp mua sắm trước Tết, tour đón giao thừa và tour Tết tận hưởng không khí Tết 3 miền. Điểm nhấn của các sản phẩm này là chùm tour mua sắm Tết ở miền Tây và miền Trung.

Với chùm tour này, TST tourist đưa du khách trải nghiệm không khí chuẩn bị Tết của những vùng đất miền Tây với hành trình đi qua tuyến điểm Đồng sen Tháp Mười - Gáo Giồng - Vườn quýt hồng Lai Vung - Làng hoa kiểng Tân Quy Đông - Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - Chùa Kiến An Cung.

Tour sắm Tết ở miền Trung với tuyến điểm Phan Thiết - Nha Trang - Tuy Hòa - Quy Nhơn đưa du khách khám phá những vườn trái cây, làng hoa kiểng Tân Quy...

Tuy có nhiều lợi thế nhưng hiện nay, du lịch trong nước đang chịu sức ép do cạnh tranh. Vì khách du lịch trẻ hiện nay chuộng hình thức "tự túc" thông qua việc mua lại các chùm tour giá rẻ trên các website thương mại điện tử hoặc chủ động thiết kế tour và đặt phòng lưu trú trước.

Kinh doanh du lịch nội địa: Lợi thế trong sức ép

Theo chia sẻ từ một nhà quản lý kinh doanh của các khách sạn 3 sao tại khu vực miền Trung, trên 50% doanh số phòng của hệ thống đều do đội ngũ kinh doanh trực thuộc thực hiện, phần còn lại là các đại lý du lịch và một phần nhỏ từ các website về du lịch, đặt phòng.

Khách quốc tế: Biến động

Những năm gần đây (trừ năm 2009, giảm 10,9%), khách quốc tế có tăng nhưng không đáng kể. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014, Việt Nam ước thu hút 7,97 triệu lượt khách nước ngoài, chỉ tăng khoảng 4% so với năm 2013, là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố nhưng đáng kể là sự sụt giảm nguồn khách từ hai thị trường vốn đóng góp lượng lớn khách đến Việt Nam trong 3 năm qua là Trung Quốc và Nga.

Xét về khu vực khách du lịch, ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, chia sẻ, năm 2014 là một năm khá khó khăn với thị trường inbound tại Vietravel vì thị trường khách Trung Quốc đang đứng đầu về lượng khách và doanh thu trên đà phát triển rất tốt thì xảy ra biến động vùng biển đảo đã làm ngưng trệ suốt từ tháng 5 - tháng 10/2014.

Kinh doanh du lịch nội địa: Lợi thế trong sức ép

Hiện tại, thị trường này đang có dấu hiệu hồi phục. Đồng rúp rớt giá đã ảnh hưởng đến thị trường khách Nga, những địa phương như Khánh Hòa, Phan Thiết (Bình Thuận) - nơi thu hút đông đảo khách Nga đã bị tác động mạnh. Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Khánh Hòa, từ cuối tháng 11/2014, lượng du khách Nga đặt tour đến Khánh Hòa giảm hơn 50%.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Việt Nam đánh giá, hiện tại, không nhìn thấy lượng khách quốc tế giảm mạnh trên diện rộng, chỉ nhìn thấy tăng trưởng chậm so với một vài năm trước. Theo ông Toàn, điều này chưa đáng báo động, vì Việt Nam vẫn còn tiềm năng về thắng cảnh để thu hút khách quốc tế.

Tuy nhiên, năm 2014, thị trường khách quốc tế chứng kiến sự cạnh tranh mạnh giữa các địa phương. Điển hình, trong quý IV/2014, lượng khách quốc tế đến TP.HCM tăng trưởng âm do thi công nhiều công trình lớn tại trung tâm thành phố đang tác động ngắn hạn đến việc thu hút khách.

Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các tỉnh-thành, đặc biệt là những tỉnh có đường bay thẳng đi quốc tế đã khiến TP.HCM không còn là điểm dừng chân của du khách trước khi bắt đầu tour du lịch.

Hải Âu - Hồng Nga - Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn