Du lịch outbound: Giá sốc kích cầu
Mảng du lịch nước ngoài (outbound) năm 2015 dự báo vẫn còn nhiều thách thức vì những biến động khó lường. Vì thế, các công ty du lịch, lữ hành vẫn dốc sức tiếp tục các chương trình giảm giá, thiết kế điểm đến mới.
Giảm giá ứng phó
Nhận xét về tình hình du lịch Việt Nam trong năm 2014, bà Lê Thị Như Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Hòa Bình (Peace Tour Co.), cho rằng, kinh doanh lữ hành không có nhiều đột biến, tour inbound tương đương mọi năm, trong khi các hoạt động outbound lại giảm do việc thắt chặt chi tiêu của người dân.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Du lịch Bến Thành Tourist cũng thừa nhận, năm 2013, 2014 là những năm khó khăn của ngành du lịch.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2014, Bến Thành Tourist đã chủ động thực hiện chương trình liên kết với các đối tác hàng không, vận chuyển, khách sạn để tạo ra dòng sản phẩm tiết kiệm, giảm giá "sốc" để kích cầu. Cụ thể, Bến Thành Tourist đã ký hợp đồng charter, thuê riêng chuyến bay để có mức giảm so với thị trường từ 30 - 50%.
Trên cơ sở này đã thu hút được lượng lớn khách, đặc biệt khách đoàn của các công ty, tập đoàn. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm cao cấp, dịch vụ 4, 5 sao cho khách hàng nhiều tiền như du thuyền, du lịch bằng máy bay riêng cũng được triển khai song song.
Bà Mai cho biết thêm, BenThanh Tourist đã thắng thầu tổ chức nhiều đoàn khách MICE như đoàn trên 1.000 khách từ hai đầu Hà Nội, TP.HCM của Công ty 4 Oranges đi đảo Jeju (Hàn Quốc) vào tháng 3/2015, đoàn Công ty Đạm Phú Mỹ đi châu Âu, Singapore, đoàn Công ty Daikin Việt Nam đi Nhật Bản...
Cũng liên quan đến lữ hành outbound, ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nhìn nhận, du lịch là ngành khá nhạy cảm, luôn bị tác động trước ngoại cảnh. Việc khai thác thị trường du lịch nước ngoài năm 2014 gặp khó khăn khi các thị trường đứng đầu về lượt khách đều bị ảnh hưởng.
Chẳng hạn, những biến động chính trị tại Thái Lan vào đầu năm, sự kiện Biển Đông (Việt Nam - Trung Quốc) vào giữa năm và các thông tin về dịch Ebola đã phần nào gây tâm lý e ngại với du khách...
Ứng phó tình hình này, ông Duy phân tích, Vietravel đã chọn thị trường thay thế. Theo đó, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ lần lượt được tung ra với giá ưu đãi. Kết quả, trong mùa Hè, Nhật Bản và Hàn Quốc đứng đầu về số lượng khách khởi hành. Đặc biệt, tháng 11 vừa qua, Vietravel đã đưa khoảng 700 khách du lịch Bờ Tây Hoa Kỳ.
Được biết, Vietravel đang giới thiệu tour Hoa Kỳ, Pháp với giá từ 35,99 - 36,99 triệu đồng. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị Saigontourist, chia sẻ, giá tour đến Mỹ, châu Âu đã giảm gần phân nửa, còn 40 - 50 triệu đồng, do sự liên kết giữa các đơn vị lữ hành và các hãng hàng không.
Ưu thế của thương hiệu
Có thể nói, trong tình hình du lịch còn nhiều thách thức và liên tiếp xảy ra nhiều vụ "bỏ rơi" du khách, chất lượng phục vụ kém của những công ty nhỏ, lẻ, không thương hiệu, hoạt động outbound, dù nhiều hay ít, các công ty lữ hành lớn như Bến Thành Tourist, Saigontourist, Vietravel hay TST tourist vẫn có chỗ đứng nhất định, đặc biệt trong các mùa cao điểm lễ hội.
Ông Trần Đức Thịnh, Giám đốc Maketing TST tourist, chia sẻ, Tết là mùa cao điểm du lịch với lượng khách đi tour khá lớn, không chỉ trải đều từ cuối tháng Chạp đến tháng Giêng mà còn kéo dài sau Tết (tháng 2, 3, 4).
Chính vì thế, các công ty dịch vụ lữ hành thường tập trung xây dựng sản phẩm với nhiều dòng: trước Tết, đón Giao thừa, đón Tết, và sau Tết để đáp ứng kịp thời nhu cầu của du khách, cũng đồng thời tạo lợi thế nhất định cho DN mình.
Đại diện TST dẫn chứng, với thị trường du lịch nước ngoài, tour Tết của TST trải đều trên các thị trường, điểm nhấn là các chùm tour châu Âu, Nhật Bản (với lễ hội tuyết ở Sapporo), trải nghiệm hái dâu tây ở Hàn Quốc, Dubai, Hồng Kông...
Ông Trần Đức Thịnh cho biết thêm, du khách thường có xu hướng xuất hành đầu năm để tìm những điều may mắn, do đó, TST tourist đã có sự chuẩn bị tour tuyến, cũng như sản phẩm dịch vụ từ khá sớm.
Cụ thể, từ đầu tháng 10, TST tourist đã bắt đầu xây dựng các sản phẩm, lên chính sách giá... Hiện nay, hơn 300 sản phẩm TST đưa ra đã được bán gần hết, và ở một số thị trường như Dubai, châu Âu, Hàn Quốc, TST tourist đang tăng cường đặt tour.
Song, điều đáng nói là những tháng cuối năm, lượng khách du lịch châu Âu thường giảm mạnh vì đây là mùa thấp điểm nhưng TST tourist đã nghiên cứu khá kỹ các điểm đến châu Âu và bổ sung nhiều điểm đến mới cho các hành trình Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan.
Đồng thời, kết hợp cùng Vietnam Airlines triển khai chương trình "15 ngày vàng" ở thị trường Đông Nam Á, Âu, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... để đưa ra chính sách giá tiết kiệm, với mức ưu đãi từ 30 - 40% so với thời điểm bình thường.
Chỉ tính riêng thị trường châu Âu, tháng 11, 12 vừa qua, TST tourist đã đón nhận hơn 300 khách đăng ký tour. Tính trung bình mỗi tháng có hơn 150 khách của TST tourist khởi hành đi châu Âu.
Giải thích vì sao lượng khách đặt tour châu Âu tăng đột biến, ông Thịnh cho biết thêm, Công ty đã kết hợp với Sacombank trong chương trình "Mua tour trả góp lãi suất 0%" trong vòng 3 - 6 tháng để giải quyết tài chính cho khách có nhu cầu.
Theo nhận định của Vietravel về hoạt động outbound, năm 2015 sẽ là một năm kinh doanh vẫn còn nhiều thách thức vì những biến động khó lường do những bất ổn về chính trị trên thế giới. Tuy nhiên, việc ra đời nhiều đường bay mới trong nước cũng như quốc tế, việc nới lỏng visa của một số quốc gia như Nhật Bản hứa hẹn sẽ gia tăng lượng khách qua lại giữa các vùng, các quốc gia.
Doanh thu của 2 công ty lớn trong lĩnh vực lữ hành năm 2014:
- Vietravel: 443.480 là số lượng khách Vietravel đã phục vụ trong năm 2014, doanh thu 3.435 tỷ đồng.
- Saigontourist: Tổng doanh thu của Công ty tăng trưởng từ 344 tỷ đồng năm 2004 đến hơn 2.700 tỷ đồng năm 2013, tăng 76%. Trong đó, trung bình mỗi năm doanh thu tăng trưởng hơn 26%, đặc biệt kinh doanh tiếp tục tăng trưởng ổn định trong các giai đoạn kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn. Trong 8 tháng đầu năm 2014, đạt tổng doanh thu trên 2.200 tỷ đồng.
Hải Âu - Hồng Nga - Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn