Hãng ngoại “khát” bia Việt

Hàng loạt ông lớn ngoại đang "nhăm nhe" doanh nghiệp bia Việt Nam khi ngỏ ý muốn mua lại các thương hiệu bia lớn trong nước.

Trở thành nước đứng thứ tư về tiêu thụ bia ở châu Á, thị trường có doanh số lên đến 3 tỷ USD, đang trở thành "cơn khát" cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Thông tin làm sôi động ở thị trường bia mới đây khi tập đoàn đồ uống lớn nhất Thái Lan - ThaiBev - đã tiếp cận Chính phủ để "ngỏ ý" muốn mua lại cổ phần của Tổng Công ty Bia - Rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Hãng ngoại “khát” bia Việt

Hãng bia có thị phần lớn nhất Việt Nam với 46% được định giá ở mức 2 tỷ USD. Được biết, Sabeco sẽ thành lập một hội đồng để tái cấu trúc công ty và bán tối đa 53% cổ phần cho một số nhà đầu tư chiến lược.

Hãng ngoại đua bành trướng

Cho rằng quyền quyết định thuộc về Bộ Công Thương do cơ quan này quản lý tới 89% cổ phần của Sabeco, song theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco, việc định giá Sabeco như trên là chưa sát thực tế, bởi giá trị của DN này cao hơn mức 2 tỷ USD.

Không phải chỉ DN có thị phần lớn nhất Sabeco nằm trong tầm ngắm của đại gia ngoại, mà trước đó hàng loạt các thương hiệu bia nội cũng đã "rơi" vào tay của DN nước ngoài.

Hãng bia Carlsberg (Đan Mạch) mua lại toàn bộ nhà máy bia Huda Beer (Bia Huế), sở hữu đến 55% nhà máy bia tại Bà Rịa - Vũng Tàu với công suất 50 triệu lít một năm.

Trong liên doanh nhà máy bia Đông Nam Á (Halida) với Công ty bia Việt Hà, Carlsberg cũng sở hữu đến 60% và thêm 30% trong liên doanh với Công ty bia Hạ Long. Với Habeco, DN bia chiếm gần 15% thị phần bia, hãng này cũng chiếm tới 17,23%% vốn điều lệ và đang đề xuất tăng phần vốn nắm giữ lên 30%.

Một số hãng khác như Asia Pacific Breweries của Singapore thực hiện liên doanh và mua lại nhà máy bia Foster đưa ra thị trường sản phẩm Tiger, Heineken; Công ty San Miguel và Tập đoàn SABMiller mua lại cổ phần và nổi tiếng với sản phẩm San Miguel...

Thị trường bia Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt và khá sôi động, khi các hãng nước ngoài liên tục “nhòm ngó” và gia tăng sự hiện diện bằng nhiều hình thức khác nhau.

Không chọn hình thức mua lại cổ phần, trước đó, các đại gia lớn lại nhắm đến kế hoạch đầu tư sản xuất để mở rộng thị trường. Đơn cử như Sapporo đẩy mạnh đầu tư sản xuất tại Việt Nam đến năm 2019, với hy vọng sẽ cho ra thị trường khoảng 200 triệu lít vào năm 2019.

Asahi Group Holdings dự kiến mở rộng thị trường châu Á thông qua việc mua lại các nhà máy bia tại thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Hãng bia lớn nhất thế giới AB Inbev đã chính thức đầu tư vào Việt Nam và dự kiến nhà máy bia sẽ đi vào hoạt động vào năm 2015

Thai Brewer Singha cũng đặt tầm ngắm vào khu vực Đông Dương và mở rộng xuất khẩu các sản phẩm bia thông qua các nhà nhập khẩu, phân phối...

Cùng với sự hiện diện ngày càng nhiều của hãng ngoại, các DN nội cũng mở rộng đầu tư thêm các nhà máy để nâng công suất và thị phần.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước Giải khát Việt Nam, thị trường bia Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt và khá sôi động, khi các hãng nước ngoài liên tục "nhòm ngó" và gia tăng sự hiện diện bằng nhiều hình thức khác nhau.

Mặc dù trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á về tiêu thụ bia, song lượng tiêu thụ bia của người Việt Nam hiện vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Do đó, mặc dù thị trường bia có xu hướng tăng trưởng chững lại, khi chỉ đạt 6 - 7%/năm, song với dự báo mức tăng trưởng của thị trường bia vẫn sẽ ổn định ở mức 7% trong vòng 5 năm tới và đạt hơn 4 tỷ lít vào năm 2017.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, sự gia tăng đầu tư của các hãng bia ngoại lại đặt ra không ít thách thức và sức ép cho các DN bia nội. Theo bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng Giám sát và Quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương), thị trường bia được đánh giá là có mức tăng khá nhanh do các DN nội địa mở rộng sản xuất và DN nước ngoài tham gia ngày càng nhiều. Song, trong vài năm trở lại đây hoạt động của các DN bia trên thị trường có xu hướng sụt giảm do mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Hãng ngoại “khát” bia Việt

Dẫn chứng, nếu như năm 2010 thị trường có 155 DN sản xuất bia thì đến năm 2012, con số này sụt giảm xuống chỉ còn 123 DN. "Tỷ trọng của các DN bia tư nhân vẫn đóng vai trò chủ yếu trên thị trường sản xuất bia khi chiếm tới ¾ số lượng DN là tư nhân, khoảng 10% là DN có vốn đầu tư nước ngoài và khoảng 15% số lượng DN có vốn Nhà nước trên 50%", bà Lan cho biết.

Sự tham gia ngày càng nhiều của các hãng bia ngoại đã ít nhiều tác động đến cấu trúc thị trường bia Việt Nam. Đơn cử như với Sabeco, việc hãng bia ngoại Carlsberg đang gia tăng tỷ lệ sở hữu ở nhiều DN bia nội, đặc biệt là Habeco, đã gây nên áp lực lớn cho Bia Sài Gòn.

Thực tế, trong 2 năm gần đây, thị phần của Sabeco đã sụt giảm từ 46% xuống 44% trong năm 2013. Nhu cầu vốn đầu tư ban đầu khá cao, một số thị trường tiềm năng như thành phố, đô thị lớn đã bão hòa, trong khi thị phần của từng DN đã khá ổn định, nên các DN mới khó tham gia vào thị trường.

Cẩm An
Nguồn Thời Báo Kinh Doanh