Đổi Giám đốc Sáng tạo và CEO - Tương lai nào cho nhãn hiệu Gucci?
Những ngày cuối năm 2014, thông tin cặp đôi Giám đốc Sáng tạo Frida Giannini và CEO Patrizio di Marco của nhãn hiệu Gucci chính thức thoái vị đã khiến giới thời trang xôn xao, và thu hút sự chú ý của dư luận.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Lý do của sự ra đi này là gì? Ai sẽ là người thay thế họ? Nhưng quan trọng hơn cả, câu hỏi sống còn lúc này đặt ra cho Gucci là họ sẽ thay đổi hình ảnh của mình như thế nào?
Gucci là một thương hiệu lớn, là đứa con cưng và là "con gà đẻ trứng vàng" cho tập đoàn Kering. Tuy nhiên, trong quý 3 năm 2014, lượng bán ra của Gucci giảm 1,6% chỉ còn 851 triệu euro (hay 1,13 tỷ đô la Mỹ), thua xa doanh số của những thương hiệu nhỏ hơn nhưng cực kỳ năng động, điển hình là Saint Laurent (cùng của tập đoàn Kering) đã đạt mức tăng ấn tượng 27,6%.
Cùng kỳ, tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tình hình cũng không mấy khả quan cho Gucci khi lượng bán ra sụt giảm 5% với nguyên do phần nào chịu ảnh hưởng khách quan từ những cuộc biểu tình liên miên tại Hong Kong và Macau.
Tháng 11/2014, vợ chồng Frida Giannini và Patrizio di Marco có chuyến đi tới Tokyo và bản thân ông di Marco vẫn rất lạc quan về tình hình của Gucci. Khi được hỏi về kế hoạch tiếp theo sau khi rời Gucci, họ vẫn phủ nhận thông tin này.
Ông di Marco trả lời phỏng vấn của tờ WWD: “Thực sự tôi không biết phải nói gì hơn ngoài việc khẳng định đó chỉ là tin đồn đã được lan truyền gần đây. Lý do có thể là gì nhỉ? Vì lượng sản phẩm bán ra của chúng tôi giảm ư? Nếu chỉ dựa trên những báo cáo tài chính thì sẽ có rất nhiều công ty phải thay bộ máy điều hành ba phút một lần.”
Tuy nhiên, thực tế, ông Marco Bizzarri đã được chỉ định là người tiếp quản vị trí CEO của Patrizio di Marco từ ngày 1/1/2015. Theo phát ngôn của tập đoàn Kering, ngay cả khi người tiền nhiệm Patrizio di Marco không còn nắm giữ vị trí CEO nữa thì đường hướng phát triển thương hiệu mà ông Patrizio di Marco đã đề ra vẫn được giữ nguyên.
Một điều thú vị là Marco Bizzarri cũng chính là người kế nhiệm di Marco ở vị trí CEO tại nhà mốt Bottega Veneta vào năm 2009 khi Patrizio di Marco chuyển sang Gucci. Đích thân Chủ tịch tập đoàn Kering, ông Francois-Henri Pinault đã khẳng định: “Sẽ không có sự thay đổi nào về chiến lược tiếp cận của Gucci. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển của thương hiệu.”
Ông Marco Bizzarri gia nhập tập đoàn Kering từ năm 2005 với vị trí CEO và chủ tịch của thương hiệu Stella McCartney. Từ đó tới nay ông đã đóng góp rất nhiều cho các thương hiệu trong tập đoàn như Brioni, Christopher Kane, Bottega Veneta,...
Tháng 4/2014, ông được bổ nhiệm giữ vị trí CEO của toàn bộ lĩnh vực hàng thời trang cao cấp và đồ da của tập đoàn Kering (ông là người đầu tiên đảm nhiệm vị trí quan trọng này). Không quá khó hiểu khi tên ông được nằm trong danh sách 500 người có sức ảnh hưởng lớn tới nền thời trang và lĩnh vực bán lẻ trên toàn thế giới.
Trong khi ấy, người thay thế cho Frida Giannini ở vị trí Giám đốc Sáng tạo vẫn còn là một ẩn số. Nhắc lại một chút, Frida Giannini đã gia nhập nhà Gucci 12 năm về trước, trở thành trưởng nhóm thiết kế đồ da vào năm 2004 và chính thức giữ vị trí Giám đốc Sáng tạo của Gucci vào năm 2006.
Hai bộ sưu tập cuối cùng của Frida Giannini thực hiện cho Gucci sẽ được ra mắt vào tháng 1 (bộ sưu tập dành cho nam) và tháng 2 (bộ sưu tập dành cho nữ) của năm 2015. Chắc chắn hiện tại đã có một danh sách những ứng cử viên sáng giá cho vị trí này nhưng khi được hỏi, đại diện Kering trả lời: “Chúng tôi không muốn bàn luận về những tin đồn. Tất cả những gì chúng tôi có thể nói vào lúc này là chúng tôi vẫn đang tuyển mộ.”
Nhiều nguồn tin cho rằng Gucci đã tiếp cận nhà thiết kế Riccardo Tisci nhưng có lẽ điều này là không tưởng bởi trong tháng 2/2013, nhà thiết kế Riccardo Tisci đã ký thêm hợp đồng 3 năm với nhà mốt Givenchy, tức là tới tháng 10/2015 mới hết hợp đồng và Gucci không thể đợi lâu đến vậy.
Đấy là chưa kể tập đoàn Moët Hennessy Louis Vuitton (sở hữu Givenchy) có chính sách rất nghiêm ngặt về việc nhân sự cũ sang làm cho đối thủ cạnh tranh. Điển hình như nhà thiết kế Johnny Coca (của nhãn hiệu Céline thuộc tập đoàn Moët Hennessy Louis Vuitton) đã được Mulberry mời về đầu quân trước đó nhưng bậc thầy về phụ kiện này vẫn phải chờ tới tháng 7/2014 mới chính thức bắt đầu công việc mới của mình.
Thời điểm bây giờ gợi cho chúng ta nhớ về cặp đôi quyền lực Tom Ford và Domenico De Sole khi chấm dứt làm việc với Gucci, nhãn hiệu này hiện đang đối diện với một câu hỏi sống còn là sẽ thay đổi hình ảnh như thế nào. Liệu sẽ là một nhãn hiệu sang trọng và cổ điển như Hermès hay một thương hiệu đi đầu xu hướng như Louis Vuitton và Prada?
Tuấn Anh
Nguồn Đẹp Online