Những thương vụ khó hiểu nhất 2014
Ngay cả Warren Buffett cũng chịu thiệt hại hàng trăm triệu USD trong năm qua khi đầu tư sai địa chỉ. Forbes vừa công bố danh sách những thương vụ gây tranh cãi nhất năm 2014.
Burger King mua lại Tim Horton
Vào tháng Tám vừa qua, hãng đồ ăn nhanh khổng lồ Burger King đã mua lại Tim Hortons, chuỗi cửa hàng bánh doughnut của Canada, và di dời đến phía bắc biên giới. Thoả thuận này đã làm dấy lên tranh cãi xung quanh cái gọi là giao dịch đảo ngược - các doanh nghiệp Mỹ mua lại những đối thủ nhỏ hơn, nhằm chuyển dịch địa bàn ra nước ngoài để tránh phải đóng thuế.
Các nhà điều hành Burger King tất nhiên phủ nhận vai trò của thuế trong vụ mua bán này. Họ khẳng định rằng, Burger King vốn đã chỉ phải trả mức thuế thấp hơn trung bình, điều đó cũng có nghĩa là họ vốn đã tránh được thuế cao ngay trên đất Mỹ.
Warren Buffett, người giúp tài trợ thoả thuận này, cũng khẳng định mục đích của nó không phải là thuế. Burger King cũng tuyên bố sẽ không có sản phẩm nào gọi là bánh burger doughnut. Nếu thương vụ này không phải là vì thuế, vậy thì có lẽ nó đơn thuần là siêu ngớ ngẩn.
MOL Global
2014 là năm diễn ra nhiều đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) gây sốt. Tuy nhiên, MOL Global không nằm trong số đó. Công ty này khẳng định nó chính là nhà xử lý các khoản thanh toán qua mạng lớn nhất Đông Nam Á. Và rằng triển vọng doanh nghiệp là rất tốt đẹp. Tuy nhiên điều này bị các nhà đầu tư phản đối.
Trong đợt IPO tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua, cổ phiếu của MOL rớt giá 35%. Một tháng sau, vào tháng 11, giám đốc tài chính của công ty đã nghỉ việc sau khi mới chỉ đảm nhận vị trí này từ tháng Tám. MOL vẫn chưa công bố báo cáo tài chính của công ty. Cho đến nay, cổ phiếu công ty đã giảm 80%. Các cổ đông đã kiện công ty khi cho rằng nó đã phóng đại doanh thu, lợi nhuận và triển vọng kinh doanh.
Facebook mua lại WhatsApp
Vào tháng Hai, Facebook tuyên bố sẽ mua lại ứng dụng nhắn tin WhatsApp, với mức giá gần 22 tỷ USD. 22 tỷ USD cho một công ty với doanh thu 10 triệu USD vào 2013! Điều ngớ ngẩn hơn là, WhatsApp đã tiêu tốn gần 150 triệu USD vào năm đó, hay nói cách khác, cứ kiếm được 1 USD thì công ty lại tiêu mất 15 USD. Đây hẳn không phải là mô hình các nhà kinh doanh theo đuổi.
Những người ủng hộ thương vụ này thì nói rằng, WhatsApp sở hữu 450 triệu người dùng. Điều đó có nghĩa là cứ mỗi người đăng ký dịch vụ thì họ là thu được 0,02 USD, tương đương với con số tổng cộng 22 tỷ USD.
Bán Motorola, Google mất hàng tỷ USD
Nếu Google vẫn không dám thừa nhận rằng, vụ thôn tính hãng di động Motorola năm 2011 là một bước đi sai lầm, thì hãy thử làm phép tính đơn giản thế này: Google phải trả 12,5 tỷ USD cho một thương hiệu điện thoại đã từng làm mưa làm gió. Ba năm sau, tháng 1/2014, Google, sau khi giữ lại một số bằng sáng chế, đã bán lại Motorola cho Lenovo với giá 2,9 tỷ USD. Hiển nhiên là con số sau quá ít ỏi so với con số trước.
Những người bảo vệ cho thương vụ này nói rằng, tất cả là nằm trong kế hoạch chỉ nhằm sở hữu những bằng sáng chế của Motorola để phục vụ cho Android của Google. Nhưng đó chỉ là người ta nhìn nhận lại sự việc trong quá khứ. Google đã tốn 3 năm và hàng tỷ USD để vực dậy Motorola, và thất bại với những sản phẩm điện thoại không làm nên chuyện. Thêm vào đó, những bằng sáng chế kia cũng không có giá trị như Google khẳng định. Thương vụ với Lenovo giúp hãng chấm dứt thiệt hại, nhưng cũng chẳng thể thay đổi được thực tế rằng, đó là một thương vụ ngớ ngẩn của Google.
Thương vụ "cho không" của Darden
Các nhà điều hành Darden đã bán đi Red Lobster, nhằm tránh những phê bình gay gắt. Tuy nhiên, thương vụ này lại khiến cho giám đốc điều hành và toàn bộ ban quản trị bị sa thải. Nhà đầu tư Jeff Smith nói rằng, nếu không tính giá trị bất động sản của Red Lobster, thì rõ ràng Darden đã cho không chuỗi nhà hàng này. Những ý kiến khác cũng cho rằng đây là một cái tát vào mặt các cổ đông.
Hoá ra là các nhà điều hành Darden đã tô vẽ một bức tranh đẹp về triển vọng của Red Lobster trước các cổ đông, trong khi hạ thấp giá trị của chuỗi nhà hàng để biện minh cho thương vụ này. Vào đầu tháng 10, Smith đã thắng trong cuộc chiến dành quyền với công ty, và ngay sau đó đuổi cổ các nhà quản trị của nó.
Energy Future Holdings và vụ phá sản lớn nhất lịch sử
Cuộc mua bán sát nhập bằng nguồn tài chính đi vay lớn nhất trong lịch sử cuối cùng lại biến thành vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay. Vào tháng 4, Energy Future Holdings (EFH), tiền thân là TXU, đã phải làm thủ tục xin cơ cấu lại các khoản nợ của công ty. Năm 2007, Goldman Sachs, KKR và TPG đã liên kết mua lại nó. Thương vụ này càng làm chồng chất thêm khoản nợ khổng lồ của công ty, khiến cho con số vào thời điểm tuyên bố phá sản lên tới 40 tỷ USD.
Vấn đề không chỉ nằm ở việc nợ nần. Thương vụ này còn là một ván đặt cược ngớ ngẩn vào giá khí đốt tự nhiên đang tụt giảm tệ hại, vì những công nghệ khai thác mới.
Tô Đức
Nguồn Zing News