Thị trường giấy sinh hoạt – Sân chơi chỉ dành cho kẻ mạnh

Thị trường giấy sinh hoạt hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Hiện các doanh nghiệp trong nước đang làm chủ “sân nhà” với hơn 90% thị phần. Nhưng cuộc chơi này không dành cho những kẻ yếu thế.

Dòng sản phẩm giấy sinh hoạt vẫn đạt mức tăng trưởng tốt trong những năm gần đây. Thị trường hấp dẫn, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn không ngừng mở rộng đầu tư, thống lĩnh thị trường.

Nội – ngoại cùng tăng

Thị trường giấy sinh hoạt (hay giấy tiêu dùng) tăng trưởng mạnh ở mức 14%/năm về giá trị trong giai đoạn 2007-2012. Đặc biệt năm 2008, thị trường này có mức tăng trưởng lên đến 19,4%, cao hơn cả mức tăng trưởng 15,6% của giấy in báo. Dự kiến giai đoạn 2013-2017, dòng sản phẩm giấy sinh hoạt tiếp tục đạt mức tăng trưởng khoảng 12%/năm theo tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng trưởng thu nhập, đời sống người dân nâng cao và mức độ nhận thức về các vấn đề về vệ sinh được nâng lên.

Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn cho biết, 10 tháng đầu năm 2014, tổng doanh thu toàn thị trường giấy sinh hoạt tại Việt Nam vào khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó, hai công ty dẫn đầu ngành là Giấy Sài Gòn đạt 500 tỷ đồng (chiếm 20% thị phần) và New Toyo Pulppy với 420 tỷ đồng, chiếm 16,8% thị phần.

Thị trường giấy sinh hoạt – Sân chơi  chỉ dành cho kẻ mạnh

Một trong những công ty dẫn đầu ngành là New Toyo Pulppy với 420 tỷ đồng, chiếm 16,8% thị phần.

Mặc dù trong gần 10 năm trở lại đây luôn đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm, nhưng thị trường giấy sinh hoạt vẫn còn nhiều khoảng trống để các doanh nghiệp gia tăng thị phần. Điều này được phản ánh qua tỷ lệ sử dụng giấy tiêu dùng bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ ở mức 0,8kg/người/năm, so với mức trung bình của toàn thế giới là 4,2kg/người/năm và dự kiến con số này sẽ tăng lên 5,4 kg năm 2018 và 10 kg năm 2030. Ông Vũ Ngọc Bảo, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, thậm chí mức tiêu thụ giấy sinh hoạt 10kg/người/năm vẫn còn thấp hơn nhiều nếu so với mức tiêu thụ của thị trường Mỹ (khoảng 24kg/người/năm), Tây Âu (khoảng 15kg/người/năm).

Theo số liệu cập nhật cho 12 tháng, kết thúc quý 3/2014, của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel tại 4 thành phố chính của Việt Nam là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và nông thôn Việt Nam, thị trường giấy sinh hoạt có mức tăng trưởng về giá trị đạt 9% tại khu vực thành thị và 32% tại khu vực nông thôn, với mức tiêu dùng trung bình mỗi hộ là 240 ngàn đồng/hộ/năm (ở thành thị) và 140 ngàn đồng/hộ/năm (ở nông thôn). Trong các dòng sản phẩm giấy sinh hoạt như giấy vệ sinh (Toilet Tissue), khăn giấy hộp (Box Tissue), khăn giấy bỏ túi (Pocket Tissue), khăn ăn bằng giấy (Table Napkins), khăn giấy lau tay làm bếp (Hand Towel) thì giấy vệ sinh là dòng sản phẩm phổ biến nhất, chiếm 76% ở khu vực thành thị và chiếm tới 83% ở khu vực nông thôn trong cơ cấu sử dụng các sản phẩm giấy sinh hoạt.

Báo cáo Brand Footprint 2014 do Kantar Worldpanel thực hiện cũng chỉ ra, tại khu vực thành thị, An An (của công ty New Toyo Pulppy) là nhãn hiệu sản phẩm giấy sinh hoạt được chọn mua nhiều nhất. Nhãn hiệu Sài Gòn (của công ty giấy Sài Gòn) đứng ở vị trí thứ hai. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, Sài Gòn là nhãn hiệu sản phẩm giấy sinh hoạt được chọn mua nhiều nhất trong năm 2013.

Thị trường giấy sinh hoạt – Sân chơi  chỉ dành cho kẻ mạnh

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc truyền thông hệ thống siêu thị Big C cho hay, hiện Big C đang bán trên 150 loại giấy sinh hoạt, gồm nhiều chủng loại như: giấy vệ sinh, khăn giấy hộp, khăn bỏ túi, khăn ướt, khăn ăn và khăn bếp. Gần 95% dòng sản phẩm giấy sinh hoạt được bày bán tại siêu thị là được sản xuất trong nước.

“Ngành hàng này vẫn đang tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Những nhãn hiệu có lượng tiêu thụ tốt nhất là Bless You, Pulppy, An An và E’mos”, ông Nguyên cho biết.

Một khảo sát bỏ túi của chúng tôi cũng cho thấy, tại hầu hết các siêu thị, điểm bán lẻ tại khu vực TP.HCM, dòng Giấy Sài Gòn (gồm 4 nhãn Inno, Eco, Extra, Zenni) và dòng Bless You (gồm 2 nhãn Bless You Feel Me và Bless You Hold Me) của Công ty Giấy Sài Gòn và các dòng sản phẩm Pulppy, An An của Công ty New Toyo Pulppy là các nhãn hàng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất.

Bên cạnh những dòng sản phẩm hiện đang thống lĩnh thị trường như trên, thị trường còn ghi nhận thêm nhiều nhãn của cả các doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài như: Cellox, Yori của Thái Lan; Tempo của Hồng Kong; Let Green, Pop-one của Công ty Yahon (Việt Nam); Tessa, Paseo của Indonesia; Calla của Công ty TNHH Tân Thành Nhân (Việt Nam), Watersilk của Công ty Tissue Sông Đuống (thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam), An Khang và Horeca của Công ty Thế giới giấy…

Tăng cường đầu tư, mở rộng xuất khẩu

Thị trường giấy sinh hoạt – Sân chơi  chỉ dành cho kẻ mạnhTiềm năng thị trường còn lớn cùng với mức tăng trưởng hấp dẫn, đều đặn suốt một thời kỳ dài là động lực để các doanh nghiệp có vị trí trong ngành không thể bỏ qua cơ hội gia tăng thị phần. Tháng 9 vừa qua, Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn đã đưa vào vận hành toàn phần nhà máy giấy tại Mỹ Xuân – Vũng Tàu, nâng công suất sản xuất giấy sinh hoạt tăng gấp 3 lần, từ 15.600 tấn/năm lên 43.680 tấn/năm, trở thành doanh nghiệp sản xuất giấy sinh hoạt lớn nhất hiện nay. Đây cũng là doanh nghiệp đã xây dựng được mạng lưới phân phối hùng mạnh nhất nước với 53.000 điểm bán lẻ bao phủ 64 tỉnh thành.

Nhận thấy dòng giấy sinh hoạt là một trong 2 dòng giấy bán chạy nhất hiện nay và thị trường còn nhiều tiềm năng, Giấy Sài Gòn đã quyết định mở rộng đầu tư nhà máy với tổng vốn đầu tư lên tới 120 triệu USD (trên 2.400 tỷ đồng). Với việc đưa vào vận hành nhà máy này, Giấy Sài Gòn đặt mục tiêu tăng doanh thu gấp 3 lần trong vòng 2 năm, từ 1.400 tỷ đồng (dự kiến năm nay) lên 4.500 tỷ đồng năm 2016. “Mục tiêu này là hoàn toàn nằm trong tầm tay”, ông Cao Tiến Vị khẳng định.

Trước đó, tháng 5/2008, Công ty Diana, vốn là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc phụ nữ và trẻ em, cũng đã khởi công xây dựng nhà máy giấy Tissue Diana Bắc Ninh với tổng mức đầu tư là 22 triệu USD, công suất 80 tấn/ngày (khoảng 30.000 tấn/năm). Nhà máy này đã đi vào hoạt động từ năm 2010.

Chia sẻ về lý do đầu tư thêm dòng sản phẩm tissue bên cạnh các sản phẩm chăm sóc bà mẹ và em bé, ông Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty Diana cho biết: “Hiện nay, dù đã có nhiều nhà cung cấp giấy lụa nhỏ lẻ trên thị trường, nhưng thực sự thì người tiêu dùng cần có những loại giấy lụa vệ sinh, an toàn hơn từ các nhà sản xuất lớn. Nắm bắt được tiềm năng và nhu cầu của người tiêu dùng, Diana đã thành lập bộ phận nghiên cứu và tiếp cận thị trường từ hơn 10 năm nay, tính tới thời điểm này, tổng vốn đầu tư cho sản xuất giấy là hơn 25 triệu USD. Vì thế, tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để Diana gia nhập thị trường bằng loại giấy lụa E’mos có chất lượng vượt trội, mềm hơn, dai hơn”.

Không chỉ làm chủ được “sân nhà”, các doanh nghiệp sản xuất giấy sinh hoạt trong nước vẫn đang đẩy mạnh xuất khẩu để mở rộng thị trường.

Năm 2007, Công ty New Toyo Pulppy và Tập đoàn Corelex (Nhật Bản) cũng xây dựng nhà máy sản xuất giấy tissue tại khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư 38 triệu USD có công suất 80 tấn/ngày (khoảng 30.000 tấn/năm). Kế hoạch kinh doanh của công ty khi nhà máy đi vào hoạt động là xuất khẩu giấy lụa cuộn bán thành (dạng cuộn lớn) và cung cấp phần lớn giấy lụa thành phẩm cho thị trường nội địa.

Tại thị trường miền Bắc, ngoài E’mos của Diana, Pulppy của Pulppy Corelex (liên danh giữa San- EiRegulator – Nhật và New Toyo International – Singapore), còn có Watersilk của Công ty Tissue Sông Đuống, vốn được đầu tư từ những năm đầu của thế kỷ 21. Năm 2001, nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của mình, Công ty Giấy Bãi Bằng (Tổng công ty Giấy Việt Nam) đã đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất giấy lụa với công nghệ hiện đại vào bậc nhất khu vực với số vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đến cuối năm 2003, dòng sản phẩm giấy tissue cao cấp Watersilk ra đời.

Không chỉ làm chủ được “sân nhà”, các doanh nghiệp sản xuất giấy sinh hoạt trong nước vẫn đang đẩy mạnh xuất khẩu để mở rộng thị trường và tận dụng công suất sản xuất. 10 tháng đầu năm 2014, Công ty Giấy Sài Gòn đã xuất khẩu được 73,2 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2014 sẽ xuất khẩu 112 tỷ đồng. Giấy Sài Gòn đang có kế hoạch đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, nâng tỷ trọng xuất khẩu lên gấp đôi, tức 30% trong năm 2015 (hiện tại con số này là 15%). Công ty New Toyo Pulppy cũng đã mở rộng mạng lưới xuất khẩu đến các thị trường Hong Kong, Singapore, Úc, Nhật Bản, Campuchia, Hoa Kỳ, Lào, Myanmar… Bên cạnh dòng sản phẩm Watersilk, ở dạng bán thành phẩm (cuộn lớn – Jumbo roll) sản phẩm giấy tissue của Công ty Tissue Sông Đuống cũng đã được xuất khẩu đi nhiều nước như: Đài Loan, Australia, Hàn Quốc…

Ông Nguyễn Thành, Giám đốc Công ty Tân Thành Nhân (nhãn hiệu giấy Calla) cho biết, bên cạnh mạng lưới phân phối trải dài trên hầu hết các tỉnh thành cả nước, công ty của ông cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu đi các thị trường Myanmar, Brunei, Campuchia với tỷ trọng giữa xuất khẩu và nội địa khoảng 5%.

Cuộc chơi của vốn và công nghệ

“Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất giấy sinh hoạt tại Việt Nam, trong đó 96% là các doanh nghiệp có công suất nhỏ, sử dụng các công nghệ lạc hậu, không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn”, ông Cao Tiến Vị cho biết. Việc sản xuất giấy sinh hoạt đòi hỏi vốn đầu tư lớn cho nhà xưởng và máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Đó là lý do vì sao mặc dù được đánh giá là hết sức tiềm năng, nhưng thị trường giấy sinh hoạt dường như là sân chơi cho các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vững mạnh. Điều này ít nhiều được chứng minh qua việc có rất ít doanh nghiệp trong ngành mở rộng được hoạt động đầu tư, sản xuất trong thời gian qua.

Thị trường giấy sinh hoạt – Sân chơi  chỉ dành cho kẻ mạnh

Về vấn đề cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, ông Cao Tiến Vị cho rằng, với thị phần nhỏ và hệ thống phân phối mỏng, các công ty nhập khẩu không có nhiều khả năng phát triển. Do đặc thù sản phẩm giấy khá nhẹ và cồng kềnh, chi phí hậu cần cao nên đây sẽ là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp ngoại muốn thâm nhập thị trường qua con đường xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, ông Vị cho rằng, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành, cùng với việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế khác, thì các doanh nghiệp sản xuất giấy sinh hoạt quy mô nhỏ trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn. Rất có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp bị xóa sổ trong quá trình cạnh tranh.

Hàng nội chiếm ưu thế

Đợt khảo sát trực tuyến vào cuối tháng 10/2014 do công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab thực hiện cho thấy, hầu hết người tiêu dùng đều lựa chọn sản phẩm giấy tiêu dùng nội. Đây là một tín hiệu đầy lạc quan cho doanh nghiệp Việt.

Nhiều người tiêu dùng khẳng định, họ thích sử dụng giấy tiêu dùng nội do giá hợp lý. Và TP.HCM đang là thị trường tiêu thụ giấy với số lượng gấp đôi so với Hà Nội.

Giá cả hợp lý: thế mạnh của hàng nội

Kết quả khảo sát cho thấy, việc sử dụng giấy sinh hoạt đang ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng. Người tiêu dùng TP.HCM có thói quen sử dụng giấy nhiều gấp đôi so với Hà Nội. Khảo sát trực tuyến từ 1.407 người tiêu dùng tại Việt Nam của Epinion cho thấy trung bình một người dùng ở TP.HCM sử dụng 15-16 cuộn/bịch/ túi tháng; trong khi người dùng ở Hà Nội sử dụng 7-8 cuộn/bịch/ túi/ tháng.

Đáng lưu ý hơn, người tiêu dùng quan tâm nhiều nhất đến giá cả rồi mới đến chất lượng. Chẳng hạn, với giấy vệ sinh, yếu tố giá được 60% số người tham gia khảo sát quan tâm, trong khi với giấy bỏ túi/khăn ướt con số này là 47% và giấy/khăn ăn là 46%. Chất lượng sản phẩm với các tiêu chí như sản phẩm có độ mịn, mềm mại, không gây kích ứng da, có độ dai tốt và thấm hút tốt là yếu tố thứ 2 được người tiêu dùng chú trọng. Ngoài ra, thói quen sử dụng sản phẩm cũng là một yếu tố tạo nên sự tăng giảm trong tiêu dùng và sự trung thành với sản phẩm.

Thị trường giấy sinh hoạt – Sân chơi  chỉ dành cho kẻ mạnh

Một tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp nội là người tiêu dùng không nghĩ rằng, các sản phẩm thương hiệu ngoại thì chất lượng đảm bảo hoặc cần xuất xứ là nước ngoài thì mới có uy tín. Thay vào đó, phần đông người tiêu dùng nhận định rằng, các sản phẩm nội có giá cả hợp túi tiền. Hầu hết người tiêu dùng nhận thức được sản phẩm họ đang dùng là hàng nội địa (74% với giấy bỏ túi, 80% với giấy ăn và 92% với giấy vệ sinh), thể hiện mức độ ưa chuộng và lựa chọn sản phẩm giấy Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải cứ sản phẩm nội là sẽ bán được hàng, bởi phần đông người tiêu dùng lựa chọn thương hiệu uy tín/lâu năm và được nhiều người lựa chọn/sử dụng. Yếu tố này với giấy vệ sinh là 25-27%, giấy bỏ túi (bao gồm cả khăn giấy khô và khăn giấy ướt) là 23-24%, khăn/giấy ăn là 22-24%.

Trong khi với nhiều sản phẩm tiêu dùng hằng ngày, người tiêu dùng rất quan tâm đến các chương trình khuyến mãi thì với giấy sinh hoạt, tiêu chí này rất ít được quan tâm. Các chương trình khuyến mãi, giới thiệu của nhân viên bán hàng hay sản phẩm dùng thử dường như không hề ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của họ, vì chỉ 5 – 6 % người được phỏng vấn coi đây là một yếu tố làm họ cân nhắc.

Hậu cần tốt, tăng sức cạnh tranh

Quá trình sản xuất giấy sinh hoạt đòi hỏi đầu tư lớn, nên việc xây dựng nhà máy, trang bị máy móc hiện đại đòi hỏi doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải tính toán khâu tổ chức sản xuất, hậu cần thật tốt thì mới đảm bảo giá thành cạnh tranh. Điều này thể hiện rõ ở việc người tiêu dùng ở hai miền có thói quen sử dụng sản phẩm của những đơn vị có nhà máy sản xuất ở khu vực lân cận.

Thực tế khảo sát cho thấy, tại TP.HCM, các nhãn hiệu An An, Pulppy, Sài Gòn, Bless You (có nhà máy ở khu vực phía Nam) chiếm vị trí áp đảo; trong khi đó tại Hà Nội, Watersilk (có nhà máy sản xuất tại miền Bắc) mới chiếm vị trí số 1 với 57% người đang sử dụng giấy vệ sinh, 19% người sử dụng giấy bỏ túi và 47% người sử dụng khăn/giấy ăn. Vị trí thứ 2 thuộc về Pulppy và vị trí thứ 3 là E’mos.

Điều này cho thấy, nếu doanh nghiệp có thể tính toán để giảm được chi phí hậu cần thì khả năng thâm nhập thị trường sẽ càng tăng cao.

Lê Dung - Ngọc Thúy
Nguồn Doanh Nhân Online