Mối đe dọa từ Xiaomi

Với các sản phẩm chất lượng nhưng giá thấp, Xiaomi đang làm mưa làm gió trên thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc và hứa hẹn sẽ chinh phục nhiều quốc gia khác.

Cứ 5 giờ chiều, Lin Bin lại kiểm tra chiếc vòng đeo trên cổ tay để xem báo cáo cập nhật. Thật buồn là ông chỉ mới đi được 2.379 bước, quá ít so với mức khuyến nghị cần đi bộ mỗi ngày là 8.000 bước đã được cài đặt trên Mi-Band của ông. Mi-Band – sự kết hợp giữa đồng hồ báo thức, thiết bị theo dõi giấc ngủ và thiết bị đếm số bước đi – là sản phẩm mới nhất của công ty mà ông Lin đồng sáng lập: nhà sản xuất smartphone Xiaomi.

Con bài giá thấp

Chưa an tâm, ông còn “lướt qua” văn phòng thứ hai để xem có ai ở đó không bằng cách sử dụng webcam kết nối với chiếc smartphone Mi4. Chiếc smartphone này chiếu một đoạn video rất rõ, cho thấy hình ảnh một chiếc ghế trống và một cái đèn trong phòng. Sau đó, ông lùi lại 3 tiếng đồng hồ trước để xem có ai đã đi vào nơi làm việc riêng tư của ông hay không. Không thấy gì đặc biệt.

Mối  đe dọa từ Xiaomi

Mức giá của Xiaomi đủ thấp để công nghệ trên đến được với hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh của Trung Quốc.

Có nhiều thiết bị cho phép người ta làm được điều này, nhưng điều ấn tượng nhất về những món đồ mà ông đang sử dụng là giá của chúng: chỉ 13 USD cho chiếc Mi-Band và chỉ 325 USD cho chiếc Mi4. Các mức giá này đủ thấp để công nghệ trên đến được với hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh của Trung Quốc. Với các sản phẩm chất lượng nhưng giá thấp, Xiaomi đang làm mưa làm gió trên thị trường smartphone Trung Quốc. Không chỉ vậy, năm nay Xiaomi đã bắt đầu xuất khẩu sang 10 nước châu Á.

Bám vào thị trường nội địa

Câu chuyện thành công của Xiaomi một phần là do hãng này từ lâu đã xác định, phải bám vào thị trường tiêu thụ rộng lớn Trung Quốc với khoảng 500 triệu người thuê bao 3G và 4G.

Xiaomi đã tìm cách tận dụng sự say mê smartphone của người Trung Quốc bằng cách cung cấp những chiếc smartphone có tiêu chuẩn kỹ thuật cao với giá thấp. Nhờ đó, lượng bán ra của hãng đã tăng mạnh từ 7 triệu năm 2012 lên 18 triệu chiếc vào năm ngoái. Công ty dự kiến sẽ bán được 60 triệu chiếc trong năm nay. Xiaomi cũng giữ chi phí thấp bằng cách tiết kiệm chi phí quảng cáo, thay vào đó là triệt để sử dụng phương pháp truyền miệng và các mạng xã hội để tạo ra “sóng dư luận” về smartphone của hãng. “Chúng tôi không hề quảng cáo trong 2 năm đầu tiên”, ông Lin nói. Nhưng Xiaomi lại không hề “bủn xỉn” đối với việc đầu tư vào màn hình, bộ vi xử lý và các tính năng khác của điện thoại, nhờ đó sản phẩm của hãng đã giành được tiếng tăm trong giới công nghệ và nhanh chóng được người dùng ưa chuộng.

Đó là lý do lợi nhuận ròng năm 2013 của Xiaomi đã tăng 84% so với năm 2012, đạt 3,46 tỷ nhân dân tệ (566 triệu USD), đưa hãng trở thành một công ty sinh lời ở mức đáng mơ ước. Trong khi đó, doanh thu của Xiaomi cũng tăng hơn gấp đôi, đạt 27 tỷ nhân dân tệ. Dự kiến lợi nhuận ròng năm nay sẽ tăng 75% so với năm ngoái.

Mối  đe dọa từ Xiaomi

Con số doanh thu, lợi nhuận của Xiaomi chỉ được tiết lộ sau khi tờ Wall Street Journal được xem hồ sơ mật về tình hình kinh doanh của công ty này khi Xiaomi nộp hồ sơ lên các ngân hàng để xin vay 1 tỷ USD nhằm phục vụ kế hoạch thâu tóm hoặc bành trướng ở nước ngoài (phát ngôn viên của Xiaomi từ chối bình luận về thông tin này). “Xiaomi đã làm được một việc tuyệt vời là tăng mạnh được lượng smartphone bán ra và cùng lúc tăng được cả lợi nhuận”, chuyên gia phân tích Neil Mawston thuộc Strategy Analytics, nhận xét.

Sự thành công của Xiaomi khi “chơi” ở phân khúc giá thấp là rất khó sao chép, vì giá bán thấp nhưng sản phẩm lại được xếp vào hàng chạy tốt nhất nếu xét về hiệu suất sử dụng của điện thoại. Đó là lý do không ít người tin rằng, Xiaomi có thể đấu trực diện với các hãng smartphone hàng đầu. Nhưng các nhà sản xuất smartphone lớn nhất như Apple không thể cạnh tranh với Xiaomi ở phân khúc giá thấp, vì họ sẽ không thể có lời với mức giá như vậy (giá Xiaomi thấp hơn ít nhất 60%).

Để bán các điện thoại chất lượng cao, nhưng với giá thấp như thế, Xiaomi giữ mỗi mẫu sản phẩm trên thị trường lâu hơn nhiều so với Apple. Trong ngành, trung bình một phiên bản mới của một chiếc điện thoại được tung ra cứ cách mỗi 265 ngày, giảm từ mức 345 ngày vào năm 2009. Nhưng Xiaomi không hề làm mới sản phẩm trong 2 năm. Hãng tính giá điện thoại chỉ cao hơn một chút so với tổng chi phí của tất cả các linh kiện. Khi chi phí linh kiện (đã “lỗi thời”, dù vẫn rất tốt) giảm tới hơn 90% trong khoảng thời gian 2 năm đó, Xiaomi vẫn giữ mức giá bán ban đầu và bỏ túi phần chênh lệch, nên lợi nhuận cao hơn nhiều. Đầy tự tin, Xiaomi khẳng định, họ dễ dàng tiến quân vào các thị trường châu Á, nơi có tầng lớp trung lưu đông đúc.

Mối  đe dọa từ XiaomiTiến vào châu Á

Xiaomi đã và đang chuẩn bị vốn cho kế hoạch tiến ra biển lớn này. Hãng đang trong quá trình huy động 1,5 tỷ USD trong một đợt huy động vốn mới mà giá trị của Xiaomi đã được định giá lên tới 40-50 tỷ USD. Mức định giá này cho thấy kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư đối với Xiaomi, thậm chí một số xem Xiaomi là một trường hợp thành công khác tương tự Alibaba. Mức giá hơn 40 tỷ USD của Xiaomi đồng nghĩa với việc công ty này có giá trị thị trường cao gấp 3 lần đối thủ trong nước Lenovo.

Xiaomi quả là một miếng bánh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Nhưng đối với Apple và Samsung thì Xiaomi là một mối đe dọa lớn. “Nếu chỉ đơn thuần xét về hiệu suất, chiếc Mi4 không bằng iPhone. Nhưng có một sự thật quan trọng là giá Mi4 chưa bằng 40% giá chiếc iPhone 6. Hết sức ấn tượng! Mi4 có những đặc tính hay riêng của nó, đồng thời cũng có một số vấn đề, nhưng nó đang thu hẹp khoảng cách rất nhanh với iPhone”, James Feldkamp, Tổng giám đốc Mingjian, một tổ chức vì người tiêu dùng tại Trung Quốc đánh giá. Ông khuyến cáo: “Apple đang phải run rẩy vì cái mà Xiaomi đang cho thấy – đó là xu hướng phổ thông hóa smartphone”.

Thành Lợi
Nguồn Doanh Nhân Online