Nhà đầu tư cần thông điệp rõ ràng xác tín

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần tăng tốc mạnh mẽ.

Cho rằng năm 2014 là năm đáng thất vọng đối với các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital lý giải nguyên nhân là vì thiếu một thông điệp rõ ràng từ Chính phủ. Và ông chia sẻ những suy nghĩ của mình…

Hai thập kỷ, ba khủng hoảng

* Dragon Capital đã có mặt ở Việt Nam được 20 năm. Ông có thể chia sẻ một vài nhận định về thị trường khi nhìn lại chặng đường đã qua?

Trước tiên, tôi phải chúc mừng Việt Nam, vì 20 năm qua từ một nước nghèo mà nếu tính GDP năm 1990 chỉ có 227 USD/người thì đến năm 2014 đã tăng lên 2.500 USD/người, tức là GDP tăng khoảng 11 lần trong vòng 20 năm. Nhà đầu tư cần thông điệp rõ ràng xác tínHiếm có đất nước nào trên toàn cầu làm được như vậy. Tốc độ giảm nghèo của Việt Nam là cao nhất trong lịch sử nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Có thể chỉ ra 3 cuộc khủng hoảng trong vòng 2 thập kỉ đó. Đầu tiên là cuộc khủng hoảng thúc đẩy quá trình đổi mới từ năm 1986 – lúc đó tôi chưa đến Việt Nam. Cuộc khủng hoảng đã tạo ra một chuỗi chính sách cải cách, nhờ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, nâng vị thế của nông nghiệp Việt Nam trong ngành nông nghiệp toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng thứ 2 là khủng hoảng tài chính châu Á vào những năm 1997 – 1998. Lần này những chính sách cải cách hướng mạnh mẽ đến tư nhân, tạo môi trường giúp doanh nghiệp tư nhân ra đời, phát triển. Nhờ đó, hàng loạt luật ra đời, được thiết kế tương đối hiện đại như Luật Doanh nghiệp 2000, Luật Chứng khoán và các luật mới liên quan đến đầu tư nước ngoài…

Sau đó, thành phần kinh tế tư nhân của Việt Nam đã phát triển rất nhanh, trở thành thành phần chủ chốt tạo công ăn việc làm, hàng hóa xuất khẩu chính.

Lần khủng hoảng thứ 3 là vào năm 2008, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giờ đây, chúng ta đang phải trông chờ thêm một chuỗi chính sách cải cách mới. Theo phân tích của chúng tôi, đó là một chuỗi chính sách có trọng tâm là cải cách vai trò của kinh tế nhà nước theo hướng rút lại vai trò của nhà nước trong những lĩnh vực không cần tham gia.

Đã khủng hoảng là khó khăn. Năm năm vừa rồi, không một người nào là không có khó khăn, trong đó chắc chắn có cả bạn và tôi. Nhưng những cuộc khủng hoảng không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Khủng hoảng đồng thời lại là động lực thúc đẩy sự thay đổi theo hướng tích cực, mở rộng. Một nước không bao giờ có khủng hoảng cũng sẽ không phát triển được.

Khủng hoảng đồng thời lại là động lực thúc đẩy sự thay đổi theo hướng tích cực, mở rộng. Một nước không bao giờ có khủng hoảng cũng sẽ không phát triển được.

* Ông dự đoán bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ thế nào? Dragon Capital mong đợi gì về chính sách vĩ mô của nhà nước trong năm mới?

Tôi cho rằng, năm 2015 cũng chưa dễ dàng gì. Vì bên ngoài sẽ có nhiều cuộc đàm phán về các hiệp định thương mại đa phương, mà trước sau cũng ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong nước cũng có nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, nếu nói là tích cực hay bất lợi thì chắc phải nói là tích cực.

Cụ thể, ở cả 3 trụ cột cải cách của nhà nước là tài chính – ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước, quyết tâm của Chính phủ đã thể hiện ngày càng rõ thông qua những biện pháp kỹ thuật. Đơn cử là việc cho phép người nước ngoài tham gia mua nhà ở mới đây. Ngoài góc độ giải quyết nhu cầu cá nhân thì động thái này giúp cho các ngân hàng và VAMC bán được tài sản thế chấp, giúp ngành ngân hàng bớt khó. Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì Nghị định 51 cũng có nhiều nội dung tích cực.

Nhưng đầu tư công thì vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. Một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam phải dựa rất nhiều vào nguồn vốn tín dụng để có tài chính để phát triển. Tín dụng không tăng thì GDP không tăng. Thực ra tăng trưởng GDP 5-6%/năm không phải là tệ, nhưng so với mục tiêu 5 năm của giai đoạn này thì chưa đạt mục đích.

Ngoài ra, nếu cứ tăng 5-6% thì mục tiêu công nghiệp hóa không đạt được trước năm 2020. Theo lí thuyết, nếu các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có tốc độ tăng trưởng GDP 7-8%/năm thì trong vài thập kỉ tới sẽ xóa được chênh lệch với các nước giàu. Nhưng nếu cứ tăng 5%/năm thì không phải vài thập kỉ mà phải mất hàng thế kỉ!

Nhà đầu tư cần thông điệp rõ ràng xác tín

Không thể đi chậm

* Từ nay đến năm 2020 chỉ còn 5 năm nữa. Theo ông, Việt Nam có bắt kịp các nước phát triển trong khu vực hay không?

Trước đây, người ta nghĩ đến năm 2020 Việt Nam sẽ đạt được mức như của Thái Lan, chưa nói đến Singapore. Nhưng cho đến nay, đây là một thách thức cho Việt Nam. Tôi không biết công nghiệp hóa, hiện đại hóa mình định nghĩa như thế nào? Liệu có cửa hàng Louis Vuitton có phải là hiện đại không? (cười)

Nhưng nói chung tốc độ xóa chênh lệch giữa Việt Nam và các nước phát triển đang bị kéo chậm lại. Nếu thực sự muốn xóa chênh lệch với một số nền kinh tế khác thì không thể đi chậm được. Nhưng đi nhanh quá thì đương nhiên là có rủi ro nên mình phải cân đối, phải lựa chọn và phải đảm bảo là công chúng cũng hiểu được lựa chọn đó để không bị thất vọng.

* Đi chậm thì không kịp, đi nhanh quá thì có rủi ro. Vậy phải đi thế nào mới là khôn ngoan?

Tăng trưởng 5% thì hơi chậm, trong khi 7% là hơi khó. Tôi nghĩ, mức tăng GDP trên 6%/năm là phù hợp khả năng của Việt Nam. Sự khác nhau giữa 5 và 6 tuy chỉ 1%, nhưng qua một thập kỉ là rất đáng kể.

Năm thất vọng của nhà đầu tư ngoại

* Ông đánh giá dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam năm vừa qua thế nào thưa ông?

Năm nay là một năm khá thất vọng của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài. Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến giờ đã thu hút khoảng 137 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là con số quá khiêm tốn.

Chưa có một thông điệp rõ ràng từ Chính phủ về cơ hội hiện tại cũng như trong tương lai đối với các nhà đầu tư tài chính, đặc biệt là trong thị trường chứng khoán.

Nguyên nhân có cả nội tại và khách quan. Nhưng nguyên nhân lớn nhất, theo tôi là chưa có một thông điệp rõ ràng từ Chính phủ về cơ hội hiện tại cũng như trong tương lai đối với các nhà đầu tư tài chính, đặc biệt là trong thị trường chứng khoán. Thí dụ, cả năm nay cũng như năm trước, chúng ta nghe nhiều dự báo là các hạn chế sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được xem xét và “nới room”, cuối cùng… không có. Mới đây lại có tin là phải chờ đến tháng 10 sang năm. Nếu Chính phủ không có một thông điệp rõ ràng tạo điều kiện, dĩ nhiên các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không đến.

Nếu bình luận tình hình 3-4 năm tới, cá nhân tôi tương đối lạc quan vì trước sau Việt Nam cũng sẽ phải nâng tỉ lệ sở hữu để cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia rộng rãi hơn. Khi đó những người có vốn sẽ đầu tư hiệu quả hơn và chương trình cổ phần hóa của Chính phủ sẽ tăng quy mô của thị trường và chủ thể trên thị trường. Như vậy quy mô thị trường có thể không phải là 50 tỷ USD mà có thể là trên 100 tỷ USD. Tuy nhiên, có thể do Dragon Capital có thời gian dài ở Việt Nam nên nhìn thấy rõ. Còn các nhà đầu tư ở New York, Luân Đôn hay Hồng Kông ở xa hơn, chưa từng tham dự thị trường VN thì họ không chắc chắn. Có lẽ đây là lí do mà năm nay vốn đầu tư vào ít.

* Khi gặp gỡ các nhà đầu tư quốc tế, thông thường ông thấy họ quan tâm đến điều gì nhất khi đầu tư ở Việt Nam?

Các tập đoàn, công ty nước ngoài họ không có thời gian tìm hiểu, họ cũng không tường tận vấn đề đầu tư ở Việt Nam nên điều quan trọng họ cần là một thông điệp rõ ràng.

Thí dụ một quỹ hưu trí của Mỹ muốn đầu tư 50 triệu USD tại Việt Nam thì mình cần chỉ cho họ đầu tư như thế nào để cân đối được cơ hội và rủi ro trong chứng khoán. Quả thật không dễ chút nào. Thậm chí, hiện tại nếu họ muốn mua Vinamilk, mua REE, mua ngân hàng cũng không ai bán, mua dầu khí thì vướng vấn đề quản trị.

Nhà đầu tư cần thông điệp rõ ràng xác tín

* Hai mươi năm làm quản lí quỹ ở Việt Nam, ông rút ra được điều gì để có thể vận hành tốt quỹ của mình?

Nhìn lại 20 năm hoạt động tại Việt Nam, tôi thấy có thể rút ra 3 giá trị đóng vai trò dẫn dắt trong sự phát triển của quỹ đó là sáng tạo, chuẩn mực và cam kết.

Kinh doanh ở Việt Nam là phải sáng tạo. Đừng nói không ở Việt Nam, lúc nào cũng phải có cách giải quyết vấn đề. Yếu tố chuẩn mực chính là đạo đức của người kinh doanh. Về yếu tố cam kết, ông Warren Buffett có một câu đùa rằng, khi nước cạn mới biết ai để cái quần bơi ở nhà! Điều này cũng đồng nghĩa, muốn có đối tác mạnh hiểu mình, tin mình, nghe mình thì phải cùng nhau chia sẻ khó khăn. Nếu nước lên mình tham gia, rồi khi khó khăn mình không ở lại thì các đối tác sẽ không có ấn tượng tốt về mình.

* Hồi đầu năm có nhiều luồng ý kiến cho rằng, áp lực rút vốn của các quỹ tại Việt Nam trong năm là rất lớn. Thực tế đến bây giờ thì thế nào, thưa ông?

Nói áp lực rút vốn thì không đúng lắm, nhưng có thể nói áp lực thay đổi hình thức là có nhiều và vẫn còn, sang năm cũng sẽ còn nữa. Lâu nay nhiều người vẫn đặt dấu hỏi xung quanh hình thức quỹ đóng. Tôi cho rằng, các thị trường mới nổi như thị trường Việt Nam rất phù hợp với loại hình quỹ đóng. Tuy nhiên, các năm trước đây đã có hơi nhiều quỹ đóng và việc cần làm bây giờ là phải thử thách, để rồi cải tiến một vài quỹ cho hiệu quả hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Lê Dung
Nguồn Doanh Nhân Online