Vũ Minh Trí & hoài bão tại Microsoft

Vũ Minh Trí & hoài bão tại Microsoft

Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam Vũ Minh Trí chia sẻ kế hoạch của Microsoft nhằm tạo đột phá trong việc phát triển thị trường Việt Nam.

Thay đổi cuộc sống của người dùng, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho Việt Nam và đưa công nghệ thông tin vào giáo dục một cách mạnh mẽ… là mong ước của vị CEO muốn đi vào trung tâm cuộc cách mạng công nghệ.

* Thưa ông, được biết Microsoft đang có những kế hoạch được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá. Ông có thể chia sẻ?

Định hướng phát triển toàn cầu của Tập đoàn Microsoft là chuyển dịch rất mạnh mẽ, hướng ưu tiên vào điện thoại và điện toán đám mây. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Hoạt động của Microsoft tại Việt Nam nhằm xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cho khách hàng, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn và cơ quan nhà nước để từ đó có thể tận dụng tối đa những ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây.

Tháng 12/2013, Microsoft đã tung ra Office 365 và tới thời điểm này đã tạo ra được tiếng vang lớn trên thị trường. Có thể nói Office 365 đã thay đổi hoàn toàn cách thức sử dụng phần mềm truyền thống. Trước đây, khách hàng phải mua phần mềm, cài vào máy và sử dụng có thể được hoặc không, rồi bị bẻ khóa. Vũ Minh Trí & hoài bão tại MicrosoftHoặc doanh nghiệp muốn xây dựng hạ tầng công nghệ phải có phòng máy, có nhân viên kỹ thuật… Nay, Microsoft cung cấp gói dịch vụ theo dạng thuê bao. Đối với Office 365, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký là hàng trăm nhân viên có thể sử dụng dịch vụ công nghệ chuyên nghiệp. Đây là một lợi ích rất nhân văn mà Microsoft đem lại, tạo ra cơ hội được sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp cho tất cả mọi người, dù làm việc trong công ty nhỏ hay công ty lớn. Đây là điều Microsoft Việt Nam quyết liệt làm. Riêng với giáo dục, Office 365 được cung cấp miễn phí để các em học sinh có cơ hội được học, được trải nghiệm.

Một cách ngắn gọn, Microsoft sẽ chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng cung cấp dịch vụ, chứ không đơn thuần là sản xuất phần mềm như trước. Để làm được điều này, đội ngũ nhân sự cũng phải thay đổi, có thể coi như một sự chuyển mình rất lớn của tập đoàn.

* Thị trường Việt Nam phản ứng ra sao với Office365?

Office 365 đang được đón nhận rất khả quan ở thị trường Việt Nam. Đơn giản vì trước đây phải bỏ ra mấy trăm USD để mua phần mềm, nay mỗi tháng doanh nghiệp chỉ cần trả một ít chi phí thuê bao. Quan trọng là dịch vụ luôn luôn được cập nhật nên chi phí sẽ chuyển từ hạng mục đầu tư tài sản cố định sang đầu tư cho chi phí hoạt động, được hoạch định vào giá thành sản phẩm dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, chiến lược của hãng hiện giờ là ưu tiên tất cả dịch vụ, phần mềm viết cho điện thoại. Với định hướng là nhà cung cấp dịch vụ, các ứng dụng của hãng nay phải chạy được trên những hệ điều hành khác nhau của smartphone, tablet và hãng sẽ mở công ty chuyên phục vụ những dịch vụ liên quan đến sản phẩm, ưu tiên cung cấp cho nền tảng di động. Như bộ Office 365 hiện đã được chạy trên nhiều nền tảng khác nhau thay vì chỉ trên nền tảng Microsoft.

Vũ Minh Trí & hoài bão tại Microsoft* Trong chiến lược mới này, thị trường Việt Nam có điểm nhấn nào riêng, thưa ông?

Chúng tôi xác định ưu tiên hàng đầu là đem tất cả những sản phẩm trong chiến lược mới về thị trường Việt Nam. Đối với điện toán đấm mây, quan trọng là làm sao có được cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, về đường trục, về cáp quang… Đội ngũ kỹ sư của chúng tôi phải kiểm tra tất cả những điều kiện tại Việt Nam và có sự điều chỉnh theo hướng thích nghi. Chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều thời gian để làm việc này.

Muốn thị trường Việt Nam hưởng được những tiện ích từ các dịch vụ mới, phải làm quyết liệt. Thực tế, ngay trong năm nay, Office 365, Azure… đã có mặt ở Việt Nam.

Có 2 chiến lược khác nhau, một là chỉ làm những sản phẩm mình đang có mà thị trường đang mua. Làm như vậy mình đỡ tốn chi phí thử nghiệm, marketing, đào tạo đối tác, nhưng mỗi năm tỉ lệ tăng trưởng chỉ theo mức định sẵn. Còn muốn thị trường tăng trưởng tốt hơn, đột biến hơn và dịch vụ mới nhất về công nghệ thông tin đến được tay người sử dụng, có lợi cho cả Microsoft và người dùng thì phải đem được sản phẩm mới về. Đó là chiến lược và ban giám đốc Việt Nam cùng nhau quyết định, thực hiện.

* Xin ông chia sẻ một chút về bản thân. Hơn 2 năm ở Microsoft, ông cảm thấy như thế nào?

Đây là trải nghiệm tốt đối với vị trí CEO và tôi học được nhiều điều nhất từ trước đến giờ. Microsoft là một công ty có phạm vi hoạt động, sản phẩm rộng nhất từ hạ tầng đến ứng dụng, phần mềm đến dịch vụ, online đến offline… Đứng về mặt công nghệ và quản lý, tôi cảm thấy hài lòng nhất là việc xây dựng được đội ngũ nhân sự. Ở Microsoft với những kế hoạch kinh doanh có phạm vi rộng lớn như vậy, nếu đội ngũ nhân sự không giỏi, thì không cách nào thành công được. Năm qua, Microsoft Việt Nam đã có kết quả rất phấn khởi. Tôi tự hào vì mọi người cảm thấy được phát triển, được học hỏi, thăng tiến, môi trường làm việc được cải thiện và niềm tự hào được làm việc với công ty ngày một lớn hơn.

Tôi tự hào vì mọi người cảm thấy được phát triển, được học hỏi, thăng tiến, môi trường làm việc được cải thiện và niềm tự hào được làm việc với công ty ngày một lớn hơn.

Đó là điều khiến tôi cảm thấy hứng thú, dù ngày nào cũng có khó khăn đến từ nhiều phía: khách hàng, tập đoàn, đối tác. Có rất nhiều áp lực trong một công ty lớn và sẽ không có giải pháp nào hoàn hảo, nên phải luôn động viên mình, động viên đội ngũ nhân viên; nhìn thấy những điểm đáng khích lệ của họ. Luôn đòi hỏi một kết quả hoàn hảo, thì có thể cho tới lúc tôi rời khỏi Microsoft cũng không có ngày đó! Nhưng như thế không có nghĩa là không đặt ra những mục tiêu rất cao cho thị trường, nhất là với thị trường có tiềm năng như Việt Nam.

* Vậy kết quả hoạt động của công ty năm ngoái ra sao?

Con số cụ thể thì khó chia sẻ, nhưng tôi có thể nói là thị trường Việt Nam đang tăng trưởng 2 con số và năm ngoái trở thành thị trường có mức tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu của Microsoft. Điều này trước đây chưa bao giờ đạt được. Microsoft Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất về doanh số, lợi nhuận; đưa Việt Nam sánh vai với các thị trường phát triển khác như Malaysia, Singapore, Thái Lan. Năm qua, có rất nhiều cuộc viếng thăm của lãnh đạo tập đoàn và họ đều đánh giá Microsoft Việt Nam có bước trưởng thành.

* Gần đây, các hãng công nghệ liên tục rót thêm vốn vào thị trường Việt Nam có phải là một tin vui? Ông có cho rằng, Việt Nam đã thay đổi vị trí trên bản đồ công nghệ?

Tin vui thì đúng, nhưng để nói Việt Nam có thay đổi trên bản đồ công nghệ hay không thì vẫn còn sớm.

Chúng ta thường nói về chiến lược Trung Quốc +1, với hàm ý là do có nhiều rủi ro ở Trung Quốc khiến cho các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, Canon, Intel, Nokia lo lắng nên họ bắt đầu nghĩ đến thị trường khác. Điểm khởi đầu tốt là Việt Nam được lựa chọn. Tôi đánh giá cao lãnh đạo tỉnh, trung ương đã có những chính sách hợp lý, thuyết phục được một số tập đoàn lớn. Nhưng sau đó Việt Nam phải chứng minh cho họ thấy môi trường đầu tư thật sự tốt như đã cam kết – nếu không phải là tốt hơn – để họ tiếp tục đầu tư. Nếu ít hơn mong đợi, họ sẽ nghĩ đến các thị trường khác.

Vũ Minh Trí & hoài bão tại Microsoft

Chúng ta có nhiều lợi thế, nhưng nếu phân tích kỹ lại là thử thách chông gai ở phía trước. Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ có nhất quán hay không để cho các tập đoàn phát triển lâu dài. Với các tập đoàn lớn, lợi ích họ mang lại cho chúng ta là chất xám, là khả năng xây dựng một nền công nghệ cao, chứ không chỉ tiền đất, tiền thuế.

Để vận hành các nhà máy của Nokia, Samsung, Intel, Canon… Việt Nam tới đây cũng sẽ phải có một thế hệ lao động mới, biết rõ về quy trình, công nghệ sản xuất chip, thiết kế chip và bo mạch của điện thoại, ti vi. Rất có thể 10 ông tiến sỹ ngồi vô làm một cái điện thoại cũng không được, vì trước nay chưa hề có kinh nghiệm thực tế, nhưng 10 người kỹ sư thực hành sẽ làm được.

* Gần đây người ta nói nhiều về công nghiệp hỗ trợ. Ông có nghĩ rằng, việc các nhà sản xuất lớn có mặt tại Việt Nam đang tạo ra cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ?

Xung quanh các tập đoàn sản xuất lớn sẽ mọc lên hàng loạt các nhà máy cung cấp linh kiện, nguyên liệu… Các nhà máy này không chỉ sản xuất cho thị trường Việt Nam mà toàn cầu, nên cơ hội rất lớn.

* Ông từng trải qua nhiều vai trò khác nhau, vậy theo ông, điểm khác biệt lớn nhất giữa một CEO làm cho các tập đoàn đa quốc gia và một làm chủ doanh nghiệp của chính mình là gì?

Với các tập đoàn lớn, lợi ích họ mang lại cho chúng ta là chất xám, là khả năng xây dựng một nền công nghệ cao, chứ không chỉ tiền đất, tiền thuế.

Thực ra tôi chưa làm chủ doanh nghiệp riêng lần nào nên khó so sánh, nhưng đối với tôi, Microsoft cho tôi cái quyền xem công ty ở Việt Nam như công ty của mình. Ban giám đốc phải làm sao để công ty này có lời thì mới có tiền trả lương cho nhân viên, xây dựng văn phòng mới…

* Trong những câu chuyện của mình, ông luôn đề cập đến kỳ vọng xây dựng nền tảng công nghệ cao cho nền kinh tế Việt Nam. Bản thân ông đang thực hiện kỳ vọng này đến đâu?

Một trong những lý do tôi rời Qualcomm về Microsoft là do tập đoàn lớn hơn nên tầm ảnh hưởng sẽ nhiều hơn. Tôi luôn mong muốn làm sao ứng dụng thật nhiều công nghệ thông tin vào lĩnh vực giáo dục. Và vị trí của tôi ở Microsoft sẽ dễ thực hiện hơn nếu ở Yahoo!, Sony Ericson hay Qualcomm. Office 365 có thể coi là một giải pháp hoàn hảo, với chi phí rất hợp lý, chỉ cần 1 USD cho mỗi máy sử dụng Windows.

Rộng hơn nữa, tôi còn mong muốn làm sao xây dựng được hạ tầng công nghệ thông tin cho tất cả các bộ ngành, địa phương để hệ thống dữ liệu nói chung và chính sách nói riêng được triển khai thông suốt, sử dụng hiệu quả. Dữ liệu nằm ở dạng giấy thì khả năng sử dụng sẽ rất hạn chế.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn Doanh Nhân Online