“Kinh tế chia sẻ” sống nhờ gì?

“Kinh tế chia sẻ” sống nhờ gì?

Hầu như năm nào thế giới cũng chứng kiến một trào lưu hay cơn bão nào đó của giới công nghệ.

Vào khoảng năm 2011 thì là Groupon, 2012 là sự trỗi dậy mạnh mẽ của mạng xã hội, OTT (Over The Top, như là Viber, Zalo...) và gần đây nhất là Uber và GrabTaxi.

Hoặc là bán sỉ

Ra đời từ năm 2009, Uber hiện được định giá 40 tỷ USD sau đợt huy động vốn mới nhất. Bên cạnh đó, một phiên bản sao chép của Uber nhưng dành riêng cho thị trường taxi là GrabTaxi cũng đã trải qua 3 vòng gọi vốn thành công với số tiền lên đến hàng trăm triệu đô.

GrabTaxi là doanh nghiệp Đông Nam Á kêu gọi được nhiều tiền nhất trong cuộc chơi "đầu tư mạo hiểm" và được đầu tư bởi những cái tên sừng sỏ bậc nhất của Thung lũng Silicon như Tiger Global Management, GGV Capital, Vertex Venture Holdings...

“Kinh tế chia sẻ” sống nhờ gì?

Ra đời sau Uber 2 năm, nhận đầu tư hàng trăm triệu đô cho thấy sức nóng của GrabTaxi không hề nhỏ. Theo một số chuyên gia trong giới đầu tư, những công ty này cũng được định giá gấp ít nhất 4-5 lần số vốn kêu gọi được. Như vậy, cuộc chơi này cho thấy đôi khi gầy dựng nên một công ty để rồi... bán đi thì có vẻ "hời" hơn chủ trương "nhặt bạc cắc".

Trên thực tế đã có không ít startup (công ty khởi nghiệp) làm được điều này như Instagram, WhatsApp (cùng bán cho Facebook với giá lần lượt là 1 tỷ USD và 19 tỷ USD), vốn gần như không thể thu phí từ người dùng nhưng thể hiện quyền lực của mình trong thế giới, cái quyền lực mà startup nào cũng thèm thuồng.

Hoặc là bán lẻ

Nhặt bạc cắc không hề xấu, mà còn là rất tốt nữa là khác. Đơn cử Google hay Facebook đều nhặt bạc cắc từ mỗi lượt xem hay mỗi lượt click nhưng đống bạc cắc ấy được lượm trên toàn cầu.

Một số startup sẽ phải cảm ơn Steve Jobs, người đã tạo ra cuộc cách mạng smartphone.

Có những startup trong lĩnh vực "kinh tế chia sẻ" đang thành công với mô hình thu tiền lẻ như Airbnb, Agoda hay Uber. Tại Mỹ, Uber thu phí giao dịch từ tài xế trên mỗi chuyến đi là 20%. Con số 20% này đem lại cho Uber khoảng 2 tỷ USD trong năm 2014. Riêng ngày 31.12.2013, 60 thành phố đã đem lại cho Uber 11 triệu USD.

Hiện nay dịch vụ này có mặt tại hơn 150 thành phố trên thế giới. Cùng mô hình, Airbnb chia sẻ phòng ở khi muốn đi du lịch giá rẻ. Thành lập từ năm 2008, đến nay website chia sẻ phòng này cũng đã được định giá lên đến 10 tỷ USD, cao hơn cả giá trị vốn hóa của tập đoàn khách sạn Accor vốn sở hữu hàng loạt bất động sản đắt đỏ.

Hầu như chuyến đi nào, GrabTaxi cũng trợ giá cho hành khách ít nhất 15.000 đồng chưa kể các khoảng thưởng cho tài xế. Chắc hẳn ai cũng đặt câu hỏi GrabTaxi đào đâu ra tiền mà đốt suốt cả năm trời như vậy?

Hãy thử suy nghĩ, các khoản tiền mà khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ sẽ đi đâu, các công ty bảo hiểm lấy tiền của chúng ta rồi làm gì để sinh lời mà trả lại cho khách hàng. Sau cùng, đốt lắm tiền vậy các doanh nghiệp này sẽ thu lại gì?

“Kinh tế chia sẻ” sống nhờ gì?

Riêng TP.HCM ước chừng có khoảng 12.000 xe taxi các loại, mỗi xe sẽ có khoảng 30 chuyến mỗi ngày, suy ra mỗi tháng là 10.800.000 chuyến xe/tháng. Giả sử GrabTaxi chỉ chiếm 30% thị phần trong số này và mỗi chuyến họ chỉ lấy 5.000 đồng tiền phí/chuyến (thay vì 20% như Uber), thì đơn vị này sẽ có 16,2 tỷ đồng/tháng.

Sẽ là cùng công thức cho các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế chia sẻ khác. Có chăng là khác về lĩnh vực hoạt động, có thể là du lịch, vận chuyển, biết đâu sẽ là học hành hay đi siêu thị giúp. Chỉ có một điều cốt lõi là tất cả sẽ xoay quanh công nghệ và cụ thể là smartphone. Các startup kể trên sẽ là con số 0 nếu không có smartphone. Tận sâu thẳm, có lẽ ta nên gửi lời cảm ơn đến Steve Jobs, người tạo ra cuộc cách mạng smartphone ngày nay.

Mai Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư