Hàng Việt vào siêu thị: Không phải lo nếu chất lượng đạt

Đưa hàng vào siêu thị vốn đã khó khăn với doanh nghiệp, nay lại càng khó khăn hơn khi các hệ thống siêu thị lớn gần đây đổi chủ, thêm đối tác, chuyển từ nhà quản lý châu Âu sang châu Á… Thế nhưng không phải là không có cơ hội cho doanh nghiệp trong nước.

Các nhà cung cấp Việt Nam có bị loại?

Hầu hết các nhà sản xuất và cung cấp hàng hóa trong nước, đặc biệt là các nhà sản xuất nhỏ và vừa đều khẳng định việc đưa hàng hóa vào kênh siêu thị, trung tâm thương mại không dễ tí nào. Đã vậy, gần đây nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài đã đổi chủ, thêm đối tác nước ngoài dẫn đến khả năng thay đổi nhà cung cấp hàng hóa…

Giới phân tích cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư làm ăn thường có tính cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau và ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đồng hương khi có nhu cầu. Do đó, khi một nhà bán lẻ của một nước nào đó vào Việt Nam thì hàng hóa của doanh nghiệp nước đó thường sẽ được ưu tiên chọn vào hệ thống kinh doanh. Nhất là đối với các doanh nghiệp trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… vốn có cộng đồng doanh nghiệp đầu tư sản xuất ở Việt Nam đông đảo. Nhập hàng từ các nước trong khu vực này vào Việt Nam cũng có chi phí cạnh tranh hơn so với nhập từ các nước phương Tây.

Hàng Việt vào siêu thị: Không phải lo nếu chất lượng đạt

"Khi một nhà quản lý nước ngoài tiếp quản hệ thống kinh doanh nào đó chắc chắn sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp đồng hương của họ."

Đó là lo lắng của hàng loạt doanh nghiệp nội địa cung cấp hàng hóa cho nhà phân phối Metro (Đức) tại Việt Nam khi tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua lại toàn bộ hệ thống siêu thị bán sỉ Cash & Carry tại Việt Nam của Metro vào đầu tháng 8 vừa rồi.

Đúng là doanh nghiệp có cơ sở để lo lắng, bởi đầu tư của các nhà sản xuất Thái vào Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời vào năm 2015 - những rào cản về thuế nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan sẽ không còn. Theo các doanh nghiệp, hàng Thái với cuộc cải cách lớn về giá cả, mẫu mã và chất lượng đã nhanh chóng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian qua.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa hàng hóa của doanh nghiệp trong nước sẽ bị loại hoàn toàn khỏi chuỗi kinh doanh của các siêu thị nước ngoài, nhất là trong bối cảnh các nhà bán lẻ đang cạnh tranh gay gắt về giá bán trên từng sản phẩm.

Giám đốc một công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (đề nghị không nêu tên) cho biết sản phẩm công ty ông trong hệ thống của Metro cũng không nhiều và lợi nhuận cũng không được là bao do chiết khấu cho Metro khá cao. Do đó, ông vẫn chờ đợi xem chính sách của ông chủ mới Metro như thế nào. Nếu chính sách của BJC quả thực là ưu tiên cho hàng hóa Thái Lan, doanh nghiệp này sẽ tập trung đầu tư cung cấp hàng hóa cho hệ thống phân phối khác cũng như đẩy mạnh kênh truyền thống lâu nay. Tuy nhiên, cuối tuần rồi vị giám đốc này cho biết ông vẫn tiếp tục hợp đồng cung cấp hàng bán tại hệ thống Cash & Carry như trước đây.

Hàng Việt vào siêu thị: Không phải lo nếu chất lượng đạt

Tương tự, ông Phan Thanh Phương - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tiến Nga - doanh nghiệp chế biến thực phẩm đóng hộp và khô, cho biết ông cũng từng lo ngại về việc thay đổi chủ các kênh phân phối nước ngoài ở Việt Nam vì hơn 80% sản phẩm của công ty ông kinh doanh dựa vào kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên sản phẩm của công ty ông hiện vẫn được bán tại hệ thống của Metro. Theo vị giám đốc này quan sát, sở dĩ hàng hóa của ông vẫn còn bán được vì có sức cạnh tranh hơn so với hàng ngoại nhập.

Trước đó, khi hệ thống cửa hàng Family Mart của Nhật được đổi thành B’s mart do doanh nghiệp Thái Lan quản lý, thực phẩm đóng hộp và khô của Tiến Nga vẫn được chọn phân phối tại đây dù sản phẩm thực phẩm đóng hộp Thái Lan hiện phát triển rất mạnh.

Theo ông Phương, khi một nhà quản lý nước ngoài tiếp quản hệ thống kinh doanh nào đó chắc chắn sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp đồng hương của họ. Nhưng nếu sản phẩm của doanh nghiệp nội địa có lợi thế cạnh tranh về chất lượng hoặc giá cả, thậm chí lợi thế đó ngang bằng sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài thì cơ hội không hẳn bị mất vì cùng một mặt hàng, các siêu thị thường chọn 5-7 nhà cung cấp, thương hiệu để khách hàng lựa chọn và so sánh.

Cam kết của các kênh bán lẻ nước ngoài

Hàng Việt vào siêu thị: Không phải lo nếu chất lượng đạtÔng Aswin Techajareonvikul - Tổng giám đốc điều hành của BJC, khẳng định: “Chúng tôi vẫn ưu tiên phân phối hàng Việt Nam”. Chủ tịch BJC cũng đưa ra thông điệp trấn an các nhà cung cấp: “Chúng tôi không có kế hoạch tái cơ cấu hay thay đổi nhà cung cấp”. Tuy nhiên, ông Aswin cũng nhấn mạnh, các sản phẩm của họ phải có chất lượng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Tương tự, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung tâm thương mại (TTTM) Lotte Việt Nam Hong Won Sik khẳng định hàng hóa kinh doanh trong hệ thống Lotte Mart ở Việt Nam chủ yếu là hàng do Việt Nam sản xuất.

Theo ông Sik, Lotte Mart quan tâm đến các nhà cung cấp hàng hóa có chất lượng, uy tín và cạnh tranh về giá. “Chúng tôi nhìn thấy hàng hóa của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng điều này và đây là lý do 90-95% hàng được bán tại Lotte Mart Việt Nam hiện nay là hàng trong nước sản xuất”, ông nói.

Theo ông Sik, Lotte Mart cũng đang hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với người tiêu dùng Hàn Quốc bằng cách đưa hàng Việt Nam giới thiệu đến hệ thống bán lẻ của Lotte Mart ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, chủ hệ thống siêu thị Big C cho biết với tiêu chí “giá rẻ cho mọi nhà”, Big C cũng ưu tiên chọn các nhà cung cấp trong nước đạt chất lượng và có giá cạnh tranh.

Quốc Hùng / Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn