Cơ hội xuất khẩu hàng Việt qua kênh siêu thị
Với tỷ lệ lên đến 90% tại các kênh phân phối lớn của các tập đoàn nước ngoài như Big C, Metro… hàng Việt Nam không những dễ dàng đến tay người tiêu dùng trong nước, mà còn có cơ hội mở rộng phạm vi phân phối ra các thị trường nước ngoài – nơi có các kênh phân phối của các siêu thị này.
Hàng Việt “được lòng” các kênh phân phối nước ngoài
Trong lễ phát động chương trình “Người Việt tin dùng hàng Việt” diễn ra vào tháng 9-2014 tại hệ thống 19 trung tâm thương mại Metro trên cả nước, ông Philippe Bacac - Tổng Giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam cho biết: “Hoạt động hỗ trợ hàng Việt đã được Metro thực hiện từ nhiều năm nay. Hoạt động này không chỉ góp phần thúc đẩy nền sản xuất trong nước thông qua việc phân phối sản phẩm Việt trên toàn hệ thống mà còn giúp giới thiệu sản phẩm Việt ra thị trường thế giới thông qua hệ thống các trung tâm Metro trên 29 quốc gia khắp thế giới”.
Hiện nay, bên cạnh việc thu mua các sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm trong nước với tổng trị giá lên đến hơn 40 triệu USD để cung cấp cho các trung tâm trong hệ thống phân phối trong nước, Metro đã xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống bán lẻ của tập đoàn với tổng trị giá hơn 35 triệu USD/năm. Riêng với mặt hàng nông sản, năm 2013, Metro đã xuất khẩu qua hệ thống sáu triệu USD và dự kiến năm 2014, giá trị xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi.
Nhận biết được những lợi thế của việc xuất khẩu hàng hóa qua kênh siêu thị, trong năm 2012 và 2014, Bộ Công Thương đã phối hợp với chuỗi siêu thị Metro tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam tại Đức. Ông Nguyễn Thiện Bình – Tham tán Thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết, nhờ hoạt động này, rất nhiều hàng hóa Việt Nam đã có mặt tại kênh phân phối Metro tại thị trường Đức như lương thực thực phẩm, nông sản, thủy sản…
Tương tự như chuỗi siêu thị Metro, thông qua hệ thống siêu thị Big C (thuộc Tập đoàn Casino – Pháp), năm 2013, hàng Việt xuất khẩu ra nước ngoài đã đạt 20 triệu USD (tăng 30% so với năm 2012). Nhằm phát huy tối đa lợi thế của kênh phân phối này, tháng 9-2014, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tập đoàn Casino để giới thiệu những sản phẩm chủ lực của Việt Nam đến người tiêu dùng Pháp thông qua “tuần lễ hàng Việt Nam tại siêu thị Casino, Paris – Pháp”. Đây là lần thứ 2 tuần lễ hàng Việt Nam tại Pháp được tổ chức sau lần đầu tiên được tổ chức rất thành công vào năm 2012.
Không chỉ sở hữu một chuỗi siêu thị lớn tại các thành phố lớn của Việt Nam, hàng Việt Nam cũng đang tìm được ra nước ngoài thông qua hệ thống siêu thị Lotte Mart Việt Nam. Mới đây, triển lãm “Sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu: Cơ hội mới cho thương mại Việt Nam – Hàn Quốc” đã được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, thu hút gần 100 doanh nghiệp (DN) ngành thủy sản, nông sản, dệt may… tham gia. Tại buổi triển lãm, 30 sản phẩm của Việt Nam đã được lựa chọn trưng bày tại 10 siêu thị Lotte Mart lớn nhất tại Hàn Quốc. Đây là cơ hội lớn cho các DN Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn này.
Chú trọng chất lượng
Tiếp cận và có mặt tại các kênh siêu thị lớn của các tập đoàn nước ngoài là thành công bước đầu của các sản phẩm và doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, trụ vững tại các hệ thống siêu thị này hoàn toàn không phải điều dễ dàng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, chất lượng là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất các doanh nghiệp phải chú ý.
Cụ thể, ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán thương mại – Thương vụ Việt Nam tại thị trường Pháp cho biết, các DN trong nước có thể tiếp cận Big C Việt Nam để xuất khẩu sản phẩm tiêu dùng sang Pháp nếu đáp ứng được các yêu cầu chất lượng của thị trường này. Để làm được điều đó, các DN cần có chương trình hành động bài bản, kiên trì theo đuổi các đối tác tiềm năng, xây dựng lòng tin cũng như chứng minh được năng lực hợp tác và đặc biệt là chất lượng sản phẩm của mình với đối tác và người tiêu dùng sở tại.
Ông Nguyễn Thiện Bình cho biết thêm, với thị trường Đức, DN cần đầu tư nhiều hơn cho bao bì, mẫu mã, nhãn mác và dịch vụ sau bán hàng. Đặc biệt, DN phải chú ý tới chất lượng hàng hóa, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để có chỗ đứng trên thị trường, sau đó mới là giá cả. Chất lượng hàng hóa phải bảo đảm theo đúng các yêu cầu về chất lượng của EU. Riêng đối với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm thì yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm phải rất được coi trọng.
Ngoài hệ thống phân phối của các nhà đầu tư nước ngoài, Saigon Co.op với ưu thế là liên doanh với NTUC Fair Price (chiếm 60% thị phần bán lẻ của Singapore), đang tìm kiếm sản phẩm Việt đạt chất lượng để thâm nhập thị trường Singapore và ở những thị trường mà NTUC Fair Price đang có mặt. Như vậy, cơ hội để các sản phẩm Việt “bơi ra biển lớn” đang lớn hơn bao giờ hết. Thời điểm này, tận dụng cơ hội để hàng Việt tăng sự hiện diện tại nước ngoài là điều quan trọng nhất.
Hà Anh
Nguồn Nhân Dân