F&B vẫn "hút" vốn ngoại
Liên tiếp các thương vụ M&A (mua bán - sáp nhập) diễn ra trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) trong năm 2014 cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại đối với tiềm năng tăng trưởng của ngành này.
IDP buông tay là rớt
Tập đoàn VinaCapital, Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) và Daiwa IP Partners (Nhật Bản) vừa công bố khoản đầu tư chiến lược vào Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP), một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sữa và sản phẩm từ sữa tại Việt Nam.
Với tổng giá trị đầu tư khoảng 45 triệu USD (VOF đóng góp 80%), VOF và Daiwa PI Partners sẽ là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 70% cổ phần của IDP. 30% cổ phần còn lại thuộc về gia đình ông Nguyễn Tuấn Khải (sáng lập IDP) và Tổng giám đốc Công ty (ông Trần Bảo Minh). VOF là bên tiếp cận IDP đầu tiên, vào năm 2013.
Trong khi về phía IDP, được biết đến với thương hiệu sữa Ba Vì, cuối năm 2012, IDP thể hiện mong muốn mở rộng thị trường và danh mục sản phẩm thông qua việc mời Trần Bảo Minh, người từng tham gia đội ngũ quản lý của Vinamilk, TH Milk về đảm đương công tác điều hành. Khi đó, IDP tạo nên dấu ấn bằng sự ra đời của dòng sản phẩm sữa nước mang thương hiệu Lovein Farm và sữa chua ăn cùng với tên gọi này.
Tuy nhiên, IDP sau đó rơi vào thế khó khăn mà theo ví von của ông Minh là giống như một người leo núi, chỉ cần chinh phục thêm chặng đường ngắn là có thể cầm được lá cờ chiến thắng nhưng không còn đủ sức. Nếu buông tay sẽ leo lại từ đầu hoặc có thể nguy hiểm đến tính mạng, cho nên, cần phải có sự hỗ trợ, ở đây được hiểu là nguồn tài chính từ các nhà đầu tư. Song, đại diện IDP không tiết lộ chính xác khoản doanh thu và lợi nhuận của IDP kể từ 2012 đến nay.
Theo chia sẻ của ông Trần Bảo Minh, trong số các sản phẩm hiện nay của IDP, gồm sữa nước, sữa chua ăn thì sữa chua đang có chỗ đứng vững chắc với trên thị trường với trên dưới 15% thị phần, chủ yếu là thương hiệu Ba Vì. Riêng ở thị trường phía Bắc, sữa chua Ba Vì chỉ đứng sau Vinamilk và chiếm đến 30% thị phần ở khu vực này.
Trong khi, sữa chua ăn Lovein Farm, ra đời năm 2013, dù đạt mức tăng trưởng theo ông Minh là khá tốt sau 3 tháng tung ra thị trường nhưng sau đó không được tiếp tục đầu tư nên đã gần như biến mất khỏi tâm trí người tiêu dùng.
Về phía đơn vị đầu tư, bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó giám đốc của VOF, đồng thời cũng là người phụ trách khoản đầu tư vào IDP cho biết, sau khi VOF và Daiwa đầu tư vào, vốn điều lệ của IDP sẽ tăng lên 460 tỷ đồng.
Đồng thời, trong thời gian sắp tới, vốn đầu tư của IDP sẽ phân bổ vào việc đầu tư thêm máy móc, tạo ra sản phẩm mới, đặc biệt là đa dạng hóa các dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em (đối tượng chiếm 65% thị trường), mở rộng nhà máy sản xuất ở Củ Chi, Ba Vì. Ngoài ra, ban lãnh đạo của công ty cũng đang nghiên cứu cho việc đầu tư ra nước ngoài.
Vinacapital: lợi nhuận hay đường dài
Đối với VOF, đây là khoản đầu tư thứ hai vào ngành sữa của quỹ này, hiện VOF vẫn còn nắm giữ cổ phần tại Vinamilk (đây là một trong những khoản đầu tư chiếm tỷ trọng NAV cao của VOF, tính đến ngày 30/11/2014 là 9,9%). Ông Vương Tuấn Dương, Phó giám đốc VOF cho rằng, dù thị trường đang có những biến động nhưng F&B vẫn là lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư ngoại.
Khi được hỏi về khái niệm đầu tư dài hạn tại IDP, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VOF cho rằng, khoản đầu tư dài hạn của VinaCapital vào doanh nghiệp thường dao động từ 5 năm trở lên nhưng nếu trong thời gian đó, có đối tác trả giá cao để sở hữu cổ phần IDP thì VinaCapital phải đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư của họ.
Đồng thời, trong quá trình đầu tư, cũng như trường hợp đầu tư vào Prime Group hay Hoàn Mỹ trước đây, VinaCapital chuộng xu hướng liên kết với các quỹ khác cùng tham gia đầu tư. Đây cũng là bước chuẩn bị cho việc thoái vốn sau này.
Ngay như việc "bắt tay" với Daiwa, hiện, tổng mức đầu tư của Daiwa vào các công ty tư nhân ở khu vực châu Á đã lên đến 350 tỷ yen (hơn 100 công ty) và với lợi thế là thành viên của Tập đoàn Daiwa Securities Group, Daiwa IP Partners không quá khó để tìm kiếm những công ty cùng ngành IDP để cùng hợp tác phát triển trong tương lai.
Lượng sữa người Việt Nam tiêu dùng hằng năm chỉ ở mức 14kg/người, tương đương với thị trường Nhật Bản vào những năm 1960.
Trong khi trước đó không lâu, sau khi hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi Metro Cash & Carry Việt Nam, thông qua F&N Dairy Investments (một trong những doanh nghiệp nước giải khát và bất động sản lớn của Singapore, được Tập đoàn ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi mua nắm quyền kiểm soát năm 2013), ThaiBev đã mua 15 triệu cổ phần tại Vinamilk và nâng tỷ lệ nắm giữ của F&N lên hơn 110 triệu cổ phiếu, tương đương 11,04% cổ phần. Lượng cổ phiếu F&N mua vào bằng với lượng mà Dragon Capital và VinaCapital bán ra.
Nói về thị trường Việt Nam, đại diện của Daiwa nhìn nhận, hiện nay, lượng sữa người Việt Nam tiêu dùng hằng năm chỉ ở mức 14kg/người, tương đương với thị trường Nhật Bản vào những năm 1960, trong khi Việt Nam đang sở hữu dân số trẻ nên tiềm năng của thị trường còn rất lớn.
Ngoài Daiwa, theo một nguồn tin không chính thức, một nhóm các nhà đầu tư tài chính của Hàn Quốc cũng đang trong quá trình tìm kiếm và xúc tiến việc mua lại doanh nghiệp sản xuất sữa có uy tín tại Việt Nam.
Nguyên Bảo
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn