Xây dựng thương hiệu theo kiểu Richard 'NguyenSon'
Không ít thương hiệu xây dựng thành công thông qua hình ảnh cá nhân như The Body Shop, Apple, đặc biệt là đế chế Virgin Group của Sir Richard Branson. Ông chủ thương hiệu cà phê PhinDeli Phạm Đình Nguyên ít nhiều đi chiến lược này.
Richard Brandson: xây dựng hình ảnh thương hiệu “nổi loạn”
Sir Richard Branson là một doanh nhân, tỷ phú người Anh có sức hút lớn với công chúng. Ông là một trong ‘tứ trụ’ gồm Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffet có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới.
Ngay từ những ngày đầu mới chập chững bước đi trên con đường kinh doanh đầy ‘bão tố’, Richard Branson đã tự viết những quy tắc riêng để xây dựng một đế chế hùng mạnh. Có lúc, thương hiệu Virgin xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, vận tải, viễn thông, truyền thông, hàng không, tới rượu, nước ngọt có gas, mỹ phẩm, thậm chí là đồ lót…
Sir Richard Branson đã xây dựng thương hiệu cá nhân bằng các ý tưởng “điên rồ”, luôn thu hút giới truyền thông và gắn chặt nó với thương hiệu Virgin. Đó là “thách thức những điều không thể”.
Đơn cử vào năm 1994, nhằm phá vỡ thế độc tôn thị trường nước ngọt có gas vốn nằm trong tay Coca Cola, Pepsi. Virgin Cola có màn ra mắt thương hiệu tại Mỹ với một phong cách đậm chất Hollywood, không thể kịch tính hơn. Người đàn ông có mái tóc bạch kim lòa xòa như một nghệ sĩ đã tự lái một chiếc xe tăng Sherman cán qua hàng trăm lon Coca Cola ở quảng trường Times, New York trước sự chứng kiến của hàng trăm phóng viên báo đài Mỹ. Mũi súng nhắm thẳng vào bảng quảng cáo khổng lồ của Coca-Cola. Khỏi phải nói, truyền thông cả thế giới đều sửng sốt với màn ra mắt trên.
Các lần xuất hiện của Richard Branson luôn mới mẻ vì ông biết giá trị và muốn xây dựng thương hiệu nhờ sức thu hút của bản thân. Như việc ông mặc chiếc áo cưới trị giá 10.000 USD trên người, cùng sơn môi hồng, mắt kẻ màu xanh để giới thiệu Virgin Brides. Như phi hành gia thực thụ trong hợp báo giới thiệu Virgin Galactic. Hoặc công kênh vũ nữ Play Boy Dita Von Teese lên vai nhân dịp kỷ niệm 10 năm đường bay thẳng từ London tới Las Vegas, hãng hàng không Virgin.Tất cả những hoạt động đó vẫn là đề tài bàn tán sôi nổi đến tận ngày nay.
Có được thương hiệu tốt, người đàn ông 64 tuổi hiện đang kiếm tiền thêm từ thu phí các công ty muốn sở hữu thương hiệu Virgin của nhiều ngành khác nhau. Đây cũng làm đau đầu các chuyên gia tiếp thị vốn trung thành với chiến lược “tập trung”.
Phạm Đình Nguyên: Không gì không thể!
Ở Việt Nam, một số doanh nhân cũng đi theo chiến lược xây dựng thương hiệu qua hình ảnh cá nhân. Tuy nhiên, có thể nói ông chủ thương hiệu PhinDeli có thể được xem là “bạn đồng hành” với Sir Richard Brandson – qua hàng loạt các hoạt động cũng mang hơi hướng “thách thức những điều không thể”.
Đầu tiên, ông chủ Phạm Đình Nguyên 38 tuổi đã có màn ‘chào sân’ quá ấn tượng trong vụ mua thành công thị trấn Mỹ Buford (Wyoming), mặc dù là chỉ có 1 cư dân và chỉ vỏn vẹn chưa tới 1 chai (Obama). Với cái giá này, hàng trăm thậm chí hàng ngàn đại gia dư sức quăng ra tấm cheque. Vấn đề là không ai đã nghĩ đến chuyện đấu giá thị trấn Mỹ. Và có nghĩ đến, cũng chưa chắc dám “theo” tới bến như ông chủ trẻ này.
Câu chuyện Người Việt mua thị trấn Mỹ đã trở thành tâm điểm truyền thông. Thông tin doanh nhân Việt mua đứt thị trấn ở Mỹ được các kênh truyền hình, báo lớn quốc tế như BBC, CNN, Telegraph, HuffingtonPost đồng loạt đưa tin. Theo công bố, cuộc đấu giá thị trấn đã tạo ra hơn 1.200 bài viết, tiếp cận trên 1,3 tỷ lượt người xem trên khắp thế giới. Ở Việt Nam thì tên, tiểu sử của Phạm Đình Nguyên được tìm kiếm đến nỗi Google ‘phải phát điên’.
Câu chuyện Phạm Đình Nguyên cũng tạo cuộc tranh cãi nảy lửa “Tỉnh dậy đi nước Mỹ ơi!” mà hiện nay thông điệp truyền thông của một loại cà phê hòa tan mới PhinDeli đã “ăn theo”: “Cà phê Việt làm nước Mỹ tỉnh giấc”. Một cuộc tranh luận khác mà theo một số người (không phải là marketing) cho rằng, đầu tư 1 chai (Obama) tại một chỗ “khỉ ho cò gáy” như vậy là “ngu hết chỗ nói”. Chưa biết ai dại ai khôn, chỉ biết một điều; Phạm Đình Nguyên đã trở thành một thương hiệu “Không gì không thể”, tiền thân của một loại cà phê Việt.
Năm sau đó, thị trưởng Phạn Đình Nguyên ‘bồi’ thêm cú sốc khác khi đổi tên thị trấn thành Buford PhinDeli và cho ra mắt luôn thương hiệu cà phê PhinDeli. Bắt đầu tấn công vào thị trường Mỹ của một thương hiệu cà phê Việt, dạng đường đường chính chính bước vào bằng cửa lớn. Đó là điều không một thương hiệu cà phê nào ở Việt Nam làm được.
Nhiều người vốn bảo thị trưởng Phạm Đình Nguyên ‘điên’ từ lúc mua thị trấn thì nay có lý do để cũng cố suy nghĩ khi thấy Thị trưởng vốn sợ độ cao lại khám phá cảm giác phi trọng lực ngoài không gian. Phạm Đình Nguyên chia sẻ; “Đến giờ vẫn có người nói tôi điên. Tôi nghĩ, đôi khi bạn cần phải điên chỉ để chứng minh một điều: không gì không thể! “
Các chuyên gia tiếp thị không cho là vậy, họ thấy rằng các việc mua thị trấn, đổi tên thị trấn và ra mắt thương hiệu cà phê PhinDeli, bay vào không gian là những cú tiếp thị tạo buzz (buzz marketing). Vốn dành cho các thương hiệu mới ‘ra ràng’ muốn bứt phá hoặc các tên tuổi lớn muốn thoát khỏi ‘góc an toàn’.
Mới đây, thị trưởng lại có màn ‘tiếp thị kiểu Mỹ’ khi xuất hiện tại chợ Bến Thành trên chiếc Hummer cùng đội biệt kích 'commando' của tập đoàn DKSH, là đối tác chiến lược phân phối giúp PhinDeli phát triển thị trường.
Các hoạt động “động trời” của ông chủ PhinDeli, theo một số chuyên gia, cũng không hề kém cạnh so với Sir Richard Brandson. Mới đây, Phạm Đình Nguyên còn xuất hiện trong bộ phim truyền hình 9 tập “Mùa oải hương năm ấy” đình đám. Đây là bước đi chưa có trong “sách kinh thánh tiếp thị”, giúp cho câu chuyện đi sâu và đi rộng vào nhiều đối tượng hơn.
Trong phim, thị trưởng Phạm Đình Nguyên (dưới dạng“diễn viên” khách mời) vào vai Đình Nguyên (chủ thương hiệu PhinDeli) - chú của Bảo Anh (nhân vật chính). Sự xuất hiện của ông chủ “lắm chiêu” này không chỉ PR thêm cho phim mà còn giúp thương hiệu cà phê “làm nước Mỹ tỉnh giấc” tiếp cận thêm những đối tượng trẻ (đặc biệt là nữ).
Lời khuyên cho các thương hiệu mới ‘ra ràng’
Theo công ty TNS, chi phí quảng cáo trong 3 tháng đầu năm của Nescafé và Vinacafé đã hơn 105 tỉ. Đó chỉ là 1 quý thôi. Tính hết cả năm, ngân sách của 2 thương hiệu này chắc cũng sẽ khoảng hơn 15 “chai Obama”.
Một thương hiệu mới ra ràng như PhinDeli nếu không đi theo một chiến lược khác biệt từ sản phẩm cho đến cách xây dựng thương hiệu – thì cơ hội thành công rất nhỏ. Hoặc sẽ phải tốn một ngân sách cực lớn để mới có thể làm cho khách hàng biết đến.
Chọn cách xây dựng thương hiệu theo kiểu Richard Nguyenson “không gì không thể” của ông chủ Phạm Đình Nguyên là một điển cứu độc đáo trong ngành tiếp thị hiện đại, rất đáng cho những thương hiệu mới khác xem xét.
Chung Anh / Thre3 Communications
Nguồn Dùng hàng Việt