Mobifone và câu hỏi khó về tương lai
Sự kiện IPO của Mobifone vào năm sau sẽ rất hấp dẫn, nhưng doanh nghiệp này vẫn đang có những vấn đề.
Sự kiện hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) hoàn tất việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) là một cột mốc quan trọng trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhưng chưa dừng lại ở đó, năm sau việc cổ phần hóa một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất và có lẽ hấp dẫn nhất sẽ diễn ra. Đó là đợt IPO của Mobifone.
Nói là một trong những thương vụ IPO hấp dẫn nhất cũng không sai, nếu căn cứ vào kết quả kinh doanh tích cực trong quá khứ lẫn thương hiệu trên thị trường của Mobifone. Công ty này hiện là doanh nghiệp viễn thông có thị phần lớn thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau Viettel. Sau khi tách ra khỏi VNPT, mới đây Mobifone đã được Thủ tướng cho phép nâng tầm lên trở thành Tổng Công ty Viễn thông Mobifone. Vốn điều lệ của Công ty đang ở mức 12.600 tỉ đồng và sẽ tăng lên 15.000 tỉ đồng vào cuối năm 2015.
Kết quả kinh doanh của Mobifone cũng rất khả quan. Năm 2013, Mobifone ghi nhận doanh thu lên đến 41.000 tỉ đồng và lợi nhuận ròng 6.000 tỉ đồng. Nếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán, Mobifone sẽ trở thành một trong những mã cổ phiếu blue-chip mà các quỹ đầu tư muốn sở hữu trong danh mục của mình.
Với kế hoạch tái cấu trúc và hỗ trợ mà Chính phủ đang tiến hành đối với các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông thì đến năm 2020, “kiềng ba chân” Mobifone - Vinaphone - Viettel dự kiến sẽ chiếm đến 90% thị phần cung cấp các dịch vụ viễn thông di động Việt Nam, một thị trường béo bở mà chỉ riêng trong năm 2013, tổng doanh thu đã lên tới 9,9 tỉ USD (khoảng 208.000 tỉ đồng).
Nhưng không phải mọi chuyện đều màu hồng đối với Mobifone. Thị trường viễn thông Việt Nam đã tăng trưởng quá nhanh và hiện đang ở gần mức bão hòa, tức đang bước vào giai đoạn trưởng thành với sự cạnh tranh khốc liệt. Ở giai đoạn này, một chiến lược thông thường mà các doanh nghiệp hay tiến hành là hạ giá sản phẩm dịch vụ để duy trì hay mở rộng thị phần nhưng nhìn chung tăng trưởng sẽ rất chậm.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), tốc độ tăng trưởng của thị trường di động Việt Nam cho giai đoạn 2014-2018 sẽ chỉ khoảng 2%/năm với số lượng thuê bao di động vào cuối năm 2018 sẽ vào khoảng 159,6 triệu thuê bao, tức tăng khá chậm so với con số khoảng 143 triệu đạt được vào cuối năm 2013.
Ngoài chiến lược về giá, một hướng đi khác giúp các hãng viễn thông cải thiện hiệu quả hoạt động là cung cấp nhiều dịch vụ hơn cho khách hàng, như cung cấp dịch vụ mạng di động 3G cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng. Tuy vậy, những dịch vụ đi kèm này thường không hề rẻ và nhìn chung đại đa số người dùng ở Việt Nam vẫn chưa mặn mà với những dịch vụ như thế. Số lượng thuê bao có sử dụng 3G ở Việt Nam vào năm 2013 vào khoảng 21 triệu thuê bao và theo dự báo của BMI, con số này sẽ tăng lên khoảng 32 triệu vào năm 2018.
Theo BMI, doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao di động (ARPU) sẽ tiếp tục sụt giảm trong 5 năm tới từ mức khoảng 4 USD năm nay xuống còn 3,3 USD vào năm 2018. Do đó, đối với giới đầu tư, họ sẽ có lý do để thận trọng trong việc quyết định có tham gia vào đợt IPO sắp tới của Mobifone hay không.
Mobifone dường như khá chậm trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động cũng như thể hiện tham vọng lớn.
Một vấn đề khác là Mobifone dường như khá chậm trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động cũng như thể hiện tham vọng lớn. Viettel mới đây tiết lộ sẽ dành ít nhất 800 triệu USD để hợp tác với một doanh nghiệp ở Myanmar trong một liên doanh viễn thông tại đây. Trước đó, Vietel đã tích cực khai phá các thị trường ở bên ngoài như Campuchia, Lào, các quốc gia ở Nam Mỹ và châu Phi.
Rõ ràng, trong khi tình hình kinh doanh thị trường trong nước đang trở nên khó khăn hơn thì động thái ra xa bờ để bắt cá lớn đang mang lại thành công nhất định không chỉ về doanh thu mà còn về kinh nghiệm lẫn thương hiệu cho Viettel (dù rủi ro đi kèm không nhỏ).
Thậm chí, ngoài việc phải cạnh tranh với các đối thủ trong ngành, hiện Mobifone cũng như các công ty viễn thông khác đang gặp thách thức từ những ứng dụng tin nhắn miễn phí như Viber, WhatsApp, Zalo…Tuy vậy, đang có một số thông tin không chính thức cho rằng Chính phủ có thể đang nghiên cứu ban hành những điều khoản luật lệ đối với các ứng dụng miễn phí này. Nếu điều này xảy ra, Mobifone có thể sẽ nhẹ nhõm phần nào.
Thách thức cho Mobifone còn đến từ các hiệp định kinh tế thương mại mà Việt Nam đang đàm phán. Trong nội dung đàm phán của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các quốc gia khác đang đòi hỏi Việt Nam phải tạo điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài được cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp viễn thông trong nước. Hiện TPP chưa kết thúc đàm phán, nên chưa biết điều khoản này có tác động như thế nào đối với vị thế của Mobifone trên thị trường.
Hãy quay trở lại với thương vụ IPO của Mobifone. Công ty Chứng khoán TP.HCM đã định giá Mobifone vào khoảng 3,4 tỉ USD và có thể tăng lên 4 tỉ USD, với kỳ vọng khi có sự tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài, Mobifone sẽ cải thiện được hiệu quả hoạt động.
Theo trang tin DealStreetAsia, tính đến nay đã có vài doanh nghiệp lớn ở châu Âu và châu Á quan tâm đến thương vụ IPO của Mobifone như Tập đoàn Telenor của Na Uy (doanh nghiệp này đã được cấp phép cung cấp dịch vụ di động ở Myanmar vào năm ngoái) và Tập đoàn Comviq của Thụy Điển. Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư tiềm năng như Singapore Telecommunications, Bharti Airtel (Ấn Độ), France Telecom (Pháp), hay Tập đoàn KDDI (Nhật).
Sơn Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư