Hàng Tết: Ê hề trên kệ
Dù vẫn còn khó khăn trong tiêu thụ nhưng các nhà sản xuất, kinh doanh đã chuẩn bị một lượng hàng hóa lớn với kỳ vọng tăng doanh thu trong mùa mua sắm cuối năm này.
Nhà sản xuất tung hàng
Đánh giá thị trường vẫn còn khó khăn nhưng các nhà sản xuất vẫn tăng lượng hàng cho mùa Tết này. Cụ thể, Công ty Sài Gòn Food đưa ra thị trường 550 tấn thực phẩm, tăng 5-10% tùy mặt hàng. Các mặt hàng chủ lực của Sài Gòn Food vẫn là lẩu, thực phẩm chế biến và cháo dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, Saigon Food cũng đưa ra thị trường một số sản phẩm mới như tôm hấp, cồi sò điệp, lẩu Miso (lẩu Nhật Bản) và các mặt hàng đặc trưng cho mùa Tết trong bộ sản phẩm "Đặc sản Tết Việt" như: lẩu Tết 1kg, lạp xưởng tôm, Seachip ăn liền (gồm cá bống cắt sợi, cá thiều tẩm gia vị, cá cơm sấy giòn, mực sấy giòn...).
Trong mùa Tết 2015, mức độ tiêu dùng tăng nhẹ, từ 10-15% nhưng người tiêu dùng sẽ kén chọn hơn, quan tâm hơn đến các sản phẩm trong nước.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food, cho biết, Công ty không tung hàng ồ ạt mà thực hiện giải pháp vừa sản xuất thành phẩm hoàn chỉnh, vừa trữ nguyên liệu, vừa theo dõi thị trường để điều chỉnh phù hợp.
Một thương hiệu lớn của ngành thực phẩm là Vissan đã chuẩn bị trên 80% hàng Tết. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, Tết năm nay, Vissan đã chuẩn bị 670 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa đồng thời đưa ra thị trường khoảng 46.000 con heo thịt, 2.000 con bò và trên 4.000 tấn sản phẩm chế biến từ thịt heo, tăng khoảng 10% so với Tết năm 2014.
Để tăng mãi lực, Vissan sẽ kết hợp với các hệ thống siêu thị thực hiện khuyến mãi giảm giá các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống vào những ngày cận Tết.
Trong khi đó, ở lĩnh vực bánh kẹo, Công ty Bibica công bố đưa ra thị trường 1.350 tấn bánh kẹo và chocolate các loại, tăng 20% so với năm ngoái. Bibica tăng cường các dòng bánh cao cấp Googdy và sản phẩm mới Lạc Việt cho nhu cầu biếu tặng.
Hiện công ty này đã huy động 100% công suất các dây chuyển sản xuất bánh kẹo Tết. Đại diện Công ty Bibica, cho rằng, trong mùa Tết 2015, mức độ tiêu dùng tăng nhẹ, từ 10-15% nhưng người tiêu dùng sẽ kén chọn hơn, quan tâm hơn đến các sản phẩm trong nước.
Kênh phân phối trữ hàng
Cùng với nhà sản xuất, hiện nay, các kênh phân phối cũng đã trữ hàng, bắt đầu cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Saigon Co.op (đơn vị chủ quản của Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra) đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 2 - 3 lần so với tháng kinh doanh bình thường, tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng và đồ uống.
Có đến 90.000 tấn hàng được Saigon Co.op dự trữ cho 3 tháng trước, trong và sau Tết, tăng gần 15% so với Tết 2014. Các mặt hàng Tết như bánh mứt, nho khô, nước giải khát, lạp xưởng, giò lụa, dưa món... được Co.opmart tăng cường dự trữ.
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết, ngoài những mặt hàng được UBND TP.HCM giao bình ổn giá, Saigon Co.op chủ động giảm giá từ 5% - 10% các mặt hàng thiết yếu khác so với thị trường.
Vào những ngày cận Tết, Saigon Co.op sẽ kết hợp với các nhà cung cấp giảm giá thêm từ 5% - 50% cho hàng nghìn sản phẩm thiết yếu khác. Đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng mạnh trong dịp Tết, hệ thống siêu thị Co.opmart còn tổ chức 141 điểm bán hàng lưu động tại các xã nghèo vùng sâu, vùng xa và các KCN - KCX với tổng trị giá hàng hóa khoảng 30 tỷ đồng. Các mặt hàng như gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, bánh mứt, nước ngọt... được bán với giá giảm từ 3-5% so với giá bán khuyến mãi tại siêu thị.
Một hệ thống bán lẻ lớn khác là Big C cũng công bố đã chuẩn bị khoảng 420 tấn thịt tươi, với các mặt hàng chủ lực là thịt heo, thịt gà, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Cuối năm, Big C tăng cường các mặt hàng mang nhãn hàng riêng "Big C" như bia, bánh, dầu ăn, đồ uống, thịt nguội, hạt nêm, bột ngọt, nước mắm, tương ớt, mì tôm, kem đánh răng, nước rửa tay, dầu gội, sữa tắm, bột giặt, nước xả vải, nước rửa chén, nước lau sàn... đồng thời giới thiệu đến khách mua hàng 17 loại giỏ quà gói sẵn với giá từ 59.900 - 1,7 triệu đồng.
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ Công chúng Big C, cho rằng, một trong những thuận lợi đối với doanh nghiệp là do kỳ nghỉ Tết Ất Mùi kéo dài hơn so với mọi năm, Chính phủ đã điều chỉnh tăng thu nhập tối thiểu của người lao động (kể từ tháng 1/2015), dự kiến sức mua sẽ tăng mạnh (khoảng 15% so với Tết Giáp Ngọ), vì thế, Big C đã tích cực triển khai các chương trình thu mua phù hợp để đảm bảo nguồn hàng phong phú, đầy đủ, phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau dịp lễ.
Cùng với việc chuẩn bị hàng hóa, Big C cũng triển khai rộng rãi chính sách "giá tốt", các chương trình khuyến mãi kích cầu, quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào, tăng cường dịch vụ hỗ trợ, hậu mãi như giao hàng miễn phí, mua hàng trả góp, tăng cường nhân viên các bộ phận thu ngân, an ninh, vệ sinh..., tạo tiện nghi cho khách hàng khi đến mua sắm tại Big C. "Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ hình thức tăng giá nào của nhà cung cấp cho đến tháng 3/2015", ông Quốc Nguyên khẳng định.
Đầu tư lớn, thắng lớn?
Không kinh doanh hàng thiết yếu nhưng PNJ vẫn đầu tư mạnh cho mùa mua sắm cuối năm. Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty PNJ, cho biết, đến thời điểm này, PNJ đã chuẩn bị những bộ sưu tập độc đáo cho mùa Tết và cả Valentine. Cùng với đó, PNJ đã làm những video quảng bá cho mùa Tết, từ ngày 14/2 trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội...
Với sự đầu tư bài bản về nguồn hàng, kênh phân phối, PNJ đặt kỳ vọng sẽ tăng 30% so với cùng kỳ 2014. Kỳ vọng của PNJ là hoàn toàn có cơ sở vì 10 tháng qua, doanh thu bán lẻ trang sức của PNJ đã tăng 39% so với cùng kỳ 2013. Với sự đầu tư sản phẩm theo phong cách sáng tạo, độc đáo, chắn chắn PNJ sẽ thành công.
Ở lĩnh vực thực phẩm, bà Thanh Lâm cho rằng, năm nay Tết Dương lịch và Âm lịch cách xa nhau gần 2 tháng, vì vậy, doanh nghiệp có cơ hội bán hàng nhiều hơn, thời gian mua sắm Tết của người tiêu dùng cũng kéo dài hơn.
Tết là lễ hội lớn nhất của Việt Nam và cũng là mùa cao điểm. Vì vậy, nếu sản phẩm tung ra thị trường độc đáo, mới lạ, phù hợp với người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ thành công.
Chuẩn bị cho đón cơ hội này, Sài Gòn Food đã tăng 50% cho phí đầu tư cho sản phẩm mới, quảng bá, marketing... và dự kiến, doanh thu cũng sẽ tăng 50% so với ngày thường.
Theo lý giải của bà Thanh Lâm, Tết là lễ hội lớn nhất của Việt Nam và cũng là mùa cao điểm để người tiêu dùng mua hàng. Vì vậy, nếu sản phẩm tung ra thị trường độc đáo, mới lạ, phù hợp với người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ thành công.
Hơn nữa, nhà sản xuất luôn tính đến chuyện lâu dài chứ không chỉ kinh doanh một mùa. "Chúng ta không thể kinh doanh sản phẩm mùa Tết trong một năm mà năm sau, khi người tiêu dùng đã yêu thích sản phẩm thì doanh nghiệp sẽ không tốn thêm chi phí quảng bá sản phẩm mà sản lượng bán vẫn tăng lên", bà Thanh Lâm, cho biết.
Minh Hào
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn