FMCG: Thị trường nông thôn đang cần hàng Việt
Hội thảo tương tác chủ đề "Cơ hội mới cho thị trường bán lẻ" do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức vào sáng 11/12, đã tập trung phân tích xu hướng phát triển của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và kết quả khảo sát hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam trong 5 năm tới.
Thông tin từ Kantar Worldpanel Việt Nam - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khảo sát thị trường cho biết, có 5 xu hướng chính trong thị trường bán lẻ thế giới hiện nay là: sản phẩm được phân phối trực tuyến, có thể sử dụng ngay, tốt cho sức khỏe, mang tính trải nghiệm cá nhân cao và có giá trị tương xứng với mức giá niêm yết.
Về thị trường trong nước, diễn giả Minh Quân - Phó giám đốc Khối đo lường bán lẻ Công ty TNHH Nielsen Việt Nam cho biết: "Mặc dù ở nhóm tăng trưởng nhưng mức tăng của thị trường FMCG Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Thị trường chỉ mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trong 2 quý gần đây nhưng lực đẩy vẫn còn yếu".
Nguyên nhân đến từ tâm lý lạc quan của người tiêu dùng về nền kinh tế trong nước đã gia tăng trở lại. Song, hành vi chi tiêu thực tế vẫn còn ở mức e dè. Người tiêu dùng vẫn còn duy trì mức tiết kiệm trong chi tiêu mua sắm hiện tại.
Về phân phối, hai kênh bán hàng truyền thống và hiện đại vẫn giữ tỷ trọng tương đối đồng đều trong thị trường FMCG Việt Nam.
Đối với thị trường nông thôn, ưu thế thuộc về kênh bán hàng truyền thống, cụ thể là các cửa hàng tạp hóa lớn, do người tiêu dùng có xu hướng tìm mua hàng ở những địa điểm cung cấp gần nhà.
Ngược lại, tại thành thị, mô hình phân phối của siêu thị, đại siêu thị vẫn là trục chính trong kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Song thời gian tới, làn sóng xuất hiện các cửa hàng tiện lợi sẽ tăng cao. Đây là hình thức phân phối cạnh tranh trực tiếp với cửa hàng tạp hóa lớn tại các đô thị, diễn giả Huy Hoàng - Giám đốc phát triển kinh doanh Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, diễn giả Minh Quân nhìn nhận, mô hình bán lẻ trực tuyến tuy chỉ chiếm 1% tỷ trọng phân phối hàng hóa tại thị trường Việt Nam nhưng sẽ là "đại dương xanh" để doanh nghiệp khai thác trong thời gian tới. Tính chất dân số trẻ cùng với mức độ phủ sóng ngày càng rộng của các thiết bị di động trong tương lai là cơ sở cho những dự đoán này của đại diện Nielsen Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập hiện tại, diễn giả Huy Hoàng khẳng định: "Chúng ta không hề thua kém các sản phẩm quốc tế trong lĩnh vực FMCG. Điểm mạnh của doanh nghiệp Việt nằm ở thị trường nông thôn. Nhu cầu tiêu thụ hàng Việt ở cả ba phân khúc thu nhập thấp, trung và cao đều đang tăng nhanh ở khu vực này. Doanh nghiệp Việt đang cạnh tranh rất sòng phẳng với các doanh nghiệp ngoại trên thị trường FMCG trong nước".
Chương trình đã thu hút gần 100 đại diện doanh nghiệp tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ như May - Thêu - Giày An Phước, Saigon Food...
Lâm Nghi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn