63% DN Việt chưa hiểu về CSR
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng VBCSD, 98% DN nước ngoài đều nhận thức CSR là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của DN.
Nhưng tại Việt Nam, việc tư vấn cho DN thực hiện phát triển bền vững và CSR vẫn không dễ vì đa số là DN nhỏ và vừa nên nhận thức và nguồn lực hạn chế.
Bên cạnh đó, một số DN lãnh đạo theo nhiệm kỳ nên thường ít quan tâm việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững vốn đòi hỏi tốn kém chi phí và thời gian thực hiện bền bỉ, lâu dài.
Vì vậy, muốn DN thực hiện chiến lược phát triển bền vững thì việc quan trọng nhất là phải gia tăng nhận thức cho các cấp lãnh đạo cũng như ý thức xã hội. "Phải làm sao để các bên hiểu rằng, tham gia CSR và phát triển bền vững không chỉ tốt cho người tiêu dùng và xã hội mà còn cho sự phát triển của DN", ông Vinh nhấn mạnh.
Ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc Điều hành Công ty Truyền thông AVC Edelman, cũng cho rằng, người tiêu dùng toàn cầu và ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng DN đặt lợi ích xã hội ít nhất ngang bằng với lợi ích kinh doanh, và có nhiều hoạt động vì cộng đồng hơn, đồng thời theo đuổi các hoạt động thực hiện CSR.
DN cần mang mục tiêu phúc lợi xã hội vào các thương hiệu của mình, từ quá trình sáng tạo sản phẩm đến chiến lược gắn kết với nhân viên, cùng với hoạt động truyền thông tiếp thị để thu hút và tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn.
"CSR không phụ thuộc vào quy mô mà nằm ở nhận thức của từng DN. Nói cách khác, DN hãy chọn cách làm phù hợp nhất với khả năng của mình, không nên chờ đến khi giàu rồi mới thực hiện CSR", ông Anh nhận định.
"CSR không phụ thuộc vào quy mô mà nằm ở nhận thức của từng DN."
Thực tế cho thấy, những năm qua, khi hàng loạt DN vi phạm các chuẩn mực môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... thì cả xã hội và DN mới hiểu CSR không còn là chuyện xa vời nữa. CSR chính là yếu tố mấu chốt quyết định sự thành công, sự tồn tại hay diệt vong của một DN.
Ngược lại, các DN làm tốt CSR và có chiến lược phát triển bền vững thì doanh số cũng như uy tín thương hiệu của họ với cộng đồng cũng tăng cao. Chẳng hạn, Tôn Hoa Sen đưa Nick Vujicic tới Việt Nam đã truyền cho cộng đồng người khuyết tật trong nước niềm cảm hứng, động viên họ trong cuộc sống.
Từ sự kiện này, thương hiệu tôn Hoa Sen đã tạo được ấn tượng và cảm tình tốt đẹp đối với xã hội, doanh số của công ty ngay sau đó cũng tăng lên bất ngờ. Tương tự, Friesland Campina cũng được người tiêu dùng dành nhiều thiện cảm hơn với chiến lược phát triển cộng đồng chăn nuôi bò sữa và chương trình khuyến học Đèn đom đóm...
Song cũng có thực tế, không ít DN xem hoạt động CSR như một cách quảng bá thương hiệu. Nên câu hỏi đặt ra là các DN này có thực sự chiếm được tình cảm của xã hội đối với DN hoặc thương hiệu của mình? Câu trả lời của các chuyên gia tư vấn thương hiệu là "không".
Về mặt truyền thông, cả hoạt động từ thiện lẫn CSR đều giúp xây dựng hình ảnh tốt đẹp đối với xã hội cho DN. Song, tiếng tăm đến từ hoạt động từ thiện thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Ngược lại, đầu tư vào CSR mang đến cho DN danh tiếng vững vàng và sự trân trọng của xã hội.
Cũng có quan niệm cho rằng, DN phát triển bền vững hoặc làm CSR thì không cần truyền thông. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây của Tập đoàn Edelman vừa được thực hiện tại 12 thị trường lớn nhất thế giới, có đến 2/3 người tiêu dùng tại các quốc gia lớn cho rằng DN chỉ thực hiện "truyền thông một chiều".
Nghĩa là người tiêu dùng chỉ nhận được các thông tin về các hoạt động quảng bá thương hiệu, còn ở chiều ngược lại, họ không có cơ hội "tương tác", bày tỏ ý kiến của mình. Với sự phát triển nhanh của các mạng xã hội, người tiêu dùng có nhiều kênh thông tin để kiểm tra mức độ chính xác của các thông điệp mà các nhãn hiệu truyền tải.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới về các chương trình phát triển bền vững và thực hiện CSR, ông Ngọc Anh khẳng định phương pháp tiếp cận đúng về mặt truyền thông đối với các hoạt động CSR là vô cùng quan trọng cho việc thành công của mỗi chương trình và mang lại lợi ích thương mại lâu dài cho DN.