Doanh nghiệp bán lẻ trong nước: không thể độc hành
Trước sự phát triển nhanh của các nhà bán lẻ nước ngoài qua nhiều hình thức đầu tư khác nhau, đặc biệt là mua bán - sáp nhập, các nhà bán lẻ trong nước ngày càng tỏ ra “đuối sức”, không thể tự thân cạnh tranh như trước mà đang tìm cách liên kết để tồn tại và phát triển.
Thị trường bán lẻ trong nước đang ở giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong vòng năm năm trở lại đây nhưng lại đang chứng kiến sự nhộn nhịp của những thương vụ mua bán, thâu tóm và mở rộng hệ thống kinh doanh của các nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước. Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã mua Metro Cash & Carry Việt Nam. Lotte Mart của Hàn Quốc phát triển mạnh hệ thống kinh doanh ở TPHCM, Hà Nội. Vingroup mua đến 70% vốn của Ocean Retail (ORC) - đơn vị có hệ thống bán lẻ Ocean Mart gồm chín siêu thị và bốn cửa hàng tiện lợi ở phía Bắc... Dưới cái nhìn của các nhà đầu tư lớn, thị trường 90 triệu người dùng Việt Nam quả là đầy tiềm năng, nhất là khi kênh phân phối hiện đại chiếm chưa đến 25% tổng thị trường bán lẻ.
Trong kinh doanh phân phối, việc mở rộng chuỗi kinh doanh có tổ chức và với cường độ cao sẽ giúp các chủ sở hữu chuỗi bán lẻ gia tăng mức độ nhận biết thương hiệu đối với người tiêu dùng. Quan trọng hơn, số lượng cửa hàng, siêu thị trong chuỗi càng nhiều thì càng giúp chính sách giá bán lẻ cạnh tranh hơn nhờ thương lượng được giá tốt với các nhà cung cấp, thuận lợi trong đầu tư kho bãi cho toàn hệ thống, điều tiết vận chuyển hàng hóa... Thâu tóm hệ thống kinh doanh Metro Cash & Carry, BJC có sẵn nền tảng, cơ cấu phân phối và đội ngũ gần 4.000 nhân viên có kinh nghiệm và kỹ năng. Lotte Mart Việt Nam cho đến nay đã mở được chín trung tâm thương mại ở Việt Nam và có tham vọng sở hữu 60 trung tâm thương mại vào năm 2020...
Trong cuộc đua này, các nhà bán lẻ trong nước đang tỏ ra đuối sức và tự nhận thấy khó có thể đứng độc lập cạnh tranh. Hướng đi của một số doanh nghiệp hiện nay là liên kết để tồn tại và phát triển, kể cả liên kết với các đối thủ nước ngoài.
Ở cột mốc tròn 20 tuổi với gần 30 điểm bán, hệ thống bán lẻ Citimart vừa công bố chiến lược hợp tác với Aeon (Nhật). Theo đó, thương hiệu bán lẻ hiện đại đầu tiên này của Việt Nam giờ đây được đổi thành Aeon Citimart.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, người sáng lập hệ thống siêu thị Citimart, trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của các hệ thống bán lẻ nước ngoài, Citimart phải tìm cách hợp tác với doanh nghiệp khác, cùng ngành để tạo ra sự khác biệt và tính chuyên nghiệp. Bà Hoa cho biết hợp đồng hợp tác với Aeon cho phép Citimart được tiếp cận các bí quyết, kinh nghiệm cũng như công nghệ quản lý của Aeon. Ngoài ra, Citimart được song hành sử dụng thương hiệu Aeon.
Trong mối giao kết này, Citimart được đội ngũ quản lý, chuyên gia của Aeon hỗ trợ xây dựng hình ảnh mới cho hệ thống bán hàng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khâu mua hàng, quản lý chất lượng sản phẩm, huấn luyện nhân viên phục vụ khách hàng tốt hơn..., và Aeon cũng cung cấp một phần hàng hóa cho Citimart. Trong giai đoạn đầu hợp tác, Aeon đưa vào hệ thống Citimart khoảng 500 mặt hàng gắn nhãn Top Value, được xem là nhãn hàng riêng của Aeon. Phía đối tác Nhật còn đưa ra mục tiêu đến năm 2025, Citimart phải phát triển được khoảng 500 siêu thị lớn nhỏ.
Các nhà bán lẻ trong nước ngày càng tỏ ra “đuối sức”
Không chỉ Citimart, ở phía Bắc, hệ thống siêu thị Fivimart cũng có sự hợp tác với Aeon. Về phía Aeon, đây được xem là chiến lược để Aeon khẳng định vị thế trên thị trường bán lẻ Việt Nam cùng với kế hoạch phát triển 20 trung tâm thương mại lớn trên cả nước. Giới quan sát cho rằng, những động thái này giúp Aeon giảm số vốn đầu tư ban đầu nhưng nhanh chóng “phủ sóng” thương hiệu đến các đô thị lớn của Việt Nam.
Citimart và Fivimart không phải là những nhà bán lẻ đầu tiên hợp tác với nước ngoài để phát triển hệ thống kinh doanh. Ngay cả doanh nghiệp bán lẻ đứng đầu ngành phân phối trong nước là Saigon Co.op cũng có hướng liên kết với nước ngoài để phát triển.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cuộc cạnh tranh hiện nay giữa các nhà bán lẻ đang diễn ra rất quyết liệt, không chỉ trong việc mở rộng mạng lưới bán lẻ mà còn ở việc đa dạng mô hình kinh doanh để khai thác mọi phân khúc khách hàng và đáp ứng nhu cầu ngày càng nâng cao của người tiêu dùng. Trên thực tế, đa dạng hóa mô hình bán lẻ là xu hướng của thế giới và Saigon Co.op đang đi theo hướng này. “Tùy theo từng mô hình mà Saigon Co.op sẽ quyết định tự phát triển hay liên kết với các đối tác nước ngoài”, ông Hòa cho biết.
Năm 2013, Saigon Co.op cùng với đối tác Singapore - NTUC FairPrice khai trương đại siêu thị Co.opXtra Plus tại quận Thủ Đức, TPHCM. Liên doanh Saigon Co.op - FairPrice còn nhắm đến việc mở siêu thị chuyên bán lẻ Co.opXtra. Theo ông Hòa, liên doanh này dự kiến mỗi năm sẽ mở 1-2 điểm kinh doanh mới ở những thành phố lớn.
Nhắm tới đối tượng khách hàng cao cấp hơn, Saigon Co.op cũng đã hợp tác với Mapletree (Singapore) xây dựng trung tâm thương mại SC VivoCity trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TPHCM. Với số vốn đầu tư lên đến 100 triệu đô la Mỹ, SC VivoCity sẽ cung cấp cho thị trường 72.000 mét vuông diện tích bán lẻ. Chủ đầu tư kỳ vọng khi hoàn thành vào năm 2015, SC VivoCity với các thương hiệu nổi tiếng, cụm rạp chiếu phim hiện đại, khu vui chơi giải trí và ẩm thực, sẽ là điểm đến dành cho những gia đình có thu nhập khá và cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TPHCM.
Với tiềm lực tài chính còn hạn chế và thiếu kinh nghiệm so với doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang phải mở rộng hợp tác để tồn tại. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài thì tận dụng mặt bằng và giấy phép của doanh nghiệp trong nước để mở rộng kinh doanh. Giới quan sát cho rằng nếu việc hợp tác không thuận lợi, chuyện các nhà bán lẻ nước ngoài “nuốt” luôn phần góp của doanh nghiệp trong nước là khó tránh khỏi.
Quốc Hùng
Nguồn The Saigon Times