Nóng bỏng quanh tô mì ăn liền

Với hàng chục công ty trong nước cũng như với nhiều sản phẩm nhập khẩu, mì ăn liền đã phủ kín các kệ hàng siêu thị, tiệm tạp hóa, và len vào nhà bếp từng gia đình…

Thế nhưng, có vẻ thị trường chưa bao giờ là đủ.

Mới đây một doanh nghiệp lớn, trước đó chưa hề sản xuất mì gói, nay cũng chính thức nhảy vào lĩnh vực này, cho thấy: “Tô mì vẫn đang rất nóng”

Mì gói trên các kệ hàng ở nhiều siêu thị đang chằng chịt như chính những sợi mì. Ở đó, người ta có thể mua một gói với giá bình dân khoảng 2.000 đồng, và cũng có thể mua một gói có giá cao đến mức kinh ngạc: 169.000 đồng.

Gần 600 loại mì gói

Theo ghi nhận mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, hiện nay có khoảng gần 600 đầu sản phẩm mì gói (tính chi tiết theo nhãn hiệu và hương vị ghi trên bao gói) ở thị trường thành thị bốn thành phố lớn là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đây là sản phẩm của khoảng 40 nhà sản xuất khác nhau. Vì vậy, không hề ngạc nhiên khi từ các quán cóc hè phố đến các tiệm tạp hóa hay chợ, vào cả siêu thị và trung tâm mua sắm, mì gói luôn có mặt.

Nóng bỏng quanh tô mì ăn liền

Mì gói chễm chệ trên kệ với số lượng lớn, phong phú về nhãn hiệu, giá cả. Trong đó, theo ghi nhận của phóng viên, ở các siêu thị, chiếm đa số là các loại mì bình dân cho đến trung cấp, trọng lượng 70-75 g/gói, mức giá dao động từ 2.000 đồng đến 20.000 đồng tùy vào bao bì, cách thức đóng gói (gói, tô, khay, ly), thương hiệu trong hoặc ngoài nước.

Khá có tiếng trong phân khúc này có thể kể đến các loại mì với tên Hảo Hảo, Đệ Nhất, Lẩu Thái, Gấu Đỏ, Hello, Sợi Phở Vàng, Bốn Phương, Ba Miền, Omachi, Kokomi, Sagami, Miliket, Vifon, Việt Hưng (vừa đổi tên thành Uniban)… Ở phân khúc này, ngoài các loại mì của các nhà sản xuất trong nước, nhiều nhãn hiệu mì nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản cũng xuất hiện như Shin RamYun, Chapagetti, Champong, Kim chi ramen, Tom Yum, Wai Wai, ChaJang, Mama, Koka…

Bên cạnh các loại mì ăn liền theo kiểu truyền thống (tức mì chiên chế nước sôi), các doanh nghiệp trong và ngoài nước còn tung ra thị trường các loại mì xào, mì không chiên, mì spaghetti. Đồng thời, không chỉ còn đơn giản một vị đơn điệu, mà để tạo sự khác biệt, hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước còn sản xuất các loại mì với nhiều hương vị, gia vị khác nhau.

Trong số đó, có thể kể đến các loại mì được “phối” với trứng, vitamin B, rong biển, gà, bò, cari… Song song đó, trên các quầy hàng của những hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.opMart, nhiều loại mì ăn liền nhãn hàng riêng của các siêu thị này cũng được bày bán.

Nhu cầu mì ăn liền trong thời gian tới vẫn tăng nhưng sẽ chậm lại. Sự cạnh tranh chắc chắn cũng gay gắt hơn do nhiều công ty trong và ngoài nước tham gia vào thị trường.

Ngạc nhiên giá gói mì

Ngoài số lượng lớn các loại mì dạng “phổ thông” với mức giá 2.000-20.000 đồng/gói, hiện nay xuất hiện trên thị trường một số loại mì có giá bán rất cao mà theo công bố của nhà sản xuất, đó là mì cao cấp. Ví dụ, mì làm từ nguyên liệu mì tươi, mì udon của Nhật Bản hiện đang bán tại các cửa hàng Nhật (khu vực quận 1, TP HCM) có giá từ 30.000 đồng cho đến 169.000 đồng/gói, trọng lượng 38-688 g/ gói. Cụ thể như mì Soba xào Yakisoba Gakkou loại gói 680 g giá 169.000 đồng, mì Soba xào Itsuki Shouku Yakisoba loại gói 510 g giá 140.000 đồng, mì Miyakoichi Teppan Yaki loại gói 480 g giá 128.000 đồng…

Thành phần của những loại mì này bao gồm bột mì (hoặc mì udon, mì ramen), dầu thực vật, muối, nước sốt, muối gia vị, màu caramen. Cách thức sử dụng cũng giống như các loại mì ăn liền khác. Theo giải thích của nhân viên tại cửa hàng Akuruhi (đường Lê Thánh Tôn, quận 1), sở dĩ giá của các loại mì cao bởi nguyên liệu, thành phần, nước sốt… có trong gói mì đều từ Nhật Bản.

Ngoài sự chiếm lĩnh thị trường của các nhãn hiệu, nhãn hiệu mì ăn liền kể trên, cũng phải kể đến sự tiêu thụ số lượng lớn loại mì bán theo cân, hay còn gọi mì trần. Mặc dù không tiết lộ số liệu cụ thể, nhưng đại diện một thương hiệu mì Việt Nam sản xuất sản phẩm mì trần cho biết số lượng tiêu thụ loại mì này rất lớn, không thua kém các loại mì đóng gói. Chúng thường được phân phối cho các nhà hàng, quán ăn.

Vẫn còn bán tốt

Bà Nguyễn Hồng Hạnh, phụ trách đối ngoại Công ty Acecook Việt Nam, cho biết hiện nay công ty có 20 sản phẩm mì ăn liền với gần 50 hương vị khác nhau. Các sản phẩm mì ăn liền có ba nhóm giá bán lẻ cho người tiêu dùng là dưới 3.000 đồng/gói, 3.000-4.000 đồng/gói và trên 4.000 đồng/gói. Ngoài mì ăn liền theo kiểu truyền thống, công ty có thêm mì xào, mì không chiên, hoặc các sản phẩm sợi ăn liền khác như bún, phở, hủ tiếu, miến. Trong đó, sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo chiếm thị phần gần 30%.

Nóng bỏng quanh tô mì ăn liền

Đánh giá về sức tiêu thụ cũng như sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, bà Hạnh cho rằng nhu cầu mì ăn liền trong thời gian tới vẫn tăng nhưng sẽ chậm lại. Sự cạnh tranh chắc chắn cũng gay gắt hơn do nhiều công ty trong và ngoài nước tham gia vào thị trường.

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết Co.opMart hiện có khoảng 20 nhà cung cấp mì ăn liền với tổng cộng hơn 300 mã hàng. Sức tiêu thụ trung bình năm nay tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. “Trung bình mỗi tháng đều có sản phẩm mới. Doanh số cao thuộc về nhóm sản phẩm có giá trung bình khoảng 10.000 đồng”, ông Hoàng Anh nói.

Theo Kantar Worldpanel, kết quả khảo sát về ngành hàng này trong năm 2014 cho thấy mì Hảo Hảo là nhãn hiệu mì ăn liền được chọn mua nhiều nhất trong năm 2013 ở khu vực thành thị. Ở nông thôn, 4 trong top 10 nhãn hiệu được chọn mua nhiều nhất bao gồm Gấu Đỏ, Hảo Hảo, A-One, và Kokomi.

Mì gói Kokomi ra sau Gấu Đỏ, Hảo Hảo và A-One nhưng theo Kantar Worldpanel thì nhãn hiệu này nhanh chóng có mặt trong top 10 thương hiệu thực phẩm đóng gói được chọn mua nhiều nhất ở nông thôn và đang có mức tăng trưởng điểm tiếp cận người tiêu dùng (CRP – Consumer Reach Point) ở mức 40%, đến được với 56% hộ gia đình nông thôn.

Vũ Yến
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị