Uber và 40 tỷ USD: Cuộc chơi mạo hiểm hay thương vụ béo bở?
Việc Uber được định giá lên tới 40 tỷ USD là một vụ cá cược mạo hiểm của các nhà đầu tư hay một thương vụ làm ăn béo bở?
Tuy mới chỉ chính thức hoạt động được 5 năm và liên tục bị đem ra mổ xẻ, cấm đoán ở hầu hết các quốc gia đang hoạt động, Uber vẫn được định giá lên tới mức 40 tỷ USD và trở thành doanh nghiệp công nghệ mới có giá cao nhất từ trước đến nay. Thậm chí, Uber còn là doanh nghiệp tư nhân có số vốn đầu tư lớn nhất trong năm 2014 và vượt mặt cả những anh lớn như hãng hàng không American Airlines hay tập đoàn Kraft Foods.
Rõ ràng, các nhà đầu tư đã khá “chịu chi” cho Uber để tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế. Nhưng nhiều người lại cho rằng có lẽ họ đã "vung tay quá trán" bởi với số vốn giật mình là 40 tỷ USD, chưa chắc việc kinh doanh dịch vụ Uber sẽ mang lại được những kết quả tốt đẹp như họ mong đợi.
Cám dỗ ngọt ngào
Không ai có thể phủ nhận được tốc độ phát triển một cách chóng mặt của Uber cũng như những khoản thu mà nó mang lại. Hiện tại, Uber đã xuất hiện tại hơn 250 thành phố của 50 quốc gia trên toàn thế giới, tăng thêm 60 thành phố của 21 nước khác nhau chỉ trong vòng một năm.
Và theo phân tích của chuyên gia tài chính Aswath Damodaran tại Đại học New York - Mỹ, ước tính trung bình mỗi năm Uber có thể thu về tới 100 tỷ USD với hoạt động kinh doanh diễn ra trên khắp thế giới của mình. Và chắc chắn các nhà đầu tư cũng sẽ không thể kìm lòng trước những "cám dỗ ngọt ngào" như vậy từ việc kinh doanh Uber.
Còn theo Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu tài chính công nghệ CB Insights Anand Sanwal thì Uber đang sở hữu sức mạnh đáng kinh ngạc về công nghệ kết nối và chỉ dẫn địa lý trực tuyến, từ đó giúp cho người lái xe và hành khách có thể tương tác được với nhau và thúc đẩy gia tăng mức độ tham gia của cả hai bên vào quá trình hoạt động. Chính điều này đã tạo ra một vòng tuần hoàn không ngừng về sự tăng trưởng và lợi nhuận cho Uber.
Hiện tại, Uber đã xuất hiện tại hơn 250 thành phố của 50 quốc gia trên toàn thế giới, tăng thêm 60 thành phố của 21 nước khác nhau chỉ trong vòng một năm.
Theo đó khi có nhiều nhu cầu từ hành khách thì cũng có nhiều xe tham gia để đáp ứng, khách hàng có nhiều thuận lợi về mặt thời gian và thanh toán cũng trở nên tích cực sử dụng dịch vụ này. Và khi khách hàng càng nhiều thì các xe lại càng tiết kiệm được về cả thời gian và chi phí phát sinh trong việc đón chở khách, tạo ra những lợi ích về giá và sự thuận tiện cho khách hàng và lại tiếp tục đẩy sức cung và sức cầu trong dịch vụ Uber lên cao.
Một ưu điểm nữa đó là Uber có một tầm nhìn chiến lược trong việc mở rộng kinh doanh với nhiều loại hình khác như dịch vụ chuyển phát nhanh và thậm chí các nhà đầu tư còn mong đợi nó có thêm hình thức kinh doanh là cho thuê xe như các hãng Hertz và Avis.
Trong một video quảng bá về chương trình tín dụng dành cho các tài xế của Uber, Uber còn cho biết sẽ cho bất cứ tài xế nào cũng có thể thuê và thậm chí là mua xe của Uber dù họ có chứng nhận tín dụng hay không.
Hệ thống thanh toán trực tuyến giúp điện thoại như một chiếc ví di động cũng mang lại nhiều thuận lợi cho khách hàng và cũng tạo được những ưu thế nổi trội của Uber trong việc kinh doanh các hình thức như vậy. Tuy nhiên, việc đầu tư vào loại hình dịch vụ Taxi còn mới mẻ và gây ra khá nhiều tranh cãi này là một điều không hề đơn giản.
Những cuộc chiến chưa có hồi kết
Uber vẫn đang tiếp tục phải hứng chịu những cáo buộc như coi thường quy tắc và phạm luật khi "cướp cơm" một cách công khai của các hãng taxi truyền thống khác.
Thực tế cho thấy, ở những nước như Chicago và Miami, Uber đang vướng phải những vụ kiện tụng ác liệt từ các hãng taxi thường, thậm chí là còn bị tịch thu xe như ở Nevada. Những cuộc biểu tình phản đối Uber cũng bùng nổ tại các nước ở châu Âu và thậm chí nó bị cấm hoạt động dưới mọi hình thức ở hai thành phố lớn của Đức là Berlin và Franfurt.
Kinh doanh dịch vụ Uber Taxi đã bị cho là kiểu làm ăn "lách luật" và dường như hoàn toàn đi vào bế tắc. Các chuyên gia định giá cũng đã tiên lượng được trong tương lai, Uber sẽ còn phải tốn kém rất nhiều tiền cho những vụ kiện tụng và tranh cãi với các doanh nghiệp cho thuê mua xe hay các doanh nghiệp dịch vụ chuyển phát nhanh, cho vay tài chính,... khi Uber bắt tay vào thực hiện những dự án kinh doanh của mình.
Chưa kể Uber đang phải cạnh tranh khốc liệt với những hình thức dịch vụ taxi mới tương tự như Lyft, Hailo hay Bandwagon và ở Việt Nam là GrabTaxi, dù có quy mô nhỏ hơn và mang tính chất địa phương nhưng về cơ bản cũng có những lợi ích không thua kém gì Uber Taxi.
Rõ ràng các nhà đầu tư đã rất mạnh tay và mạo hiểm cho thương vụ làm ăn này, nhưng theo nhiều chuyên gia đánh giá thì đây lại là một vụ đánh cược khá "béo bở" vì dù gì đi chăng nữa, Uber vẫn có được "đất sống" và doanh thu kiếm được chắc chắn sẽ lớn hơn khoản vốn đầu tư 40 tỷ USD kia.
Nhưng để đạt được mức lợi nhuận như vậy thì rất cần đến những cái nhìn lạc quan nhất có thể của các nhà đầu tư và của nhiều người người khác nữa, bởi trước mắt Uber sẽ thực sự cần phải vượt qua được những cuộc chiến khốc liệt trên thương trường mà nó đang phải đối mặt hiện nay.
Huyền Trân
Nguồn VTC News