Hoạt động của Uber tại Việt Nam: Chưa ngã ngũ

Hoạt động của Uber tại Việt Nam: Chưa ngã ngũ

Ra đời từ năm 2009, Uber là ứng dụng điện thoại kết nối trực tiếp giữa tài xế và người có nhu cầu di chuyển. Song, ứng dụng này liên tiếp vấp phải sự phản đối quyết liệt tại tất cả các thị trường mà nó xuất hiện.

Tại Việt Nam cũng đang xảy ra nhiều luồng ý kiến về hoạt động của Uber. Liệu Uber là cải tiến trong tương lai vận chuyển hành khách đô thị hay là một mô hình kinh doanh đầy rủi ro cho khách sử dụng?

Mô hình hoạt động của Uber

Khi có nhu cầu di chuyển, hành khách xác định điểm đến trên ứng dụng của Uber. Hệ thống của Uber sẽ tính toán cung đường và giới thiệu những tài xế tham gia hệ thống Uber đang ở gần hành khách nhất để họ lựa chọn xe.

Nhằm tăng độ an toàn cho hàng khách, ứng dụng Uber hiển thị những thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón. Sau khi đã kết nối với tài xế phù hợp, ứng dụng sẽ hiển thị lộ trình xe đang từ điểm đậu đến nơi đón và thông báo cho hành khách thời gian ra xe theo từng phút.

Hoạt động của Uber tại Việt Nam: Chưa ngã ngũ

Giao diện ứng dụng Uber

Toàn bộ quãng đường, thời gian đi đều được đồng bộ với máy chủ của Uber để tính toán chi phí hành khách phải trả nhằm tăng tính minh bạch. Sau khi hành trình kết thúc, hành khách sẽ đánh giá tài xế trực tiếp trong ứng dụng. Đồng thời Uber sẽ gửi email về chi tiết lộ trình cho người dùng.

Chi phí của chuyến đi được chuyển trực tiếp từ tài khoản Master Card hoặc Visa của hành khách đến tài xế. Uber phân loại các dòng xe tham gia vận chuyển khách trong hệ thống như sau:

Uber Black là những chiếc xe sedan 4 chỗ, kể cả xe cao cấp như Mercedes hay BWM. UberX là các xe nhỏ, tiết kiệm xăng để có chi phí đi lại rẻ nhất như Honda Fit, Toyota Prius...

Uber Taxi dành cho những tài xế taxi muốn tham gia hệ thống Uber. Uber SUV dành cho xe SUV 6 chỗ. Uber LUX là các xe siêu sang kiểu BWM series 7, Audi A8 trở lên.

Mô hình hoạt động của Uber mang đến lợi ích trước hết là cho các cá nhân có xe riêng muốn tăng thêm thu nhập và không bị gò bó trong hợp đồng lao động như các hãng taxi truyền thống.

Hoạt động của Uber tại Việt Nam: Chưa ngã ngũ

Về hành khách, chi phí sử dụng dịch vụ Uber được tính toán minh bạch và giá thành thấp hơn so với sử dụng dịch vụ taxi. Mặt khác, các cá nhân sử dụng xe của Uber không dán nhãn taxi sẽ có cảm giác sở hữu xe và tài xế riêng khi có nhu cầu di chuyển vì công việc.

Doanh thu của Uber đến từ hoa hồng thông qua việc kết nối chủ ô tô với người cần di chuyển. Mô hình doanh thu chung của Uber trên thế giới là chủ xe hưởng 80%, Công ty lấy 20% trên cước phí của mỗi chuyến.

Cấm và tranh cãi

Được định giá tài sản trên 10 tỷ USD, Uber hiện có mặt tại 100 thành phố của hơn 36 quốc gia. Song, ứng dụng này liên tiếp vấp phải sự phản đối tại tất cả các thị trường mà nó xuất hiện.

Năm 2011, chính quyền thành phố San Francisco yêu cầu Uber ngừng hoạt động tại thành phố do sử dụng tài xế taxi không có giấy phép hành nghề. Ngày 11/6/2014, hàng ngàn tài xế taxi tại châu Âu đình công phản đối và đề nghị chính quyền cấm Uber hoạt động.

Hoạt động của Uber tại Việt Nam: Chưa ngã ngũ

Tài xế châu Âu biểu tình chống Uber

Tháng 7/2014, Uber chính thức có mặt tại TP.HCM. Sau vài tháng Uber hoạt động, Hiệp hội taxi TP.HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM xem xét tính hợp pháp của dịch vụ này. Hiệp hội cho rằng nếu phát triển sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của hàng ngàn tài xế taxi tại thành phố.

Đến ngày 28/11, lực lượng thanh tra TP.HCM bắt đầu xử phạt các xe taxi kinh doanh dịch vụ Uber theo Nghị định 171 ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, hành vi kinh doanh vận tải bằng ô tô mà không đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định có mức phạt cá nhân từ 3 đến 4 triệu đồng, còn tổ chức từ 6 đến 8 triệu đồng.

Đây là thời điểm những luồng ý kiến khác nhau về hoạt động của Uber xuất hiện trong giới chức trách.

Ngày 1/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường đã biết tại buổi họp báo ở Hà Nội rằng: "Đúng là loại hình taxi này có rẻ hơn đôi chút, hành khách có thể thấy tiện lợi, tuy nhiên hoạt động vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải như trên là trái với Luật Giao thông đường bộ và Nghị định kinh doanh vận tải bằng ô tô".

Hoạt động của Uber tại Việt Nam: Chưa ngã ngũ

Một tài xế xe dịch vụ Uber bị lập biên bản tại bến xe miền Đông, TP.HCM - Ảnh: Q.Khải

Thứ trưởng cho biết Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra nội dung liên quan đến việc thực hiện quy định về thuế và việc thanh toán tiền của người đi xe với tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm Uber.

Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền để người dân biết về thực tế đối với hình thức chở người có thu tiền thông qua ứng dụng Uber là không đảm bảo quyền lợi cho người đi xe.

Bộ GTVT cũng đã đề nghị Bộ Công an tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với lái xe chở người có thu tiền nhưng không thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam, đồng thời có biện pháp ngăn chặn việc vi phạm pháp luật (nếu có) của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm Uber để kinh doanh.

Được định giá tài sản trên 10 tỷ USD, Uber hiện có mặt tại 100 thành phố của hơn 36 quốc gia.

Trong khi đó, tại cuộc họp Bộ GTVT sáng 2/12, Bộ trưởng Đinh La Thăng lại nhận định: "Nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn, mình có trách nhiệm bổ sung để hợp pháp hoá. Phải làm sao để thuận cho quản lý nhưng tiện lợi cho người dân".

Có phần tương đồng với quan điểm của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu với báo chí ngày 3/12 rằng:

"Sau khi có dịch vụ Uber, chúng tôi đã nghiên cứu và khẳng định đây là dịch vụ hỗ trợ vận tải, và dịch vụ này đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ Việt Nam. Với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải tại Việt Nam thì sau khi đăng ký kinh doanh theo pháp luật Việt Nam có thể kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải".

Uber khẳng định minh bạch và đã đăng ký kinh doanh

Phân tích về những mâu thuẫn xung quanh hoạt động của ứng dụng Uber, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc nói: "Mối quan hệ giữa người lái xe và người điều hành Uber là thông qua mạng nên họ có thể không biết nhau và không chịu trách nhiệm về hành động của nhau.

Những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hiệu taxi, không logo, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác, đồng thời hoạt động không có sự quản lý của Nhà nước, nếu gặp rủi ro, khách hàng sẽ là người phải chịu đầu tiên.

Hoạt động của Uber tại Việt Nam: Chưa ngã ngũ

Ông Michael Brown - Tổng giám đốc Uber khu vực Đông Nam Á

Mặt khác, ở đây có sự bất bình đẳng. Các đơn vị kinh doanh vận tải taxi có nghĩa vụ đóng thuế và chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải như phải có người điều hành vận tải.

Bên cạnh đó, phải có bộ máy và phương án kinh doanh, đảm bảo duy trì hoạt động của phương tiện và trung tâm điều hành taxi, bộ phận an toàn giao thông; phải thực hiện các chế độ đối với người lao động và lái xe (khám sức khỏe định kỳ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…). Đặc biệt, họ cũng phải có trách nhiệm về cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh, trong khi đó, dịch vụ Uber lại không đăng ký và tuân thủ các quy định trên".

Sáng 5/12, ông Micheal Brown - Tổng giám đốc Uber khu vực Đông Nam Á đã khẳng định với Thông tấn xã Việt Nam rằng Uber không trốn thuế và đã đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.

Phản hồi về quan điểm Uber kinh doanh bất hợp pháp, ông cho biết: "Uber không phải là một công ty taxi mà là một công ty công nghệ, đăng ký kinh doanh của chúng tôi với Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM trên lĩnh vực công nghệ. Chúng tôi được cấp mã số thuế, vì vậy sẽ phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến thuế mà pháp luật quy định.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, chúng tôi không sở hữu đội xe hay thuê lái xe mà chỉ đơn giản kết nối người cần di chuyển với lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đăng ký dịch vụ Uber.

Hoạt động của Uber tại Việt Nam: Chưa ngã ngũ

Hiện tại, Uber ký kết với tất cả các đối tác đáp ứng yêu cầu, như có Giấy phép kinh doanh vận tải, có đội ngũ lái xe đầy đủ giấy tờ mà pháp luật Việt Nam yêu cầu. Chúng tôi không ký kết với đối tác là xe cá nhân. Đến nay, cũng chưa có doanh nghiệp taxi nào là đối tác của Uber ở Việt Nam".

Liên quan đến nghi vấn Uber giá rẻ do trốn thuế, ông Micheal Brown cho biết: "Điều này hoàn toàn không có cơ sở vì hiện tại, 100% chi phí mỗi chuyến đi của khách hàng được thanh toán bằng thẻ, 20% thuộc về Uber còn 80% sẽ được chuyển khoản về tài khoản của Công ty vận tải.

Như vậy, cơ quan chức năng Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát được thu nhập của doanh nghiệp này. Còn nếu doanh nghiệp cố tình trốn thuế thì không thuộc trách nhiệm của Uber".

Kết luận, ông Micheal Brown cho rằng: "Uber là Công ty cung cấp công nghệ không phải taxi, đây là hiểu nhầm lớn nhất, gây ra khó khăn cho Uber tại nhiều thị trường. Công nghệ mới nên không phải ở đâu cũng có góc nhìn đẩy đủ, thấu đáo. Chính phủ cũng như người tiêu dùng cũng cần thời gian để đối thoại để hiểu bản chất hơn".

Lâm Nghi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn