Đến lúc thương trường như chiến trường

Tuần trước, thị trường chứng kiến thông tin công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) dự kiến chi 357 tỉ đồng chào mua công khai 49% cổ phần của công ty cổ phần thực phẩm Cholimex (Cholimex Foods) – đơn vị có thị phần lớn về kinh doanh các loại gia vị, nước chấm.

Sự kiện diễn ra ngay sau các sự kiện lớn: Kinh Đô bán đi mảng kinh doanh bánh kẹo, tỉ phú Thái mua Metro Việt Nam. Hàng loạt vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn đã và đang diễn ra gần đây và sắp tới chỉ ra cách hành xử của các đại gia khi thâm nhập thị trường: dùng sức mạnh tài chính để mua đứt một doanh nghiệp lớn trong ngành mà họ muốn thâm nhập.

Cách làm này về phía người mua, không tốn sức xây dựng doanh nghiệp, không tốn sức cạnh tranh giành thị phần. Còn phía doanh nghiệp trong ngành kinh doanh mà các đại gia đang dòm ngó, đẩy họ đến cơ hội và nguy cơ. Sẽ là cơ hội tốt nếu doanh nghiệp muốn rút bỏ khỏi ngành kinh doanh như trường hợp của Kinh Đô. Nhưng sẽ là thách thức lớn nếu họ muốn giữ lại một doanh nghiệp mà họ dày công gầy dựng trước những đối thủ lắm của nhiều tiền.

Đến lúc thương trường như chiến trường

Trường hợp Masan chào mua Cholimex Foods hứa hẹn sẽ có nhiều kịch bản hay, khi mà có tin cho rằng hai cổ đông lớn của Cholimex Foods là Cholimex (40,7%), Nichirei Food (19%) đã cam kết không bán số cổ phiếu đang có. Như vậy, Masan sẽ khó lòng mua đủ 49%. Có mua được hay không, có giữ được hay không, tuỳ thuộc thế lực, quyết tâm của đôi bên. Và cuộc giằng co này hứa hẹn cung cấp cho thị trường những thông tin, kinh nghiệm, bài học hấp dẫn về tấn công, phòng thủ trong thâu tóm, sáp nhập.

Nhớ lại, vụ Unilever mua P/S năm 1997, những điều lạ lẫm của phim ảnh Hong Kong “khi ngủ dậy một giấc mất công ty” dần trở nên quen thuộc ở Việt Nam. Thương vụ này từng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, để lại những ngậm ngùi của cộng đồng về một “niềm tự hào hàng Việt” bị bán rẻ cho nước ngoài. Từ thời đó, những đại diện doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu đối mặt những thách thức kiểu như “anh không bán thì cũng có người khác bán”, “anh không bán thì chúng tôi sẽ mở công ty khác cạnh tranh, rồi anh cũng… chết”.

Đúng nghĩa “thương trường như chiến trường”. Các kịch bản có lẽ không có gì mới mẻ bởi hoạt động M&A đã diễn ra trên thế giới hàng trăm năm.

Rồi những biện pháp tự vệ dần được các chuyên gia khuyến cáo khi những cuộc “thâu tóm thù địch” diễn ra ngày càng nhiều. Hẳn mọi người cũng còn nhớ cuộc thâu tóm Dược Hà Tây năm 2010, mà kết cục là lãnh đạo bên thâu tóm là Dược Viễn Đông vương vòng tù tội vì làm giá cổ phiếu.

Đúng nghĩa “thương trường như chiến trường”. Các kịch bản có lẽ không có gì mới mẻ bởi hoạt động M&A đã diễn ra trên thế giới hàng trăm năm. Nhưng sẽ chẳng vụ nào giống vụ nào, lịch sử sẽ tiếp tục được viết và người dân sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều “phim hay”. Trong tâm thức người Việt, vấn đề vẫn là sẽ còn những thương hiệu lớn nào của Việt Nam trước làn sóng M&A ngày càng mạnh mẽ này.

Kim Văn
Nguồn Thế giới tiếp thị