Đưa diễn giả nổi tiếng về Việt Nam: Lợi kép

Lần đầu biết đến Jordan Belfort qua bộ phim được chiếu tại rạp, Đỗ Huy Hiệu - Giám đốc một công ty đào tạo, tư vấn về tài chính đã rất ngưỡng mộ con người nghị lực, tài năng này và quyết định phải gặp bằng được.

Qua tìm hiểu, anh biết được thông tin Jordan Belfort có mặt tại Singapore vào cuối tháng 7 nên lập tức đăng ký ngay lớp học tại đây để được gặp gỡ tỷ phú thế giới có biệt danh “Sói già phố Wall”.

Tại Singapore, ngay khi buổi diễn thuyết kết thúc, vị giám đốc trẻ đã tìm cách tiếp cận "Sói già". "Khi đó tôi thực sự choáng ngợp về con người này. Vẻ lịch lãm của một doanh nhân, cùng với tư duy của một vị chuyên gia đầy trải nghiệm trong lĩnh vực tài chính khiến tôi muốn được gặp lại ông tại Việt Nam", anh nói.

Anh Hiệu còn nhận thấy, thực tế thời gian qua có không ít doanh nhân trong nước đang rất cần những kiến thức từ chuyên gia nhưng họ phải bỏ ra chi phí khá lớn để sang các quốc gia khác học kinh nghiệm. Vậy tại sao không đưa các chuyên gia đến Việt Nam, vừa tiết kiệm được tiền vừa quảng bá cho đất nước?

Đưa diễn giả nổi tiếng về Việt Nam: Lợi kép

Với khả năng thuyết phục của mình, anh Hiệu đã mời được Jordan Belfort đến Hà Nội diễn thuyết vào tháng 11/2014, đồng thời cũng chốt lịch hai buổi nói chuyện tại TP.HCM vào tháng 3 năm sau.

Vị giám đốc 8X cho biết, khó khăn lớn nhất của việc thuyết phục Jordan Belfort đến Việt Nam không chỉ là vấn đề tài chính như mọi người nghĩ. Quan trọng nhất là sắp xếp được một lịch hẹn để không trùng với hành trình tại các quốc gia khác.

“Sau khi nắm được lịch làm việc của ông trong 3 năm tới tại các nước, tôi đã nhanh chóng khẳng định luôn với Jordan Belfort rằng các sự kiện tại Việt Nam sẽ không làm ảnh hưởng đến lịch trình của ông trong tương lai”, anh Hiệu chia sẻ.

Sau khi nhận được cái gật đầu chính thức, vị CEO trẻ tuổi bắt đầu khởi động các chương trình quảng bá thông qua chuỗi chương trình gặp gỡ, trao đổi thông tin về sự kiện. Phương tiện truyền thông được vị lãnh đạo 8X này tận dụng tối đa, mạng xã hội cũng thường xuyên cập nhật hình ảnh, sự nghiệp và những câu nói bất hủ của Jordan Belfort.

Vị giám đốc 8X cho biết, khó khăn lớn nhất của việc thuyết phục Jordan Belfort đến Việt Nam không chỉ là vấn đề tài chính như mọi người nghĩ.

“Hơn 650 chỗ ngồi tại Hà Nội đã được bán hết với giá vé mức thấp nhất trên 7 triệu đồng và cao nhất gần 34 triệu đồng tùy từng thời điểm đặt vé”, vị giám đốc cho hay.

Thương vụ đưa "Sói già" về Việt Nam không phải là mới. Trước đó đã có không ít công ty giáo dục đào tạo tổ chức các sự kiện tương tự rất thành công cả về mặt doanh thu lẫn thương hiệu. Tháng 11/2012, ITD và Anphabe đã mời được Brian Tracy - tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về kinh doanh đến Việt Nam.

Hay sự kiện thu hút quan tâm của giới truyền thông trong năm 2013 là diễn giả không tay chân Nick Vujicic đã có 7 buổi diễn thuyết tại cả Hà Nội và TP.HCM.

Tháng 7 năm nay, Richard Ducan - chuyên gia kinh tế và tài chính nổi tiếng thế giới và Fabian Lim - triệu phú từ Internet cũng đã tạo được tiếng vang cho đơn vị tổ chức tại Việt Nam.

Sự có mặt của các diễn giả nổi tiếng tạo ra thành công cho đơn vị tổ chức không những chỉ về về tiền bạc...

Theo anh Hiệu, lý do để Việt Nam trở thành điểm đến trong hành trình của nhiều diễn giả, chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới thời gian qua xuất phát từ nhu cầu thực tế. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình hội nhập nên không ít CEO khát khao kiến thức, kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển.

Đưa diễn giả nổi tiếng về Việt Nam: Lợi kép

Với việc đưa Nick Vujicic đến Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen đã không chỉ hưởng lợi từ việc giá cổ phiếu tăng mà còn có những món hời không định giá được

"Các diễn giả đã giúp những người tham gia biết cách khai thông bế tắc, khó khăn trong làm ăn kinh doanh. Do đó thời điểm này chính là cơ hội vàng cho các đơn vị tổ chức sự kiện", anh Hiệu cho biết.

Từ kinh nghiệm của mình, bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành Công ty Anphabe cho rằng khi đã có địa vị xã hội nhất định, thông thường các diễn giả muốn tạo ra tầm ảnh hưởng và giá trị không chỉ ở nước đến mà còn cho chính quốc gia của họ. Trong khi đó, những điều họ hướng đến đều có thể nhận được tại Việt Nam.

"Do vậy, việc các doanh nhân trong nước hào hứng bỏ tiền mua vé để được nghe chia sẻ kinh nghiệm từ những người nổi tiếng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên", bà Thanh nói.

Thẳng thắn nhìn nhận về góc độ lợi nhuận, ông Phạm Ngọc Anh - Giám đốc Công ty Đào tạo ASK cho rằng hoàn toàn phụ thuộc vào vào độ “hot” của diễn giả. Đối với vấn đề tiền bạc, nếu đơn vị tổ chức bài bản, có chiến lược, phần lớn là lãi thậm chí con số còn rất lớn. Nhưng điều mà các công ty thu được nhiều gấp trăm lần số tiền bán vé chính là danh tiếng và thương hiệu.

“Sẽ không thể định giá được phần lãi này”, ông Anh nói. Nếu diễn giả nổi tiếng như Brian Tracy, Jack Canfield… có độ “phủ sóng” tốt thì đầu tư cho event là cách làm truyền thông cực thông minh, nhạy bén hiện nay của nhiều công ty chuyên làm sự kiện.

Điều mà các công ty thu được nhiều gấp trăm lần số tiền bán vé chính là danh tiếng và thương hiệu.

Còn theo anh Hiệu, kinh doanh lĩnh vực giáo dục may mắn ở chỗ trong thời gian quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp sẽ tính ngay được họ lãi hay hòa vốn.

“Nếu biết cách bán sản phẩm tốt sẽ có lợi nhuận cao hơn mong đợi. Có chương trình mặc dù giá vé bán ra rất rẻ, nhưng con số hàng nghìn người tham gia vẫn giúp ban tổ chức thu được lợi nhuận cao. Thông thường các đơn vị chẳng lo ế vé vì họ nắm rõ như lòng bàn tay những mong muốn của các khách hàng tham gia”, anh nói.

Không tiết lộ cụ thể lợi nhuận sau sự kiện "Sói già phố Wall" nhưng CEO này cũng cho biết khoản thu lớn nhất mà doanh nghiệp anh có được chính là danh tiếng.

“Chúng tôi mới thành lập được hơn một năm, nhưng đến thời điểm này không ít người không biết đến thương hiệu của công ty. Chính tên tuổi diễn giả đã nâng tầm doanh nghiệp. Giá trị thương hiệu cũng là tiền bạc trong tương lai của các doanh nghiệp tổ chức sự kiện nói chung”, anh Hiệu nói.

Cho rằng chuyên gia tên tuổi thế giới đến Việt Nam đồng nghĩa đem lại nguồn thu cho nền kinh tế, nhưng Giám đốc ASK lại lo ngại xu hướng “sính ngoại” trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. “Nếu các kiến thức kinh nghiệm khi các chuyên gia chia sẻ không được chọn lọc để phù hợp với hoàn cảnh dễ dẫn tới sự giáo điều, khuôn mẫu”, lãnh đạo ASK cho biết.

Thành Tâm
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn