Người tiêu dùng quan tâm hơn đến nhãn hàng riêng

Theo báo cáo mới công bố của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, 84% người tiêu dùng Việt Nam nói rằng nhận thức của họ về các sản phẩm nhãn hàng riêng đã được cải thiện theo thời gian. Đây là mức cao nhất trên toàn cầu.

Tỷ lệ này đạt 83% tại Thái Lan, 77% tại Philippines, 70% tại Malaysia, 66% tại Indonesia và 64% tại Singapore.

Quan tâm, sử dụng nhãn hàng riêng nhiều hơn

Báo cáo của Nielsen nhấn mạnh, nếu so với kết quả công ty thực hiện năm 2010 thì niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nhãn hàng riêng đã tăng lên đáng kể.

Cụ thể, tại Philippines, ba phần tư người tiêu dùng (75%) xem các sản phẩm nhãn hàng riêng là một lựa chọn thay thế tốt, 69% cho rằng chất lượng của chúng ngang và 54% tin rằng một vài sản phẩm nhãn hàng riêng có thể tốt hơn so với sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng.

Người tiêu dùng quan tâm hơn đến nhãn hàng riêng

Nhãn hàng riêng bán tại hệ thống siêu thị Co.op mart. Ảnh minh họa: Vũ Yến

Tại Thái Lan lần lượt các chỉ số trên là 65%, 55% và 61%. Ở Malaysia là 62%, 52% và 61%.

Được biết, nghiên cứu về các nhãn hàng riêng của Nielsen được thực hiện từ 17 tháng 2 đến 7 tháng 3 năm 2014 với sự tham gia của hơn 30.000 người tiêu dùng tại 60 quốc gia thuộc Châu Á Thái Bình Dương, Châu Âu, Mỹ La tinh, Trung Đông, Châu Mỹ và Bắc Mỹ.

Mẫu được chọn theo nhóm tuổi, giới tính cho mỗi quốc gia dựa trên những người sử dụng internet và gán trọng số để đại diện cho tổng thể người sử dụng có sai số tối đa là ±0.6%.

Khảo sát của Nielsen dựa trên hành vi của đáp viên truy cập trực tuyến. Tỷ lệ sử dụng internet thay đổi theo từng quốc gia. Nielsen sử dụng tiêu chuẩn báo cáo tối thiểu 60% tỷ lệ sử dụng internet hoặc 10 triệu dân sử dụng trực tuyến để đưa vào kết quả khảo sát.

Khảo sát trực tuyến toàn cầu của Nielsen bao gồm khảo sát niềm tin của người tiêu dùng trực tuyến toàn cầu được bắt đầu thực hiện từ năm 2005.

Chưa tác động đến doanh số

Thị phần của các nhãn hàng riêng trong khu vực vẫn còn thấp nên sự cải thiện niềm tin tiêu dùng vẫn chưa tác động đến doanh số.

Tuy nhiên báo cáo cũng khẳng định, do thị phần của các nhãn hàng riêng trong khu vực vẫn còn thấp nên sự cải thiện niềm tin tiêu dùng vẫn chưa tác động đến doanh số.

Cụ thể, các sản phẩm nhãn hàng riêng chiếm chưa đến 10% trong tổng giá trị mua sắm của 66% người mua sắm Singapore và 28% người mua sắm Thái Lan - những người mua sản phẩm nhãn hàng riêng thường xuyên.

Thị phần tổng thể của nhãn hàng riêng trong khu vực vẫn rất thấp, tỉ lệ này tại Singapore là 6,3% và tại Thái Lan chỉ là 2,9%.

Về giá của sản phẩm nhãn hàng riêng, báo cáo nêu rằng, chỉ 46% người Indonesia tin rằng các sản phẩm nhãn hàng riêng có giá hợp lý, đây là tỷ lệ thấp nhất trong khu vực và thấp thứ sáu trên toàn cầu. Tại Việt Nam con số này là 55%.

Ông Pete Gale, trưởng dịch vụ bán lẻ của Nielsen tại Châu Á Thái Bình Dương cho biết, ngày càng nhiều người tiêu dùng lên danh mục các sản phẩm nhãn hàng riêng mà họ thích và sẽ mua một lần nữa, ngay cả khi giá của nó đắt hơn giá của các sản phẩm thương hiệu cho thấy cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ.

Nhãn hàng riêng được hiểu là các mặt hàng được bán dưới thương hiệu của nhà bán lẻ, hệ thống phân phối bằng cách đặt các nhà cung ứng làm hàng, kiểm duyệt chất lượng, đóng gói bao bì và nhà bán lẻ dãn nhãn riêng để bán.

Tại Việt Nam, các nhà bán lẻ như Saigon Co.op, Big C đều có sản phẩm nhãn hàng riêng.

Vũ Yến
Nguồn The Saigon Times