Sit-com lên ngôi!
Bộ phim 9 tập Youtube “Mùa oải hương năm ấy” mới công chiếu đã tạo ra một cơn sốt trong nhóm đối tượng trẻ. Giờ đây, sit-com thật sự đã lên ngôi, một lần nữa khẳng đỉnh TVC sẽ chỉ còn dĩ vãng?
Quảng cáo TV có thoái vị?
Trung bình để sản xuất một TVC sạch sẽ, các thương hiệu dành một ngân sách từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Một số thương hiệu có “số má” (như X-Men) sẽ phải “ói” ra hơn 4 tỉ.
Kế tiếp mua sóng, thường với ngân sách gấp 8 – 10 lần chi phí sản xuất TVC – thì mới hiệu quả (cho đầu tư SX TVC). Chi phí phát sóng trong những giờ vàng hiện nay đắt không tưởng (100 triệu/spot 30”) và rất “ngộp”. Nên dù có xuất hiện trong những giờ vàng nhưng không đủ “đô” thì cũng như không. Theo các chuyên gia hoạch địch truyền thông, ngân sách phát sóng trong 2 tháng cho TV hiện nay phải từ 20 tỉ thì mới gọi “thấm tháp”. Còn không, là phải 2 triệu đô la thì mới có cửa để cho khách hàng nhớ, nhất là những nhãn mới “ra ràng”.
Tốn núi tiền cho việc sản xuất, phát sóng, các thương hiệu còn ‘dở khóc, dở cười’ khi khán giả chán ngấy các mẫu quảng cáo.
Tốn núi tiền cho việc sản xuất, phát sóng, các thương hiệu còn ‘dở khóc, dở cười’ khi khán giả chán ngấy các mẫu quảng cáo. Cứ thấy quảng cáo là họ chuyển kênh, đến khi xem được chương trình yêu thích.
Vì thế, các chiến lược gia thông minh luôn tìm kiếm những cách tiếp cận mới trên TV mang tính “tự nguyện” hơn là “cưỡng bức”. Cụ thể lồng ghép thương hiệu (Product placement) vào những phim (sit-com) một cách nhẹ nhàng. Theo họ, khi khán giả thích thú xem phim thì cũng là lúc họ “thưởng thức” luôn các thông điệp thương hiệu/sản phẩm.
Và sitcom có lên ngôi?
Sitcom (situation comedy) là một dạng “phim kịch” (hay còn gọi là soap opera) thường được quay gói gọn trong một vài bối cảnh trong nhà nên nói chung có chi phí sản xuất thấp. Sitcom được thu tiếng trực tiếp nên không mất công lồng tiếng khi làm hậu kỳ.
Sitcom xuất hiện ở Mỹ vào thập niên 90 và đã trở thành một phần của văn hóa xứ cờ hoa. Một số series như Friends, Sex and the city, The Practice, The X-Files đã sống qua vài thập kỷ, hiện nay vẫn “sống tốt”.
Tại Việt Nam đang bùng phát phim truyền hình theo kiểu sitcom chiếu vào giờ vàng. Nhiều thương hiệu từ bột giặt, dầu gội, sữa tắm, nước tương, nước mắm ‘đánh hơi’ thấy mỏ vàng nên lần lượt xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Nhưng gần đây, khán giả bắt đầu bội thực.
Khán giả chán cũng có lý do, vì cách xuất hiện của các thương hiệu trong phim hơi ngược đời. Nghĩa là khi có kịch bản hoàn chỉnh, các nhà sản xuất phim đi chào mời thương hiệu tài trợ. Nếu đồng ý, đạo diễn sẽ tạo ra thêm tình huống để “chèn” hình ảnh thương hiệu, sử dụng SP vào phim, cùng với tần số xuất hiện cao và lời thoại rất gượng gạo. Cuối cùng, phim ‘nhạt như nước ốc’.
Không ít giám đốc thương hiệu “non tay” thuần túy xem các sitcom là phim tự giới thiệu (sản phẩm) có thời lượng dài. Nhân vật lúc nào cũng khát (để còn phải uống nước ngọt, trà xanh). Rảnh một chút là giặt đồ (bột giặt). Quởn quá không biết làm gì thì rửa chén (nước rửa chén) hoặc mỗi tập là nhân vật vào bếp nấu ăn (bếp gas, hạt nêm). Riết phát chán! Họ quên mất một điều, làm phim là để cho khán giả xem. Khi đó, ta mới có thể lồng ghép sản phẩm vào một cách tự nhiên.
Sitcom “thông minh” sẽ như thế nào?
Vừa qua, loạt phim truyền hình Mùa oải hương năm ấy 9 tập do ê-kíp NamCito thực hiện (cũng là Nhóm làm “Căn hộ 69”) đang được PR rầm rộ (còn át luôn cả phim Việt chiếu rạp gần đây). Tuy chưa công chiếu nhưng ít nhiều đã “bật mí” những thương hiệu đứng đằng sau. Đó là thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên Purité by Prôvence (đến từ Pháp) và cà phê Việt “làm nước Mỹ tỉnh giấc” PhinDeli.
Đây là câu chuyện tình xoay quanh mối quan hệ công việc và tình cảm của những người trẻ trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Bộ phim xoáy vào một bi kịch lớn nhất trong tình yêu, đó là yêu một người không yêu mình.
Cụ thể đó là chuyện tình của một cô gái (đã đính hôn) An Nhiên sống và học tại vùng Provence (nước Pháp) về Đà Lạt sáng tác tranh và dạy họa. Còn chàng trai là cháu của ông chủ thị trấn PhinDeli Phạm Đình Nguyên tốt nghiệp ở Mỹ về. Bảo Anh sống độc lập, không dựa dẫm vào gia đình. Anh làm 2 công việc: dạy tiếng Anh, cùng trường với An Nhiên và điều hành một quán cà phê nhượng quyền PhinDeli.
Nhìn cách phim thể hiện, có thể đoán được cách làm của 2 thương hiệu này. Họ đã gởi thông tin thương hiệu/ sản phẩm ngay từ đầu cho bên làm phim xây dựng kịch bản để có thể “đo ni đóng giày” cho nhân vật hợp với tính cách thương hiệu, đồng thời “tranh thủ” giới thiệu đặc tính sản phẩm.
Và vì bối cảnh phim xảy ra ở shop Purité By Prôvence và quán cà phê PhinDeli nên người xem chắc sẽ cảm thấy “tự nhiên” hơn thay vì các nhân vật cứ phải hồng hộc chạy ra shop mua dầu gội sữa tắm hay ừng ực uống cà phê!
Một điểm cộng cho PhinDeli là trong phim còn có sự xuất hiện thị trưởng Phạm Đình Nguyên (dưới dạng “diễn viên” khách mời) vào vai Đình Nguyên (chủ thương hiệu PhinDeli) - chú của Bảo Anh (nhân vật chính). Sự xuất hiện của ông chủ “lắm chiêu” này không chỉ PR thêm cho phim mà còn giúp thương hiệu cà phê “làm nước Mỹ tỉnh giấc” tiếp cận thêm những đối tượng trẻ (đặc biệt là nữ).
Cũng cần nói thêm, chi phí cho một tập truyền hình 30 tập hiện nay dao động trung bình từ 120 – 150 triệu. Chỉ có 9 tập nên chi phí mỗi tập cho phim này có thể lên đến 200 triệu. Với 2 thương hiệu chia sẻ chi phí thì mỗi nhãn hàng chỉ có thể bỏ ra 800- 900 triệu mà không phải tốn thêm tiền phát sóng. Nên có thể nói đây có thể là cú đầu tư nội dung thương hiệu rất hiệu quả.
Phim chưa ra, chúng ta cứ hãy chờ. Một điều chắc chắn rằng, “Mùa hoa oải hương” là một phần trong chiến lược đẩy mạnh nội dung thương hiệu (branded content) mà thị trưởng Phạm Đình Nguyên tiết lộ khi được hỏi: “Hiện nay, chúng tôi mạnh dạn đầu tư vào nội dung thương hiệu để cho khách hàng thưởng thức, chia sẻ”.
Chung Anh - PR Director / Thre3 Communications
Nguồn Dùng hàng Việt