“Siết” ngành bia - Lợi bất cập hại
Nếu trở thành ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, bia sẽ trở thành ngành vừa phải “cõng” nhiều loại thuế và nhiều sắc thuế nặng nhất, lại vừa là ngành, nghề phát sinh nhiều giấy phép con, nhiều cơ quan quản lí nhất…
Trong dự thảo, còn có rất nhiều quy định khác có thể lấy làm ví dụ cho sự bất cập, ít tính thực tiễn và vô cùng khó hiểu.
Chẳng hạn, quy định cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi khiến bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ GTVT phải cho rằng, Bộ Công Thương cần có nghiên cứu, xem xét tính khả thi, không phải những gì không quản được thì sẽ cấm, vì “không được bán bia cho người dưới 18 tuổi, vậy phải chăng người đi mua bia phải mang chứng minh thư đi theo?”.
“Tôi nghĩ là với những trường hợp cấm đó thì mình quản lý giám sát thế nào chứ không phải cứ không quản được thì cấm. Đã cấm thì cần phải có giám sát, xử lý. Nếu quy định một loạt như thế thì khá nhiều trường hợp là cơ quan quản lý không kiểm soát và xử lý được”, bà Nga nói.
Nếu uống bia chất lượng tốt và không lạm dụng thì cả người tiêu dùng và xã hội đều được lợi.
Hay như với nội dung cấm bán bia trên các phương tiện điện tử, quy định này cũng khiến dư luận “sôi sùng sục” chẳng thua gì thái độ phản đối trước quy định cấm ban bia vỉa hè. Không phải không có lí khi một chuyên gia đặt câu hỏi rằng phải chăng các nhà quản lí đang đặt mục tiêu… siêt cả lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, vốn chỉ mới manh nha ở Việt Nam và còn “chưa đâu vào đâu”?
Chưa kể cũng chưa cơ quan quản lí dự định sẽ quản lí ra sao với các đơn vị sản xuất và nhập khẩu, phân phối bia, thậm chí cả rượu, khi bản thân họ có đầy đủ chức năng, điều kiện khi đăng kí thủ tục kinh doanh và được cấp phép xây dựng/bán hàng qua website, qua “mạng”.
Có thể thấy là với phần lớn những chi tiết quy định đặt ra các giải pháp “cấm” nhằm siết bia rượu, như mục tiêu đề ra là hạn chế lạm dụng đồ uống có cồn, dường như các nhà các soạn thảo dự thảo Nghị định chưa có nghiên cứu, khảo sát thực tiễn cũng như tính toán đầy đủ, trọn vẹn những phản ứng của thị trường.
Điều đáng tiếc, trước nay, Bộ Công Thương là một cơ quan quản lí ban hành các chính sách khuyến khích và rất phù hợp cho phát triển thị trường, khác hẳn với những Bộ “nóng” như Y tế, Giáo dục... vẫn luôn có những chính sách chưa kịp ban ra đã “chết yểu” vì bị người dân “phản đối”; trong khi, các quy định mà Dự thảo dự kiến đặt ra lại có mục tiêu và cái lợi nghiêng về các lĩnh vực thuộc các Bộ “nóng” này quản lí. Cũng do đó nên có chuyên gia nói vui rằng, có lẽ Dự thảo Nghị định bị phản đối, một phần là do Bộ Công thương… lấn “sân” và chưa… nghiên cứu đủ!
Ngành bia và nền kinh tế đều ảnh hưởng
Nếu đưa ngành bia vào khuôn khổ ngành kinh doanh có điều kiện với những quy định cấm đoán ngặt nghèo mà vốn dĩ đã được các cơ quan liên bộ khác cũng quản lí khá chặt với ngành bia từ trước đến nay, chịu ảnh hưởng trực tiếp trước hết sẽ chính là DN ngành bia và người tiêu dùng.
Trong báo cáo nghiên cứu về vai trò, vị trí của ngành bia trong phát triển kinh tế -xã hội, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (IPSI) cùng với Cty Nghiên cứu Chính sách Regioplan (RP) và Ernst & Young (EY) đã ghi nhận sự sụt giảm trong hoạt động của ngành bia, bắt đầu từ năm 2014.
Theo đó, quý I/2014, lượng tiêu thụ bia đã giảm 7,5% so với cùng kì, sản lượng bia cũng giảm 8,2% . RP-EY nhận định sự sụt giảm này là do yếu tố tăng suất tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), có hiệu lực từ tháng 1 năm 2013, phản ánh lên giá bán và vì thế người tiêu dùng đã bớt uống bia hơn so với trước đó.
Điều đáng nói là sự sụt giảm này đã tác động không nhỏ lên nền kinh tế. Theo tính toán của của Regioplan (2014) dựa trên dữ liệu bảng khảo sát có được từ các Cty bia, tổng giá trị giá tăng đã -1%; các chỉ số khác liên quan đến sản lượng và tiêu thụ bia như lao động phát sinh -10%, tổng số lao động -5%, nguồn thu thuế GTGT từ dịch vụ -10%, nguồn thu thuế GTGT từ bán lẻ -3%, dẫn đến tổng các nguồn thu ngân sách Nhà nước -6%.
Báo cáo này cũng dự báo rằng trong trường hợp thị trường bia phục hồi khi chỉ số giá tiêu dùng phục hồi, thì ngành bia vẫn bị đe dọa bởi các mặt hàng nhập khẩu rẻ hơn, bia nội theo đó sẽ sản xuất ít hơn, từ đó đem lại ảnh hưởng tiêu cực đối với các nhà phân phối hàng và dịch vụ trung gian của Việt Nam.
Ngoài ra, nếu tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia, sức mua sẽ lại giảm sút và quyết định này có thể khiến VN “dẫm lại vết chân” của châu Âu khi tăng thuế TTĐB đối với bia rồi mới nhận ra nguồn thu thuế TTĐB tăng ít hơn so với phần trăm tăng trưởng của thuế TTĐB và có thể làm nguồn thu ngân sách giảm xuống.
Liên quan đến “tác hại của bia”, dẫn các tài liệu nghiên cứu khoa học, các tác giả báo cáo cho rằng bia là thức uống lên men độ cồn thấp làm bằng nguyên liệu tự nhiên, hấp dẫn con người từ xa xưa với vị đắng dịu và hương thơm đặc trưng của hoa hublông, kèm theo những giá trị dinh dưỡng cao, có thể khẳng định bia có lợi cho sức khỏe.
Nếu uống bia chất lượng tốt và không lạm dụng thì cả người tiêu dùng và xã hội đều được lợi. Từ đó, có thể thấy việc hướng tới “siết ngành bia” vào ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là điều rất cần được nghiên cứu đầy đủ, với các giải pháp quản lí, hợp tình hợp lí hơn.
Lê Thuận
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp