Warren Buffett và bước ngoặt tiếp thị

Hơn lúc nào hết, thay vì quảng bá hình ảnh cá nhân là một nhà đầu tư tỉ phú, Buffett lại tranh thủ phát triển thương hiệu Berkshire Hathaway. Thương hiệu này trong tương lai phải nổi tiếng hơn Warren Buffett.

Warren Buffett đứng giữa 3 cô cổ động viên hớn hở cười; ông mặc một cái áo sơ mi trắng có biểu trưng của Tập đoàn Berkshire Hathaway. Tờ bạc 100 đô-la nhú lên ở túi áo phía trước, nhưng thật ra đó chỉ là một họa tiết thêu mà thôi. Bên dưới là câu slogan quảng cáo cho Bộ sưu tập thời trang năng động Berkshire Hathaway: “Vì áo hay vì người? Xin lỗi nhé Warren, vì áo”.

Phát triển thương hiệu

Hiện nay Buffett ra sức đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để thu hút thêm khách hàng đến với vô vàn hoạt động kinh doanh của công ty còn tương đối kín tiếng của mình. Đây là một thay đổi bước ngoặt trong chiến lược tiếp thị của Buffett.

Warren Buffett và bước ngoặt tiếp thị

Cái tên Warren Buffett còn nổi tiếng hơn cả Berkshire Hathaway - công ty con đẻ của ông.

Hồi đầu tháng 10, khi công bố hợp đồng mua lại Tập đoàn Van Tuyl - doanh nghiệp kinh doanh xe hơi có doanh thu cao thứ năm nước Mỹ, Buffett cũng cho biết mình sẽ đổi tên thương hiệu này thành Berkshire Hathaway Automotive - hãng kinh doanh xe Berkshire Hathaway. Đây là động thái tiếp bước các sự kiện đưa tên Berkshire Hathaway vào hàng loạt công ty năng lượng, môi giới địa ốc cũng như một số công ty cổ phần bảo hiểm của ông.

Việc phổ biến thương hiệu này không chỉ là một chiến thuật tiếp thị thông thường, mà còn cao hơn thế nữa. Ở tuổi 84, Buffett luôn phải bận tâm chuyện rồi đây tập đoàn có tổng giá trị cổ phiếu lên tới 336 tỉ USD của ông sẽ được kế tục như thế nào.

Nhà phân tích Greggory Warren của công ty nghiên cứu Morningstar Research cho rằng: “Đây là một cố gắng lớn của Buffett để dư luận chú ý đến Berkshire Hathaway như cách người ta biết đến ông vậy”.

Thế nhưng cái tên Berkshire Hathaway còn mờ nhạt lắm, nó chỉ hiện diện trên bảng niêm yết chứng khoán và các trang tài chính trên mạng hoặc thư gửi cổ đông thường niên nổi tiếng của ông mà thôi.

Để cho tương lai

Khi nghiên cứu cách công chúng nhận biết doanh nghiệp, những hãng nghiên cứu thị trường có tiếng thậm chí còn không để cái tên Berkshire Hathaway vào danh sách của họ.

Dù hiện tại thương hiệu Berkshire Hathaway còn khá mờ nhạt, các nhà phân tích và chuyên gia thương hiệu cho rằng sẽ có ngày thương hiệu này cũng tạo được ảnh hưởng lớn như Buffett vậy.

Ông Oscar Yuan, một đối tác của công ty thiết kế thương hiệu Millward Brown Vermeer, nhận xét: “Sở dĩ mọi người biết tiếng Warren Buffett vì ông ấy là một trong những người giàu nhất thế giới chứ họ chẳng hề biết gì về công ty con đẻ của ông”.

Với mạng lưới ngày càng mở rộng các công ty môi giới địa ốc dân cư trực thuộc tập đoàn đã được thay tên thành Berkshire Hathaway HomeServices, bây giờ khắp cả nước đến đâu cũng thấy biển “Bán nhà” gắn nhãn Berkshire Hathaway.

Buffett đã từ chối trả lời phỏng vấn về việc thay tên Berkshire Hathaway Homeservices này. Thế nhưng qua trang mạng của Công ty, ông ngụ ý nhiều tham vọng cho thương hiệu này. Ông chỉ cho biết: “Chuyện mua nhà mua đất là một quyết định trọng đại của rất nhiều gia đình. Vì thế khách hàng rất quan tâm tìm hiểu các công ty môi giới, chúng tôi nghĩ rằng cái tên Berkshire Hathaway rồi sẽ làm khách hàng yên chí”.

Chẳng hạn, ở Tampa, Florida, ông Jeff Pareja đăng ký bán nhà với chi nhánh văn phòng Berkshire Hathaway địa phương. Pareja cho biết mình chọn trung tâm này vì nơi đây có liên kết với Buffett nên hy vọng quảng cáo rao bán nhà sẽ giá trị hơn khi có Berkshire Hathaway môi giới.

Dù hiện tại thương hiệu Berkshire Hathaway còn khá mờ nhạt, các nhà phân tích và chuyên gia thương hiệu cho rằng sẽ có ngày thương hiệu này cũng tạo được ảnh hưởng lớn như Buffett vậy.

Chiến lược này cũng tương tự như chiến lược của Richard Branson trước đây - một doanh nhân táo bạo đã dán hiệu Virgin lên cả âm nhạc cùng máy bay, phi thuyền lẫn rượu vang.

Warren Buffett và bước ngoặt tiếp thị

Bước đi thông minh

Nhiều chuyên gia cho rằng việc mở rộng thương hiệu Berkshire Hathaway cho các dịch vụ tài chính - đầu tư, vốn lấy chữ tín làm đầu, cũng là một bước đi thông minh.

Nhưng không phải tất cả sản phẩm của Berkshire Hathaway đều có thể mang tên mới. Như “Kem Berkshire Hathaway” không thể thay cho “Dairy Queen” được.

Hay tên công ty cổ phần bảo hiểm trứ danh bậc nhất của Buffet là Geico cũng sẽ được giữ nguyên vì số tiền trăm tiền triệu đã đổ ra để quảng bá thương hiệu và biểu tượng của nó - chú thằn lằn Geico. Còn nếu liên kết một Berkshire Hathaway uy danh lẫy lừng với những loại kinh doanh lặt vặt, như mua bán xe chẳng hạn, để thương hiệu bị mất giá thì cũng nguy.

Ngọc Trung
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư