Ngành bánh kẹo, đồ uống: Sức ép ngày càng lớn
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự gia tăng trong quy mô dân số với cơ cấu trẻ, bánh kẹo và đồ uống là những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định tại VN.
Miếng bánh béo bở của thị trường này luôn được đánh giá là tiềm năng và được nhiều DN nước ngoài ngòm ngó.
Nhìn lại những DN quy mô và có thương hiệu trong ngành bánh kẹo VN hiện tại, ở các mặt hàng chủ lực bao gồm bánh quy, kẹo đường và bánh nướng, đồ ăn nhẹ mặn, danh sách như đã nói cũng chỉ khoảng hơn 30 tên tuổi.
Tiêu biểu phải kể là Kinh Đô, Hải Châu, Hải Hà, Bibica, Orion Food Vina, Đức Phát, Như Lan, Onoré, Tous Le Jour, Paris Bagguette, Bread Talk và Brodard Bakery Perfetti Van Melle, Lotte, Mars, Kraf Food, Đồng Khánh, Hữu Nghị, Quảng Ngãi, Tân Tân, Tuyền Kí, Liwayway Food, Seasprimex… Trong danh sách, khoảng 1 nửa là những cái tên ngoại. Chưa kể, một số các DN nội như Bibica với vị trí ở một số sản phẩm có thị phần chỉ đứng sau Kinh Đô, cũng đã có gần 49% cổ phần thuộc về tay DN ngoại.
DN nội lép vế
Thời gian đây, một số các thương hiệu bánh kẹo ngoại cũng đã ra mắt ở thị trường VN. Tiêu biểu là “ông lớn” Euro Cake của ngành bánh kẹo Thái Lan, đã công bố một “chiến dịch” khai thác thị trường VN, với “tinh tuyển” hai DN phân phối độc quyền hai đầu Nam, Bắc và lên sẵn kế hoạch dự kiến vài năm tới sẽ mở nhà máy tại VN. Với ngần đó DN ngoại đang cạnh tranh cùng DN nội trên thị trường Việt, nay cộng thêm Mondelez, chưa tính tới những DN đang “nhăm nhe” vào VN khi khi khu vực Asean hoàn toàn “phẳng”, sức ép đối với DN nội trên sân nhà sẽ càng rất lớn.
Cần lưu ý thêm là ngoài nguy cơ “ngoại hóa” trực diện trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bánh kẹo khi Mondelez gia nhập thị trường Việt, thì ở lĩnh vực cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào, ngành bánh kẹo Việt cũng đang bị chi phối bởi DN ngoại. Bên cạnh bột mì nhập khẩu, nhiều DN cũng nhập khẩu đường và bột sữa. Song song đó, sô cô la và phụ gia (men và các loại phụ gia) sản xuất trong ngành bánh cũng phải nhập. Gần đây, nhiều DN ngành bánh kẹo đã có thể “ung dung” hơn khi có thể “nhập” hàng ngay trên sân nhà, với nguồn cung cấp sô - cô - la, men và phụ gia từ Grand Place và Pratos. Nhưng đáng tiếc là 2 DN này cũng đều là DN ngoại và đã nhập làm một thành Tập đoàn “chi phối” một phân khúc nguyên liệu sản xuất đầu vào bánh kẹo tại VN!
Trong dài hạn, ngành hàng bánh kẹo vẫn hấp dẫn nhờ sức ảnh hưởng ngày càng tăng của nền văn hóa và lối sống phương Tây.
DN ngoại lăm le
Vì sao lại xảy ra nghịch lý là các DN nội thống lĩnh chọn rời thị trường trong khi các nhà đầu tư ngoại lại sẵn sàng trả giá cao để tiếp nhận? Hẳn 30 DN quy mô trong ngành và khoảng 1.000 cơ sở sản xuất bánh kẹo nhỏ lẻ trong cả nước đang đau đầu nghiền ngẫm nghịch lí này. Có phải chăng sự đầu tư của Mondelez đang xác lập một quan điểm ngược lại: Thị trường bánh kẹo Việt trong triển hạn tương lai vẫn còn tiềm năng, xứng đáng được đánh giá cao. Nếu không như vậy, Tập đoàn lớn nhất thế giới về đồ ăn nhẹ như bánh kẹo, cà phê, sô-cô-la như Mondelez sẽ chẳng nhất thiết phải có nhu cầu đầu tư/trả giá cao muốn bao trọn một miếng bánh trên thị trường?
Theo báo cáo của Euromonitor International, tuy đã tăng trưởng chậm lại nhưng trong dài hạn, ngành hàng bánh kẹo vẫn hấp dẫn nhờ sức ảnh hưởng ngày càng tăng của nền văn hóa và lối sống phương Tây đến cơ cấu dân số trẻ và mức tiêu thụ bánh kẹo bình quân đầu người là 1,8kg mỗi năm của VN thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 2,8kg.
Điều này lí giải rõ hơn vì sao các nhà đầu tư ngoại vẫn dồn dập vào VN với cam kết đầu tư lâu và sâu và càng làm sâu sắc hơn sự nuối tiếc bởi sự lựa chọn rời bỏ thị trường của những thương hiệu nội. Sâu xa hơn đó còn sự lo ngại về những lựa chọn và tìm kiếm đột phá của các DN như Kinh Đô.
Nói riêng với Kinh Đô, một trong những lợi thế của DN là hệ thống phân phối với hơn 200.000 điểm bán lẻ. Chưa biết trong điều khoản cụ thể của thương vụ ra sao song nếu như hệ thống phân phối này về tay Mondelez, KDC sẽ gần như mất hẳn lợi thế quan trọng trong hành trình muốn đột phá ở các ngành hàng mới, đặc biệt khi cà phê, dầu ăn hay mì gói đều rất cần kênh phân phối và lại đã có những ông lớn “án ngữ”.
Mỹ Lê
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp