Big C kích hoạt 'cuộc chiến' giá rẻ

Big C vừa công bố chương trình "Cam kết giá”, được dự báo là châm ngòi cho một "cuộc chiến" mới trong lĩnh vực bán lẻ.

Ngày 14/11, hệ thống siêu thị Big C bắt đầu áp dụng chương trình "Cam kết giá” cho các mặt hàng tiêu dùng nhanh và không có thời gian kết thúc. Cụ thể, Big C công bố mức giá sản phẩm tiêu dùng nhanh của mình là thấp nhất so với giá bán tại các siêu thị khác nằm trong phạm vi bán kính 7km.

Big C cam kết sẽ tặng sản phẩm nếu khách hàng tìm thấy sản phẩm tương đương tại các siêu thị khác có mức giá rẻ hơn so với giá bán tại siêu thị Big C. Theo chương trình mà Big C đưa ra thì có khoảng 8.000 - 10.000 sản phẩm hằng ngày nằm trong diện cam kết giá, chiếm khoảng 80% về số lượng và gần 70% về giá trị trong nhóm mặt hàng tiêu dùng nhanh.

Chưa biết, tất cả những mặt hàng tiêu dùng nhanh mà Big C công bố có thấp nhất trong kênh bán hàng siêu thị hay không nhưng trên thực tế, một số mặt hàng mà chúng tôi khảo sát trong ngày 16/11 thì Big C có giá bán thấp hơn.

Big C kích hoạt cuộc chiến giá rẻ

Có khoảng 8.000 - 10.000 sản phẩm hằng ngày nằm trong diện cam kết giá.

Chẳng hạn, sữa Cô gái Hà Lan 180ml tại Big C Hoàng Văn Thụ có giá 26.500 lốc/4 hộp thì tại Co.opmart Lũy Bán Bích là 28.500 đ/lốc và tại Vinatexmart Bàu Cát là 27.000 đồng. Tương tự, dầu ăn Cooking Tường An 1 lít niêm yết tại Big C là 37.500 đ/bình, tại Co.opmart là 41.800đ, tại Vinatexmart là 40.600đ. Mì Hảo Hảo 75g tại Big C và Co.opmart đồng giá 3.400 đ/gói thì tại Vinatexmart là 3.600 đ/gói...

Để có giá tốt nhất, ông James Scott, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Big C, cho rằng, việc kiểm soát giá được đơn vị này thực hiện thường xuyên. Mỗi tuần, có hơn 2.000 mặt hàng tiêu dùng nhanh được theo dõi, kiểm soát giá kỹ càng, để đảm bảo người tiêu dùng được mua những mặt hàng tiêu dùng nhanh tại Big C với giá thấp nhất.

"Chương trình này chắc chắn sẽ tạo đột phá lớn trên thị trường bán lẻ vì Big C là đơn vị đầu tiên cho phép khách hàng kiểm chứng cam kết của mình và tự tin trong công tác kiểm soát giá cả. Việc này cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi phải chủ động và nỗ lực nhiều hơn nữa để có giá tốt mỗi ngày và đảm bảo rằng khách hàng luôn có thêm nhiều trải nghiệm mua sắm thú vị khi đến với Big C", ông James Scott khẳng định.

Theo các chuyên gia thị trường, động thái của Big C sẽ châm ngòi cho một "cuộc chiến" giá rẻ mới trong thời gian tới. Trên thực tế, dù không công khai nhưng vài năm qua, các siêu thị đều xác định là thương hiệu có giá tốt trên thị trường. Nếu như Big C xác định "Giá rẻ cho mọi nhà”, thì Co.opmart đưa ra chính xách "Bạn của mọi nhà”... cùng những "cơn mưa khuyến mãi".

Big C kích hoạt cuộc chiến giá rẻ

Ông James Scott, Tổng giám đốc Big C Việt Nam tại buổi họp báo triển khai chương trình Cam kết giá.

Nếu Big C triển khai khuyến mãi giảm giá hằng ngày, hằng tuần thì Co.opmart cũng xem đây là chiến lược cạnh tranh của mình và mỗi năm, đơn vị này thực hiện cả chục chương trình khuyến mãi với kinh phí hàng tỷ đồng. Mới đây nhất là chương trình "Tự hào hàng Việt" với kinh phí thực hiện lên đến 200 tỷ đồng với sự tham giá của 600 nhà cùng cấp.

Chương trình được triển khai tại 71 siêu thị Co.opmart, 82 cửa hàng C.op Food và Co.opXtra với hàng ngàn mặt hàng giảm giá đến 50%. Hiện tại, Co.opmart đang khuyến mãi giảm giá đến 50% cho 3.500 mặt hàng thiết yếu cùng nhiều quà tặng hấp dẫn.

Và không chỉ có Big C, Co.opmart mà cả những thương hiệu khác như Maximark, Vinatexmart, Satra Mart... cũng thường xuyên tổ chức khuyến mãi, giảm giá bán. Và tất cả những chương trình này được thực hiện với mục đích hướng đến ngôi vị "giá thấp nhất".

"Tuy nhiên, vấn đề là Big C có đủ mọi điều kiện để thực hiện việc này lâu dài hay không là một chuyện khác.", ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Masso Group đánh giá. Phân tích kỹ hơn vấn đề này, ông Thẳng cho rằng, cách Big C áp dụng cũng giống như Wal-Mart đã thực hiện và đã thành công.

"Vấn đề là Big C có đủ mọi điều kiện để thực hiện việc này lâu dài hay không là một chuyện khác."

Với tiềm lực của một tập đoàn bán lẻ lớn, có thể Big C đáp ứng được điều kiện về tài chính nhưng muốn thành công còn đòi hỏi doanh nghiệp có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước.

Wal-Mart với chính sách "mỗi ngày một sản phẩm giá tốt nhất thế giới" đã tạo ra những làn sóng săn hàng giá rẻ của người tiêu dùng. Wal-Mart làm được điều này nhờ quy mô lớn với sức mua lớn. Còn Big C thì phải chờ vì xét về quy mô, tại Việt Nam, Big C mới có 29 siêu thị.

Nói về vấn đến này, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Ý tưởng Thương hiệu và Thiết kế Left Brain Connectors, cho rằng, chiến lược mà Big C áp dụng cho người tiêu dùng, sẽ kéo được khách đến với siêu thị nhưng sẽ... gây khổ cho nhà cung cấp.

Bài học thực tế từ Wal-Mart đã cho thấy, để có giá tốt nhất thị trường, Wal-Mart đã ép nhà cung cấp bằng giá rẻ, giảm phúc lợi nhân viên... và họ phải đối mặt với những vấn đề này khi định hình thương hiệu "Giá tốt nhất".

Thanh Ngân
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn