Háo hức thử mua hàng trực tuyến

Đến thời điểm này, nhiều người Việt Nam đang thử mua hàng trực tuyến lần đầu tiên. Vì sao, họ nghĩ gì, muốn gì và họ e ngại điều gì, là điều những người kinh doanh cần biết để thị trường mua sắm trực tuyến ở Việt Nam có thể thực sự cất cánh.

T. - một nhân viên văn phòng làm việc ở quận 1, TPHCM, nhắn tin cho cô bạn thân: “Sắp sinh nhật chị, em muốn tặng chị cái giỏ xách. Vào trang web này nhé, chọn cái nào chị thích rồi báo cho em”. Cô nói thêm, “yên tâm đi, em mới mua vài món ở đây, ổn chị ạ”. Vài phút sau, cô bạn nhắn lại đường dẫn sản phẩm đã chọn, T. làm vài thao tác mua hàng trên trang web mất vài phút nữa và hai ngày sau món hàng được chuyển đến cho người được tặng.

Cũng dịp này năm ngoái, năm kia, để tặng quà sinh nhật cho bạn, T. phải hẹn và rong ruổi cùng cô bạn ở các trung tâm mua sắm, cửa hàng thời trang... mất hàng buổi trời có khi cũng chưa chọn được món hàng ưng ý. Sự thay đổi hành vi mua sắm này không phải là cá biệt, T. là một trong số nhiều người tiêu dùng Việt vừa thử bắt đầu mua hàng trực tuyến lần đầu tiên chỉ trong vài tháng trở lại đây.

Háo hức với mua hàng trực tuyến

Theo khảo sát mới nhất của Google về hành vi trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam (do Công ty TNS thực hiện với 1.000 người trên 16 tuổi trong hai quí đầu năm 2014), có đến 44% những người có kết nối Internet nhưng chưa từng mua hàng trực tuyến cho biết sẽ thử mua hàng trực tuyến lần đầu tiên trong vòng một năm tới, phần lớn chọn sản phẩm đầu tiên mua trực tuyến sẽ là hàng thời trang và phụ kiện.

Háo hức thử mua hàng trực tuyến

Thời trang và phụ kiện là các sản phẩm mà người dùng chọn để mua trực tuyến

Khảo sát này giúp dự báo những mặt hàng sẽ phát triển mạnh trên thị trường mua sắm trực tuyến trong thời gian tới. Ngoài thời trang và phụ kiện (có 51% người được khảo sát chọn sẽ mua trực tuyến), là hàng điện tử và thiết bị gia dụng (39%); sách và tạp chí (37%); điện thoại di động, máy tính bảng và phụ kiện (37%); hàng nội thất (23%), sản phẩm trẻ em (21%); hàng tạp hóa (16%); xe cộ và phụ tùng (14%). Ở nhóm không mua hàng trực tuyến, các tỷ lệ “sẽ xem xét” mua các mặt hàng này cũng gần như tương đương.

Áo quần và phụ kiện là danh mục hàng được mua bán trực tuyến phổ biến nhất, gấp hai lần so với thiết bị điện tử hay sách và tạp chí (lần lượt là 48% so với 24% và 22%). Tuy nhiên, do giá trung bình của các món hàng áo quần và phụ kiện (938.000 đồng) chỉ bằng một phần tám hàng điện tử, hoặc các thiết bị di động (trung bình 7.383.000 đồng), nên các mặt hàng thiết bị điện tử và di động là thị trường đem lại giá trị lợi nhuận cao hơn cả, dù được mua sắm ít hơn.

Lý do lớn nhất mà một người tiêu dùng thử bắt đầu mua trực tuyến là nghe từ lời truyền miệng và kinh nghiệm của bạn bè và người thân

Hơn một nửa những người mua sắm trực tuyến thích chọn trả bằng tiền mặt lúc giao hàng (55%) so với hình thức chuyển tiền qua ATM (16%).

Dĩ nhiên, không phải dễ dàng để chuyển sang một thói quen mua sắm mới, người mua hàng trực tuyến tỏ ra khá thận trọng. Lý do lớn nhất mà một người tiêu dùng thử bắt đầu mua trực tuyến là nghe từ lời truyền miệng và kinh nghiệm của bạn bè và người thân, cả ngoài đời lẫn trên các trang mạng xã hội. Theo khảo sát kể trên, 29% cho rằng họ sẽ mạnh dạn bắt đầu mua hàng trực tuyến nếu biết một người quen nào đó của họ cũng đã từng mua trực tuyến thành công, 12% sẽ thử nếu được bảo đảm về món hàng.

Điều thú vị là với người mua hàng trực tuyến, việc mua bán thuận tiện, tiết kiệm thời gian là quan trọng hơn nhiều so với việc xem xét giá có rẻ hơn mua ở các cửa hàng không. Tuy vậy, những chương trình khuyến mãi trên các trang web bán hàng cũng là yếu tố thu hút người tiêu dùng tìm hiểu và mua sắm trực tuyến.

Có lẽ người bán hàng trực tuyến cũng cảm thấy được tiềm năng của thị trường trực tuyến chính là số lượng khách hàng. Đến 76% người bán trực tuyến cho rằng lý do họ bán hàng qua mạng vì họ tin rằng có nhiều người đang chuyển sang mua hàng trực tuyến, chỉ có 47% nói rằng vì bán trực tuyến được giá hơn.

Những e ngại lớn nhất

Bắt đầu một thói quen mới không phải dễ. Đến 57% những người không mua hàng trực tuyến trong khảo sát nói trên cho rằng vì họ muốn cầm nắm, xem xét, và thử hàng trước khi mua. 49% cho rằng họ e ngại mua phải hàng cũ, hàng nhái... trên các trang mạng. 46% thì cho rằng sở dĩ mua sắm ở các cửa hàng thích thú hơn là vì được lấy hàng ngay, không phải chờ đợi một thời gian như mua trên mạng.

Háo hức thử mua hàng trực tuyến

Nguồn: IMGroup

Tuy nhiên, nhóm những người không mua trực tuyến có vẻ cũng sẽ dao động nếu họ gặp những điều kiện thuận lợi. Họ cũng tin tưởng những lời truyền miệng của bạn bè và người thân, hay được đảm bảo về chất lượng món hàng, do hàng rẻ hơn, được giảm giá, được trả tiền mặt khi giao hàng, hay được trả lại tiền nếu phát hiện đó là hàng nhái...

Những lý do khác khiến mua sắm trực tuyến còn chưa hấp dẫn là vì người tiêu dùng không trả giá được (39%) và vì không chắc chắn về chất lượng món hàng được mua (44%). Vì thế, đến 45% những người không mua hàng trực tuyến cho biết họ tìm kiếm thông tin về các món hàng và dịch vụ trên Internet, nhưng không mua.

Vai trò của quảng cáo và điện thoại thông minh

Dù việc tìm kiếm hay trực tuyến không có nghĩa là mua, nhưng quảng cáo trực tuyến trực tiếp tác động đến hành vi người tiêu dùng và là lý do khiến họ tìm kiếm thông tin về món hàng được quảng cáo. Đến 75% người tiêu dùng có hành vi trực tiếp liên quan đến quảng cáo và 84% dùng thông tin quảng cáo khi tìm kiếm sản phẩm, theo khảo sát của Google.

Việc tìm kiếm thông tin cũng khá đa dạng, nhưng các thông tin từ Internet và mạng xã hội thu hút sự chú ý nhiều nhất. 33% người tiêu dùng sử dụng các công cụ tìm kiếm. 27% tìm đến các mạng xã hội, 24% đi đến các cửa hàng để xem xét và một tỷ lệ tương đương hỏi ý kiến bạn bè, người thân, đồng nghiệp.

Háo hức thử mua hàng trực tuyếnĐiện thoại thông minh đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống và hành vi tiêu dùng của người Việt. Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người Việt Nam là 36% dân số, tuy thấp hơn so với mức trung bình 49% của thế giới, nhưng là mức khá cao nếu so với mức thu nhập trung bình đầu người hiện nay, theo kết quả nghiên cứu toàn cầu của Google. Tỷ lệ này cũng đang tăng nhanh nếu so với con số 20% năm 2013. Trong đó, nhóm tăng mạnh nhất là từ 14-16 tuổi, tăng từ mức 27% năm 2013 lên 58% trong năm nay.

Đặc biệt, 76% người dùng điện thoại thông minh kết nối và hoạt động trực tuyến hàng ngày cho mục đích cá nhân, so với 59% trực tuyến trên máy tính để bàn và 61% trên máy tính bảng.

Sự gia tăng sử dụng điện thoại thông minh kết nối với Internet của người Việt Nam không nằm ngoài một xu hướng lớn ở châu Á. Theo dữ liệu của Canalys, mỗi năm có 673,7 triệu điện thoại thông minh được bán và chuyển về khu vực châu Á-Thái Bình Dương (so với con số 383,3 triệu của các nước châu Mỹ), tăng 30% mỗi năm. Châu Á cũng là nơi có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh để nghe nhạc, xem phim, chơi game... cao nhất thế giới. Tỷ lệ người tiêu dùng chuyển sang coi điện thoại thông minh là thiết bị để trực tuyến duy nhất của họ cũng rất đáng chú ý: ở Malaysia là 35%, Việt Nam 24%, Singapore 16%, Hồng Kông 14% và Hàn Quốc 14%, theo dữ liệu của Google. Tại Ấn Độ, khoảng 50% mua sắm trực tuyến được thực hiện trên điện thoại di động.

Doanh nghiệp nên làm gì?

Rõ ràng, giai đoạn “thử lần đầu tiên” khá là nhạy cảm để quyết định mua sắm trực tuyến có phải là xu hướng mạnh thời gian tới không, cũng như quyết định sự thành công và phát triển của các trang web thương mại điện tử.

Khi người tiêu dùng bắt đầu mua sắm trực tuyến do sự thuận lợi và tiết kiệm thời gian, điều các doanh nghiệp cần chú trọng là sự thuận tiện đối với các trang web thương mại điện tử. Việc đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng là điều tối quan trọng để chinh phục khách hàng.

Lời khuyên từ những nhà nghiên cứu là hãy đảm bảo trang web bán hàng của bạn hiển thị tốt trên nền tảng di động, và phải làm ngay không nên chờ đợi.

Về xu hướng sử dụng thiết bị di động và điện thoại thông minh, lời khuyên từ những nhà nghiên cứu là hãy đảm bảo trang web bán hàng của bạn hiển thị tốt trên nền tảng di động, và phải làm ngay không nên chờ đợi. Cần xây dựng một chiến lược di động, nghĩ xa hơn là một ứng dụng. Nghĩa là, phải hiểu rõ khách hàng của mình là ai, sử dụng thiết bị di động trong ngữ cảnh nào, và làm thế nào để tiếp cận họ hiệu quả nhất...

Về thói quen “cầm nắm, chạm vào hàng hóa” trước khi mua sắm, không phải chỉ ở Việt Nam, ở các thị trường mà mua sắm trực tuyến đã định hình và phát triển nhiều năm, đây cũng là tâm lý cản trở lớn đối với việc mua sắm trực tuyến. Các nhà bán lẻ trực tuyến (nhất là thời trang cao cấp, đồ trang sức...) thường giải quyết bằng cách luôn có các cửa hàng “ngoài đời” dành cho những khách hàng cẩn trọng và ưa cảm giác thực sau khi tìm hiểu chán chê trên mạng có thể đến đó để mua.

Với người mua hàng trực tuyến, việc mua bán thuận tiện, tiết kiệm thời gian là quan trọng hơn nhiều so với việc xem xét giá có rẻ hơn mua ở các cửa hàng không. Tuy vậy, những chương trình khuyến mãi trên các trang web bán hàng cũng rất thu hút người tiêu dùng.

Thanh Hương
Nguồn The Saigon Times