Jack Ma & Jeff Bezos: Khác biệt & tương đồng của 2 “ông trùm” TMĐT
Vào năm 1990, Jack Ma còn đang giảng dạy môn Tiếng Anh tại ĐH Hangzhou Dianzi. Lúc đó ai có thể ngờ rằng 24 năm sau, người đàn ông đó sẽ trở thành người giàu nhất TQ?
Cũng tại thời điểm đó, Jeff Bezos đang làm việc tại D.E. Shaw & Co., một công ty quản lý đầu tư có trụ sở tại New York. Với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu về Khoa học máy tính và Kỹ thuật điện của trường đại học Priceton, Bezos chắc chắn sẽ theo ngành khoa học công nghệ, chỉ là vấn đề thời gian.
Nhiều năm sau đó, cả hai đều có sự lựa chọn tên công ty của mình một cách tương đồng. Nếu như Jeff muốn cái tên Cadabra có nghĩa là ma thuật, thì Jack lại muốn cái tên Alibaba với mong muốn tìm được câu thần chú "vừng ơi mở ra". Đó chính là khởi đầu cho thứ mà họ đã đạt được: thương mại điện tử và phép màu.
Những câu chuyện sơ khai này chính là những dấu hiệu báo trước về quan điểm của công ty mà họ gây dựng, hãy cùng nhìn một cách sâu sắc hơn về hai người sáng lập và hai công ty được xem là đinh hình tương lai của ngành bán lẻ trực tuyến.
Khách hàng là hàng đầu?
Amazon nổi tiếng với nỗi ám ảnh về khách hàng và là một quy tắc trong văn hóa làm việc của Amazon. Jeff Bezos luôn đặt khách hàng làm trọng tâm:
"Chúng tôi có rất nhiều khách hàng đối xử với chúng tôi rất tốt và mục tiêu của chúng tôi là lấy khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động. Nếu có một lý do gì chúng tôi đã làm tốt hơn so với các đồng nghiệp của chúng tôi trong không gian Internet trong sáu năm qua, đó là vì chúng tôi đã tập trung vào sự trải nghiệm khách hàng, điều đó thực sự quan trọng, trong bất kỳ loại hình kinh doanh nào. Nhất là với môi trường trực tuyến, khi mà việc truyền miệng có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ."
Jack Ma lại có quan điểm khác về vấn đề này. Trao đổi với phát thanh viên của CNBC ít phút sau khi Alibaba chính thức lên sàn chứng khoán New York vào ngày 22/9, ông cho biết: "Khách hàng là trên hết, thứ hai là nhân viên và thứ ba là các cổ đông." Tuy nhiên "khách hàng" mà Jack Ma nói đến không phải là người dùng hàng ngày, mà là các doanh nghiệp nhỏ sử dụng Taobo và Tmall.
Trong cuộc trò chuyện tại Stanford vào năm 2013, Jack Ma cũng đã nói rõ điều này:
"Alibaba không phải là công ty hướng tới đối tượng khách hàng cá nhân. Thế giới thay đổi không ngừng và thật khó để đánh giá chính xác tất cả nhu cầu của người dùng. Các doanh nghiệp nhỏ biết rõ hơn về nhu cầu của khách hàng của họ. Vì vậy chúng tôi tạo điều kiện để họ đáp ứng nhu cầu của khách hàng đó."
Dù khác biệt trong quan điểm, nhưng hai gã khổng lồ công nghệ vẫn đang tiếp tục phát triển.
Sự khác biệt này có thể nhìn nhận rõ hơn qua câu chuyện về các giao dịch giữa Amazon và các doanh nghiệp nhỏ. Vào năm 2006, Amazon được cho là đã ăn chặn doanh số của một doanh nghiệp 200 năm tuổi chuyên cung cấp dao nổi tiếng của Đức. Trong năm 2007, khi Amazon ra mắt máy đọc sách Kindle, không một nhà xuất bản nào biết đến giá $9.99/đầu sách trước đó. Và cũng ngay trong năm nay, Amazon đã cản trở việc khách hàng mua sách từ các nhà xuất bản Hachette, theo nhận định của Forbes là vì "Amazon muốn một phần lớn hơn trong lợi nhuận của các nhà cung cấp sản phẩm, tự nhận là để truyền lại cho khách hàng của mình dưới hình thức giá thấp hơn". Amazon hoạt động như một đế chế độc quyền.
Triết lý của Alibaba hoàn toàn khác với Amazon, đó cũng là chủ đề mà Jack Ma đã tập trung nói về trong buổi trò chuyện tại Stanford vào năm 2011:
"Tôi tin rằng trong không gian Internet không có suy nghĩ về đế chế. Có nghĩa rằng một là bạn theo tôi và hai là tôi sẽ triệt tiêu bạn. Tôi ghét đế chế. Tôi tin vào Hệ sinh thái, tất cả mọi người đều giúp đỡ và kết nối với nhau. Vì vậy, Taobao trở nên quá lớn, phát triển quá nhanh và tôi lo ngại về điều đó. Mang đến cho ngành kinh doanh cơ hội và cũng mang đến cho các đối thủ cơ hội."
Không tiền, không công nghệ, không kế hoạch
Nếu đào sâu hơn vào triết lý kinh doanh của hai gã khổng lồ, chúng ta sẽ bắt đầu thấy sự khác biệt ngày càng sâu sắc hơn. Jack Ma đã chia sẻ một số đặc thù trong câu chuyện sáng lập của Alibaba: "Có 3 lý do đằng sau thành công của chúng tôi. Đó đều là những điểm có giá trị. Thứ nhất, chúng tôi không có tiền. Thứ hai, chúng tôi không có hiểu biết về công nghệ. Và thứ ba, chúng tôi chưa bao giờ lên kế hoạch."
Alibaba bắt đầu với RMB 50,000 tương đương với $8,150. Trong khi đó, Jeff nhận được hỗ trợ của ba mẹ mình với số tiền là $300,000 khi bắt đầu Amazon.
Ma là một giáo viên dạy tiếng Anh trước khi cuộc hành trình kinh doanh của mình. Trong khi đó, Bezos tốt nghiệp một trường thuộc Ivy League.
Ngược lại với triết lý "không kế hoạch" của Jack Ma, Jeff Bezos là một người lên kế hoạch một cách tỉ mỉ chi tiết. Trong một đoạn video ngắn vào 2009, sau khi mua lại Zappos, ông đã vạch ra một lộ trình chặt chẽ theo những yếu tố sau: khách hàng, phát minh và suy nghĩ dài hạn.
Dù khác biệt trong quan điểm, nhưng hai gã khổng lồ công nghệ vẫn đang tiếp tục phát triển. Ngày nay, giá trị tài sản của Jack Ma là 21.8 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 37 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Jeff Bezos đứng thứ 21 trong danh sách này với giá trị tài sản lên đến 30.5 tỷ đô la Mỹ.
Ivy League là cụm 8 trường đại học cổ kính và nổi tiếng nhất nước Mỹ : ĐH Brown, ĐH Columbia, ĐH Cornell, ĐH Dartmouth, ĐH Harvard, ĐH Princeton, ĐH Yale và ĐH Pennsylvania. Nơi đồng nghĩa với sự ưu tú, sự sàng lọc và những đặc quyền dành cho giới quyền quý.