Doanh nghiệp kể chuyện làm quảng cáo
Gây ấn tượng là một trong những mục tiêu hàng đầu của quảng cáo. Tuy nhiên, trong một mức độ nào đó, đôi khi, ấn tượng đó lại trở thành phản cảm và phản tác dụng. Và nhận thức về sự ấn tượng và hiệu quả giữa người tiêu dùng và giới chuyên môn đôi khi có chênh lệch khá rõ rệt.
Dược Hậu Giang và những ngày đầu làm quảng cáo
Trong một cuộc trao đổi gần đây với bà Phạm Thị Việt Nga – Tổng giám đốc Dược Hậu Giang – bà chia sẻ về những khó khăn của Dược Hậu Giang trong những ngày đầu xây dựng thương hiệu. Giai đoạn những năm 90, Việt Nam bắt đầu mở cửa, đã có không ít doanh nghiệp Dược định hình sản phẩm. Tuy nhiên, Dược Hậu Giang là doanh nghiệp đầu tiên chú trọng đến việc xây dựng kênh phân phối, quảng cáo sản phẩm.
Bà Phạm Thị Việt Nga kể, lần đầu tiên Dược Hậu Giang quảng cáo trên truyền hình là quảng cáo thuốc Pamin với điệp khúc Pamin được kéo dài, âm thanh có phần...rùng rợn và buồn cười. Thế nhưng, trong giai đoạn đó, khi quảng cáo sản phẩm trên kênh truyền hình là hiếm hoi, mẩu quảng cáo của Dược Hậu Giang thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng và tỏ ra khá hiệu quả.
Thành công hiện tại của Dược Hậu Giang, phần lớn dựa vào kênh phân phối. Nhưng ý thức về việc xây dựng thương hiệu thuở sơ khai cũng góp một phần không nhỏ.
Hiện tại, bà Nga tâm sự, xem quảng cáo trên truyền hình mà thấy thương người tiêu dùng quá, vì thông tin đã trở nên bão hòa, họ có quá nhiều sự lựa chọn và cuối cùng không biết nên tin vào ai.
Thế nào là quảng cáo hay?
Trong cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư, Tập đoàn Hòa Phát xin ý kiến các cá nhân, tổ chức về việc thay đổi nội dung quảng cáo trên truyền hình.
Hòa Phát là một tập đoàn với nhiều mảng hoạt động khác nhau. Đương nhiên, với mỗi mảng hoạt động, nội dung quảng cáo sẽ không giống nhau về cả đối tượng khác hàng đến phong cách quảng cáo.
Tuy nhiên, sau khi xem một loạt các quảng cáo của Tập đoàn cho các sản phẩm chủ đạo, phần lớn nhà đầu tư có mặt đều thống nhất, ấn tượng nhất với Hòa Phát là quảng cáo nội thất với câu Sologan "không Hòa chỉ Phát".
Thế nhưng, đó lại chính là quảng cáo bị giới chuyên môn chê bai nhiều nhất, từ khi quảng cáo vừa ra đời cho đến tận bây giờ.
Như vậy là, nhận thức về sự ấn tượng và hiệu quả giữa người tiêu dùng và nhà chuyên môn đã có chênh lệch khá rõ rệt.
Khi khán giả...bực mình
Nếu như với Hòa Phát, chỉ có giới chuyên môn chê bai, thì Máy lọc nước Kangaroo đã khiến không ít khán giả tức giận. Năm 2011, trong trận chung kết Champions League giữa 2 đội Bacelona và Manchester United, các fan bóng đá đã thực sự "nổi điên" với điệp khúc "Kangaroo – máy lọc nước hàng đầu Việt Nam" – chưa đầy 5 giây và lặp đi lặp lại mấy chục lần trong suốt trận đấu.
Sau "sự cố" này, không ít người gọi Kangaroo là....máy chọc tức, thay vì máy lọc nước!
Hiện tại, những quảng cáo có phần phản cảm của Kangaroo đã không còn nữa. Thế nhưng, hiệu quả có vẻ không phụ thuộc vào sự bực mình của khán giả xem truyền hình.
Bằng chứng là máy lọc nước Kangaroo luôn nằm trong nhóm máy lọc nước bán chạy nhất hiện nay tại các siêu thị điện máy.
Gây ấn tượng là một trong những mục tiêu hàng đầu của quảng cáo. Tuy nhiên, trong một mức độ nào đó, đôi khi, ấn tượng đó lại trở thành phản cảm và phản tác dụng.
Thay lời kết
Gây ấn tượng là một trong những mục tiêu hàng đầu của quảng cáo. Tuy nhiên, trong một mức độ nào đó, đôi khi, ấn tượng đó lại trở thành phản cảm và phản tác dụng. Trên thế giới đã có không ít trường hợp doanh nghiệp phải rút quảng cáo và lên tiếng xin lỗi.
Ford sau quảng cáo xe Ford Figo với hình ảnh một lái xe "tống" một loạt phụ nữ bị bịt miệng vào cốp với sologan "Leave your worries behind" (tạm dịch: Hãy dẹp muộn phiền sang một bên) – đã phải lên tiếng xin lỗi.
Một hãng xe danh tiếng không kém là Hyundai cũng dính tai tiếng khi mẩu quảng cáo Pipe Job được tung ra. Ý tưởng xuất phát từ việc sản phẩm không thải khí CO2 mà chỉ xả ra hơi nước, một người đàn ông có ý định tự tử nhưng thất bại. Sau bức thư của Holly Brockwell, một chuyên viên quảng cáo có người cha tự tử theo cách nói trên, Hyundai đã xin lỗi và rút lại quảng cáo.