Masan Consumer thâu tóm Cholimex Foods: Loại được đối thủ đáng gờm
Nếu thành công trong việc mua lại 49% cổ phần của Cholimex Foods, Masan Consumer sẽ triệt tiêu được đối thủ lớn nhất của mình trên thị trường nước chấm và gia vị Việt Nam.
Tuần qua, việc Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) dự kiến chi 357 tỷ đồng chào mua công khai 49% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (Cholimex Foods) đã thu hút sự quan tâm đáng kể của báo chí và giới đầu tư. Sau khi thông tin trên được loan báo, giá cổ phiếu của Tập đoàn Masan Group (Mã: MSN) tăng từ 80.000 đồng/cổ phiếu lên 85.500 đồng/cổ phiếu (sau hai phiên cuối tuần).
Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt sẽ thực hiện việc chào mua này trong thời gian dự kiến từ quý IV/2014 đến quý I/2015.
Hiện các cổ đông lớn của Cholimex Foods là Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) nắm giữ 40,72% cổ phần và các cổ đông khác chiếm 59,28%, trong đó, 24,22% thuộc về cổ đông nước ngoài.
Cholimex Foods là ai?
Vài năm trở lại đây, Cholimex Foods luôn là cái tên lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giới phân tích ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng. Bởi lẽ sau Masan Consumer, Cholimex Foods là một trong những doanh nghiệp nước chấm và gia vị phát triển nhanh nhất Việt Nam, với các sản phẩm tương ớt, nước chấm, tương cà... cũng là những sản phẩm thế mạnh của Masan Consumer. Vì thế, trong mắt giới đầu tư, Cholimex Foods là đối thủ chính của Masan Consumer.
Tiền thân của Cholimex Foods là Công ty Cholimex được thành lập năm 1981 tại TP.HCM. Trong giai đoạn 1983-1985, các sản phẩm chủ yếu của Xí nghiệp chế biến Hải sản và thực phẩm xuất khẩu Cholimex (Cholimexfood) - thành viên của Cholimex là những sản phẩm chế biến thô, thủy hải sản sơ chế đông lạnh và một số mặt hàng nông sản. Kim ngạch xuất khẩu của Cholimexfood chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Cholimex.
Tuy nhiên, để tăng lợi thế cạnh tranh, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, Ban lãnh đạo Cholimexfood bắt đầu nghiên cứu sản xuất tương ớt và một số mặt hàng thực phẩm đông lạnh, như chả giò, chạo tôm, mực khô ăn liền… Đến năm 1989, Cholimexfood khẳng định tên tuổi với sản phẩm tương ớt, nhưng với trình độ sản xuất còn lạc hậu, thiết bị thủ công, xay bằng cối đá, chiết rót thủ công bằng tay nên chưa thực sự tạo sự đột phá mạnh trên thị trường.
Đến năm 1992, Cholimexfood được trang bị thiết xay ớt tiên tiến nhất lúc bấy giờ nhập khẩu từ Thụy Sĩ bằng nguồn vốn ngân sách của UBND Quận 5, đã nâng công suất chế biến từ vài ngàn chai/ngày lên khoảng 30.000 chai/ngày. Kể từ đó, tương ớt Cholimex đã bắt đầu nổi tiếng không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu đi các nước Đông Âu (nhiều nhất là Nga, Ba Lan, Ukraine…) với số lượng lên đến 25-30 container/tháng, thông qua mạng lưới kinh doanh của người Việt Nam đi học tập và hợp tác lao động.
Năm 1999, nhằm thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, nhà máy của Cholimexfood rộng gần 4 ha được xây dựng tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc đã mở ra thời kỳ phát triển mới.
Cuối năm 2002, Cholimexfood đã được chứng nhận đạt Tiêu chuẩn Quản trị chất lượng ISO 9001:2000 và ngay sau đó, nhận được chứng nhận đạt điều kiện an toàn thực phẩm để xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, Cholimexfood đã xây dựng các tiêu chuẩn HALAL cho các quốc gia theo Hồi giáo và Kosher cho người Do Thái nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Hệ thống các đại lý tiêu thụ sản phẩm được củng cố và mở rộng trên toàn quốc, mạnh nhất là khu vực Nam Trung Bộ trở vào, thị trường xuất khẩu được phát triển với chiến lược sản xuất thực phẩm đông lạnh tinh chế có hàm lượng giá trị gia tăng cao cho thị trường EU, hạn chế để đi đến chấm dứt sản xuất chế biến các mặt hàng thủy hải sản sơ chế.
Việc định hướng về thị trường và sản phẩm giai đoạn này cùng với nỗ lực cải tổ tái cấu trúc doanh nghiệp tạo tiền đề phát triển vượt bậc của Cholimexfood những năm sau và đến ngày nay.
Năm 2006, Cholimexfood được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (Cholimex Foods). Sau 6 năm cổ phần hóa, doanh thu năm 2012 đạt 668,12 tỷ đồng (trong đó doanh thu xuất khẩu là 220,12 tỷ đồng và doanh thu thị trường nội địa là 448 tỷ đồng) so với 134,64 tỷ đồng năm 2007 (trong đó doanh thu xuất khẩu là 48,64 tỷ đồng và doanh thu thị trường nội địa là 86 tỷ đồng) tăng 500%. Lợi nhuận sau thuế là đạt 34,5 tỷ đồng, tăng gấp hơn 6 lần so với năm 2007 (5,01 tỷ đồng).
Đây cũng là giai đoạn mà một số dòng sản phẩm của một số đối thủ phải đối mặt với cáo buộc dùng chất 3-MCPD, thì Cholimex Foods đã kịp chớp cơ hội đánh dấu tên tuổi khi tung sản phẩm nước tương Hương Việt, với bảo đảm không có 3-MCPD. Hiện tại, mức tiêu thụ bình quân khoảng 2 triệu chai/tháng.
Những yếu tố đó đang tạo đà góp phần để công ty đặt mục tiêu đưa công ty thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong ngành sản xuất kinh doanh gia vị - nước chấm. Dự kiến năm 2014, công ty đạt ngưỡng doanh thu 1.000 tỷ đồng, làm đà tăng trưởng vững chắc cho những năm về sau. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2014-2016, Cholimex Foods sẽ đầu tư 59 tỷ đồng xây dựng xưởng nước sốt có công suất 100 triệu chai/năm; 37 tỷ đồng vào xưởng chế biến thực phẩm đông lạnh 5 tấn/ngày; 16 tỷ đồng cho kho lạnh 500 tấn.
Không chỉ đột phá về cổ phần hóa
Khi Masan Consumer đã công bố bất thường kế hoạch này cho thấy, họ đã nắm chắc phần thắng trong tay.
Giới phân tích ngành hàng tiêu dùng nhận định, động thái chào mua công khai 49% cổ phần Cholimex Foods của Masan Consumer còn phụ thuộc vào các chấp thuận của doanh nghiệp và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng khi Masan Consumer đã công bố bất thường kế hoạch này cho thấy, họ đã nắm chắc phần thắng trong tay. Ngược lại, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex), công ty mẹ của Cholimex Foods cũng đã đạt được bước tiến hoành tráng trong tiến trình cổ phần hóa.
Cholimex là một trong 432 doanh nghiệp nằm trong diện cổ phần hóa giai đoạn 2014 - 2015. Sau khi thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Cholimex đã ký hợp đồng tư vấn với Công ty cổ phần Thông tin và thẩm định giá miền Nam (SIVC) để tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp và sẽ tiến hành cổ phần hóa theo đúng tiến độ, muộn nhất là quý III/2015.
Để thực hiện mục tiêu đó, Ban giám đốc Cholimex đã nỗ lực tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, chung sức đồng hành cùng Cholimex trên con đường phát triển doanh nghiệp trong tương lai.
Tại Hội thảo Gateway to Vietnam 2014 do SSI tổ chức mới đây, Ban giám đốc Cholimex đã gặp gỡ hơn 60 nhà đầu tư trong và ngoài nước, như SK Vietnam, CIMB Bank Berhad, IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới - WB), Dragon Capital… nhằm chia sẻ, giải đáp những thắc mắc xoay quanh định hướng phát triển lâu dài, cũng như tiến trình thực hiện IPO của mình trong năm 2015.
Trả lời phỏng vấn PV mới đây, ông Đào Xuân Đức, Tổng giám đốc Cholimex bày tỏ sự tính toán trong việc đi tìm được nhà đầu tư đồng hành với mình, sát cánh với các kế hoạch đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp, sau khi hoàn tất quá trình cổ phần hóa.
“Cholimex muốn chọn các đối tác đồng hành, bất kể đó là nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài, song chắc chắn không phải là các nhà đầu tư “ăn xổi”. Điều này sẽ đảm bảo cho sự ổn định trong hoạt động cũng như giá trị thương hiệu của Cholimex”, ông Đức nhấn mạnh và cho biết thêm, Cholimex đang tìm kiếm 3 nhà đầu tư chiến lược tham gia vào công ty sau cổ phần hóa. Tiêu chí Cholimex đưa ra là đối tác cần đáp ứng năng lực tài chính, có lãi liên tục trong vòng 3 năm; doanh nghiệp/cá nhân phải cam kết về việc cùng công ty cổ phần hóa, tài trợ về công nghệ, nhân lực và tài chính, doanh nghiệp/cá nhân không có xung đột lợi ích trực tiếp với công ty cổ phần, công ty liên kết và công ty con của Cholimex.
Trong khi đó, ông Seokhee Won, Tổng giám đốc Masan Consumer cũng đưa ra viễn cảnh để các bên có thể tin tưởng vào việc Masan Consumer sẽ nuôi dưỡng thương hiệu mạnh đại diện cho giá trị Việt Nam là Cholimex.
Cho dù thâm nhập thị trường muộn nhất, nhưng Masan Consumer đã oanh tạc thị trường và gia vị, nước chấm Việt Nam và leo lên vị thế nhỉnh hơn so với Cholimex Foods và Thuận Phát. Tuy nhiên, vị thế của Masan Consumer sẽ khó bảo toàn nếu không triệt tiêu hoặc tận dụng hệ thống phân phối của đối thủ cạnh tranh. Cholimex Foods đã có hệ thống phân phối trên 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và thị trường xuất khẩu, gồm Anh, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Nga và các nước Đông Âu; Malaysia, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Campuchia ở châu Á; Morocco, Trung Đông, Nam Phi; Mỹ, Canada, Cuba…
Giới phân tích nhận định, Cholimex Foods khó giữ được mình khi mục tiêu M&A của Masan Consumer là thâu tóm ngành hàng
Trong cơn bão M&A ngành hàng tiêu dùng giai đoạn 2008 - 2013, Công ty cổ phần Sản xuất hàng gia dụng quốc tế (ICP) đã mua 51% cổ phần Thuận Phát, nhưng hai năm sau, Tập đoàn Marico (Ấn Độ) đã mua 85% cổ phần của ICP. Và Masan không còn cách nào khác là phải có được cổ phần của Cholimex Foods.
Giới phân tích nhận định, Cholimex Foods khó giữ được mình khi mục tiêu M&A của Masan Consumer là thâu tóm ngành hàng. Hiện Cholimex Foods đạt được vị thế một trong những công ty nước chấm và gia vị phát triển nhanh nhất Việt Nam với các sản phẩm tương ớt, nước chấm, tương cà... là những sản phẩm thế mạnh của Masan Consumer.
Trong thông cáo báo chí phát đi, Masan Consumer khuyến cáo những nhận định trên về tương lai chỉ là những dự định hay chiến lược kỳ vọng của Tập đoàn và thể hiện sự không chắc chắn hay rủi ro có thể xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của Tập đoàn. Như vậy, kỳ vọng tương lai vị thế thị trường hay giá trị thương hiệu của lãnh đạo Cholimex Foods sau cổ phần hóa đang nằm trong rủi ro không kiểm soát được.