Người Việt sẽ thành công hơn nếu... “dám làm”!
Đây là bài viết của thị trưởng Phạm Đình Nguyên gởi tham gia Diễn đàn Tự hào cùng Việt Nam do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Bài viết hy vọng sẽ là động lực cho các bạn trẻ mạnh dạn thoát khỏi tấm chăn mang tên “yên ổn”…
Không ít bạn bè người nước ngoài của tôi nhận xét rằng người Việt thường có nhiều ý tưởng táo bạo, thông minh. Tuy nhiên, đa phần lại chỉ mới dừng lại ở mức độ “dám nghĩ” chứ chưa “dám làm”. Họ cho biết thêm, người Việt sẽ thành công hơn nếu dám bước ra khỏi tấm chăn mang tên “yên ổn”...
Từng có cảm giác cô độc cho ý tưởng “không thể”
Thời điểm tháng 4/2012, tin tức “người Việt mua thị trấn Mỹ” đã tạo một cơn địa chấn truyền thông, và cũng tạo ra một cuộc tranh luận “Tỉnh dậy đi nước Mỹ ơi!” khi nước Mỹ hùng mạnh đã bị rao bán, và “bị” một nước Việt “nhỏ bé” mua.
Song song, sự kiện này cũng đã nổ cuộc tranh luận gay gắt trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước - theo kiểu “khôn hay dại” khi bỏ ra 900.000 đô để thị trấn “nhỏ bằng cái lỗ mũi”.
Bỏ qua những lời chúc mừng, đâu đó phảng phất những lời đồn đoán dè dặt, nghi kỵ “uẩn khúc” đằng sau ý định mua thị trấn Buford. Nào là đại gia tìm thẻ xanh, rửa tiền, phân lô bán nền, chơi trội… Đọc được những lời bình luận đó tôi thật sự cảm thấy chán nản. Nhưng ngay sau đó nó như tiếp thêm cho tôi sức mạnh để chứng minh điều họ nghĩ là sai.
Và cũng xen lẫn giữa những chia sẻ niềm tự hào, không ít người cho rằng việc đầu tư để mua một thị trấn “khỉ ho cò gáy” tại Mỹ là quá điên rồ. Tôi nhớ, có người còn gửi mail cho tôi để tư vấn rằng với bằng ấy tiền, nếu gửi ngân hàng, mỗi tháng tôi sẽ có được một khoản “ổn định” như thế nào để nghỉ ngơi và… sống khỏe.
Và đến khi tôi chính thức đổi tên Buford thành thị trấn cà phê Việt PhinDeli – cũng đã trở thành một đề tài cho nhiều người chế nhạo. Nào là điên, khùng người Mỹ đâu có thời gian uống cà phê phin. Mà lại bán ở cái thị trấn “chó ăn đá gà ăn muối” đó làm gì không biết!
Người Việt chúng ta thường có cảm tác tự ti, dễ mặc định khả năng “thấp kém” của mình nên có khuynh hướng “trú đóng” một “khu vực an toàn” hơn là chấp nhận rủi ro, làm những điều “không thể”.
Thay vì thử cho phép mình cứ “điên” đi, cứ làm hết những điều mình khao khát đi, nhiều người Việt ngại ngần trước những ngã rẽ như thế, sợ mình sẽ “mất” nhiều thứ nếu không thành công, để rồi cuối cùng chọn con đường bằng phẳng mà số đông đang đi, dù sâu thẳm trong lòng họ vẫn luôn có cảm giác nuối tiếc về chính quyết định của mình.
Nói thật là nhiều lúc tôi cũng đã có những cảm giác rất cô độc. Lúc đó tôi ngại tiếp xúc với nhiều người. Tôi ngại phải trả lời những câu hỏi về chuyện mua thị trấn Mỹ, làm gì với nó… Đơn giản vì lúc đó tôi chưa có kế hoạch nào cụ thể cho Buford. Nhiều lúc, tôi luôn tự hỏi, liệu chuyện mình làm có đúng hay không, hay chỉ là những phút nông nổi. Nhưng rồi lúc cô độc đó cũng nhanh chóng qua đi tâm trí luôn bị cuốn hút vào những ý tưởng còn dang dở…
Người Việt chúng ta thường có cảm tác tự ti, dễ mặc định khả năng “thấp kém” của mình nên có khuynh hướng “trú đóng” một “khu vực ăn toàn” hơn là chấp nhận rủi ro, làm những điều “không thể”.
Tạo ra một niềm cảm hứng “không gì không thể” cho người Việt
Tôi nhớ trong buổi lễ ra mắt thị trấn cà phê Việt đầu tiên trên đất Mỹ, nhiều người Việt và cả nhiều người Mỹ đã vượt những chặng đường xa đến chúc mừng và cùng thưởng thức những tách cà phê Việt ngay trên thị trấn do người Việt sở hữu.
Những tờ báo lớn tại Mỹ viết về chúng tôi. Họ gọi PhinDeli bằng cái tên “cà phê Không gì không thể” (the can-do coffee) đã “làm nước Mỹ tỉnh giấc” – làm cho tôi sướng rơn. Điều đó cũng khiến tôi cảm thấy mình như đang mang một sứ mệnh, chia sẻ một niềm tự hào Việt Nam chứ không đơn thuần chỉ là kinh doanh.
"Tôi cảm thấy mình như đang mang một sứ mệnh, chia sẻ một niềm tự hào Việt Nam chứ không đơn thuần chỉ là kinh doanh."
Và tôi cũng đã gặp nhiều người ở thị trấn này. Họ đã làm cho tôi tự tin hơn với những quyết định của mình. Và cho đến giờ tôi chưa bao giờ phải hối tiếc.
Đó là một cô gái Việt sinh ra ở Mỹ đã bay từ San Francisco đến đây cùng với mẹ. Nghe thấy giới thiệu thị trấn cà phê Việt, cô đến đây chỉ để gặp tôi – chia sẻ với tôi về sự dằn co giữa văn hóa Việt và văn hóa Mỹ. Cô bị lạc lối, không tìm thấy câu trả lời về nguồn gốc của mình “Tôi là ai?”. Cho đến khi trò chuyện với tôi, cô bắt đầu tìm thấy phương hướng…
Đó là một giáo sư Mỹ đang giảng dạy PR ở trường Đại học Denver (đã đến Việt Nam tọa đàm rất nhiều lần) cũng đã lái xe đến không chỉ đến chúc mừng và còn trở thành “phát ngôn viên” tích cực cho Việt Nam khi ông đã trả lời phỏng vấn cho hàng loạt những đài truyền hình lớn ở Mỹ. Ông cũng đã viết bài về ý tưởng mua và đổi tên thị trấn Mỹ thành PhinDeli cho TuoitreNews. Bài viết này đã được rất nhiều báo Mỹ sau đó dùng trích dẫn nguồn.
Đặc biệt hơn là một nhân viên FBI (Cục điều tra liên bang Mỹ) cũng đã tranh thủ tạt qua Buford một ngày trước khi ra mắt thị trấn mới. John cho biết, anh đang nghỉ phép cùng với vợ người Việt ở bang cạnh bên, cũng chỉ muốn đến làm một tách cà phê Việt giữa cái lạnh cắt da ở Wyoming.
Và một phóng viên người Mỹ gốc Việt làm cho tờ LA Times. Anh Do đã phỏng vấn tôi qua điện thoại từ Los Angeles và nói rằng nếu tôi cảm thấy thoải mái hơn khi trả lời bằng tiếng Việt thì cô sẽ cố gắng ghi chép và yêu cầu tôi nói chậm. Cô cho biết, đây là cuộc phỏng vấn đáng nhớ nhất trong hơn 10 năm hành nghề.
Con đường giới thiệu cà phê Việt tại Mỹ còn rất nhiều chông gai. Thành công hay thất bại khó có thể nói trước. Nhưng một điều mà tôi biết chắc, tôi sẽ đi đến cùng với ý tưởng “không gì không thể” này để một ngày nào đó tôi sẽ không hối tiếc khi nói “giá mà…”
Sẽ chẳng ai “trách” bạn nếu bạn thực hiện một ý tưởng điên rồ nào đó, miễn không gây hại cho người khác. Sự thôi thúc dám nghĩ dám làm, dám dấn thân và tin tưởng vào tinh thần “Không gì không thể” mang đến cho nước Mỹ nhiều triệu phú, tỷ phú ở tuổi đời rất trẻ.
Và tôi nghĩ sẽ rất đáng tiếc nếu như người Việt lại tự hạn chế mình trong những tấm chăn mang tên “yên ổn”. Tôi không thể sở hữu một thị trấn Mỹ mang tên Thị trấn cà phê Việt PhinDeli nếu vào thời điểm đọc được thông tin thị trấn đang được rao bán vào năm 2012, tôi không dám nghĩ rằng: “Tại sao mình lại không sở hữu thị trấn gần 150 năm lịch sử này?”
Sẽ chẳng ai “trách” bạn nếu bạn thực hiện một ý tưởng điên rồ nào đó, miễn không gây hại cho người khác.
Phạm Đình Nguyên
Brands Vietnam