[FMCG Monitor] Tiêu dùng FMCG hạ nhiệt ở các thị trường mới nổi trên thế giới

Báo cáo mới nhất do Kantar Worldpanel công bố cho thấy, dưới tác động của tình hình kinh tế thế giới đang hạ nhiệt, tiêu dùng FMCG ở các thị trường mới nổi đã giảm tốc đáng kể từ mức tăng trưởng 8,8% trong 12 tháng kết thúc tháng 6 năm 2013 xuống còn 7,5% trong cùng khoảng thời gian kết thúc tháng 6/2014 – tương đương với 8,3 tỷ đô la Mỹ đã bay hơi do suy giảm tăng trưởng.

  • Kantar Worldpanel dự báo tăng trưởng FMCG ở các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục hạ nhiệt xuống mức 7% trong vòng 12 tháng tới.
  • Tăng trưởng FMCG ở Việt Nam đã vơi bớt 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cũng dự báo tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm lại xuống mức 7,0% vào cùng kỳ tháng 6 năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình này là do thị trường Châu Á đang chững lại với mức tăng trưởng hiện tại là 5,2%, giảm 3,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước – khoảng 15 tỷ đô la. Khu vực Châu Mỹ Latin hiện đang tăng trưởng ở mức 13%, so với 8,7% năm trước. Trong khi ở một số quốc gia như Ecuador và Colombia, mức tăng trưởng này đến từ tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng trên thực tế, ở một số quốc gia khác, đây chỉ là kết quả của tình hình lạm phát đang tăng nhanh.

Mặc dù vẫn đang tăng trưởng tốt so với các thị trường đã phát triển như ở Châu Âu và Bắc Mỹ, mức suy giảm tăng trưởng ở các thị trường mới nổi lần này vẫn rất đáng lưu tâm. Jason Yu, Giám đốc Điều hành Kantar Worldpanel Trung Quốc, giải thích thêm: “Tăng trưởng kinh tế đang chững lại ở nhiều nền kinh tế mới nổi đã khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu đối với hàng hóa hàng ngày. Chúng ta đang phải đối mặt với một giai đoạn mới: giai đoạn tăng trưởng FMCG ở mức thấp. Cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn khi kích thước thị trường thu hẹp lại. Các thương hiệu cần phải khôn ngoan hơn nữa trong việc chọn thị trường nào là thị trường mục tiêu và khi nào là thời điểm phát triển kế hoạch tiếp cận ở mỗi quốc gia”.

[FMCG Monitor] Tiêu dùng FMCG hạ nhiệt ở các thị trường mới nổi trên thế giớiTăng trưởng FMCG ở Châu Mỹ Latin đã tăng tốc lên mức 13% trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc tháng 6 năm nay, và dự đoán sẽ ở mức 14,2% vào cuối năm 2014. Tăng trưởng khu vực này chủ yếu là nhờ thị trường Brazil, đóng góp 42% tổng tiêu dùng FMCG. Trong thập kỷ qua, nhóm hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình ở Brazil đã có thể mua được những thứ mà trước đây là quá tầm với của họ. Tuy nhiên, gần đây, lạm phát tăng nhanh đã khiến người tiêu dùng trở nên thông thái hơn. Họ tìm cách xoay sở để mang lại nhiều giá trị hơn với cùng một mức chi tiêu. Lạm phát đã có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của khu vực này – tiêu dùng FMCG của Châu Mỹ Latin về mặt khối lượng chỉ tăng 2,8% trong khoảng thời gian 12 tháng kết thức tháng 6/2014.

Marcos Calliary, Giám đốc Điều hành ở Kantar Worldpanel Brazil cho biết thêm: “Lạm pháp không chỉ giới hạn ở riêng khu vực FMCG mà còn ảnh hưởng đến chi phí sản xuất ở các lĩnh vực khác như ô tô, bất động sản, giải trí, hàng hóa lâu bền, và dịch vụ ăn uống do người tiêu dùng quyết định cân bằng ngân sách của mình bằng cách ở nhà nhiều hơn là ra ngoài. Tiêu dùng FMCG ở Brazil không phải là ngoại lệ, và hiện đang phải đối mặt với bước ngoặt lớn. Bất chấp lạm phát tăng nhanh, nhu cầu tiêu dùng vẫn tiếp tục tạo đỉnh mới trong quý 1 năm 2014. Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau, người tiêu dùng đã điều chỉnh chi tiêu của mình. Và cho đến nay, lượng sản phẩm trong rổ hàng của họ giữ nguyên như năm ngoái, nhưng lại tiêu tốn nhiều tiền hơn. Các thương hiệu nào có thể giúp người dân Brazil giữ cân bằng chi tiêu của mình trong những tháng tới sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn.”

Người tiêu dùng Việt Nam thắt chặt chi tiêu FMCG

Việt Nam là một trong những thị trường chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đợt suy giảm này với mức tăng trưởng FMCG hạ nhiệt bớt 1/3 trong vòng một năm qua từ mức tăng 11,8%, trong 12 tháng kết thúc tháng 6/2013 xuống còn 7,7% cùng kỳ tháng 6 năm 2014. “Mặc dù gần đây nền kinh tế đã có một số dấu hiệu khởi sắc nhưng nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu vẫn là rào cản lớn. Rõ ràng người tiêu dùng, đặc biệt là ở nhóm thu nhập thấp, sẽ tiếp tục tìm cách xoay sở để cắt giảm chi tiêu. Tìm kiếm khuyến mãi, chuyển sang tiêu dùng thức uống ở nhà thay vì bên ngoài, hay chuyển sang các lựa chọn sản phẩm cấp thấp hơn chỉ là một trong số rất nhiều phản ứng của người tiêu dùng trong thời kỳ này. Thấu hiểu và nắm bắt được những thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng sẽ tạo cơ hội mới để nhà sản xuất phát triển ngành hàng của mình, ngay cả khi đang phải chịu áp lực từ tình hình kinh tế hiện tại” – David Anjoubault, Tổng Giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định.

[FMCG Monitor] Tiêu dùng FMCG hạ nhiệt ở các thị trường mới nổi trên thế giới

Cơ hội tăng trưởng

Mặc dù nhìn chung tăng trưởng thị trường mới nổi đang chậm lại, vẫn còn đó những quốc gia với mức doanh thu FMCG đang trụ ở mức tốt. Indonesia là một ví dụ. Mặc dù tăng trưởng ở Indonesia duy trì ở mức cao ở 15%, nhưng con số này đã giảm 3,6 điểm phần trăm so với con số tăng trưởng của 12 tháng kết thức tháng 6/2013. Người tiêu dùng ở quốc gia 250 triệu dân này khá tự tin trong các quyết định mua sắm của mình, với mức tăng trưởng GDP do IMF dự báo ở mức 5,8% vào năm tới. Các thương hiệu tung sản phẩm mới ở Indonesia năm nay đã nắm bắt được tâm lý muốn thử hàng mới của người dân quốc gia này. Người tiêu dùng ở khu vực nông thôn giờ đây có thu nhập khá giả hơn và bị hấp dẫn chi tiêu nhiều hơn cho hàng tiêu dùng. Ấn Độ cũng tăng tốc từ mức 3,1% lên 6%. Đối với thị trường lớn như Ấn Độ, mức tăng này có ý nghĩa rất lớn.

Các ngành hàng và kênh tiêu dùng hàng đầu

Thương mại điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn ở các thị trường mới nổi và nên là mục tiêu chính của các nhà sản xuất. Ở Trung Quốc và Đài Loan, kênh tiêu dùng này luôn tăng trưởng cao hơn mức trung bình của thị trường trong khi Hàn Quốc là thị trường dẫn đầu thế giới về thương mại điện tử trong lĩnh vưc FMCG với hơn một nửa người tiêu dùng có mua hàng FMCG trực tuyến. Dự báo thượng mại điện tử sẽ chiếm 3,3% tổng thị trường FMCG ở Trung Quốc vào năm 2016 và xu hướng này sẽ tiếp diễn do đầu tư công nghệ nhiều hơn và cơ sở hạ tầng được mở rộng trên phạm vi toàn vùng. Một số ngành hàng tiêu dùng tiếp tục mức tăng trưởng cao. Chẳng hạn, ngành hàng Thức uống đang là ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất – 10% ở Châu Á và 8% ở Châu Mỹ Latin. Các sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng tăng trưởng tốt ở cả Châu Á và Châu Mỹ Latin do người tiêu dùng với khả năng chi tiêu được cải thiện bắt đầu chi nhiều hơn cho các ngành hàng này.

[FMCG Monitor] Tiêu dùng FMCG hạ nhiệt ở các thị trường mới nổi trên thế giới

Tăng trưởng FMCG Growth ở các thị trường mới nổi. Nguồn: Kantar Worldpanel

Về báo cáo "Consumer Insight of Emerging Markets"

Báo cáo được chắt lọc từ dữ liệu chương trình nhật ký tiêu dùng của Kantar Worldpanel toàn cầu. Kantar Worldpanel theo dấu hành vi người tiêu dùng ở 60 quốc gia thông qua mẫu 450.000 hộ gia đình trên toàn thế giới để cung cấp thông tin đầy đủ và liên tục về hành vi tiêu dùng. Báo cáo này nghiên cứu người tiêu dùng ở

Argentina, Brazil, Bolivia, Chile, Thành thị Trung Quốc, Colombia, Trung Mỹ, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mexico, Peru, Philippines, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Venezuela và Việt Nam.

Số liệu dành cho khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 6. Lưu ý, định nghĩa FMCG không bao gồm nông sản tươi.

Nguồn Kantar Worldpanel