Câu chuyện Samsung: Chiếc bánh kẹp giữa Apple và Trung Quốc
Suy giảm lợi nhuận và chịu sức ép lớn từ các đối thủ, Samsung có vẻ như dễ bị tổn thương một cách bất thường trong những ngày này.
Samsung - đại gia sản xuất hàng điện tử hàng đầu của Hàn Quốc cũng đang đối mặt với một sự thay đổi lớn về nhân sự ở thượng tầng. Ngoài ra, tập đoàn này còn suy giảm tới 50% lợi nhuận ròng trong Quý 3 năm nay, tiếp theo mức giảm 20% của Quý trước đó.
Sự suy giảm này càng trở nên đáng lưu ý hơn khi nó đến sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ và mức tăng lợi nhuận tưởng như không hề có dấu hiệu dừng lại của hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Và cũng giống như nhân tố then chốt giúp Samsung tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng, chính hiệu suất suy giảm từ bộ phận di động đã khiến vận may đột ngột đảo chiều với đại gia xứ sở kim chi.
Trong khi lá cờ đầu là các dòng smartphone cao cấp Galaxy S của Samsung phải đối mặt với sức ép cực lớn đến từ iPhone của Apple, phân khúc tầm trung của hãng lại bị cạnh tranh gay gắt bởi những nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc như Huawei, Xiaomi và Lenovo.
"Đột nhiên, Samsung thấy mình như chiếc bánh kẹp nằm giữa Apple và các nhà sản xuất Trung Quốc" - Lee Min-Hee, một nhà phân tích ở IM Investment and Securities cho hay.
Ở thời điểm này, Samsung vẫn đứng đầu về doanh số bán hàng, song thị phần các dòng smartphone của hãng đã giảm từ 35% năm ngoái đến dưới 25% năm nay - theo báo cáo của Strategy Analytics.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc
Ngôi sao của Quý 3 là Xiaomi - xếp thứ 3 trên bảng phân chia thị phần chỉ sau Apple với 6%. Cần lưu ý rằng Trung Quốc đại lục là thị trường smartphone lớn nhất thế giới và những thiết bị giá rẻ, đầy đủ tính năng của Xiaomi đã đánh bật Samsung khỏi vị trí dẫn đầu trong Quý 2. Ông Lee cho biết: "Rõ ràng Samsung cần nhanh chóng phát triển các dòng thiết bị tầm trung và tầm thấp cho những thị trường mới nổi - công việc mà hãng thực hiện chưa được tốt".
Chính trong một cuộc hội nghị với các nhà phân tích, Samsung cũng hứa sẽ "cải cách cơ bản" danh mục sản phẩm di động cho mỗi phân khúc, với sự tập trung vào các sản phẩm tầm thấp.
Lee Seung-Wo, một nhà phân tích của IBK Investment and Securities tại Seoul cho rằng Samsung thừa khả năng để tiến hành những sự điều chỉnh cần thiết - cho dù nó sẽ không diễn ra chỉ sau một đêm: "Samsung là người khổng lồ sản xuất hơn 1 triệu chiếc điện thoại mỗi ngày. Vì vậy, rõ ràng hãng sẽ cần thời gian để chuyển hướng con tàu và khiến nó lướt sóng êm đềm một lần nữa".
Một sự tái cơ cấu cơ bản hơn được giả định sẽ diễn ra nhanh chóng, khi sự chuyển giao quyền lực của tập đoàn này từ Lee Kun-Hee sang người con trai duy nhất của ông là Lee Jae-Yong.
Nhu cầu lớn về tiền mặt để chi trả khoản thuế thừa kế khổng lồ, Lee và những người anh em của mình dự kiến sẽ cắt giảm và đơn giản hóa hệ thống cổ đông chéo phức tạp vốn đang kết nối các chi nhánh thuộc đế chế Samsung. Những cải cách được dự đoán trước này sẽ giúp cổ phiếu của Samsung vẫn nằm trong danh sách "mua vào" của các nhà phân tích, bất chấp sự suy giảm lợi nhuận của nó.
Sức mạnh dựa trên sự đa dạng
Những chi nhánh, công ty con với nhiều mảng kinh doanh khác nhau giúp Samsung kiếm về doanh thu tương đương tới 20% sản lượng kinh tế hàng năm của Hàn Quốc, và sự đa dạng này là một sức mạnh quan trọng.
Không giống Nokia hay BlackBerry, đằng sau smartphone, Samsung cũng là nhà sản xuất TV màn hình phẳng và chip nhớ lớn nhất thế giới. Mặc dù bộ phận di động đã nắm giữ vị trí tạo ra lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2011, sự suy giảm trong Quý 3 này đã khiến nó tuột mất ngôi vị về mảng kinh doanh bán dẫn của Samsung - vốn tăng trưởng tới 10% nhờ doanh số bùng nổ của các dòng sản phẩm chip DRAM và bộ nhớ flash NAND.
Phó chủ tịch phụ trách mảng bán dẫn của Samsung Baek Jee-Ho cho biết cuộc chạy đua không ngừng của các nhà sản xuất smartphone tầm thấp nhằm nâng cao tính năng và hiệu suất sẽ khiến doanh số của các dòng chip tăng cao: "Tôi có thể thấy nhu cầu về chip DRAM của chúng tôi sẽ tăng lên trong năm tới, khi mà dung lượng bộ nhớ tối thiểu của các dòng smartphone cấp thấp tiếp tục được nâng lên".
Peter Lee, nhà phân tích ở Woori Investment và Securities cho biết thị trường bán dẫn có thể làm được nhiều hơn việc nâng Samsung lên một nấc thang mới: "Tôi tin rằng bắt đầu từ năm 2015, Samsung sẽ giống một nhà sản xuất chip nhiều hơn là một nhà sản xuất smartphone".
Và cho dù mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua khó có khả năng lặp lại, sẽ còn lâu Samsung mới lâm vào tình trạng khủng hoảng. Theo Greg Roh, nhà phân tích ở HMC Investment and Securities: "Sự bùng nổ của năm 2012 và 2013 là cao đến mức bất thường. Những gì chúng ta thấy bây giờ chỉ là mọi thứ đang trở lại bình thường".
Vũ Vũ
Nguồn Zing News