Ngược dòng An Giang và 56 câu chuyện xung quanh hạt gạo Việt
“Trăm nghe không bằng mắt thấy” là cảm nhận của đoàn Young Marketers khi đi thực địa tại An Giang – khu vực trồng lúa lớn nhất nhì tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. Chuyến đi kéo dài 2 ngày (04 - 05/11/2014) là một hoạt động của Young Marketers chuẩn bị cho top 3 để có những trải nghiệm & kiến thức thực tiễn cho bài thi chung kết ngày 15/11 sắp tới.
“An Giang đã chào đón và giữ chân chúng tôi bằng sự hồn hậu, chân chất dung dị của miền Tây sông nước tuy lắm lam lũ nhưng cũng hào sảng biết bao” (trích lời một thành viên trong đoàn Young Marketers). Phải đi mới thấy hết cả một hành trình gian nan đưa hạt gạo đến tay người tiêu dùng, mới thấy hết những trăn trở không chỉ của những cô bác nông dân mà còn của những công ty, những nhà nghiên cứu ăn ngủ cùng hạt gạo, mới thấy hết những bài toán khó khăn mãi chưa tìm được đáp số, mới thấy cần lắm một thương hiệu gạo Việt được tạo ra bởi những con người am hiểu kinh tế và thực tế, và từ đó mới thấy hết tính thiết thực của bài toán chung kết này.
Hãy cùng Brands Vietnam khám phá hành trình đi tìm ngọn nguồn hạt gạo Việt qua các miêu tả tỉ mỉ lộ trình cũng như ghi nhận 56 câu chuyện (*) mà đoàn đã tìm hiểu được, chúng tôi hi vọng các bạn sẽ hiểu hơn về hạt gạo Việt, và chung tay cùng Young Marketers đi tìm lời giải cho bài toán còn “nan giải” này. Cùng bắt đầu khám phá nhé!
- ★ -
Ngày thứ nhất - 04/11/2014
Theo lộ trình, đoàn Young Marketers được Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang (BVTVAG) đón tiếp nồng hậu và nhiệt tình chia sẻ về quy trình, về công nghệ, về giống và rất nhiều những khía cạnh khác liên quan đến hạt gạo Việt ở cả 2 thị trường trong nước và xuất khẩu.
Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS) là nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp dẫn đầu tại Việt Nam. Với sứ mạng cùng nông dân phát triển bền vững, AGPPS là công ty tiên phong tại Việt Nam xây dựng thành công mô hình chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững giúp thay đổi cuộc sống của người nông dân và cung cấp sản phẩm gạo chất lượng cao trên khắp toàn cầu.
Young Marketers & công ty CP BVTVAG đã cùng vạch sẵn lộ trình để 3 nhóm CÁT, XSCAPE & INBUZZ tham quan, tìm hiểu và sâu sát về những hoạt động của công ty nói riêng, và thực trạng ngành gạo nói chung.
7:00 – Đoàn đến tham quan Nhà máy gạo Thoại Sơn (tên kinh doanh là Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn) để tìm hiểu quy trình chế biến gạo và câu chuyện thương hiệu gạo.
Câu chuyện (CC) 1
Công ty BVTVAG có 5 nhà máy: Vĩnh Bình, Thoại Sơn, Tân Hồng, Vĩnh Hưng và Hồng Vân. Mỗi nhà máy đều có vùng nguyên liệu riêng, trong đó nhà máy Thoại Sơn có diện tích vùng nguyên liệu lúa là 6200 hecta.
CC 2: Từ công ty đến nhà máy
Công ty BVTVAG chia đơn đặt hàng xuống các nhà máy, tùy theo yêu cầu của đơn đặt hàng mà các nhà máy sẽ sản xuất ra những loại gạo khác nhau.
CC 3: Quy trình sản xuất hạt gạo của công ty BVTVAG
Hành trình hạt gạo từ tay người nông dân đến túi gạo thành phẩm bán ra theo quy trình của công ty BVTVAG như sau:
Lúa sau thu hoạch → Nông dân chở thành từng ghe qua đường sông đến bán cho nhà máy → Nhà máy kiểm tra chất lượng (nói rõ ở ST 4) → Nông dân đồng ý với kết quả và giá thu mua (nói rõ ở ST 5) → Đo ẩm độ (nói rõ ở ST 6) → Cân và trả tiền (nói rõ ở ST 7) → Sấy tầng sôi → Sấy tháp (nói rõ ở ST 8) → Bóc vỏ (hoàn thành bước này sẽ sản xuất ra gạo lứt) → Xát trắng (2 bước) → Đánh bóng (3 bước) → Tách gạo nguyên và gạo tấm tùy theo yêu cầu của đơn hàng → Tách màu (đảm bảo gạo đều màu) → Đóng gói thành phẩm.
CC 4: Tiêu chí kiểm tra chất lượng đầu vào
Các tiêu chí kiểm tra chất lượng lúa đầu vào thường là: Tỉ lệ tạp chất (độ lẫn), ẩm độ, xanh non, rạn gãy,…
CC 5: Kho lưu trữ cho nông dân
Nếu người nông dân chưa đồng ý với giá hiện tại, sẽ được trữ tại kho của nhà máy hoàn toàn miễn phí trong 30 ngày. Sau đó sẽ được trữ tiếp nhưng phải trả mức phí thấp chỉ 5000 đồng/ tấn/ ngày, với thời hạn tối đa là 2 tháng. Nhà máy sẽ bảo đảm giữ đúng chất lượng và khối lượng hạt lúa cho người nông dân (với sai số rất thấp).
CC 6: Ẩm độ - tiêu chí đánh giá quan trọng nhất
Đo ẩm độ hạt lúa là một bước quan trọng vì nó quyết định yêu cầu kỹ thuật cho bước sấy (nhiệt độ nào, thời gian bao lâu) và cũng giúp định giá lúa người nông dân chính xác hơn. Mức ẩm độ chấp nhận của lúa mua vào dao động từ 15,5 đến 17.
CC 7: Giá mua lúa của công ty
Về giá mua lúa của công ty BVTVAG, người nông dân nhận xét là ổn định và cao hơn thị trường tự do từ 1000-2000đ/kg.
CC 8: Mức ẩm độ tiêu chuẩn và thời gian trữ kho
Mức ẩm độ tiêu chuẩn sau khi sấy tháp phải đạt 14,5 – với độ ẩm này, lúa có thể được trữ tối đa 6 tháng ở bất kỳ thời tiết nào, còn nếu thời tiết khô ráo có thể trữ được đến 1 năm. Tuy nhiên, để đảm bảo lúa luôn ở trong tình trạng tốt nhất, thời gian trữ kho của công ty BVTVAG chỉ từ 30-50 ngày.
CC 9: Các anh “Ba Cùng”
Để đảm bảo chất lượng gạo, công ty BVTVAG không chỉ yêu cầu gắt gao về tiêu chí chọn lúa và trang bị công nghệ chế biến khép kín đạt tiêu chuẩn BRC (chuẩn xuất khẩu sang Anh, Mỹ) và vượt qua 400 chỉ tiêu của Nhật Bản, mà công ty còn đầu tư ở khâu cùng nông dân gieo trồng nên hạt lúa.
Công ty có lực lượng hơn 1,000 anh “Ba Cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với sứ mệnh “Cùng nông dân ra đồng” – hỗ trợ người dân từ định hướng giống lúa, tư vấn kỹ thuật trồng trọt, luôn sát cánh cùng người nông dân cho tới khi hạt lúa trĩu cành để thu hoạch. Nhờ vậy, công ty kiểm soát được chất lượng hạt gạo từ giống cho đến các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo hạt gạo đến tay người tiêu dùng luôn chất lượng và an toàn.
CC 10: Phương tiện vận chuyển chính
Phương tiện chính để chở lúa đem bán là ghe/ xuồng, với một lượt ghe/ xuồng chở được 30-50 tấn lúa.
CC 11: Công suất sấy
Công suất sấy lúa ở nhà máy Thoại Sơn có thể đạt tới 1000 tấn lúa/ ngày.
CC 12: Kiểm soát chất lượng bằng Sổ tay ghi chép sản xuất lúa
Để đạt tiêu chuẩn gạo sạch BRC (British Retail Consortium) – hiện chỉ có 6-7 công ty ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn này, công ty cần đảm bảo chất lượng hạt gạo từ việc nắm rõ nguồn gốc, kiểm soát quá trình trồng lúa và sản xuất, theo dõi lưu kho, kiểm soát các nguy cơ,… Mỗi nông dân hợp tác với công ty đều được cấp Sổ tay Ghi chép sản xuất lúa để kiểm soát quá trình sản xuất.
CC 13: Sản phẩm giá trị gia tăng
Tại công ty BVTVAG, ngoài 2 nhóm mặt hàng chính là sản phẩm Bảo vệ thực vật và Lúa gạo, còn có các SẢN PHẨM GIÁ TRỊ GIA TĂNG như CỦI TRẤU (được làm từ trấu sau khi bóc khỏi hạt gạo, lúc trước khi biết cách chế ra củi trấu thì thường đem đổ xuống sông, gây ô nhiễm và tắc nghẹt đường sông) – được bán với giá rẻ từ 1000đ – 1600đ/kg, và là nguồn nhiên liệu chính cho nhà máy, giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí mà còn thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, công ty còn có sản phẩm giá trị gia tăng như DẦU CÁM được trích ly, rất tốt cho sức khỏe và đang được công ty nghiên cứu để tung ra thị trường.
CC 14: Quy trình khép kín với xí nghiệp bao bì riêng
Công ty có quy trình sản xuất khép kín khi thành lập Xí nghiệp Bao bì Bình Đức – sản xuất bao bì đạt tiêu chuẩn an toàn cao, không làm nhiễm bẩn gạo.
CC 15: Chưa có thương hiệu gạo xuất khẩu – chỉ có thương hiệu trong nước
Công ty BVTVAG vừa thực hiện những đơn hàng gạo xuất khẩu, vừa cung cấp cho thị trường gạo trong nước.
Với những đơn hàng xuất khẩu, công ty chưa có thương hiệu nào mà chỉ mới làm theo đơn đặt hàng. Các thương hiệu nước ngoài đặt gạo Việt Nam, đóng gói tại Việt Nam nhưng trong bao bì theo thiết kế và quy cách của họ, với tên thương hiệu của họ, không hề có dấu ấn của công ty trên túi gạo thành phẩm, ngoại trừ dòng chữ duy nhất “made in Viet Nam” hoặc “product of Vietnam”. Đây cũng là điều mà công ty đang trăn trở tìm hướng giải quyết, làm sao để thương hiệu gạo Việt Nam được xuất ra thế giới.
Khi xuất khẩu phải “đội lốt” thương hiệu nước ngoài.
Để giải quyết vấn đề thương hiệu gạo xuất khẩu, công ty khẳng định cần xây dựng trước mắt là thương hiệu gạo nội địa. Hiện tại công ty có 2 thương hiệu gạo là Hạt Ngọc Trời và Vibigaba, đang đánh chủ yếu kênh MT.
Hạt Ngọc Trời là thương hiệu gạo với các dòng gạo Thượng hạng được đánh số từ 1 tới 5 theo loại gạo – là gạo thuần không pha tạp, cũng không trộn lẫn các loại gạo với nhau. Chất lượng gạo Hạt Ngọc Trời luôn đảm bảo với lượng tấm chỉ dao động từ 5-10%, được sản xuất theo quy trình chặt chẽ như khi xuất khẩu, thậm chí đảm bảo cả chỉ tiêu BRC và đạt mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao. Được biết gạo Hạt Ngọc Trời có giá không đắt hơn gạo trôi nổi ngoài thị trường quá nhiều.
Còn Vibigaba là thương hiệu gạo dinh dưỡng, cụ thể là gạo mầm, tốt cho người bệnh tiểu đường, người già, người cần phục hồi sức khỏe. Với mức giá 70.000đ/kg, Vibigaba là thương hiệu gạo đánh vào phân khúc cao cấp tuy nhiên vẫn rất được người tiêu dùng phân khúc này ưa chuộng vì chất lượng và độ an toàn của gạo nên đạt sản lượng bán ra 500 tấn/ năm.
Công ty đang nghiên cứu phát triển gạo Bảy Núi (gạo đặc sản Cà Mau) như một thương hiệu tấn công vào thị trường tương đối khó tính với mức giá vừa phải.
CC 16: Giống gạo chủ lực của công ty
Các loại gạo chủ lực của công ty BVTVAG là Jasmine và OM4218 (tính theo sản lượng gieo trồng và bán ra), còn loại gạo đặc thù chỉ riêng công ty có là giống gạo mang tên công ty AGPPS 103.
Đặc điểm của 3 loại gạo này là:
- Jasmine: Dẻo, thơm, giá cao
- OM4218: Hạt dài, không dẻo, thơm bằng Jasmine, giá trung
- AGPPS103: Dẻo, thơm mùi lá dứa, hạt ngắn hơn Jasmine
Và mỗi loại gạo trên đều được trồng theo 3 vụ - nên có quanh năm.
CC 17: Thực hư về gạo đặc sản
Bên cạnh gạo phổ thông có quanh năm, các loại gạo đặc sản như Tài Nguyên Chợ Đào, Nàng Hương Chợ Đào,… chỉ trồng được ở những vùng nhất định với sản lượng rất thấp. Được biết khi mang các giống gạo này sang trồng tại An Giang thì sẽ không còn được thơm ngon như ở “quê hương” của nó. Và vì với sản lượng rất thấp, lại theo mùa nhất định, nên việc các giống gạo này được bán tràn lan trên thị trường có nguy cơ là gạo trộn/ gạo giả.
CC 18: Dây chuyền phân phối
Để đến tay khách hàng mục tiêu, công ty phân phối qua 2 cách:
- Công ty → Đại lý cấp 1 (như vựa gạo) → Đại lý cấp 2 (chợ, tạp hóa,…) → Người tiêu dùng (với mô hình này, công ty chỉ kiểm soát chất lượng được đến Đại lý cấp 1, còn từ Đại lý cấp 2 đến người tiêu dùng vẫn chưa được kiểm soát)
- Công ty → Kênh MT (hiện giờ đang là đối tác chiến lược với Co.op Mart) → Người tiêu dùng (đặc biệt với mô hình này chỉ bán gạo có thương hiệu, đóng trong bao 5kg và chất lượng hoàn toàn có thể kiểm soát)
Tuy chỉ mới là điểm đến đầu tiên, nhưng các thí sinh Young Marketers không ngừng ngạc nhiên về những thông tin các bạn thu thập được. Hỏi càng nhiều càng thấy được sự nhiệt tình của các anh chị nhân viên công ty, thậm chí là anh Tổng giám đốc công ty cũng tiếp chuyện và hướng dẫn rất nhiệt tình. Sau đó, đoàn đã đi với một anh “Ba Cùng” để đến thăm chuyện nông dân.
10:00 – Đến thăm chuyện anh Nguyễn Minh Hiếu - nông dân gắn bó vói công ty BVTVAG 3 năm nay, đoàn đã hiểu thêm về câu chuyện của người nông dân và những thay đổi từ ngày họ hợp tác cùng công ty.
CC 19: “Cùng nông dân ra đồng”
Năm 2006 – 2009, công ty BVTVAG lần đầu tiên thực hiện chương trình “Cùng nông dân ra đồng” với sự ra đời của các anh “Ba Cùng”, thu hút được 20.000 lượt hộ bà con tham gia.
CC 20: Hợp tác cùng công ty, nông dân được hỗ trợ thật nhiều
Hợp tác cùng công ty BVTVAG, người nông dân không chỉ được hỗ trợ về đầu ra, mà còn được hỗ trợ vốn, hỗ trợ cho mượn trước phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, bao bì, sấy lúa miễn phí, lưu kho miễn phí 1 tháng, bán lại cổ phần để cải thiện đời sống người dân và đặc biệt nhất chính là hỗ trợ con người: sự “kề vai sát cánh” của các anh “Ba Cùng” – người kỹ sư đáng tin cậy, người bạn tâm giao đáng sẻ chia. (trong giai đoạn trước khi hợp tác cùng công ty, người nông dân phải góp tiền lại để tự thuê kỹ sư về tư vấn, hoặc đến tham gia các buổi họp/ hội thảo với thông tin còn chung chung, mơ hồ do các hiệp hội nông nghiệp cấp khu vực tổ chức mỗi tháng 1 lần).
CC 21: Có đến 97% nông dân còn tự do, chưa hợp tác cùng công ty
Nhiều lợi ích là thế, nhưng hiện tại ở ĐBSCL chỉ mới có 3% hộ nông dân đang hợp tác với công ty, còn lại 97% sản xuất tự phát và kinh doanh trôi nổi (hình thức bán cho thương lái, sẽ được tìm hiểu ở ngày 2) – với các lý do chính như sau:
- Người nông dân trước giờ bị các công ty lừa, đầu tư thật nhiều nhưng không được đảm bảo đầu ra, dẫn tới lỗ nặng. Vì thế nghe đến danh “Công ty”, nông dân rất sợ.
- Người nông dân vẫn chỉ nhìn thấy những lợi ích trước mắt, nên không muốn trồng theo hợp đồng công ty vì đòi hỏi họ phải đảm bảo quá nhiều tiêu chí – trong khi họ thừa nhận rằng mình có khả năng làm những tiêu chí đó, tuy nhiên gặp nhiều vấn đề về thiếu lao động, lại lạ lẫm với cách trồng mới,… mà không thấy bản thân việc trồng trọt của mình đang không ổn định, phụ thuộc quá nhiều và còn lắm nổi trôi (Sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở ngày 2 – gặp gỡ nông dân không hợp tác với công ty)
- Để hợp tác với công ty đòi hỏi họ phải có những cánh đồng lớn để đảm bảo sản lượng, nên những hộ gia đình chỉ có 1-2 hecta thường khó tiếp cận với mô hình này.
CC 22: Mỗi năm 3 vụ, nông dân “bận rộn” cả năm
Nông dân ĐBSCL hiện đang trồng theo 3 vụ, phủ kín 1 năm:
- Đông Xuân: Tháng 11 – Tháng 2
- Hè Thu: Tháng 3 – Tháng 7, 8
- Thu Đông: Tháng 7, 8 – Tháng 10, 11
Trong đó vụ Đông Xuân có sản lượng và giá trị gạo cao nhất.
CC 23: Quy mô canh tác
Quy mô canh tác được người nông dân tính bằng diện tích ruộng. Nhà có ruộng trên 10 hecta được xem là lớn, dưới 2 hecta là nhỏ, còn lại là vừa.
CC 24: Trồng lúa – cái nghiệp chứ không phải nghề
Nghiệp trồng lúa ở An Giang là cha truyền con nối, là công việc của cả gia đình chứ chẳng phải một cá nhân nào. Nó đã không còn là công việc, mà là một phần của gia đình, là cuộc sống, là thói quen và đam mê của người nông dân. Niềm vui chất phác của họ đôi khi chỉ đến từ việc ra thăm ruộng lúa nhà mình, hay một vụ trúng mùa cả nhà vui lớn. Vì thế, nếu nói công việc đồng áng này là tất cả cuộc sống của họ thì cũng không sai.
CC 25: Người nông dân chưa quan tâm đến thương hiệu gạo
Người nông dân không quá quan tâm tới thương hiệu gạo, họ chia sẻ: “Lo từng bữa cơm còn chưa nổi, không biết có sống tới khi thương hiệu gạo bán có giá hay không?”
Chính vì những lý do đó mà công ty muốn hợp tác với người nông dân còn khó. Họ thà không tính được tương lai phía trước, sống trôi nổi cùng giá lúa biến động, chứ không dám “bạo gan” hợp tác với công ty - đó là cách anh Hiếu giải thích khi hỏi về những người hàng xóm của anh – hiện vẫn đang canh tác tự do.
Còn cá nhân anh Hiếu chia sẻ về lý do anh thích hợp tác với công ty, chỉ vì họ “nói tới đâu làm tới đó” – không hứa hẹn quá nhiều nhưng vẫn giúp anh hằng ngày đảm bảo đời sống gia đình ở mức ổn định.
Chia tay anh Hiếu, đoàn đã nghỉ trưa tại công ty BVTVAG, được mời bữa cơm thân mật nấu bằng gạo ngon và tiếp tục bàn luận về những thông tin thu thập được trong buổi sáng. Đến chiều, đoàn Young Marketers đã đến thăm Phòng Nghiên cứu Nông Nghiệp Định Thành – trực thuộc Công ty BVTVAG.
14:00 – Phòng Nghiên cứu Nông Nghiệp Định Thành: Câu chuyện giống gạo và công nghệ
Được chính Giám đốc Trung tâm NNNN – PGS. TS Dương Văn Chín tiếp chuyện, đoàn đã được giới thiệu rất nhiều về công nghệ thiết bị, về giống, và về những tiềm năng của hạt gạo Việt Nam. Thậm chí, chú Chín còn nhiệt tình dẫn chúng tôi ra ruộng thí nghiệm, bon bon trên xe, chú tự hào giới thiệu về những thành tựu của Trung tâm Nghiên cứu.
CC 26: Các giống lúa của công ty
Hiện tại công ty BVTVAG đang tập trung kinh doanh 7 loại giống, gồm:
- OM 4218
- OM 5451
- OM 6976
- OM 2517
- OM 7343
- AGPPS 103
- Jasmine (giống gạo lai, khác với Jasmine của Thái Lan)
CC 27: Tiêu chí chọn giống gạo để người nông dân gieo trồng diện lớn là:
- Từ nhu cầu: Người tiêu dùng ưng ý/ theo đơn đặt hàng
- Khả thi: Nông dân canh tác được
- Chất lượng và Sản lượng: Phải đảm bảo vệ mặt chất lượng, kế đó là sản lượng.
CC 28: Cải thiện độ màu mỡ của đất
Lúc trước, người nông dân canh tác không dùng bất cứ phân bón vô cơ nào nhờ có phù sa, nhưng họ phải chịu cảnh mùa màng thường xuyên thất bát do thiên tai. Ngày nay đã có đê bao, mùa màng ổn định nhưng không còn phù sa màu mỡ nên Trung tâm nghiên cứu phải liên tục tìm kiếm những công nghệ phân bón tốt và phù hợp nhất để hỗ trợ người nông dân.
CC 29: Hỗ trợ chiến lược canh tác cho nông dân
Lúc trước, nông dân vẫn canh tác theo nguyên tắc “vụ trước bán loại nào có giá, vụ sau trồng tiếp”. Nhưng nhờ có các kỹ sư, giờ đây nông dân canh tác theo chiến lược của công ty. Trung tâm nghiên cứu chia các loại đất tại khu vực ĐBSCL thành 3 loại: Đất phù sa, Đất phèn và Đất mặn – tùy thuộc vào loại đất mà tư vấn trồng giống lúa khác nhau. Bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của những cánh đồng chỉ chuyên trồng lúa giống với chất lượng được bảo đảm nghiêm ngặt. Người nông dân không cần phải lo mình nên trồng loại giống gì nữa.
CC 30: Loại hình nghiên cứu chính
Tại Trung tâm, các loại hình chính được nghiên cứu là : Giống lúa; Dinh dưỡng cây trồng; Bảo vệ thực vật và Chế biến nông sản.
CC 31: Hợp tác quốc tế
Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp của công ty BVTVAG đang hợp tác với Trung tâm nghiên cứu lúa quốc tế IRRI và Syngenta về công nghệ và thiết bị.
CC 32: Chiến lược nghiên cứu hiện tại là gạo giá trị cao
Hiện tại, chiến lược của công ty là tập trung nghiên cứu giống gạo có giá trị cao, lên đến 800-1000$/ tấn. Cụ thể như giống BN1 (gạo Bảy Núi) chỉ trồng được 2 vụ Đông Xuân và Thu Đông, năng suất 4-5 tấn/ hecta nhưng có giá bán ước tính trên 1000$/tấn.
CC 33: Thời gian nghiên cứu trung bình cho giống lúa mới
Thời gian để nghiên cứu và phát triển một giống lúa mới thường mất 10 năm, tiêu biểu như giống lúa AGPPS 103 được tung vào năm nay - 2014 thì đã phải nghiên cứu từ năm 2004.
CC 34: Công nghệ thiết bị hỗ trợ đồng áng ở Việt Nam
Hiện tại ở Việt Nam đã có rất nhiều loại máy móc/ thiết bị giúp tăng hiệu năng sản xuất của người nông dân như máy cấy/ máy xạ, máy gặt đập liên hợp, máy cày xới,… và một số loại máy sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng như máy đóng bánh rơm (dùng để trồng nấm rơm hoặc cho bò ăn), máy chế tạo củi trấu,…
CC 35: Mô hình “contract farming”
Hiện tại nông dân đang được khuyến khích thực hiện mô hình “contract farming” (học từ Hàn Quốc) – có nghĩa là người nông dân có thể mua một loại máy (máy cấy, xạ, gặt,…) để dùng cho ruộng của mình và đồng thời đi làm thuê cho ruộng khác để có thêm thu nhập. Như vậy các hộ nông dân có thể thuê lẫn nhau, đảm bảo tăng hiệu suất mà vẫn tiết kiệm chi phí.
CC 36: Triển vọng lúa hữu cơ
Về lúa hữu cơ, chú Chín cho biết đây là loại lúa được trồng không dùng bất cứ phân hóa học hay chất bảo vệ hóa học nào, vì thế năng suất rất thấp – tuy nhiên chất lượng lại rất cao. Có một thông tin thú vị được chia sẻ, là nếu diện tích trồng lúa cả thế giới đều để trồng lúa hữu cơ thì chỉ nuôi được 40% dân số toàn cầu. Như vậy, lúa hữu cơ có lẽ sẽ mãi chỉ là bài toán thị trường ngách. Nổi tiếng trong ngành sản xuất loại gạo đặc biệt này có công ty Viễn Phú, với hơn 300 hecta đất ở Cà Mau, công ty đang kinh doanh gạo hữu cơ với mức giá 60.000 – 70.000đ/kg.
CC 37: Hạt lúa từ công nghệ GMO
Về gạo giàu dinh dưỡng, hiện đang có trào lưu sản xuất gạo GMO (sử dụng công nghệ chuyển nạp gen) để tạo ra giống gạo đặc biệt, ví dụ như Golden Rice Indica chứa nhiều Vitamin A. Tuy nhiên, công nghệ về gen này vẫn còn gây khá nhiều tranh cãi, đặc biệt có một số khu vực cấm nhập khẩu loại gạo này như Tây Âu, các nước Hồi giáo... Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, công ty còn có gạo mầm Vibigaba có giá trị dinh dưỡng rất cao.
CC 38: Chuyên gia nói gì về gạo lứt
Về hướng đi cho hạt gạo lứt (loại gạo không qua chế biến, chỉ dừng lại ở quy trình bóc vỏ nên vẫn giữ được dinh dưỡng, tuy nhiên sẽ có màu vàng ngà không đẹp mắt) – chú Chín chia sẻ đây có thể là hướng đi tiềm năng. Thứ nhất là lợi về số lượng, vì sau hao hụt trong quá trình xay xát, 75kg gạo lứt sau khi chế biến chỉ thu được 50kg gạo thường. Thứ hai là đúng với xu hướng “ăn khỏe” của người tiêu dùng hiện tại, vì gạo lứt vẫn đảm bảo được dinh dưỡng, đặc biệt thích hợp cho người bệnh. Tuy nhiên, vẫn cần vượt qua rào cản về thói quen ăn gạo ngon là phải “trắng và mềm” của người dân, vì gạo lứt không thể thỏa mãn tiêu chí này.
16:30 – Đến thăm người nông dân nhiều năm trồng lúa giống
Sau khi chia tay PGS. TS Dương Văn Chín và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành, theo chân 2 anh kỹ sư “Ba Cùng”, đoàn đã đến thăm anh Tư, nông dân trồng lúa giống để cung cấp giống cho công ty và bà con nông dân, hiện đang sở hữu diện tích đất là 3 hecta. Đây cũng là một hình thức canh tác khác của người nông dân, bên cạnh hình thức canh tác lúa hàng hóa (lúa để bán ra thị trường tiêu thụ).
CC 39: Trồng lúa giống khó hơn
Quy trình trồng lúa giống luôn nghiêm ngặt hơn quy trình trồng lúa hàng hóa, đòi hỏi nhiều kỹ thuật và theo dõi rất thường xuyên. Vì thế, người nông dân chỉ dám trồng cả cánh đồng lúa giống nếu có sự hỗ trợ của các kỹ sư.
CC 40: Yêu cầu lúa giống không được lai quá F2
Lúa giống chỉ được trồng trong 2 vụ (đời f2), không được trồng liên tiếp nhiều vụ vì sau mỗi vụ mức độ giống đã bị lai nhiều.
CC 41: Lúa giống được thu mua với giá cao hơn lúa hàng hóa
Lúa giống được công ty và người dân mua với giá cao hơn so với lúa hàng hóa, tuy nhiên như đã nói ở trên, đòi hỏi những kỹ thuật nghiêm ngặt. Có cái nhìn sơ bộ về lúa giống, đoàn kết thúc hành trình khám phá ngày đầu tiên, trở về nhà dân để “tạm trú”.
18:00 – Nghỉ ngơi và tìm hiểu đời sống thường ngày tại nhà của nông dân Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch Hội nông dân xã Định Thành.
Tại nhà anh Thắng, ngôi nhà rộng rãi và vẫn giữ được nét truyền thống (nhà sàn) của người dân sông nước Cửu Long, đoàn Young Marketers đã được “làm vài xị” cùng các anh, các chú rồi có cuộc trò chuyện thật gần gũi, chân thật với những con người “sinh ra đã gắn với nghiệp nông dân” này. Nghe họ kể về cuộc sống, về những ước mơ, và về niềm tin tuyệt đối vào hạt gạo, sao mà thấy thương quá những con người thủy chung với hạt ngọc này.
CC 42: Đời sống không đồng đều
Đời sống của người dân ở đây cao hay thấp phụ thuộc vào diện tích trồng lúa họ sở hữu.
CC 43: Dễ chấp nhận, không nghĩ xa
Người dân ở đây dễ chấp nhận với cuộc sống hiện tại, dù mức thu nhập của mỗi hộ gia đình (từ 6-10 người) chỉ vào khoảng 3.000.000đ/ tháng (vụ bình thường) cho đến 10.000.000đ/ tháng (vụ được mùa). Họ không lo nghĩ nhiều về tương lai của con cháu mình, cũng chưa dám nghĩ tới chuyện cho con cháu học đại học, mà tốt nghiệp phổ thông đã là giỏi rồi. Con cháu trong nhà sẽ nối nghiệp cha, ông để phụ việc đồng áng – là cái nghiệp cũng là “chén cơm” chính của gia đình.
Ngày thứ 2 - 05/11/2014, thực tế thị trường tự do
Sau một ngày khám phá cùng công ty BVTVAG và tìm hiểu về những người nông dân hợp tác cùng công ty, thì ở ngày thứ 2, đoàn đi tìm hiểu về thị trường sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo tự do – không qua công ty, vốn đang chiếm 97% thị phần sản xuất gạo ở ĐBSCL và chi phối chính thị trường tiêu thụ gạo nội địa.
8:00 – Được anh Thắng giới thiệu, đoàn đã đến với nhiều hộ gia đình làm nông ở xung quanh để hiểu thêm về hạt gạo “tự do” (không thuộc công ty) từ bước gieo trồng tới lúc bán đi cho thương lái. Không chỉ có rất nhiều thông tin, đang mùa thu hoạch nên đoàn còn được cùng ngồi trên xe gặt để đi thu hoạch lúa cùng người nông dân – đó là một trải nghiệm không bao giờ quên được.
Từ cuộc trò chuyện với những người nông dân “tự do” này, trên chiếc xe gặt, đoàn cũng đã gặt hái được rất nhiều thông tin.
CC 44: Không thích làm với công ty
Trái ngược hoàn toàn với người nông dân hợp tác với công ty, nông dân tự do cho chúng tôi nhiều cảm giác về sự bất an của họ khi nói về tương lai gia đình, nói về hạt lúa trong từng thửa ruộng. Nhưng khi hỏi vì sao họ không hợp tác với công ty cho yên tâm, có anh nông dân chia sẻ: “Không biết đến công ty nhiều đâu, tại ruộng mình nhỏ quá mà, công ty họ không tới nói chuyện. Mà tui cũng không thích làm với công ty, nhiều tiêu chí lắm người đâu mà làm cho nổi. Biết bán nhiều tiền hơn nhưng thôi, làm lâu kiểu này quen rồi, đổi thì mệt lắm.”
CC 45: Sử dụng hóa chất vô tội vạ
Với hình thức canh tác tự do này, người nông dân thỏa sức sử dụng chất bảo vệ thực vật và phân hóa học mà không cần quan tâm đến các chỉ tiêu an toàn, họ chỉ quan tâm đến “tốn ít tiền thôi”, và “gần ngày thu hoạch cũng xịt, rầy quá trời mà không xịt là chết hết cánh đồng, thì đói” – nên dư lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong lúa luôn cao, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
CC 46: Nông dân không dám ăn hạt gạo họ trồng
Tưởng không biết độ nguy hại của việc vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng thực ra người nông dân lại biết. Phần lớn nông dân không dám ăn hạt gạo nhà mình trồng. Dù chẳng biết gạo bán ngoài chợ như thế nào nhưng họ vẫn chọn mua gạo ở ngoài, vì “khuất mặt khuất mày, không biết thì không sợ”, thậm chí có nhiều người có điều kiện hơn thì chọn mua các loại gạo được nhập lậu/ nhập khẩu tiểu ngạch từ Campuchia, Lào thậm chí Thái Lan về để an tâm.
CC 47: Nông dân tự do chuộng trồng gạo thấp cấp
Về giống gạo, nông dân tự do chuộng trồng giống IR50404 (thị trường gọi là gạo 504) vì giống này dễ trồng, cứng cáp, ít bị bệnh và đạt năng suất cao. Tuy nhiên đây là giống gạo có chất lượng kém, khô và không thơm, hàm lượng dinh dưỡng thấp. IR50404 ít được các nước xuất khẩu chọn, vì thế chủ yếu tiêu thụ trong thị trường nội địa, và đây cũng chính là loại gạo để người bán gạo pha trộn với các loại gạo cao cấp – rồi dùng tên gạo cao cấp để đặt, nhằm làm giảm giá vốn, tăng lợi nhuận. IR50404 là loại gạo được trồng nhiều nhất và mua nhiều nhất khu vực ĐBSCL.
CC 48: Giống gạo chọn trồng phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái
Nếu thương lái không mua IR50404 nữa thì người nông dân có trồng loại khác không? 100% câu trả lời thu được là CÓ. Hiện tại, người nông dân đang trồng giống gạo theo nhu cầu mua của thương lái, và họ sẵn sàng đổi nếu thị trường có nhu cầu với một giống gạo khác.
CC 49: Mối quan hệ của nông dân và thương lái chưa bao giờ tốt đẹp
Nông dân và thương lái không có sự tin tưởng lẫn nhau, thương lái mặc sức ép giá, nhiều khi đặt cọc rồi bỏ cọc khi gạo rớt giá, và cũng ít có thương lái nào trung thành với người nông dân, vì lái họ tin rằng một khi đã mua quen thì phải trả giá cao. Nên mỗi khi đến mùa gặt, người nông dân lại phải đi tìm lái. “Trồng lúa cực khổ vậy chứ biết có bán được không, cũng chưa biết bán cho ai, giá nhiêu.” – cuộc sống mưu sinh với người nông dân xứ lúa sao còn nhiều bấp bênh.
11:00 – Hỏi chuyện thương lái
Đoàn về thăm An Giang ngay mùa gặt của vụ Thu Đông, nên đã may mắn bắt gặp cảnh xuồng ghe thương lái tấp nập đến thu mua lúa, nhờ vậy có dịp “chạy tót” lên xuồng để hỏi thăm.
CC 50: Hình thức thu mua của thương lái
Thương lái thu mua lúa theo đơn hàng của công ty hay nhà máy nhỏ không thu mua trực tiếp từ dân hoặc theo đơn hàng của kho lúa. Khi có đơn hàng, thương lái sẽ tự tìm hoặc nhờ “cò lúa” dẫn đến những vùng có loại lúa như trên đơn hàng. Trước khi thu hoạch 10-15 ngày, thương lái sẽ đặt cọc mua lúa với số tiền 200.000đ/công (=1300 mét vuông), và hẹn ngày thu hoạch sẽ đến “gom”.
Đến ngày, họ mang ghe xuồng với sức chứa 30-50 tấn đến để thu mua lúa của cả vùng (thường 1 vùng sẽ trồng 1 loại lúa giống nhau). Họ định giá lúa lại một lần nữa dựa theo chất lượng hạt lúa, sau khi thỏa thuận giá xong sẽ cân và cho lên ghe/ xuồng. Cuối cùng sẽ trả tiền ngay và kết thúc thương vụ mua bán.
CC 51: Giống gạo lái “ưa”
Thương lái thu mua chủ yếu 2 giống lúa IR50404 và OM4218, vì được đặt hàng nhiều. Phần lớn gạo thu mua qua thương lái dùng để bán trong nước. Được biết họ cũng có thu mua những giống gạo cao cấp như Jasmine theo đơn đặt hàng nhưng số lượng không nhiều.
CC 52: Đầu ra của thương lái
Thương lái bán cho khách hàng của mình với 2 hình thức sản phẩm: Lúa tươi hoặc Gạo thành phẩm. Nếu bán lúa tươi, họ chỉ việc chở thẳng từ nơi họ thu mua đến nơi cần bán, mất 2-3 ngày. Nếu bán gạo thành phẩm, họ sẽ chở đến nhà máy và thuê gia công chế biến gạo, sau bước đánh bóng gạo sẽ được chở đi bán cho khách hàng.
CC 53: Cách lái trữ lúa/ gạo
Lúa/ gạo được thương lái trữ ngay trên ghe, thường xuyên bị ẩm và ở nhiệt độ thấp, bên cạnh đó còn có gián, chuột, bọ,… nên chất lượng hạt gạo không được đảm bảo.
CC 54: Thực trạng trộn lúa/ gạo bắt nguồn từ thương lái
Nhiều thương lái còn trộn loại lúa, ví dụ như để bán cho đơn hàng OM4218, thì họ có thể trộn 5-10% gạo IR50404 để lợi nhuận cao hơn. Chia tay anh thương lái thân thiện, đoàn trở về nhà anh Thắng dùng bữa cơm thân mật cuối cùng của chuyến đi. Và ngay sau đó khởi hành đi thăm “khách hàng” của thương lái.
13:00 – Đi thăm các nhà máy/ công ty thu mua lúa/ gạo tự do từ thương lái
Đi tìm đầu ra của thương lái, đoàn đã đến với một nhà máy đồng thời là công ty gạo – tuy quy mô nhỏ lẻ nhưng công ty này cũng có nhiều đơn hàng xuất khẩu, và thị trường chủ lực vẫn là thị trường trong nước.
CC 55: Hình thức kinh doanh còn đơn giản
Nhà máy kiêm công ty này sẽ mua lúa tươi từ thương lái, sau đó chế biến để thành gạo thành phẩm. Máy móc của nhà máy này tương đối đơn giản, và quy trình kỹ thuật cũng chưa tuân theo tiêu chuẩn cụ thể nào.
CC 56: Rất nhiều nhà máy/ xưởng gạo tự phát không đạt tiêu chuẩn
Bên cạnh nhà máy tương đối bài bản, còn rất nhiều nhà máy/ xưởng gạo tự phát hơn, có thể nói hoàn toàn không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm vì sử dụng những quy trình chế biến còn truyền thống và lạc hậu. Tuy nhiên số lượng nhà máy này không hề nhỏ, và cũng là đại lý cấp 1 phân phối lượng gạo lớn cho cả nước.
- ★ -
Và 56 câu chuyện trên đã khép lại hành trình “Ngược dòng An Giang, khám phá hạt gạo Việt” của đoàn Young Marketers. Không chỉ những thông tin, kiến thức mà những cảm xúc đọng lại sau chuyến đi thật sự không thể kể hết.
Chắc chắn những thông tin thực tiễn mà đoàn thu được không chỉ vô cùng bổ ích cho Top 3 trong vòng chung kết sắp tới, mà còn bổ ích cho thí sinh Cơ hội Lớn. Hơn thế nữa, sẽ là nguồn cảm hứng cho những người đã, đang và sẽ trăn trở về thị trường gạo Việt Nam còn lắm khó khăn này.
Chân thành cảm ơn Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang đã đồng hành và nhiệt tình hỗ trợ đoàn Young Marketers trong chuyến đi thực tế vừa qua.
Chân thành cảm ơn các anh chị, cô chú nông dân đã rất nhiệt tình chia sẻ với đoàn những thông tin bổ ích.
* Đây là những sự thật được tổng hợp qua ghi nhận và quan sát cá nhân của đoàn Young Marketers trong chuyến đi thực tế tại An Giang 2 ngày 04-05/11/2014, không mang tính chỉ định/ tuyên bố cho cả ngành hàng gạo.
Young Marketers – Empower the next marketing generation.
Cuộc thi do REDDER Advertising tổ chức, với BRANDS Vietnam là đối tác truyền thông.
Chương trình nhận được sự đồng hành & tài trợ độc quyền của Microsoft Mobile Devices / Nokia Vietnam:
“Microsoft Mobile Devices là một đơn vị kinh doanh trực thuộc Microsoft và trực tiếp quản lý dòng sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone) mang nhãn hiệu Lumia nổi tiếng trên toàn thế giới và dòng sản phẩm điện thoại phổ thông mang nhãn hiệu Nokia. Sứ mạng của Microsoft Mobile Devices là mang trải nghiệm điện thoại thông minh và internetđến ngày càng nhiều người dùng, thông qua đó tiếp bước cho họ vươn đến những ước mơ và khát vọng của mình trong cuộc sống”.
Trâm Nguyễn @ Young Marketers
Brands Vietnam