Thị trường vỏ xe ô tô: Thêm lực đẩy, có xì hơi?
Thị trường vỏ xe ô tô trong nước vốn đang cạnh tranh gay gắt nay càng nóng hơn khi các công ty nước ngoài tiếp tục mở kênh phân phối, đẩy mạnh xây dựng nhà máy.
Đủ chỗ cho tất cả
Sau thời gian thăm dò, tung hàng loạt sản phẩm vỏ cao cấp dành cho xe hạng sang, ngày 14/10, thương hiệu vỏ xe cao cấp của Đức Continental Tire đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với hệ thống phòng trưng bày, phân phối trải rộng trên một số tỉnh - thành cùng các chính sách bảo hành theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Theo đại diện của Continental Tire tại Việt Nam, Continental Tire sẽ giới thiệu những dòng vỏ hiệu suất lớn, độ bền cao được thiết kế dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Thông qua 36 đại lý phân phối với các sản phẩm ContiComfortContact CC5, ContiMaxContact MC5, ContiSportContact 5, ContiCrossContact LX2, Continental SSR..., Continental đang kỳ vọng đạt số lượng bán ra khoảng 10.000 vỏ trong 2014.
Ngày 24/10, Công ty TNHH sản xuất vỏ xe Bridgestone Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Bridgestone Nhật Bản) cũng vừa khánh thành nhà máy sản xuất vỏ xe ô tô radial (vỏ không ruột) tại khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng.
Ông Tetuo Kunitake, Tổng giám đốc Bridgestone Việt Nam, cho biết, nhà máy có tổng vốn đầu tư 1,224 tỷ USD với tổng diện tích 102,4ha, thu hút khoảng 1.100 lao động. Sản lượng hiện tại 6.000 vỏ/ngày, dự kiến đến cuối năm nay sẽ đạt 10.000 vỏ và đến năm 2016, đạt 25.000 vỏ...
Đối thủ cạnh tranh của Bridgestone là Hãng Yokohama cũng đang nâng công suất nhà máy lên 400.000 vỏ/năm. Trong khi đó, Hãng Kumho cũng sẽ nâng công suất nhà máy từ 3,15 triệu vỏ/năm lên 6,3 triệu vỏ/năm. Các thương hiệu khác như Chengshin, Maxxis, Sailun... cũng ráo riết nâng công suất, mở rộng thị trường.
Nguồn cung tất cả các loại vỏ ô tô trong cả nước chỉ đáp ứng được 70 - 80% tổng nhu cầu, riêng vỏ radial chỉ đáp ứng được khoảng 10%, còn lại đều phải nhập khẩu.
Tuy nhiên, trước áp lực của các đối thủ ngoại, ông Nguyễn Hồng Phú, Tổng giám đốc Casumina vẫn lạc quan cho rằng: "Hiện nay, nguồn cung tất cả các loại vỏ ô tô trong cả nước chỉ đáp ứng được 70 - 80% tổng nhu cầu (đã bao gồm các doanh nghiệp vốn FDI tại Việt Nam). Riêng vỏ radial chỉ đáp ứng được khoảng 10%, còn lại đều phải nhập khẩu. Như vậy dư địa tăng trưởng cho thị trường còn khá lớn".
Ngoài ra, thuế suất nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm xuống còn 50% và theo lộ trình đến năm 2018 giảm xuống 0% sẽ giúp lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng, nhu cầu tiêu thụ vỏ xe cũng sẽ tăng theo.
Chính vì nhìn thấy cơ hội rất lớn khi đầu tư vào vỏ radial toàn thép, nên quý II/2014, Casumia bắt đầu tăng tốc kinh doanh thương mại. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, Casumina nâng công suất sản xuất lên 600.000 vỏ xe/năm; cuối năm 2015 đến năm 2017, nâng công suất lên 1 triệu vỏ xe/năm.
Công xưởng vỏ xe xuất khẩu
Riêng thị trường xuất khẩu, Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) về cắt giảm và xóa bỏ thuế quan rất nhiều mặt hàng đến năm 2018 và sắp tới Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được áp dụng cũng sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất vỏ xe của Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện nay thị trường vỏ ruột xe Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,4% so với quy mô thị trường thế giới.
Thống kê từ Research and Markets cho thấy, sản lượng ô tô của thế giới trong 12 năm tới sẽ không ngừng gia tăng, đặc biệt thị trường Trung Quốc dự báo tăng trưởng 11%/năm, (Ấn Độ 12%/năm), Đông Nam Á (5%/năm), Nam Mỹ (5%/năm). Đây là các thị trường tiêu thụ vỏ radial rất lớn, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất vỏ xe Việt Nam gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới.
Nắm bắt cơ hội, ông Tetuo Kunitake cho biết, nhà máy sản xuất vỏ xe Bridgestone Việt Nam sau khi ổn định sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, sau đó sẽ xuất khẩu sang nhiều nước khác như châu Âu và Nam Mỹ.
Với mục tiêu trở thành tập đoàn sản xuất vỏ xe hàng đầu Việt Nam, phục vụ cho cả nội địa và xuất khẩu, đại diện Kumho Tires cũng cho biết, đang đầu tư kinh phí nghiên cứu sản xuất các loại vỏ theo điều kiện khí hậu và địa hình Việt Nam, đẩy mạnh tiếp thị và bán hàng tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Năm 2014, Casumina cũng đặt nhiều kỳ vọng vào xuất khẩu vỏ radial vào hai thị trường lớn là Mỹ và châu Âu. Ông Phú cho biết, ở các thị trường này cũng đủ mọi loại sản phẩm, từ trung bình đến cao cấp.
Casumina đang nhắm vào phân khúc thị trường trên trung bình và sẽ làm việc với các đối tác ở từng nước để điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với địa hình, thời tiết tại những nước này. Còn trong nước, vỏ radial dùng cho xe tải đã chiếm 80% thị phần, chỉ còn lại 20% dùng vỏ bias công nghệ cũ nên Công ty có thể lạc quan về sức tiêu thụ sản phẩm này.
Tuy có nhiều ưu điểm vượt trội và hoàn toàn tự tin vào khả năng tiêu thụ sản phẩm, nhưng theo ông Phú, vẫn còn mối lo về cơn lốc bán phá giá thị trường của hàng Trung Quốc chưa kiểm soát được. "Vỏ xe Trung Quốc cùng loại chỉ bán với giá bằng 50% giá thành.
Trong khi đó, Trung Quốc lại có chính sách đặc biệt hỗ trợ hàng xuất khẩu nên vỏ xe Việt Nam càng khó cạnh tranh. Thực tế, vỏ Trung Quốc đã được lợi 15% thuế nhập khẩu cộng với 10% VAT, trong khi doanh nghiệp trong nước phải nộp ngay thuế VAT đầu vào và chịu VAT đầu ra. Như vậy là không bình đẳng!", ông Phú cho biết.
- Cả nước có 830 doanh nghiệp hoạt động trong ngành săm vỏ.
- 61% thị phần vỏ xe thuộc về 5 doanh nghiệp, bao gồm Bridgestone (nhập khẩu), Michelin (nhập khẩu), Cao su Đà Nẵng (DRC), Casumina (CSM) và Yokohama (sản xuất và nhập khẩu).
- Thị phần săm vỏ: Casumina chiếm 33%, tiếp theo là DRC (25%), SRC khoảng 10%, còn lại 31% thuộc về các doanh nghiệp khác.
- Đối với dòng vỏ ô tô radial, khoảng 90% thị phần thuộc về các doanh nghiệp FDI và hàng nhập khẩu. Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 217 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ 2013. Kim ngạch nhập khẩu vỏ xe của Việt Nam là 140,57 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ 2013.
Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn