Công nghệ: Túi tiền và tương lai kinh doanh

Cục diện thương trường kinh doanh bắt đầu thay đổi xoay quanh công nghệ. Công nghệ gắn liền với tiện ích và lợi thế cạnh tranh, và cả thành công.

Công nghệ là cội nguồn cho những bước phát triển vượt bậc của các quốc gia. Việc phát minh ra máy dệt trong cuộc Cách mạng công nghiệp vào cuối thế kỷ 18 đã biến nền kinh tế giản đơn, quy mô nhỏ, dựa trên lao động chân tay ở Anh trở thành một nền công nghiệp chế tạo máy móc quy mô lớn. Động cơ hơi nước đã khai sinh ra hạm đội Pháp hùng mạnh vào giữa thế kỷ 19. Tương tự, công nghiệp điện tử đã hồi sinh nước Nhật sau Thế chiến II; còn ngành công nghệ thông tin đã đưa Ấn Độ trở thành cường quốc xuất khẩu phần mềm hàng đầu thế giới.

Đó là khẳng định của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT, tại Hội nghị Đầu tư với chủ đề “Công nghệ, Túi tiền và Tương lai kinh doanh” vừa diễn ra. Theo ông, ngày nay, công nghệ tiếp tục là chìa khóa mở ra những thay đổi đột phá đối với xã hội và bản thân mỗi con người. Barack Obama, Tổng thống gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ, là ứng viên Tổng thống đầu tiên trong lịch sử thắng cử nhờ vào sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ chuyên viên công nghệ và Internet.

Công nghệ: Túi tiền và tương lai kinh doanh

ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT. Ảnh Trường Nikon.

Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước những đột phá công nghệ quan trọng bậc nhất từ trước đến nay và có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống hàng ngày của mỗi con người. Tuy nhiên, chính những đột phá đó cũng trở thành những “kẻ chen ngang” và thay đổi gần như toàn bộ mọi lĩnh vực kinh doanh mà chúng ta từng biết.

Khi công nghệ “phá bĩnh”

Đã qua rồi cái thời mà doanh nghiệp phải mất 5-10 năm hoặc thậm chí là lâu hơn để đạt mốc doanh thu đáng nể. Ngày nay, với sự trợ giúp của công nghệ và Internet, những mô hình kinh doanh “truyền thống” đang được cải tiến với tốc độ chóng mặt và kéo theo đó là tốc độ phát triển nhanh gấp nhiều lần của các doanh nghiệp mới. Để hình dung được công nghệ đang cải tiến, hay “phá bĩnh” hoạt động kinh doanh đối với các doanh nghiệp Việt Nam ra sao, hãy nhìn vào ba lĩnh vực công nghệ nổi bật trong thời gian vừa qua, gồm Dữ liệu Lớn (Big Data), Điện toán Đám mây (Cloud Computing) và Công nghệ Di động (Mobility).

Đầu tiên là Big Data. Cũng giống như khái niệm Internet vào giữa những năm 1990 của thế kỷ trước, khái niệm Big Data đang bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn trong 2-3 năm trở lại đây và hứa hẹn sẽ cho phép các doanh nghiệp mới khai thác thị trường nhanh chóng và hiệu quả hơn trước rất nhiều. Nhưng Big Data là gì?

Công nghệ: Túi tiền và tương lai kinh doanhCEO Eric Schmidt của hãng công nghệ Google (Mỹ) từng khẳng định rằng từ khi Internet ra đời cho đến năm 2003, đã có tổng cộng 5 Exabytes dữ liệu (1 Exabyte tương đương 1 tỉ Gigabytes) được tạo ra và lưu trữ trên không gian ảo. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cả thế giới có thể tạo ra 5 Exabytes dữ liệu sau mỗi 2 ngày. Và lượng dữ liệu khổng lồ này vẫn đang liên tục được ghi nhận hàng ngày từ tất cả các hoạt động liên quan đến Internet của con người.

Nói như Chủ tịch Trương Gia Bình của Tập đoàn FPT, thì “những dữ liệu đó chính là nguồn đem lại doanh thu và là tài sản không thể tách rời của mỗi doanh nghiệp”. Ông cho biết, sau vụ tấn công vào cơ sở dữ liệu của Công ty VCCorp mới đây, FPT đã lập tức phải tăng cường bảo vệ kho tài sản số của mình. “Dữ liệu số đã trở thành tài sản và có thể trở thành tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp trong tương lai”, ông Bình khẳng định.

Dữ liệu số đang cải tiến các mô thức kinh doanh “truyền thống” ra sao? Thị trường bán lẻ có lẽ là nơi mà sự “phá bĩnh” của Big Data và Internet được thể hiện rõ ràng và dễ thấy nhất.

Nếu như trước kia, các nhà bán lẻ muốn thành công đều phải đầu tư rất nhiều vào mặt bằng, đồng nghĩa với việc phải có vốn lớn. Không chỉ có vậy, doanh nghiệp bán lẻ còn phải tốn không biết bao nhiêu công sức để tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ khách mua hàng. Nhưng ngày nay, với Internet, Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy của hàng loạt các mô hình bán lẻ trực tuyến đạt tốc độ phát triển nhanh chóng mà không phải bỏ ra quá nhiều vốn đầu tư. Đặc biệt, ở một số lĩnh vực bán lẻ nhất định, ví dụ như thời trang, doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến đang gây ra không ít khó khăn cho các nhà bán lẻ truyền thống. Trường hợp của Zalora, sàn thương mại điện tử chuyên về thời trang khá tiếng tăm tại Việt Nam, là điển hình.

Sức ép cạnh tranh cũng đã khiến cho không ít doanh nghiệp kinh doanh kiểu “truyền thống” phải tự thay đổi.

“Mọi việc điều hành ở Zalora đều dựa trên dữ liệu số. Đó có thể là những dữ liệu ghi nhận về lượng người đang truy cập vào website, số người đang xem sản phẩm nào đó, tỉ lệ người xem hàng và thanh toán liền hay là tỉ lệ người bấm vào xem sản phẩm và rời khỏi website ngay. Dựa vào lượng dữ liệu số này, Zalora có thể tìm kiếm những thông tin quan trọng có thể giúp đưa ra quyết định”, bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc Điều hành Zalora Việt Nam, cho biết.

Bán lẻ hay bán lẻ trực tuyến đều là những ngành có tỉ suất lợi nhuận không cao nên bắt buộc phải tối đa hóa doanh số. Theo bà Phương Anh, nhờ phân tích dữ liệu số, Zalora dễ dàng đưa ra những điều chỉnh cho phép người mua hàng có được trải nghiệm thoải mái nhất khi mua sắm, qua đó nâng cao doanh thu.

“Zalora có danh sách sản phẩm thay đổi tùy theo từng người mua hàng khác nhau. Ví dụ như người mua truy cập từ TP.HCM sẽ nhìn thấy danh sách sản phẩm khác người mua từ Hà Nội, vì nhờ dữ liệu số mà Zalora biết họ có những thói quen mua sắm khác nhau. Những khác biệt này tuy nhỏ nhưng tác động đến 20% tổng doanh thu hàng ngày của Công ty”, đại diện Zalora Việt Nam chia sẻ.

Thực tế, sức ép cạnh tranh cũng đã khiến cho không ít doanh nghiệp kinh doanh kiểu “truyền thống” phải tự thay đổi. Đơn cử như BigC, hệ thống siêu thị bán lẻ có tiếng tại Việt Nam, cũng đã bắt đầu tham gia vào môi trường bán lẻ trực tuyến với website Cdiscount.vn chuyên bán hàng trên Internet.

Công nghệ: Túi tiền và tương lai kinh doanh

Nhưng liệu các doanh nghiệp không kinh doanh trực tuyến có tận dụng được Big Data để nâng cao doanh thu hay không? Hoàn toàn có thể. Một doanh nghiệp bán lẻ truyền thống sẽ sử dụng những dữ liệu số ghi nhận thói quen của khách khi đến tham quan mua sắm (qua hệ thống camera hoặc cảm biến), từ đó thay đổi cách bài trí sản phẩm và quầy kệ hợp lý hơn nhằm tăng doanh thu hoặc nâng cao hiệu quả vận hành. Một nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh cũng có thể dùng những dữ liệu tương tự để nghiên cứu cách người tiêu dùng lựa chọn ở các kệ hàng, rồi cải tiến bao bì sản phẩm để thu hút họ tốt hơn. Đó chỉ là một vài ví dụ trong vô số những thông tin quý giá mà doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề có thể tận dụng từ việc phân tích Big Data.

“Khi triển khai công cụ phân tích Big Data ở các doanh nghiệp, tôi luôn nhắc đi nhắc lại rằng từ bước 1 đến bước 100 thì vẫn còn 99 bước đệm ở giữa. Doanh nghiệp không nên nghĩ là phải triển khai đến 100% mới thực sự hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, triển khai phân tích Big Data đến 50-60% mà mang lại giá trị cho doanh nghiệp thì có thể xem là thành công rồi”, ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch Cấp cao, Trưởng Bộ phận Tái cấu trúc Toàn cầu Ngân hàng HSBC, nhận xét.

Trong khi đó, dù không còn quá lạ lẫm như Big Data nhưng Điện toán Đám mây (Cloud Computing) vẫn chưa được doanh nghiệp Việt Nam thật sự đón nhận, dù công nghệ này đã có mặt tại Việt Nam từ nửa cuối thập kỷ trước và đang giúp cho không ít các công ty non trẻ phát triển nhanh chóng.

Nói một cách nôm na, dịch vụ Cloud Computing cũng giống như dịch vụ taxi, có thể giúp doanh nghiệp thỏa mãn nhu cầu lưu trữ hay sử dụng các phần mềm quản trị mà không phải đầu tư ban đầu quá nhiều, giống như được đi xe hơi mà không phải bỏ tiền mua xe. Rõ ràng, Cloud Computing đang cho phép những doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn” hoặc hạn chế về vốn có thể nhanh chóng bắt kịp các công ty lớn về mặt công nghệ quản trị và vận hành.

Công nghệ: Túi tiền và tương lai kinh doanh

Thực tế, trong khi các doanh nghiệp mang “tư duy cũ” luôn phải đầu tư mua thiết bị và mất khá nhiều thời gian để xây dựng trung tâm dữ liệu, thì đa số các doanh nghiệp “tiên tiến” thường chỉ mất chưa đến 1 năm là đã có hệ thống quản trị dữ liệu và công cụ quản trị hoàn thiện như CRM-ERP do bên thứ 3 cung cấp. Không chỉ có vậy, đối với phần lớn các công ty startup, Cloud Computing là cách giúp họ hoàn thiện hạ tầng hoạt động nhanh chóng mà không phải đầu tư dàn trải.

Đề cập đến thực tế này, ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, chia sẻ rằng việc doanh nghiệp chưa mặn mà với công nghệ Cloud Computing đang khiến họ phải gánh thêm nhiều chi phí không hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty.

“Lợi ích đầu tiên của Cloud là tốc độ ứng dụng. Các doanh nghiệp nội thường quen với việc tự đầu tư trung tâm dữ liệu từ đầu đến cuối, mất nhiều thời gian và không ít công sức tiền của. Trong khi đó, những nhà cung cấp dịch vụ Cloud uy tín có thể giúp doanh nghiệp hoàn thiện toàn bộ hệ thống lưu trữ dữ liệu chỉ sau vài giờ theo từng nhu cầu riêng biệt. Ngoài ra, sử dụng Cloud cũng kinh tế hơn vì doanh nghiệp chỉ phải trả phí cho hiệu quả thực tế. Cuối cùng, doanh nghiệp cũng không phải lo về vấn đề bảo mật vì các nhà cung cấp uy tín đều có thể đảm bảo điều đó. Đơn cử, Microsoft chính là đơn vị đang cung cấp dịch vụ Cloud cho Bộ Quốc phòng Mỹ”, ông Trí cho hay.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa thật sự cảm thấy nhu cầu phải ứng dụng Cloud Computing. Ví dụ như những doanh nghiệp đã đầu tư quá nhiều để xây dựng trung tâm dữ liệu của riêng mình, hoặc các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Theo ông Quỳnh, HSBC, ngân hàng sẽ là ngành cuối cùng ứng dụng công nghệ Cloud Computing và hoạt động kinh doanh vì nhiều lý do khác nhau.

Công nghệ: Túi tiền và tương lai kinh doanh

Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam. Ảnh Trường Nikon.

“Dù vậy, tôi tin rằng công nghệ Cloud rất thích hợp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng nhằm xây dựng hệ thống lưu trữ và quản trị ảo. Đối với nhóm doanh nghiệp này, người chủ luôn phải nghĩ đến doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền. Cloud giải được bài toán đó vì doanh nghiệp sẽ chỉ phải bỏ ra chi phí đúng với nhu cầu. Từ đó, lợi nhuận sẽ có khả năng tăng lên. Về dòng tiền, doanh nghiệp chỉ phải trả tiền cho những gì họ sử dụng nên dòng tiền sẽ hiệu quả hơn”, ông Quỳnh nhận định.

Công nghệ định hướng doanh nghiệp

Nếu như Big Data và Cloud Computing đang tác động trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thì Công nghệ Di động (Mobility) không chỉ góp phần khiến cho lượng dữ liệu số toàn cầu ngày càng “phình to” mà còn giúp tạo ra nhiều mô thức kinh doanh mới; và cải tiến mô hình hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam.

“Mobility phải là xu thế tất yếu. Thứ nhất, hạ tầng viễn thông ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Kế đến, chi phí truy cập 3G khá thấp và kết nối wifi có thể được tìm thấy ở khắp nơi. Cuối cùng, smartphone chạy hệ điều hành Android ngày càng rẻ tiền nên sẽ tiếp cận dễ dàng hơn với đông đảo người tiêu dùng”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành GrabTaxi Việt Nam, phân tích.

Số liệu mới nhất từ IDC (Mỹ) cho thấy, Việt Nam hiện đã có 22 triệu người đang sử dụng điện thoại thông minh (smartphone). Dự kiến đến cuối năm 2015, con số này sẽ lên đến 40 triệu người. Trong bối cảnh đó, GrabTaxi cũng chính là một mô hình kinh doanh “mới toanh” tận dụng những lợi ích mà Mobility mang lại cho người dùng tại Việt Nam.

Công nghệ: Túi tiền và tương lai kinh doanh

GrabTaxi là một ứng dụng di động cho phép người dùng đặt taxi an toàn mà không phải đứng đợi xe. Mặt khác, ứng dụng này còn giúp các tài xế taxi tăng thu nhập một cách hợp pháp nhờ tìm được khách nhanh chóng và thuận tiện hơn. Doanh thu của ứng dụng này có thể đến từ phí tham gia của tài xế taxi hoặc phí từ khách trên mỗi chuyến xe kết nối thành công. “Bắt đầu vận hành tại Việt Nam từ sau Tết Nguyên đán 2014, GrabTaxi chỉ mất có hai tháng để giúp cho các tài xế tăng thu nhập lên gần 20% mỗi tháng. Các hãng taxi chắc chắn cũng hưởng lợi từ điều này vì nguồn thu của họ sẽ cao hơn”, đại diện GrabTaxi chia sẻ.

Đối với các doanh nghiệp trong những ngành nghề truyền thống, Mobility cũng đang giúp họ cải tiến hoạt động quản trị và kinh doanh theo hướng hiệu quả hơn. “Chúng tôi có một khách hàng trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh FMCG. Họ có đội nhân viên bán hàng hơn 1.000 người tỏa đi khắp các điểm bán để nhận đặt hàng. Trước kia, nhân viên bán hàng đến gặp điểm bán ở tỉnh rồi quay về công ty để xác nhận đơn hàng mất cả ngày. Bây giờ thì chỉ mất vài phút vì họ đã được trang bị máy tính bảng để đặt hàng mọi lúc mọi nơi”, ông Mai Sean Cang, Giám đốc Bộ phận Giải pháp Doanh nghiệp, Samsung Việt Nam, chia sẻ.

Đứng trước những cơ hội mới mà công nghệ mang lại, chiến lược của nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang thay đổi để thích nghi với chu kỳ tăng trưởng mới. Trong số đó phải kể đến Tập đoàn FPT. Theo Chủ tịch Trương Gia Bình, FPT đã được định hướng để phát triển dựa trên những yếu tố bao gồm Social/Security (Mạng xã hội/Bảo mật), Mobility (Di động), Analytics/Big Data (Phân tích Dữ liệu Lớn) và Cloud Computing (Điện toán Đám mây). Tất cả gọi chung là SMAC.

Đứng trước những cơ hội mới mà công nghệ mang lại, chiến lược của nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang thay đổi để thích nghi với chu kỳ tăng trưởng mới.

Dự báo về SMAC của hai hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới là IDG và Gartner cho biết trong giai đoạn 2015-2016, Social sẽ có 2,18 tỉ người dùng và đạt 34 tỉ USD doanh thu; Mobility sẽ tăng số lượng người sử dụng các thiết bị di động lên 1,3 tỉ, với 2 tỉ thiết bị được kết nối và 735 tỉ USD doanh thu; Big Data sẽ thiếu 4,4 triệu kỹ sư với tổng doanh thu 232 tỉ USD; còn Cloud sẽ đạt mức 207 tỉ USD doanh thu.

“SMAC là chìa khoá quan trọng để FPT thực hiện mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ thông minh toàn cầu, là một trong những ‘mũi khoan’ chính trong chiến lược Toàn cầu hóa. Năm 2013 đánh dấu năm đầu tiên FPT có doanh thu từ SMAC, đạt 95 tỉ đồng. Theo kế hoạch, đến năm 2016, doanh thu từ dịch vụ SMAC của FPT sẽ đạt trên 800 tỉ đồng, chiếm hơn 10% doanh thu toàn cầu của Tập đoàn”, ông Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, chia sẻ.

Một bước tiến khác phải kể đến là hệ thống quảng cáo Adtech của FPT Online. Theo ông Đinh Lê Đạt, Giám đốc Công nghệ FPT Online, AdTech giúp tạo mới 5% doanh thu cho dịch vụ quảng cáo của FPT. Để làm được điều này, Adtech đã dựa vào dữ liệu số để phân tích và phân loại hành vi của người dùng, qua đó cung cấp đúng thông điệp vào đúng thời điểm cho đúng đối tượng với chi phí cạnh tranh.

Bên cạnh đó, với thế mạnh truyền thống là gia công phần mềm, FPT đang đầu tư xây dựng các giải pháp chuyển đổi giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được SMAC. Ví dụ, FPT đang làm việc với Hiệp hội phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) để giúp các doanh nghiệp, trường học tổ chức những buổi trao đổi về SMAC; qua đó nâng cao nhận thức về những xu hướng công nghệ hiện đại.

Hà Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư