Hệ thống bán lẻ “nhí”: Tiện và... ích? Kỳ II: Bán hàng kém chất lượng

Mặc dù hoạt động thương mại ở Việt Nam hiện nay còn hết sức khó khăn nhưng các cửa hàng tiện ích vẫn liên tục được mở ồ ạt khiến cho người tiêu dùng đặt câu hỏi: “Các cửa hàng tiện ích lời lãi bao nhiêu mà đi đâu cũng thấy?”.

Cạnh tranh gay gắt

Theo giới kinh doanh, hầu hết các cửa hàng tiện ích tại TP.HCM buôn bán từ hòa đến lỗ vốn. Chẳng hạn, tại điểm kinh doanh trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), nhà đầu tư phải chi gần 100 triệu đồng (gồm chi phí điện, nước, mặt bằng, nhân viên…) để hoạt động trên mặt bằng 150m2, doanh thu mỗi tháng chỉ trên dưới 500 triệu đồng. Sau khi trừ hết các khoản đầu tư, mỗi tháng điểm này phải chịu lỗ trên dưới 40 triệu đồng. Trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), nhà đầu tư cũng chi phí khoảng 40 triệu đồng/tháng, trong khi doanh số bán hàng chỉ đạt 200 triệu đồng/tháng. Sau khi đối thu trừ chi, mỗi tháng cửa hàng này lỗ ít nhất 10 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do các chuỗi bán lẻ mở quá nhiều dẫn tới cạnh tranh gay gắt khiến doanh số sụt giảm.

Hệ thống bán lẻ “nhí”: Tiện và... ích? Kỳ II: Bán hàng kém chất lượng

Hàng hết hạn sử dụng được mua tại cửa hàng Circle K.

Cách đây không lâu, phía Ministop từng thừa nhận chuỗi bán lẻ này vẫn chưa có lãi, nhưng Ministop lấy chiến lược dài hạn làm trọng tâm. Mặc dù vẫn kiên định mục tiêu mở tới 500 cửa hàng Ministop vào năm 2017, nhưng chiến lược kinh doanh cốt lõi của tập đoàn bán lẻ Nhật hiện đang tập trung cho chuỗi đại siêu thị Aeon Mall với trung tâm thương mại đầu tiên có vốn đầu tư hơn 100 triệu USD ra đời gần một năm nay ở quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, chiến lược đầu tư của Shop & Go là ký hợp đồng hợp tác với các hộ cá thể nâng cấp tiệm tạp hóa của họ hoặc tự kiếm mặt bằng và đầu tư từ A- Z. Đó cũng là lý do Shop & Go này mở các cửa hàng mới dè dặt.

Ngoài các thương hiệu trên, sân chơi này đã chứng kiến sự thua, lỗ và “chết yểu” của chuỗi G7 Mart. Năm 2006, G7 Mart đã đưa vào hoạt động 500 cửa hàng trên toàn quốc (trong đó TP.HCM có trên 100 cửa hàng) nhưng tới nay chuỗi bán lẻ đã gần như vắng bóng trên thị trường. Hiện đơn vị này đang hợp tác với Nhật Bản để phát triển chuỗi Ministop.

Bán hàng kém chất lượng

Hệ thống bán lẻ “nhí”: Tiện và... ích? Kỳ II: Bán hàng kém chất lượngNgày 5/10, phóng viên đã thực hiện khảo sát một loạt cửa hàng tiện ích tại TP.HCM và phát hiện nhiều mặt hết hạn sử dụng vẫn được bày bán. Cụ thể, tại cửa hàng số 225A (đường Hoa Thám, quận Tân Bình) của Circle K, sữa chua PROBI sản phẩm của Vinamik dù đã hết hạn từ ngày 3/10, nhưng ngày 5/10/2014 (hết hạn 2 ngày) vẫn bày bán. Tại cửa hàng 171B Hoàng Hoa Thám (Tân Bình) của Circle K, sản phẩm là bánh Sandwich jambon và phô mai có hạn sử dụng đến ngày 2/10, nhưng ngày 5/10 vẫn chưa rời khỏi kệ hàng.

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM - cho biết, các DN luôn được yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật, khi đủ điều kiện (giấy phép kinh doanh, giấy phép đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường kinh doanh đạt tiêu chuẩn, hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ…) mới được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, chỉ khảo sát 7 cửa hàng của Circle K đã có 3 địa chỉ bán hàng hết hạn sử dụng. Nếu kiểm đếm gần 100 cửa hàng của Circle K thì không biết có bao nhiêu mặt hàng kém phẩm chất nêu trên đang bày bán ở đây (?!).

Theo một số nhà phân phối lớn tại Việt Nam, với những sản phẩm có hạn sử dụng dài (1-3 năm), khoảng 15- 30 ngày trước khi hết hạn, phía nhà cung cấp sẽ có bộ phận đến thu hồi về. Riêng mặt hàng có “tuổi thọ” ngắn (từ 3- 7 ngày) sẽ được mang ra bán theo dạng khuyến mại và kết thúc trước thời điểm hạn dùng cho phép của từng mặt hàng cụ thể.

Kỳ I: Trăm hoa đua nở

Thế Vĩnh - Thùy Dương
Nguồn Báo Công thương