Hệ thống bán lẻ “nhí”: Tiện và... ích? Kỳ I: Trăm hoa đua nở
5 năm trở lại đây, tốc độ phát triển của chuỗi cửa hàng tiện ích tăng từ 2-3 lần. Hiện tại, TP.Hồ Chí Minh có 723 cửa hàng tiện ích, trong đó hệ thống kinh doanh theo chuỗi có trên 660 cửa hàng và xu hướng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng bán cả hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng…
Ồ ạt hệ thống bán lẻ "nhí"
Từ đầu năm tới nay, chuỗi bán lẻ Circle K (Mỹ) đã liên tục mở thêm cửa hàng tại khắp các quận trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Sau gần 6 năm có mặt tại Việt Nam, Circle K hiện có gần 100 cửa hàng, số lượng này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Chuỗi cửa hàng Shop & Go của Singapore đến Việt Nam từ năm 2005, nay đã sở hữu hơn 100 cửa hàng, dự kiến hết năm nay sẽ cán mốc 130 cửa hàng.
B’s Mart (Thái Lan) cũng có mức độ phủ sóng dày đặc với 96 cửa hàng. B’s Mart dự kiến đến năm 2018 sẽ đạt con số 300 cửa hàng và hoạt động kinh doanh sẽ “hòa vốn” nhờ lợi thế về quy mô.
Tương tự, thương hiệu FamilyMart đến từ Nhật Bản dù gia nhập muộn nhưng cũng đã có 34 cửa hàng tại TP.Hồ Chí Minh, dự kiến đến cuối năm nay sẽ có thêm
50 cửa hàng. Thời gian tới, hệ thống này sẽ đầu tư ở một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và Hà Nội…
Ngoài ra, thị phần bán lẻ ở phân khúc này còn được một số tên tuổi khác như Ministop (hợp tác giữa Aeon với Trung Nguyên), New Chợ, C Express… liên tục khai trương mới.
Các cửa hàng tiện lợi kinh doanh trên địa bàn thành phố tập trung chủ yếu tại quận 1, 3 và 4, trong đó “khu phố Tây” gồm đường Đề Thám, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu (quận 1) có số lượng dày đặc hơn cả. Đường Bùi Viện chưa đến 1 km nhưng chỉ riêng Circle K đã có tới 5 cửa hàng, nếu cộng thêm cả FamilyMart, B’s Mart thì số lượng cửa hàng này có hơn chục điểm.
Sau năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa hoàn toàn. Nhiều nhà bán lẻ có tiếng trên thế giới đã tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó có cửa hàng tiện ích. Các chuyên gia cho rằng, nhà nước cần sớm có giải pháp hợp lý để thị trường có được hệ thống bán hàng thực sự tiện ích với người dân.
Đến các siêu thị mini chuyên biệt
Nếu như các đại gia nước ngoài chú trọng vào mạng lưới siêu thị 24/7 thì các DN trong nước tổ chức mở các siêu thị mini gọi là cửa hàng tiện ích và kinh doanh từng ngành hàng riêng biệt. Ngành thực phẩm Vissan có hơn 100 điểm bán, Foocomart có 44 điểm, Co.opfood (Saigon Co.op) có 80 điểm, Satrafoods có trên 30 điểm bán hàng…
Ông Phạm Văn Dũng-Trưởng phòng Kinh doanh thực phẩm chế biến, Công ty Vissan - cho biết, ngoài hơn 100 cửa hàng tiện lợi ở TP.Hồ Chí Minh, Vissan đã có 10 cửa hàng loại này ở Hà Nội, 10 cửa hàng ở Đà Nẵng và 1 cửa hàng ở Bình Dương. Vissan mở cửa hàng tiện ích này là thực hiện chủ trương bán hàng bình ổn với 8 nhóm hàng thực phẩm. Hệ thống cửa hàng là nơi để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đây cũng là địa chỉ tiếp nhận sự phản hồi của người tiêu dùng, từ đó công ty sẽ biết được người dân cần gì để sản xuất cho đúng hướng.
Ông Võ Hoàng Anh- Giám đốc marketing Saigon Co.op - cho biết, trong năm 2014, Saigon Co.op tiếp tục mở 10 cửa hàng mới, cải tiến chất lượng hàng hóa, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Kỳ II: Bán hàng kém chất lượng
Thế Vĩnh - Thùy Dương
Nguồn Báo Công thương